Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

CUỘC ÐỜI CỦA SADHU SUNDAR SINGH - 3


HIỂM NGUY VÀ CHẾT CHÓC
                (1914 – 1918)


“ Thật không thể có được, bạn không thể tin được. Những chuyện ấy ông ta tưởng tượng đó thôi!” Những người nghe ông kể chuyện thường nói với nhau như vậy.
Nhiều người chán ngán khi nghe ông làm chứng về quyền năng của Chúa bày tỏ trong những chuyến đi mạo hiểm truyền giáo của ông. Họ xem Sundar như là một người bịa chuyện, vì họ không có những kinh nghiệm sống, không có sự hiểu biết rộng rãi và họ cũng chưa từng có những chuyến du hành như ông. Dầu vậy, ngoài ông ra có khá nhiều người chứng kiến kể lại những câu chuyện khó tin ấy làm hậu thuẫn để chẳng ai có thể tranh cãi được.
Lần kia, khi Sadhu Sundar đi tàu lửa từ Bombay trở về miền Bắc, một người đàn ông thấp lùn, cặp mắt sắc bén bước vào trong toa, mang theo cái không khí ghê rợn. Chốc lát sau, hắn ta nói với hành khách trên tàu rằng mình là thầy phù thủy, một người trong đám hành khách cười và thách thức điều hắn ta nói. Trước khi người ấy có thì giờ phản đối thì đã bị hắn ta thôi miên rồi. Sundar can thiệp vào việc của tên phù thủy bằng cách gióng tiếng lên nói thu hút sự chú ý của mọi người trên tàu. Người đàn ông thấp lùn ấy ném ánh mắt nhọn hoắt nhìn chòng chọc vào Sundar. Sundar cúi đầu cầu nguyện. Khoảng nửa giờ, người phù thủy lâm râm trong miệng. lật ra bùa quẻ và đợi chờ. Ðột nhiên hắn ta la lên, nơi Sundar có một cuốn sách trong túi làm ngăn trở hiệu năng của bùa phép. Sundar lấy ra cuốn Phúc Âm Giăng và để trên chỗ ngồi. Thử lại một lần nữa, người phù thủy không hề quen biết Sadhu bảo rằng còn có một giấy duy nhất của cùng cuốn sách ấy trên người của Sadhu. Thật vậy, Sundar có nhặt được một trang sách của quyển Kinh Thánh Tân Ước trên sàn tàu vì ông không muốn để có kẻ vô tình dẫm chân lên rồi ông cất nó lên trên cuốn sách Phúc âm của ông. Sau cùng người phù thủy yêu cầu ông Sadhu cởi hết áo vàng ra, nhưng chẳng thấy có giúp được gì cho quyền lực thôi miên của ông.


Khi người phù thủy thua cuộc, Sundar khởi sự hành động. Ông nói về một quyền năng lớn hơn quyền năng của sự độc ác. Quyền năng đó nằm trong cuốn sách bị nhiều người khinh chê và như thế Sundar đã có dịp để rao truyền Phúc âm.
Quyền năng của Chúa trong ông đối với dã thú cũng vĩ đại như đối với loài người. Bạn bè của ông đã từng chứng kiến quyền năng phi thường trên những thú rừng để chúng chẳng dám hãm hại ông. Ngày nọ, ông ở lại với bạn tại Cao Nguyên Simla. Sau cơm tối, họ ngồi chơi trước hiên cửa nhà và Sadhu yên lặng tiến về phía bụi cây , ngang qua sân cỏ hướng về đám cây rừng bọc quanh vườn. Ông đứng nhìn chăm chú qua thung lũng những đóm đèn sáng của ngôi làng đằng xa. Bỗng nhiên, người bạn còn ngồi trước hiên cửa đứng thẳng dậy, rợn người khi thấy một con báo trườn ra khỏi chòm cây bên cạnh vườn, đuôi nó duỗi thẳng ra, bụng nó sà đụng mặt đất. Nó dừng lại không cử động. nhìn chăm chú vào Sadhu rồi tiến về phía ông. Người bạn như nghẹn thở, chẳng dám la lớn vì sợ gây cớ cho con thú nhảy tới. Sadhu yên lặng quay lại nhìn thấy con báo, nhẹ nhàng đưa cánh tay về phía nó. Con báo đứng lại, rồi tiến lên đứng bên cạnh Sundar bất động. Ông lấy tay vỗ nhẹ trên đầu bóng mướt của con báo như vỗ về một con vật bình thường trong nhà. Người ban đứng trong nhà thở phào nhẹ nhõm. Không cần phải lo sợ nữa. Con báo đứng, thân mình đu đưa nhè nhẹ, thỉnh thoảng ngước lên nhìn ông Sundar đang trầm ngâm cho đến khi Sundar xong việc tĩnh nguyện. Ngay sau khi Sundar quay trở vô nhà, con báo dài xọc, dễ thương, dáng dấp hùng dũng cũng khuất bóng sau đám cây rừng.


Những câu chuyện như thế không thể nào đặt thành nghi vấn được. Có nhiều nhân chứng độc lập xác nhận dù có nhiều chuyện Sadhu không nhắc đến. Ðối với ông những chuyện như thế là những sự kiện trong đời sống hằng ngày không thể không có được nơi một người như ông. Người thanh niên này nhận ơn từ ai để có sự an toàn, tránh được gian nguy, hãm hại từ những kẻ độc ác và dã thú? Chính Sudar không do dự xác nhận rằng Ðức Chúa Trời đã che chở và ban quyền phép cho bất cứ ai tin cậy nơi Ngài.
Sundar tin cậy nơi Ðức Chúa Trời về thực phẩm, về tài chánh, về sự che chở và về sự dẫn dắt của Ngài. Chuyện này đến chuyện khác chứng tỏ rằng Chúa không ngăn ngừa ông ta vào sự cám dỗ hay sự áp bức khó khăn và khủng bố. Ðức tin không phải là thứ bảo hiểm chống lại phần khốn khó, khác hơn người không tin cậy Chúa. Tuy nhiên ông luôn luôn có thể nói rằng Ðức Chúa Trời đã giữ lới hứa của Ngài với ông và cứu ông thoát khỏi sự dữ. Trong đức tin ấy, ông có thể đối diện với tất cả mọi việc.
Có người quả quyết rằng ông ta có được quyền năng kỳ diệu để bày tỏ sự bất năng của tội ác nơi những người khác và còn là những cơ hội để chứng tỏ rằng quyền năng của Ðức Chúa Trời là một điều hiển nhiên.

