Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

NÓI CHUYỆN VỚI MỘT NGƯỜI VÔ THẦN VỀ KITÔ GIÁO


Cách đây không lâu, chủ nghĩa vô thần là một hệ thống tín ngưỡng mà họ không dám nói tên. Ngay cả người hoài nghi hăng hái nhất cũng có lúc miễn cưỡng bảy tỏ niềm tin, hoặc chí ít là đối với những phúc lành là nguồn cội của nhân loại. 



Nhưng điều này không còn nữa. Chủ nghĩa vô thần trở thành một ảnh hưởng mạnh mẽ và đang phát triển trong nền văn hoá của chúng ta. Bạn có thể nhìn thấy chúng ở mọi nơi, từ kệ trưng bày những quyển sách bán chạy nhất tại nhà sách cho đến những miếng dán hình con cá (biểu tượng của Kitô giáo) bị biến hoá theo kiểu Darwin trên xe hơi nơi đường phố. Những người theo chủ nghĩa vô thần thoải mái tuyên bố họ là vô thần, thoải mái phát huy chủ nghĩa vô thần và thoải mái gièm pha tôn giáo, và theo những nhà vô thần lỗi lạc, tôn giáo nằm trong danh sách những ơn lành của nhân loại, ở nơi nào đó giữa bệnh bạch cầu và Chủ nghĩa Phátxít.

Và trong thời đại ngày nay, chúng ta đối mặt với chủ nghĩa vô thần thường xuyên hơn, nhưng Cơ Đốc nhân đôi khi nhận thấy mình không được chuẩn bị tốt để đương đầu với kiểu chủ nghĩa vô thần mạnh mẽ này. Đặc biệt đối với những người suốt cả đời là 
Cơ Đốc nhân, những lý luận của những người theo thuyết vô thần quá xa lạ đối với họ làm cho họ không biết phản ứng lại thế nào, và thường rơi vào trạng thái tức giận (“Làm sao bạn dám nói thế?!”) hoặc trạng thái lo sợ (“Nếu họ nói đúng thì sao?!”), cả hai trạng thái đều không tốt, làm nguy hại đến vai trò chứng nhân của một Cơ Đốc nhân, và giúp cho những người vô thần càng vững vàng trong chủ nghĩa vô thần của mình.

Nếu chúng ta sẽ phải đương đầu ngày một nhiều hơn với những người theo thuyết vô thần (và thật sự là như thế, có thể ở nơi làm việc hoặc nơi tiệm giặt ủi công cộng hoặc ngay cả tại bàn ăn), chúng ta nên được chuẩn bị để giải thích niềm tin của chúng ta theo một cách tạo ra tiếng vang đối với những người không có đức tin. Dưới đây là một danh sách những điều cần làm và không nên làm mà bạn cần chú ý khi thảo luận về vấn đề tôn giáo với những người theo thuyết vô thần:

1. Đừng sợ thừa nhận bạn có niềm tin. Những Cơ Đốc nhân thường cho biết họ lâm vào tình tình huống đối mặt với chủ đề: tại sao họ lại tin, và tất cả những gì họ có thể trả lời chính là họ có niềm tin cho dù họ chưa bao giờ thực hiện bất kỳ nghiên cứu tìm tòi nào. Họ thường cảm thấy xấu hổ về điều này. Nếu bạn vướng vào một cuộc trò chuyện về lý do tại sao bạn tin và đó là tất cả những gì bạn có, cũng đừng e sợ. Cố gắng nói năng thật rõ ràng lưu loát. Ví dụ, bạn có thể giải thích rằng niềm tin của bạn không khác gì một câu chuyện bạn kể về những gì mình cảm thấy hạnh phúc, hoặc nói về điều gì làm bạn tin rằng bạn có một mối quan hệ thật sự với một Đấng bên ngoài thế giới vật chất.
 
2. Đừng kết luận rằng những người bạn theo chủ nghĩa vô thần của bạn tức giận Chúa hoặc cảm thấy có điều gì đó khiếm khuyết trong cuộc sống của họ. Hãy nói chuyện với họ từ giả thuyết rằng người này theo chủ nghĩa vô thần đơn giản bởi vì cô ta/anh ta chưa được nhìn thấy bất cứ bằng chứng nào chứng minh Chúa tồn tại.

3. Đừng trích dẫn Kinh Thánh, nhưng hãy nắm chắc Kinh Thánh. Kinh Thánh chính là nguồn của sự khôn ngoan tuyệt vời, nhưng nếu bạn trích dẫn Kinh Thánh với một người theo chủ nghĩa vô thần như một người am hiểu, điều này cũng giống như bác sĩ giải thích chẩn đoán của mình với bạn bằng cách đọc một đoạn văn trong truyện Harry Potter. Đừng nghĩ chỉ cần nói ra những câu Kinh Thánh và hy vọng thuyết phục được ai đó. Nội dung của mỗi câu Kinh Thánh đều có những nguyên nhân. Hãy học biết những nguyên nhân phía sau và được chuẩn bị để giải thích chúng. 

