Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

DI CẢO CỦA CỤ SÀO NAM - PHAN BỘI CHÂU KHỔNG HỌC ÐĂNG


Tôi tình cờ đọc tập san Xây Dựng số 119 xuất bản tại San José. Tập san này có in một lá thư mời tham dự buổi hội thảo về một quyển sách tựa đề là “Tổ Quốc Ăn Năn” của tác giả Nguyễn gia Kiểng. Ðọc thêm các bài viết trong tập san đó của tác giả Thụy Giao và Tôn Thất Thiện, tôi mới hiểu thêm rằng ông Nguyễn Gia Kiểng trong quyển sách của ông, đã xét lại toàn bộ lịch sử Việt Nam và kết luận rằng chướng ngại căn bản của tình trạng bế tắc của xã hội Việt Nam là văn hóa Khổng Giáo....


Buổi hội thảo đó được tổ chức vào ngày đầu tháng 12 năm 2001. Tôi đọc tờ tập san cũ đó trong năm 2003. Cho nên dù có muốn tham dự buổi hội thảo đó cũng không thể được vì quá muộn. Tuy nhiên đề tài của buổi hội thảo đã làm cho tôi nhiều suy tư. Tư tưởng của Khổng tử hay nói theo ông Nguyễn Gia Kiểng, tư tưởng mà Khổng Tử ghi chép lại là một hệ thống triết lý, luân lý và đã trở thành đạo sống của quốc gia từ bao nhiêu năm nay.

Ông Nguyễn Gia Kiểng bài bác văn hóa Khổng Mạnh như là một thứ văn hóa xác quyết, bất cần chứng minh, một thứ văn hóa phủ nhận kiến thức, một thứ văn hóa chống các điều mới, thù ghét thương nghiệp và bất dung thứ. Theo ông đó là một thứ văn hóa đã đặt xã hội trong tình thế thù nghịch thường trực.

Tôi không có ý kiến về sự bài bác này vì nó không thuộc chuyên môn của tôi. Tuy nhiên tôi cũng có đọc vài quyển sách nói về tư tưởng của Khổng Tử mà người Trung Hoa gọi ông là Vạn Ðại Quốc Sư. Ngoài những sách viết về Khổng Tử của học giả Trần Trọng Kim dưới tựa đề NHO GIÁO I và II , ÐẠI HỌC, TRUNG DUNG của Tạ Thanh Bạch, KHỔNG HỌC TINH HOA của Nguyễn Duy Cần hay KHỔNG HỌC TINH HOA của Nguyễn văn Thọ mà chúng tôi có dịp đọc qua, tôi muốn nói đến một quyển sách tựa là KHỔNG HỌC ÐĂNG của cụ Sào Nam Phan Bội Châu. Ông viết quyển sách này vào năm 1926 và hoàn tất vào năm 1936.

Theo lời của nhà xuất bản Xuân Thu thì đây là một di cảo có giá trị nhất và công phu nhất của cụ Phan Bội Châu. Nhà xuất bản Xuân Thu viết: “ với nhan đề Khổng Học Ðăng, nhà chí sĩ tiền bối có ý đưa ra cái tinh hoa của nền Khổng Học, một nền cổ học siêu việt đã chế ngự tư tưởng Ðông Phương.”



Ðọc quyển KHỔNG HỌC ÐĂNG, tôi ngạc nhiên về thái độ hết sức cẩn trọng của tác giả đối với quyển sách của mình. Trong phần mở đầu của quyển sách, tức là phần mà ông gọi là PHÀM LỆ, ông liệt kê những hạng người mà ông không muốn họ đọc quyển sách của mình, tức là những hạng người không nên nghiên cứu tư tưởng của Khổng Tử. Ông viết như sau:

“1. Mục đích người làm bản sách này là cốt phù trì nhân đạo, nếu ai không để lòng nhân đạo, thời xin chớ đọc.

“ 2. Lại cốt phát huy chân lý để duy trì nhân tâm; bởi vì nhân tâm còn xấu thời thế đạo không bao giờ tốt. Vậy nếu ai đã mất hết nhân tâm thời chắc không muốn đọc bản sách nầy mà tác giả cũng xin chớ đọc.

“3. Tác giả lại muốn cho người ta biết học cũ vẫn không phải trần hủ, mà học mới vẫn không phải là phù hoa. Nếu học cho đến tinh thần thời ví như làm nhà: học cũ như nền tảng, mà học mới tức là tài liệu; hai bên vẫn có thể giùm cho nhau làm nên một tòa nhà hoa mỹ. Chẳng bao giờ không tài liệu mà làm nên nhà và cần thứ nhất là chẳng bao giờ không nền tảng mà dựng được nhà. Tác giả viết bản sách nầy là muốn điều hòa học cũ với học mới; hai bên tương thành cùng nhau, mà quyết không tương phản.

“Nếu ai chưa để mắt vào bản sách nầy mà trước đã có một ý kiến sẳn : hoặc bài bác học cũ, hoặc công kích học mới hễ có ý ấy thời xin chớ đọc.

“4. Tác giả nói học cũ là nói chân triết lý của Á Châu từ thuở xưa; nói học mới là chỉ nói khoa học tối tân thiệt có ích với nhân sinh của thế giới bây giờ.