Sundar chẳng bỏ cơ hội nào để rao truyền Phúc Âm. Ông nói một cách đơn giản, mạnh mẽ với bất cứ ai gặp ông. Người ta có thể hiểu mọi điều ông rao truyền từ hai cuốn sách: thiên nhiên và Thánh Kinh.

“ Trong mọi nhà đều có con nhện. Nhiều người chúng ta cố trút hết tội lỗi cũng giống như các bà nội trợ quét hết các mạng nhện mà không diệt những con nhện”. Sundar thuờng nhắc điều đó.

Ði ngang qua miền Hy mã lạp sơn, Sundar phải đi ngang qua một vùng có loại cây cỏ làm cho du khách ngủ khi hít thở, nhưng chất độc của cây không làm hại ông. Sundar đã phát biểu như sau: “ làm thế nào lời cầu nguyện nghèo nàn của tôi giúp được người khác khi chính tôi là kẻ có tội? Sundar chỉ đám mây và nói: “ Mặt trời đem nước mặn từ biển lên cao, đến khi nó rơi xuống đất nước trở nên trong lành và uống được. Mặt trời đã làm sạch nước. Ðức Chúa Trời và lời cầu nguyện của chúng ta cũng thể ấy”. Ðó là phương cách ông thường nói chuyện với những ai muốn nghe. Trên toàn xứ Ấn độ hàng trăm người ông đã gặp trên đường, trong khu chợ, trên chuyến tàu và với những người ông giới thiệu để gặp Chúa Cứu Thế.


“Cơ đốc nhân là người ở trong tình yêu của Chúa Cứu Thế”

QUYỀN NĂNG VÀ VINH HIỂN
(1918-1919)

Ðầu năm 1918, Sadhu Sundar Singh là một trong những nhà truyền giáo trứ danh tại Ấn độ. Danh tiếng của ông không những đồn ra trong vòng những người Cơ đốc giáo mà còn lan rộng ra giữa những người ngoại giáo như Ấn độ giáo, Hồi giáo, Sikh và Parsees (Thần Lửa Giáo). Người ta nhìn thấy dáng đi đu đưa, cặp mắt lương thiện, lòng thanh sạch của ông khác biệt với tính luồn cúi, gây rối rắm, dối trá của nhiều nhà tu hành khác. Những chuyến mạo hiểm dũng cảm qua những biên cương cấm cửa đã làm say mê ngay cả những người chưa nghe qua chưa đọc một lời truyền giảng nào của ông. Trên tất cả, đối với những người tầm đạo chân thành, thông điệp giản dị, ngay thẳng và thực tiễn của ông về Ðức Chúa Trời và con người đã thu hút người ta kính nể và bước theo ông.

Trước tuổi hai mươi, danh tiếng ông đã đồn khắp nơi trên bán đảo Ấn độ. Khi người ta nghe ông sẽ đến nói chuyện tại một thành phố nào, những người nhiệt thành hay những người tò mò nô nức họp lại đông đảo trên đường phố hay các hội trường để nghe ông nói. Mỗi khi ông từ các chuyến mạo hiểm Tây Tạng trở về nơi cư trú ở Simla Hills, hàng đống thư từ chờ đợi ông mở ra. Phần nhiều là các bạn bè hay những người quen biết tình cờ, nhưng càng ngày càng có nhiều hơn từ những người xa lạ cố nài xin thuyết phục ông mở rộng sự truyền giảng đến tận thành phố của họ.

Sadhu thường hội thảo với các bạn bè thân tình tại Simla và Delhi. Dĩ nhiên ông không thể từ chối các lời yêu cầu của họ. Ông có một thông điệp mà cả Ấn độ nên nghe. Còn những ai đã từng tiếp xúc với ông ở miền Bắc thì sau này họ trở nên những thành viên khác biệt và hữu hiệu cho sự sống còn của các Hội Thánh Ðấng Christ. Sinh viên thuộc trường Cao Ðẳng Stephen tại Thủ đô Delhi, nơi ông đã từng lưu trú trong 10 năm trước, đã từng nói chuyện với họ trong hội trường hay tại nhà của Susil Rudra, nay họ là những lãnh đạo các Hội Thánh Ấn theo phương cách mà Sundar từng mơ tưởng đến là tách rời và độc lập khỏi ảnh hưởng của các giáo sĩ Tây Phương mà có niềm tin Cơ đốc và cách thờ phượng diễn đạt theo người bản xứ.
Thật là một chàng thanh niên lạ lùng và hoàn toàn đúng. Ơng sẵn sàng bỏ sự an toàn sống tại trường Cao đẳng và giáo khu để đổi lấy sự tự do và sự hiểm nguy của đời sống một Sadhu, tu sĩ áo vàng. Dầu vậy, vẫn có nhiều bạn bè lắc đầu nghi ngờ rằng làm sao tránh được những hiểm nguy lớn hơn, khác hơn đang chờ đón ông. Trở lại 10 năm về trước, khi ông bắt đầu chuyến hành trình qua Tây Tạng, danh tiếng của Sundar đã từng vang dội khắp nơi. Quý vị tưởng rằng Sundar cũng sẽ chịu cùng chung số phận như các thanh niên khác đã bước chân trên các con đường lót thảm họa – thành công, nịnh hót, kiêu hãnh và cuối cùng đi đến thảm họa khốc liệt sao?

Những người thân thuộc của ông không sợ những tấn công kịch liệt của sự xúi dục như thế. Họ biết ông là một tín hữu Cơ đốc bình thường, quăng bỏ con người cũ để hướng về Chúa Jesus , khiêm nhường trước tình yêu của Ðấng Cứu Thế của mình. Thật vậy, thế giới không có nghĩa nhiều đối với ông. Ông sống trong một thế giới nội tâm thuộc linh mới lạ. Thật khó mà biết về những kinh nghiệm của ông bày tỏ ở thứ bậc nào. Những bản viết tay của ông để lại thật sâu sắc như những bản Trung cổ huyền bí. Ý thức về sự hiện diện thân mật của Ðức Chúa Trời có thể làm cho người khác kính sợ và thực tế của thế giới tâm linh làm cho ông nổi giận mãnh liệt với chủ nghĩa duy vật của thính giả của ông.