4. Đừng cảm thấy như bạn phải có tất cả các câu trả lời ngay lập tức. Tốt hơn rất nhiều khi chỉ cần nói một cách đơn giản: “Một câu hỏi tuyệt vời! Tôi chưa có câu trả lời, nhưng tôi rất thích tìm hiểu và trả lời sau cho bạn”, thay vì cố sức với lĩnh vực xa lạ đối với bạn.

5. Hãy giải thích bức tranh toàn cảnh. Hãy tìm hiểu để quen với bối cảnh lịch sử Kitô giáo, và đưa ra những lời giải thích sâu về những lý do làm cho tôn giáo này vô cùng hấp dẫn -rằng cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu ứng nghiệm những câu Kinh Thánh trong Cựu Ước mà tất cả những nhà sử học đều công nhận đã xuất hiện trước thời của Ngài; rằng hầu hết tất cả các tông đồ đều tử đạo vì niềm tin của họ; rằng Kitô giáo lan rộng rất nhanh bất chấp những cuộc bách hại khủng khiếp. Nghiên cứu những bài viết của những tín hữu thời sơ khai, những người bảo vệ Kitô giáo trong bối cảnh một thế giới ngoại giáo chống đối niềm tin của họ trên một phương diện rộng.


6. Biết lý luận. Đừng thiếu suy xét khi bỏ qua những căn cứ khoa học hoặc logic. Đúng là khoa học không có được tất cả câu trả lời, nhưng nó có được một số câu trả lời và nếu bạn cố để phủ nhận nó, bạn sẽ gặp phải nguy cơ tự đẩy mình trở thành người có suy nghĩ lập dị. Có một quá trình lịch sử dài nghiên cứu về những lý lẽ có căn cứ dành cho Kitô giáo, và nếu bạn sử dụng chúng, những gì bạn nói sẽ làm cho những người bạn theo chủ nghĩa vô thần của bạn có thể hiểu được. Hãy tìm hiểu về một vài triết gia Kitô giáo và những nhà biện bộ tôn giáo. Nếu bạn vẫn chưa đọc tác phẩm Mere Christianity của C.S. Lewis, bạn còn chần chừ gì nữa?

7. Hãy nhận thức rằng mục tiêu duy nhất của bạn chính là gieo hạt. Trong những cuộc tranh luận, có những lúc có thể bạn quá tập trung vào chi tiết và quên đi bức tranh toàn cảnh. Hoàn toàn không thể nào chỉ trong một cuộc trò chuyện, người bạn cùng trò chuyện được thuyết phục bởi chân lý Kitô giáo. Chỉ cần cố gắng hết sức có thể để bảo vệ niềm tin Kitô giáo, và nhớ rằng rốt cuộc thì cuộc trò chuyện là công việc của Chúa, không phải của bạn.
 
8. Hãy đặt bản thân mình vào trong vị trí của người bạn theo chủ nghĩa vô thần. Ví dụ như, giả sử sẽ thế nào nếu Kitô giáo là sai và thần thoại Hy Lạp mới thật sự đúng? Điều gì thuyết phục bạn tin vào điều đó?

9. Đừng sử dụng quá nhiều những câu khẩu hiệu của Kitô giáo. Những Kitô hữu phải “phó dâng tâm hồn mình cho Chúa Giêsu” và “Chúa Thánh Linh ngự trong chúng ta” và chúng ta “bước đi mỗi ngày cùng với Đấng Cứu Thế”, để chúng ta “ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian”. Tất cả những câu khẩu hiệu ấy, đối với bất cứ một 
Cơ Đốc nhân nào cũng rất ý nghĩa, sâu sắc và hiểu được ngay, nhưng lại không hề có một ý nghĩa gì đối với những người ngoài niềm tin Kitô giáo. Thật khó để tránh, vì chúng ta đã quen sử dụng chúng một cách ngắn gọn, nhanh chóng cho những khái niệm rất phức tạp. Nhưng bạn nên giải thích những khái niệm ấy bằng những thuật ngữ đơn giản. 

10. Cầu nguyện. Đừng mắc sai lầm khi đưa ra câu trả lời chỉ dựa vào sự khôn ngoan của bản thân trong khi bạn có Thần Khí Chúa bên cạnh hướng dẫn. Hãy cầu nguyện để bản thân có được sự chỉ dẫn và cầu nguyện cho những người bạn theo chủ nghĩa vô thần của bạn có được một tâm hồn dễ tiếp nhận. Bạn sẽ ngạc nhiên trước tính hiệu quả của phương cách này. Và nó cũng có ích cho chính bạn.

Chúng tôi không khuyến khích bất cứ ai đi tìm một cuộc tranh luận - mà không bao giờ thuyết phục được ai vào gia đình của Chúa. Nhưng nếu được chuẩn bị về tinh thần, một khi thời giờ đến, bạn sẽ sẵn sàng để nói về đức tin theo những thuật ngữ quen thuộc với những người bạn không có niềm tin và những thành viên trong gia đình.

Jason Anderson và Jennifer Fulwiler.













Thiên Ân dịch