“ Cái danh từ học cũ chẳng phải là cái đồ để đánh cắp áo mũ cân đai đâu! Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hót gạt mề đay kim khánh đâu! Vậy tác giả xin thề trước ba hạng người:

a/ Hạng người chỉ tranh ngôi thứ xôi thịt trong đình làng;


b/ Hạng người muốn lòe loẹt khoe khoang, lấy om cơm túi bạc làm mồi hạnh phúc;


c/ Hạng người xu quyền phụ thế, lấy đồng bào chủng tộc làm mồi vinh thân;

Ba hạng người ấy, tác giả xin chớ đọc đến quyển sách nầy: tác giả cũng chắc trước rằng họ nhất định không thèm đọc. Bởi vì họ nhận định một cái giá trị rất cao, là muông chim, là lục súc, là ma quỷ, yêu tinh, thời bản chất nầy nói nhân đạo họ đọc làm gì?

“5. Hễ ai đọc bản sách nầy, trước phải lập định cái chí khí tự nhiên rằng: “ Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá lạp Ðồ ( Platon), ta là Khang Ðức ( Emmanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền; ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi”. Có chí khí ấy thời đọc quyển sách nầy mới thích.

“ Nếu ai chưa đọc quyển sách nầy mà trước đã có một ý kiến sẵn : định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay thời xin chớ đọc”.
Huế mùa Xuân Kỷ Tỵ ( 1929)


SÀO NAM PHAN BỘI CHÂU 

Thưa độc giả thân mến của Tập san Tinh Thần!


Ai viết sách mới, ai có tư tưởng hay đều muốn sách mình, tư tưởng mình được quảng bá càng sâu rộng càng tốt. Cụ Phan Bội Châu làm điều trái ngược. Cụ liệt kê để loại bỏ những thành phần mà cụ cho rằng nếu có đọc sách của cụ viết cũng vô ích. Cụ muốn nói rằng những hạng người đó có học tư tưởng của Khổng Mạnh cũng vô bổ mà thôi.

Chúng tôi nghỉ nếu dân thiếu hiểu biết, dân cần phải được giáo hóa. Nếu dân tình xấu xa, thì dân tình đó lại càng cần phải dạy dỗ để sửa đổi. Cách nay hơn hai ngàn năm, khi Chúa Jesus ngồi ăn chung với những hạng người xấu nết thì những nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái đã chỉ trích Ngài : “Làm sao Thầy ngồi ăn chung với những kẻ xấu nết như vậy?” Chúa Jesus nghe lời chỉ trích đó, đã trả lời rằng; “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ người đau mới cần bác sĩ. Ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình song để kêu kẻ có tội.” (Mathiơ 9:10-13).

Chúa Jesus nói đến nhu cầu của con người. Ngài chỉ đến nơi nào cần đến Ngài. Cụ Phan Bội Châu không nghĩ đến vai trò cải hóa con người, Chúa Jesus không những muốn cải hóa mà còn muốn cứu người. Cụ Phan Bội Châu không tin con người có thể thay đổi nên có những hạng người không nên đọc sách của thánh hiền. Chúa Jesus tin rằng con người có lòng ăn năn và có thể thay đổi nên Ngài sẵn sàng đến thế gian để cứu những ai biết hối hận, biết tội lỗi của mình.

Trong tinh thần đáp ứng giữa cung và cầu đó, quyển Kinh Thánh là quyển sách ghi lại lời của Thượng Ðế cho loài người đã được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới với một vận tốc khó tưởng tượng. Quyển Kinh Thánh dày cả ngàn trang và theo thống kê, mỗi phút có 22 quyển được in ra, ngày cũng như đêm. Ðiều này có nghĩa là có 32,876 quyển Kinh Thánh được in ra mỗi ngày. Cho đến ngày hôm nay, quyển Kinh Thánh đã được dịch ra hơn 3000 thứ tiếng. Không có bất cứ quyển sách nào trên thế giới có thể so sánh về mức độ phổ biến rộng rãi như vậy.


Kinh Thánh nói về một cuộc sống bình an, hạnh phúc và nói về một tương lai của con người sau khi thân xác này được chôn vùi trong lòng đất. Dù quý vị là ai, đang ở đâu, đang làm gì, đang sống như thế nào, quý vị cũng là người đang đi tìm hạnh phúc của đời này và một bảo đảm cho đời sau. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao quý vị không cố gắng tìm đọc quyển Kinh Thánh này vì nó đưa ra một con đường mà quý vị đang tìm kiếm.

Khác hẳn với cụ Phan Bội Châu, người đã rào đón, ngăn cản một số người không xứng đáng đọc quyển sách Khổng Học Ðăng mà cụ dày công nghiên cứu sưu tầm, Chúa Jesus đã chỉ thị cho các môn đồ của Ngài : “Hãy đi khắp thế gian mà rao truyền Tin lành cho mọi người bởi vì chính Tin lành này sẽ cứu nhân loại”.

Tập san Tinh Thần tiếp tay với các môn đồ của Chúa làm công việc đó : phổ biến chương trình cứu người của Ðức Chúa Trời.

Ðọc hay không , tìm hiểu hay không là thuộc quyền quyết định của quý vị và thuộc về số phần của quý vị. Không một lời ngăn cản, không một lời rào trước đón sau, mời nhận tất cả mọi người dù họ là kẻ bất nhân, học mới hay học cũ, tranh ngôi, xôi thịt, lòa loẹt, khoe khoang, xu quyền phụ thế.

Tuy nhiên chỉ những ai biết mình là những người xấu, tự cho mình không xứng đáng thì mới được cứu. Còn những ai cho mình là tốt, là tu thân tích đức rồi tự mãn, là đi đúng đường nên không tìm kiếm đạo, hay những ai thỏa mãn với đời sống hiện tại nên chẳng quan tâm đến tương lai đời đời thì vì không muốn tìm đọc quyển Kinh Thánh nên đó là những hạng người sẽ bị hư mất đời đời.

Thật tội nghiệp thay cho những người này!

Thiên Đăng