Vào đầu năm 1918 Sadhu Sundar đi về miền Nam. Ðại hội lớn lần đầu tiên của ông được tổ chức tại Madras và ngôn ngữ là một trở ngại. Tiếng mẹ đẻ của ông là Hindustani, một ngôn ngữ thông dụng ở miền Bắc. Tại quê ông cũng vậy, có nhiều tiếng nói địa phương và ông học cả tiếng Anh để giao thiệp. Nhưng chuyến đi miềm Nam này, ông đối diện với một Hội Thánh mà tiếng nói là tiếng Tamil. Có một thông dịch viên, tuy rằng lời dịch thuật không thích đáng lắm nhưng lời của ông cũng làm cảm động mạnh mẽ nhiều thính giả.

Từ Madras, ông tiếp tục chuyến du hành từ thành phố này sang thành phố kia Tiếng tăm ông đi trước và các Hội Thánh lớn lên : Arcot, Travancore, Trivandrum – xuyên qua các trung tâm sinh hoạt Cơ đốc. Nhiều thành phố nơi Ấn độ giáo cổ kính đã bị ông xâm nhập và ông bước đi trong chiến thắng của Cơ đốc giáo. Vào buổi sáng, ông nói chuyện với các giáo sĩ, thầy truyền đạo, giáo sư và những người lãnh đạo Hội Thánh. Ông thuyết giảng tại các buổi họp học Kinh Thánh, làm chứng về những ơn phước Chúa ban cho. Người ta họp nhau dưới bóng mát của các cây dừa bên lề đường, tại những khu đất trống trước những ngôi đền miếu , ngay cả bên bờ sông. Nhiều khi 500 lắm lúc có cả 10,000 thính giả. Sau mỗi lần hội họp như vậy thường có những câu hỏi, thảo luận hoặc có những nhóm người muốn thảo luận về những vấn đề riêng tư. Trong mỗi thành phố cộng đồng người Cơ đốc giáo được phục hưng và hàng trăm thân hữu bắt đầu chú ý tìm kiếm lẽ thật.

Sadhu không quen tham dự những buổi họp cộng đồng thảo luận đông đảo và liên tục như vậy. Việc tổ chức những nơi nào ông đi qua và sắp xếp chương trình bất cứ tại nơi nào ông đến đều do nhiều người . Vào những lần như thế, rất khó tìm thì giờ để đọc Kinh Thánh và tĩnh nguyện riêng với Chúa, làm cho ông khắc khoải trong lòng. Ông hầu như muốn từ chối nhưng có nhiều người kêu gọi yêu cầu đừng bỏ quên Tích Lan trong chuyến đi này.

Trên hòn đảo có vẻ đẹp vô giá này, với các loại hoa quả rau cải tươi xanh ngon ngọt, với bờ cát trắng thoai thoải, với những làn sóng trắng vỗ vào bờ, đám dân trang phục vui vẻ hồn nhiên, những sinh viên lúc nào cũng hăng say, Phật giáo chính thống còn lưu tồn thì một quyền năng mới đến với Sadhu. Người ta yêu cầu ông thăm một cậu con trai có tên là Williams đang nằm tại bệnh viện. Ông nhận lời đến bên giường và cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho cậu bé. Sáng hôm sau, toàn ban nhân viên bệnh viện đều kinh ngạc và cộng đồng người Cơ đốc hết sức kích động, cậu bé Williams chổi dậy khỏi phòng bênh hoàn toàn bình phục. Tin này đồn ra khắp nơi trong thành phố, trên đảo và bay về đất liền ở Ấn độ.


Sadhu có ân tứ chữa bệnh.


Thật ra Sundar từ lâu đã biết mình có ân tứ này và giờ đây ông khổ sở để lấy quyết định là từ chối mọi yêu cầu của nhiều người xin cầu nguyện chữa bệnh cho thân nhân. Ông có thể có ân tứ này nhưng ông không phải sử dụng nó. Ông buộc phải có quyết định đó, ông bị áp lực tại nhiều thành phố, làng mạc nơi người ta muốn được chữa bệnh để rồi không tạ ơn Chúa cũng không quan tâm nghe sứ điệp mà ông rao truyền. Sự chữa bệnh có thể làm ngăn trở sứ điệp của ông hơn là làm cho có hiệu lực. Sundar thường làm như thế chiến đấu trên chiến trường mà chính Chúa Jesus cũng đã phấn đấu lâu dài trước đây.

Ông rời Tích Lan về nghỉ ngơi tại Bengal và lưu lại nhà của một thi sĩ trứ danh Ấn độ tên Rabindrinath Tagore. Chính thi sĩ này cũng là bạn của Giáo sĩ CF Andrews, người chí thân của Sundar.

Một kết quả cụ thể khác làm sáng danh Sundar. Tín đồ các tôn giáo như Ấn độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Sikh, Cơ đốc giáo đều thích nghe ông nói về Phúc âm Cơ đốc theo cách trình bày của Ấn độ bởi một người Ấn giải thích trong những thuật ngữ của truyền thống Ấn. Phần còn lại là những nguời Ấn không theo thuyết duy linh mà mê tín theo các quốc gia miền Bắc đóng kín. Bất cứ nơi nào ông đi dến không còn sự khủng bố nữa, thay vào đó là sự kính trọng sâu xa.

Vào mùa Xuân 1919, Sadhu rời khỏi những thành trì vững chắc của Tây Tạng, nơi ông một lần nữa đối diện với sự chết để dấn thân vào những chuyến du hành khác. Không đến được Bristish Columbia hay Palestine, ông hướng về miền Ðông đi đến Miến Ðiện. Buổi lễ lớn tại Ðại Thánh Ðường Rango còn là đoạn mở đầu cho chuyến du hành truyền giáo đắc thắng đưa dẫn ông đến suốt cả nước Miến Ðiện, Mã Lai, Penang, Singapore va tiếp đến Trung Hoa và cuối cùng đến Nhật Bản. Bất cứ nơi nào ông đến dù chiếc áo vàng không được quen biết như tại đất Ấn nhưng khuôn mặt và sự hiện điện uy nghiêm của ông đánh dấu ông một sự khác biệt.

