Dường như chỉ mới hôm qua, Cha tôi đã hỏi tôi: “Bây giờ cảnh gia đình khó khăn quá, con muốn làm chi.” Tôi thưa với Cha tôi: “Thưa Cha, nếu được, xin Cha cho con tiếp tục đi học.” Thế là Cha tôi chiều theo yêu sách của tôi, hàng ngày tôi đón xe đò, đi khoảng 10km, tới trường huyện để học. Đó là những năm tôi mới bước vào trung học. Khi nào không làm rẫy rừng chi, Cha lại lấy xe đạp chở tôi đi học. Đó là những thời gian mà tôi vui thích nhất vì được Cha kể đủ thứ chuyện cho nghe, nhất là những kỷ niệm khi Cha còn đi coi mạch, làm thuốc. Ở gần bên Cha, tôi học được rất nhiều điều mà chẳng trường lớp nào dạy cả, từ cách ăn ở, đi đứng nói năng, cho đến cách thức làm việc… mỗi chút Cha đều nhắc nhở, dạy dỗ chúng tôi.
Tôi chẳng hiểu yêu cầu của mình gây khó khăn thể nào cho gia đình và cho riêng Cha tôi, nhưng tôi vẫn luôn nhớ rằng khi tôi còn bé lắm, Cha tôi vẫn dạy tôi: “Học giả hảo, bất học giả hảo… Học cũng tốt mà không học cũng tốt. Học thì như lúa như gạo, không học thì như cây như cỏ…” Vì thế, khi huyện đã hết lớp thì tôi xin Cha lên tỉnh để học. Lần này, cha tôi và cả gia đình đều dọn theo. Chính quyết định này của Cha đã đem cả gia đình tôi đến một ngã rẽ rất quan trọng, ấy là sự kiện Chúa cứu cả gia đình chúng tôi.
Một ngày nọ sau khi tan sở làm, cha tôi đến nhà thờ Tin Lành tìm gặp ông Mục sư và nói: “Thưa ông, tôi muốn tìm hiểu về đạo Tin Lành.” Thế là từ đó, chúng tôi có cơ hội làm quen với Hội thánh, Kinh Thánh, và các anh chị em trong Chúa cùng niềm tin.
Tin Chúa được vài ngày, cha tôi nói với chúng tôi: “Chúa nhật này mẹ và các con nghỉ, khỏi đi bán, mình đi nhà thờ.” Chị em chúng tôi thì hớn hở, tíu tít! Nhưng mẹ thì lo lắng: “Vậy mình lấy chi đi chợ?” Cha tôi nói: “Chuyện đó để Chúa lo!”
Một tuần sau, tôi còn nhớ rõ đó là ngày rằm, chúng tôi về nhà sau khi đi nhóm thanh niên, tự dưng thấy Cha tôi cầm nén nhang, đứng ngay bàn thờ và một chung rượu. Tôi ngây ngô đứng quan sát cha mình, thấy mắt ông ứa hai giọt lệ, dường như trong nội tâm ông đã đang xảy ra một cuộc chiến thật mãnh liệt. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất cho đến nay tôi thấy Cha tôi khóc.
Rồi sau đó Cha tôi gọi Chú tôi đến, giải thích cho Chú hiểu vì sao Cha không giữ bàn thờ nữa. Cha tôi nói, Chúa dạy rằng chúng ta phải hiếu kính cha mẹ, có nghĩa là khi cha mẹ còn sống, chúng ta hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc cho phải đạo làm con, nhưng khi cha mẹ đã mãn phần, thân xác trở về với cát bụi, còn linh hồn thì đi với Chúa, vậy thì thờ cúng chẳng qua chỉ là một cách hiểu, nhưng không chính xác theo lời dạy của Kinh Thánh. Vả lại, nếu chúng ta thờ phụng như thế, nhiều nhất là năm đời. Vậy thì còn những đời trước chúng ta phải thờ như thế nào cho phải, không lẽ cúng kiến chỉ có năm đời rồi các ông bà khác chúng ta không cúng giỗ thì họ chết đói hay sao!
Nhớ khi còn bé, mẹ hay đi chợ huyện, còn ba ở nhà chăn lũ trẻ chúng tôi, trong khi chúng tôi cứ bận rộn bày bán hàng rong, chơi nấu cơm với những thứ đồ chơi con nít, chờ quà mẹ mua ở chợ về thì cha cứ y như là một bà mẹ ‘ruộng’ chính gốc, cứ Lục Vân Tiên ngâm riết rồi chị em tôi cũng nhập tâm luôn:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình
Vậy mà sao Cha tôi trong chỉ một ngày đã bỏ bàn thờ? Vậy thì chữ trung ở chỗ nào, chữ hiếu ở đâu? Tuổi tôi còn quá nhỏ để hiểu điều này, nhưng trong khi lắng nghe Cha tôi nói chuyện với Chú, tôi hiểu ra rằng sự hiếu đạo mà chúng ta thường hiểu là chưa đúng và chưa đủ.