Sự khó khăn về ngôn ngữ tại Singapore đã được giải quyết. Tại Penang ông nói tiếng mẹ đẻ của mình tại một đền miếu Sukh và sau đó ông nói chuyện tại Hí viện Empire dưới sự chủ tọa của vị Tổng Giám Ðốc Cảnh sát và diễn văn bằng tiếng Hindustani của ông được thông dịch ra Anh ngữ, Tamil, Mã Lai và Trung Hoa. Tại Singapore, thật là kinh hoàng, chẳng có ai tại Hội Trường có thể giúp ông thông dịch. Do dự trong chốc lát, sau một lời cầu nguyện khẩn cấp, ông bắt đầu mở miệng nói – lần đầu tiên trước công chúng- bằng tiếng Anh. Từ đó, tiếng Anh là tiếng thông dụng của ông cho các buổi hội khác tại Ấn Ðộ.


Bạn bè của ông khắp nơi trên thế giới nhiệt liệt hoan nghênh ông. Ðối với những người miền Ðông, người ta nhận thấy ông nói cũng giống Chúa Jesus và dáng dấp của ông chẳng khác chi Chúa cả. Ông lên đường đi về miền nam kỳ này, mọi người đều biết rằng ông rất khiêm tốn. Nhưng Sundar cũng có thể gặp nguy hiểm làm hủy hoại ông vì sự tôn sùng của những đám đông quần chúng.

Họ đã sai lầm trong sự nhận định rằng sự khiêm tốn của Sundar sẽ làm cho miễn trừ khỏi sự cám dỗ kiêu căng. Và họ cũng lầm lẫn khi e ngại rằng ông có thể là nạn nhân.



Sadhu đã từng chiến đấu đơn độc trong rừng miền Nam Ấn độ. Ðôi lần sau này ông đã kêå lại cho các bạn nghe câu chuyện huyền bí của riêng ông.
Ông đã tìm kiếm sự thanh tịnh cho viêïc thỉnh nguyện. Một người nói rằng Sadhu là một con người mà cả Ấn độ đang tìm kiếm. Ông chứng tỏ có thể lôi kéo mọi người từ mọi niềm tin đến với mình. Ông bày tỏ rằng có một mức độ của lẽ thật trong mỗi tôn giáo. Ông là người đầu tiên khám phá ra rằng có nhiều con đường đưa tổ quốc đến với Thượng đế. Hoàng đế Akbar đã xây một cái đền cho mọi tôn giáo 400 năm trước. Người sáng lập tôn giáo riêng của Sundar đó Guru Nanak đạo Sikh, chính ông này đã tìm được chân lý trong Ấn giáo và Hồi giáo. Và bây giờ là thời gian cho một tiên tri khác, một Guru đem tất cả Ấn độ về cùng một mối. Dĩ nhiên có những cái sai trong các tôn giáo cần được tẩy sửa nhưng cũng có những lẽ thật cần được khám phá. Ðiều cần yếu là có một tôn giáo hợp nhất lại các tốt đẹp nhất và trừ bỏ cái xấu. Chúa Jesus của một tân giáo sẽ là một sự khải thị lớn lao nhất của Thượng đế mà cả thế gian đã biết, dù rằng Ấn giáo, Hồi giáo hay Phật giáo sẽ không mất uy tín. Sadhu Sundar Singh có thể là tiên tri của Ngài. Sundar có thể đi vào lịch sử như là một tiên tri lớn hơn Guru Nanak, vĩ đại hơn, tiếng tăm hơn Mohamed.

BÊN KIA CỬA CẤM
(1919)

“ Khi nào anh nghĩ rằng anh sẽ trở về , Aadhuji ? (Cách xưng hô thân mật với Sundar).


Mỗi chuyến hành trình qua Tây tạng, bạn bè ông thường hỏi những câu hỏi tương tự như thế. Và câu trả lời cũng được ghi nhận tương tựï như mọi lần. Sundar sắp xếp mọi việc trong thời gian ông vắng mặt. Chẳng có trương mục nào trong ngân hàng- quỹ lạc quyên cho những chuyến truyền giáo sang Tây Tạng gửi ở Alliance Bank tại Simla- cũng không có giấy tờ để lại cho ai trông coi giúp người ra đi. Ông thường dự định trở về vào thời gian chấm dứt mùa nóng. Và trong giọng nói đầy suy tư trả lời cho câu hỏi về sự trở về cùng bạn mình rằng: “ Tôi chẳng bao giờ kỳ vọng sẽ trở về từ Tây Tạng”

Không bao giờ ông tỏ ra đau khổ sợ chết. Lý tưởng của người Sikh xưa kia về sự tử đạo cho niềm tin đã được biến dạng bằng thập tự giá, mà ông muốn mang nó suốt cuộc đời mình. Và trên thập tự giá đó ông sẵn sàng chờ đón sự chết khi sự cuối cùng đến. Chỉ có một nỗi buồn của con người mà nó đang nặng trĩu trong lòng ông: ông muốn có ngày làm hòa với cha mình.

Sher Singh vẫn còn khỏe mạnh sống tại Rampur. Sundar thỉnh thoảng vẫn về quê thăm viếng, và nhận thấy nhiều người, kể cả gia đình ông đã từng từ bỏ ông trước đây, bây giờ đã thay đổi thái độ kính trọng sự thánh thiện, sự tu hành và không còn chống đối Cơ đốc giáo nữa. Ít ra nhiều người dân trong làng rất hãnh diện và danh dự mà Sundar đã đem lại cho quê hương mình tại Rampur, nhưng sự ngăn cách trước nay vẫn còn kiên cố giữa Sher Singh, tôn giáo Sikh và người con trai mặc áo vàng.

Sundar leo lên những đỉnh núi cao Hy mã lạp sơn năm này qua năm khác, người ta phân vân không biết có thể trở về trước mùa tuyết rơi và còn hy vọng có dịp tái hợp với người cha già cứng lòng hay không. Sự chia rẽ này có thể tiếp diễn cho đến chết, nhất là khi Sundar đem về tin người bạn Kartar Singh tử đạo.

Sundar đến làng Tsingham, Tây tạng, gặp được một người mà dân làng đã từng mê tín tôn trọng. Ông là một trong số rất ít người có thể rao giảng về Chúa Jesus tại một xứ sở chống đối Cơ đốc giáo mà không sợ bị trả thù. Ông ta trước kia là Tổng thư ký cho vị Lama của thành phố, đã đầu phục và tin nhận Chúa Jesus do lời làm chứng của một giáo sĩ. Ðầu tiên ông thú nhận niềm tin với vị sư thầy của mình là một Lama Phật giáo rất cuồng tín và ngu dốt. Trong một vài ngày sau, ông bị tuyên án tử hình trước tường thành của tu viện. Tử tội bị may chặt trong lớp da bò tươi rồi ném ra ngoài nắng nóng như thiêu như đốt để da bò ấy co rút lại siết chết tội nhân. Khi tội nhân chưa chết, nhiều nhát kiếm đâm xuyên qua làn da bò vào xương thịt rồi bị kéo qua đường phố để ném vào đống rác phế thải ở ngoại ô. Tra tấn hành hạ giáng lên tử tội xong, người ta ném xác rã rượi không còn thở trên đống phân và chim kên kên bắt đầu bay đến. Tuy rằng cách hành hạ tàn bạo như vậy có thể sẽ làm ông chết, hoặc vì chất độc, đói khát kéo dài mấy ngày sau đó có thể làm ông chết, nhưng ông ta không chết và ông cố bò lết vào làng để giảng đạo. Khi Sundar hỏi con người kỳ lạ này làm sao ông tin nhận Chúa Jesus, thầy giảng đạo này trả lời rằng do lời làm chứng của một người tử đạo khác đã bị hành quyết cũng theo cùng một cách tại thành này. Khoảng một giờ đồng hồ chót trước khi chết, nạn nhân yêu cầu được tự do cánh tay mặt một chút . Trong đau đớn, anh lăn mình về cuốn sách nhỏ mà người ta để bên cạnh anh. Ðó là cuốn Kinh Tân Ước. Một khách bàng quang cho anh một cây viết, người tuẫn đạo viết trên một mảnh giấy lời nhắn nhủ cuối cùng: “ Sự sống mà Chúa ban cho tôi, tôi dâng cho Ngài”.

Sadhu khám phá rằng người giáo sĩ trẻ mà lời chứng có kết quả đáng kể như thế là một người Ấn, thuộc gia đình Sikh tiểu bang Punjab như ông, tên là Kartar Singh. Ông cũng vậy, đã từng được nuôi dưỡng trong một gia đình giàu sang, đã bị gia đình khai trừ và cuối cùng xâm nhập vào vùng Hy mã lạp sơn để giảng đạo cho người Tây Tạng quỷ quái đáng sợ này.


Sundar trở về Pamjab mang theo câu chuyện người tuẫn đạo Kartar Singh và cố tìm cho được người cha của chàng trai trẻ anh hùng đức tin đó. Ông cha này đã mất hút tin con trai đã nhiều năm qua và khi nghe Sundar kể lại sự can đảm cũng như kết quả của đời sống và sự chết của cậu con trai mình, lòng ông tan vỡ. Người cha đưa tay nắm lấy áo vàng của Sadhu , những ngón tay chạm vào góc bìa của quyễn Kinh Tân Ước mà Sundar mang về. Mắt ông rớm lệ và nghẹn ngào nói: “ Tôi cũng đã tin nhận Chúa Jesus rồi.”

Sundar bước ra khỏi căn nhà đồ sộ to lớn sau khi từ giã người cha đó, thả bộ chậm rãi bước chân băng qua vùng cát nóng cháy, bàn chân không giày khuấy động đám buiï mù giữa những cây xương rồng. Cũng trong ngôi nhà sang trọng như vậy, thân sinh của Sundar đang sống kiêu hãnh như những con ngường Sikh kiêu hãnh. “Bao giờ cha mình chịu khó nghe những lời giải thích ấy ?”
Tây tạng không những không mến khách, hung dữ đối với những du khách xâm nhập vào vùng biên giới núi non, họ còn tìm cách ngăn trở du khách bước vào lãnh thổ của họ.

Năm 1919, năm thứ ba mươi của cuộc đời, Sundar đã từng ra vào Tây Tạng cả tá lần hoặc nhiều hơn. Các Lama chuyền miệng nhau câu chuyện về những chuyến Sundar truyền giảng và kết quả của nó. Giới chức lãnh đạo Lama và các thầy tu như bị thách thức tại những nơi Sundar có mặt. Ông xuất hiện như một hiện hữu vững vàng, lạnh lùng, như đe dọa và miễn trừ sự chết. Lịnh truyền cho các trạm kiểm soát biên giới rằng không cho Sundar được vào Tây Tạng. Chính quyền TâyTạng nói thẳng với chính quyền Anh quốc rằng ông không được phép nhập cư vào Tây Tạng, mọi cố gắng xâm nhập lãnh thổ phải được chấm dứt.

Con lộ chính của ông là từ Simla ngang qua Kotgarh nhưng nhiều giới chức chính quyền từ chối cho phép ông dùng đường này đi vào Lesser, thuộc Tây Tạng. Một lần khác, khi đi khỏi trạm biên giới, ông phải trở lại Poo, nơi mà những giáo sĩ người Moravian đã niềm nở tiếp đón ông mười năm về trước. lại nữa, ông phải dùng những đường khác thay thế từ Garhwal và Nepal, giới chức Anh không cho phép ông đi qua Gangtok và yêu cầu ông phải ra khỏi xứ. Năm này qua năm khác, Sundar phải chọn những con đường ra vào thay đổi: từ Simla, từ cao nguyên bên kia Lucknow và Bareilly, xuyên qua Almora, doc theo Pitharagarh trên biên thùy Nepal, từ Dangoli, ngang qua đèo Niti hiểm trở bên kia Badrinath, gần hồ Mansorowar, nơi đây các thánh nhân Maharshi của cao nguyên Kailas đang sống ẩn dật. Cả hai bên chính quyền Anh quốc và Tây tạng đều cố gắng ngăn chặn ông bước qua biên giới. Tuy nhiên, chẳng có năm nào trôi qua mà ông không thực hiện được một chuyến truyền giáo mùa hè tại đất Tây tạng.



Những hạn chế do con người tạo ra, không phải vì quá khó khăn mà không vượt qua được. Ðang mùa hè, các đèo núi đều rất nguy hiểm, những con bò, ngựa thồ và những người giỏi leo núi cũng rớt chết tại những nơi vách đứng, đá nứt sâu đánh dấu cho sự nguy hiển của đoạn đừơng phải qua. Những cơn bão tuyết đột nhiên xảy ra dù chưa nhằm mùa làm cho con đường bị tắc nghẽn. cơn lạnh giá dù ngay trong mùa hè cũng rất khắc nghiệt do những lớp tuyết đời đời trên vùng núi cao. Sundar chẳng bao giờ mang giày, thân mình quấn bằng một chiếc áo bằng vải màu vàng đơn sơ. Sundar là một con người có một thể chất đặc biệt, can đảm tột bực, chống đỡ bằng một tâm linh không hề mệt mõi.