Chưa đúng vì như Cha đã giải thích, thờ mãi đến đời thứ năm rồi những vị trước đó thì sao? Chưa đủ vì nếu chúng ta chỉ thờ ông bà, tổ tiên mà quên mất Đấng tạo dựng ra họ thì chúng ta đã khiếm khuyến trong việc giữ chữ hiếu hay chăng?
Ấy thế mà Đấng tạo hóa ấy vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta như một người đang yêu chờ đợi người mình yêu, dầu rằng người Ngài yêu đã đem lòng yêu người khác.
Kính thưa thính giả, không phải vì chúng ta xứng đáng với tình yêu ấy mà Ngài phải chờ chúng ta đâu, nhưng vì lòng Ngài yêu thương chúng ta quá đỗi đã khiến cho Ngài thật kiên nhẫn để đợi chờ chúng ta. Tình yêu của Ngài cũng giống như của người cha đối với đứa con hoang đàng của mình, dầu nó không biết Cha thương nó, nhưng không vì thế mà Cha vơi đi tình yêu Cha đã dành cho nó, giống như câu chuyện về một cụ già và đứa con trai mình mà cha tôi đã có lần kể cho chúng tôi nghe như sau:
Một cụ già đang đi dạo với cậu con trai mình, chợt ông nghe tiếng chim kêu trên cành cây, chậm rãi ông hỏi con, ‘Con ơi, con gì kêu vậy con?’. Cậu con trai trả lời: “Con quạ, thưa Cha.” Một chặp nữa, ông lại hỏi nữa, cũng cùng một câu hỏi, người con cũng trả lời như thế, “Thưa Cha, con quạ.” Hai phút sau, ông lại hỏi nữa, cũng là câu hỏi ấy, người con bắt đầu hơi gắt gỏng: “Con Quạ, cha quên rồi sao, con mới trả lời đây mà.” Một chặp sau, ông già lại hỏi nữa, lần này cậu con trai la to: “Đúng là Cha đã lẫn rồi! Hỏi bao nhiêu lần cũng cùng một câu hỏi.”
Một chặp sau, người Cha chậm rãi bước vô nhà, chậm chạp kéo hộc tủ, lấy ra một cuốn nhật ký đã cũ kỹ, bìa đã hoen ố. Rồi cũng cùng một động tác chậm chạp như thế, Ông dở nó ra, rồi ông bắt đầu đọc: “Hôm nay, đứa con trai bé bỏng của tôi đã hỏi tôi hai mươi mốt lần: Cha ơi, con gì kêu vậy Cha, và tôi đã trả lời đúng hai mươi mốt lần: Con yêu dấu, ấy là con quạ!”
Kính thưa quý thính giả, nhân ngày nhớ ơn Cha hôm nay, tôi xin gởi đến quý vị câu chuyện này, ước mong rằng qua câu chuyện này tất cả mỗi chúng ta sẽ tìm thấy được hình ảnh của chính mình và người cha mình.
Đến với những người cha, tôi mong rằng quý vị cũng sẽ thấy được chính mình. Những người cha đầy bao dung, độ lượng, sẵn sàng trả lời con mình không chỉ một hay hai lần mà tới những 21 lần, và trong những lần như vậy, họ đều thấy được cái vinh hạnh quý giá của người làm cha, ấy là cơ hội để dạy dỗ con mình lòng bao dung và sự kiên nhẫn, cơ hội bày tỏ tình thương cho những đứa con ngây thơ mới chập chững bước vào đời. Ấy là cơ hội để hướng dẫn cho chúng trở thành những người nắm chắc chiếc đuốc đức tin bước đi trong Chúa với niềm hi vọng tràn đầy vì biết chắc chúng đang thấy Đức Chúa Trời yêu thương đang đồng hành qua chính người cha trần thế của mình. Cám ơn quý vị hiền phụ, những người đã hi sinh rất nhiều cho thế hệ nối tiếp, đã góp phần lót những viên gạch đức tin đầu tiên cho con em mình, đó chắc chắn là gia sản quý giá mà Chúa rất hài lòng.
Lời sau cùng đến với Cha tôi: Thưa Cha, con biết chắc chắn Cha đang nghe con nói, Cha ơi, con yêu Cha lắm. Con cám ơn Cha vô cùng vì Cha đã yêu thương, nuôi dưỡng và dạy dỗ con nên người, nhưng trên hết mọi điều ấy, chính Cha đã đưa dắt con về với Đấng Tạo Hóa của mình, cho con có một cuộc đời thật sung mãn trong Chúa Cứu Thế. Cha ơi, Cha chính thật là một nguồn phước mà Chúa đã ban tặng cho chúng con. Cầu xin Chúa cho Cha thỏa lòng sống lâu và sống thật hạnh phước ở trong tình thương của Chúa.
Vũ Nguyễn Thiên Ái
1 September 2008
1 September 2008