Có một lần trong chuyến đi truyền giảng, ông nhận thấy những xác chết của những khách bộ hành đông cứng trong tuyết, một trận tuyết đang phủ kín ông và người bạn Tây Tạng đồng hành. Chặp sau, họ xoay sở, định hướng và đi ngược lại cơn bão tuyết. Sau khi vừa thoát ra cơn hiểm nghèo, Sundar nhận ra họ đang đứng trên bờ vực sâu . Dưới bờ dốc đá đó, có một người bị rớt xuống. Ông yêu cầu người bạn Tây tạng đồng hành cùng với ông xuống dưới kia để cứu người bị rớt. Người bạn Tây tạng từ chối, bày tỏ rằng anh chỉ mong được đến làng Ranget bình an. “Nếu ông muốn cứu người một cách điên rồ thì cứ thử sức với cái dốc thăm thẳm đó. Tôi sẽ tự mình đi về làng Ranget. ” Ðó là lời nói cuối cùng của người bạn đồng hành Tây Tạng.
Sadhu leo xuống bờ núi và tìm thấy người ngã té ấy hãy còn sống. kéo lê anh ta theo con đường. Thân xác đầy thương tích của anh dính sát vào Sundar và họ di chuyển chậm chạp hướng về Ranget, trạm nghỉ chân. Người té núi gần như bị đông cứng chânvà Sundar biết rằng nếu cả hai đều ngã té thì cả hai sẽ chết. Chỉ có cách duy nhất là họ cứ tiếp tục cử động và tiến bước, may ra họ có thể thoát chết.

Làng Ranget đã hiện ra trước mặt và cơn bão cũng nhẹ dần. Cả hai người đàn ông được sống do sự cố gắng chung mà thôi. Trong khi đó, họ nhận ra một thân xác khác nằm trải dài, đó là nguòi bạn đồng hành Tây Tạng của Sundar đang nằm chết một nửa người bị tuyết phủ.


“ Ai gìn giữ sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ tìm lại được” Sadhu lẩm nhẩm trong miệng trong lúc cả hai chậm chạp lê bước vào làng Ranget. Ông nói với người bạn mới về sự kỳ diệu của Chúa Jesus là Ðấng ban sự sống của Ngài cho mọi người được sống.
*
Bất cứ điều gì Sundar đã đạt được tại Tây Tạng qua những chuyến truyền giảng hằng năm tạo cho ông danh tiếng lừng lẫy tại Ấn độ. Nhưng đối với ông điều quan trọng là các Hội Thánh Ấn được lay động và dần dần người ta nhận biết tài nguyên và trách nhiệm của mình.

Năm 1917, khi trở về sau chuyến truyền giáo, ông nhận nhiều bức thư yêu cầu ông thăm viếng miền Nam Ấn độ. Năm 1918 có lời yêu cầu ông nên đi miền viễn đông. Ông chấp nhận hai lời yêu cầu đó. Năm 1919, có những đề nghiï ông nên thăm viếng miền Tây: Anh quốc, Âu châu và Mỹ quốc.

Năm 1919 không có gì quan trọng hơn là những lời mời đi rao giảng tại thế giới Tây phương. Sadhu cũng thường mơ ước có dịp đi Anh quốc và Mỹ châu. Nhưng tài chánh là một nan đề cho các chuyến du hành này. Số tiền ông dành cho các chuyến truyền giảng tại Tây tạng được ký thác tại Simla. Ông không thể dùng để đi nơi khác được. Một điều ông biết rõ là nếu Ðức Chúa Trời muốn ông đi thì Ngài sẽ cung cấp phương tiện cho ông. Rồi câu chuyện kỳ diệu xảy ra.

Trở về từ những nỗi nguy hiểm ở Tây tạng, Sundar ngồi trước hiên cửa nhà bên cạnh Sher Singh. Mặt trăng hôm ấy sáng rực, soi sáng cả những cây cối xuyên qua cánh đồng. Từ xa, ở thành phố vang dội tiếng nhạc du dương của tiệc cưới. Ðó đây chó rừng tru hú. Bỗng nhiên có tiếng còi của chuyến tầu tốc hành đi Ludhiana thét lên xé màn đêm. Lý ức Sundar sống lại. Cũng vào một đêm như vậy, có thể trời hôm ấy lạnh hơn, tiếng còi vang dội trong tai, ông đã định tâm kết thúc cuộc đời cho đến khi ông tìm được sự bình an trước khi hừng đông ló dạng. Vào đêm đó, Ðức Chúa Jesus đã đến và nói chuyện cùng ông, mười lăm năm trước đây.

Sher Singh đưa cánh tay về phía Sundar chạm nhẹ vào áo vàng của ông. Tiếng của người cha đưa ông trở về với hiện tại.


“ Con ơi, cha đây cũng đã đến với tình yêu của Chúa Jesus”


Cha con nói chuyện với nhau thâu đêm. Khi họ sửa soạn đi nghỉ, Sher Singh dừng và quay lại :” Con ơi, nếu Ðức Chúa Trời muốn con đi Anh quốc và Hoa kỳ, cha sẽ lo cho con mọi chi phí của chuyến du hành. Ðó là cách cha muốn bày tỏ sự hối cải tội lỗi của cha”.

XIV. NGƯỚI NGOẠI BANG TÂY PHƯƠNG
(1920-1922)

Sher Singh người cha già đã dâng hiến cảm tạ Chúa, điều này khẳng định rằng Sadhu có thể nhận lời mời đi thăm các nước Tây Phương.


Vào tháng Giêng 1920, ông lấy giấy tàu tên là City of Cai - ro để đi Anh quốc.


Vì sự tò mò của nhiều người đã làm cho ông khó chịu. Tại Anh quốc cũng như tại Hoa kỳ, vụ Sadhu Sundar Singh đến thăm viếng trở nên khó khăn hơn. Ông thật sự hoàn toàn không biết cách nào xuất hiện với những người ngoại quốc này. Dĩ nhiên, chiếc áo cà sa vàng của ông phải bị loại bỏ, còn mặc đồ tây phương thì ông khẳng khái từ chối. Nhưng có điều ông quan tâm về cái nhìn soi bói, tàn nhẫn của những người xa lạ vì nghĩ mình như là một môn đồ phải chịu đựng vì sứ mạng của mình. Ông biết mình có một sứ mạng tại vùng Tây phương này và ông không thể nào quên được.
Ông hy vọng tìm thấy Anh quốc là một quốc gia Cơ đốc giáo. Trái lại ông khám phá ra rằng đó là một đất nước đã bỏ quên Ðức Chúa Trời và là nơi tinh thần đông phương đã ăn rễ sâu nay thay bằng chủ nghĩa duy vật chống nghịch tàn nhẫn. Ông nhận thấy phần đất Âu châu và Úc châu rất tệ hại và ông tin rằng Mỹ châu còn tồi tệ hơn nữa.

Ðầu tiên ông lưu lại Birmingham, rồi đến Oxford và Luân đôn. Bất cứ nơi nào ông đi, đoàn người đông đúc tụ họp lại. Câu chuyện về ông được viết trên nhật báo chẳng thiện cảm và không hiểu biết. Có một lúc ông không chịu nỗi sự đè nặng của ban tổ chức, với lại phải mang giày, mặc áo choàng ngoài là việc chưa quen làm. Ngay sau đó, ông từ chối mặc áo choàng, với lý do rằng đã từng quen với cái rét buốt của Hy mã lạp sơn, Anh quốc không đủ lạnh cho ông. Bất cứ khi nào thấy thuận tiện ông đều làm như thế , ông tránh đi xe buýt, tàu lửa, xe điện vì chẳng bao lâu ông nhận thấy rằng đoàn người chen chúc, xô đẩy nhau với các bộ mặt hung hăng đã kéo tâm linh an bình của ông đi vào cơn gió lốc. Tĩnh nguyện quả thật là không dễ dàng. Thật là khó để nhận thức rằng những nhóm quần chúng đông đảo này chẳng nghĩ gì khác ngoài sự bảo hiểm an toàn, chuyện làm ăn, thương mại, tiền bạc. Họ có thể đói khát tâm linh như những người đông phương của ông.

Tại Hoa kỳ ông lại càng khốn khổ hơn, ngay sau khi đến nơi, cuộc vận động công cộng đã được dàn xếp trong thời gian ông lưu trú, nó làm cho ông kinh tởm khi khám phá ra rằng những cổ động viên hy vọng thực hiện một vụ làm ăn lớn để kiếm tiền cho đôi bên: cho họ và cho ông qua các buổi hội họp. Chương trình chẳng có gì với các Hội thánh, người ta làm cho ông an lòng bằng cách giao việc sắp xếp cho bạn bè của ông mà sự mơ ước duy nhất của họ là ông có thể nói chuyện với Hoa kỳ về Tin lành như ông đã từng làm tại Ðông phương.

Nhưng ông Sadhu nhận thấy ông không thể nói giống như vậy tại miền Tây Phương này. Ấn độ là một quốc gia tôn giáo. Tây phương hoàn toàn khác hẳn về gia trị thuộc linh. Sứ mạng của ông là để họ thấy chính họ như ông nhìn thấy họ vậy.

Hằng trăm người lấy làm bực mình về những lời đoán định và phê phán ngay thẳng đã làm mất lòng họ mà người thánh hiền từ Ðông phương ba mươi tuổi này không chút ngại ngùng công bố. Họ cho rằng ông không biết gì những ràng buộc của đời sống kỹ nghệ và sự căng thẳng trong mối giao dịch thương mại hiện đại. Dù vậy, hàng ngàn người lắng nghe và cảm động, thách thức được biến đổi bởøi sự giảng dạy của ông. Ông là người chẳng e sợ khi tố cáo cũng như lúc nhẹ nhàng nhắn nhủ.
“ Tôi tìm thấy một hòn đá ở giữa dãy núi Hy mã lap sơn. Nó trống rỗng và khi tôi đập bể ra tôi tìm thấy bên trong hoàn toàn khô ráo. Cũng như vậy, nơi phương trời Tây phương, quý vị đã nằm nghỉ hằng bao nhiêu thế kỷ trong nước của Cơ đốc giáo nhưng nước ấy không thấm thấu vào lòng quý vị” Ông nói với khán giả như vậy.


Không một khán giả nào có thể giữ lòng cứng trơ khi họ nhìn vào cặp mắt lấp lánh trên khuôn mặt màu da olive, với râu quai hàm đen, giọng nói mềm mại và khẳng khái của ông khi công bố : “ Trong ngày phán xét, người không tin Chúa tai Ðông phương sẽ lãnh án nhẹ hơn quý vị tại Tây Phương. Họ chưa bao giờ nghe Tin lành. Còn quý vị đã từng có cơ hội nhưng quý vị bỏ rơi”.


Ông giảng những lời của Chúa Jesus làm khích động người Mỹ bằng cách quả quyết rằng Chúa của ông đã gọi họ: “ hỡi những kẻ gánh nặng với vàng bạc, hãy đến cùng ta. Ta sẽ cho các con được an nghỉ”.

Từ Hoa kỳ ông trở về lại Ấn độ, ghé ngang Honolulu, Úc châu và Tích lan. Bất cứ nơi nào ông đến, ông đều nói: “ Công việc của tôi là rao giảng” Một số người khi đã nghe qua ông thuyết giảng, thật khó cho họ quên ông.

Ông về Ấn độ vào cuối mùa xuân và sau khi giảng lưu hành tại các Ðại Hội Cơ đốc hay các buổi hội thảo, ông lên đường về phía Hy mã lạp sơn để qua Tây Tạng. Sự lỗ mãng của những ngưỡi Phật giáo Tây tạng, những mối hiểm nguy của các vực thẳm trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn và những chiếc cầu băng tuyết đang chờ đón ông sau những vụ cự tuyệt thuộâc linh mà ông đã phải chịu đựng tại các nước Tây Phương. Và điều làm chúng ta ngạc nhiên là ông chịu nhận lời sang Âu châu một lần thứ hai trong vòng hai năm tới.

Một trong những lý do ảnh hưởng đến quyết định của ông là nhân dịp trên đường viếng thăm Palestine, ông có thể ghé qua Anh quốc. Ông đã mong chờ điều này từ lâu để khi có cơ hội đến thì nắm lấy. Có những lúc tấm lòng ông thổn thức khi ông thực hiện chuyến hành hương đi trên những đường phố thiêng liêng và nhưng nơi đất thánh trong câu chuyện Phúc âm.


Lần này ông không ghé Hoa kỳ nhưng viếng thăm nhiều nước Âu châu trước khi kết thúc chuyến đi Anh quốc, Pháp, Thụy sĩ, Hòa lan, Thụy điển, Ðan Mạch, Ðức quốc, tất cả các nơi đều tiếp đón chu đáo và kính nể. Nhưng vừa lúc ông đến Anh quốc thì ông bị đuối sức. Viêc chính của ông tại Anh quốc là tham dự những buổi hội họp được sắp sẵn. Ông thường quen nói chuyện trong những đại hội về sự sâu nhiệm của đời sống thuộc linh hơn là nói chuyện tổng quát trước công chúng. Chính ông cũng nghi ngờ rằng không biết mình có đạt được thành quả tốt đẹp nhân chuyến viếng thăm này không. Tuy nhiên, sự thách thức cho Giáo Hội thật là dữ dội và ảnh hưởng ông trên từng cá nhân thật không thể tính được. Chính dáng điệu của ông làm cho lời nói của ông có uy quyền. Người đầy tớ mở cánh cửa trước rồi chạy vào báo cho bà chủ rằng Chúa Jesus đã đến nhà và những đứa trẻ con chơi với Ngài trên thảm, sau lại muốn Chúa Jesus đưa các trẻ đó vào giường ngủ. Ðó là cách trình bày duy nhất bằng lời mà ai đã gặp ông cũng đều nghĩ như vậy. Cái dáng dấp giống Chúa Jesus của ông cũng hòa hợp với đức tính hiền hòa và uy quyền trên thái độ và tinh thần.

Không có gì làm cho ông đau buồn bằng sự chia rẽ và sự không đoàn kết của các Hội Thánh Tây Phương. “ Làm thế nào những Cơ đốc nhân vào sống với nhau trong nước thiên đàng khi mà họ không thể sống chung với nhau ở trần gian?” Ông hỏi đi hỏi lại như vậy.

Ông ao ước một ngày các Hội Thánh hiệp một. Ông trở về Ấn độ vào năm 1922, dù có thể ông không biết nhưng một vài tín hữu Cơ đốc người Ấn thân thích của ông ở miền Nam đã bàn đến và lập kế hoạch cho sự hợp nhất ấy. Thật ra chưa có hình thức cụ thể nào trong Hội thánh miền Nam Ấn cho đến hai mươi năm sau khi Sadhu qua đời, nhưng gương của ông với lời kêu gọi đã dự phần trong việc củng cố Hội Thánh mà ông đã từng mơ ước.

NGỌN LỬA CHÁY TÀN
1922-1929

Một vài người bạn của ông nhận thấy rằng mãn năm 1922 Sadhu đau đớn một cách kỳ lạ. Ông mong được chết năm ấy. Ông đã trọn ba mươi ba tuổi. Vào tuổi đó, Chúa Jesus đã chết và Sadhu cũng mong đi theo bước chân của Ngài.

Nhưng ông không chết, ông sẽ đau khổ vì năm kế tiếp theo đó cha của ông đã qua đời.


Cũng trong cùng thời gian đó, Ngân hàng Liên Hiệp của Simla bị khánh tận. Ngân quỹ dành cho những chuyến truyền giảng sang Tây Tạng ký thác trong ngân hàng đó không có cách nào lấy ra được. Sự mất mát tiền bạc cũng có một ý nghĩa nho nhỏ, cùng với sự ra đi của người cha dù ông cũng đã già tạo ra những căng thẳng cộng thêm vào sự mệt nhọc sau chuyến đi Âu Châu. Tánh khi nam nhi của ông không còn nữa. Ông thăm một chuyên viên nhãn khoa để khám nghiệm hai mắt vì ông thấy khó chịu. Rât kinh khủng khi ông được báo cho biết một mắt của ông hầu như không còn thấy được nữa và mắt kia cũng sẽ như vậy không lâu. Ông buộc phải nghỉ ngơi hơn bao giờ hết. Sức lực giúp ông sinh hoạt lâu nay như không đủ để chống đỡ mà còn có thể bị lâm vào tình trạng không còn hoạt động được nữa.


Mặc dù bị mất mát tại Ngân Hàng Liên hiệp Simla, ngân quỹ cũng có đủ để ông có thể khởi sự chuyến đi hằng năm sang Tây Tạng. ông đã không bỏ sót một chuyến đi mùa hè nào từ mười lăm năm nay, đôi khi vượt qua biên giới bằng những cửa ngõ khác nhau trong cùng một năm. ông cũng đã từng tìm cách truyền giảng tại những chỗ đó vào mùa đông. Có lần ông bị tuyết phủ kín trong một túp lều suốt mười bảy ngày, lẽ ra số thời gian ấy dùng cho nơi khác thì hay hơn. Năm 1923 ông thực hiện được những chương trình đã hoạch định. Nhưng năm tiếp theo vì sự liên hệ ngoại giao giữa Tây Tạng và thế giới bên ngoài trở nên căng thẳng, các viên chức không cho phép ông đi ngang qua biên giới. Ðó là lần đầu tiên ông đối diện với sự thất bại. Sức cường tráng của ông bị suy giảm, y sĩ khuyến cáo ông đừng nên thực hiện những chuyến truyền giảng như trước nữa và chính ông cũng nhận thấy xuất hiện những chứng bịnh nội thương cần phải được chữa trị.

Tình trạng thất vọng như thế không thể kéo dài.


Ông có đọc sách một ít như ông luôn luôn chỉ nói về Kinh thánh và cuốn sách của thiên nhiên. Cơ hội buộc lòng ông phải viết một vài đề tài và những bài diễn từ của ông đã được ghi bằng tốc ký cũng được lưu hành. Người ta niềm nở tiếp nhận các bài viết ấy. Kết qủa thật khả quan và như vậy Sadhu trong cô đơn có thể làm được hai điều : đọc và viết.

Hầu hết thì giờ của ông bấy giờ là nghỉ ngơi tại một căn nhà nhỏ ở Kotgarh hoặc lưu lại với các bạn tại bệnh viện cùi ở Sabathu. Ông nghỉ ngơi dưỡng bịnh trong ba năm liên tục. Người ta không còn thấy ông đâu nữa nhưng danh tiếng của ông vang dội khắp nơi. Họ đọc sách của ông và những tập bài ngắn do ông gởi ra từ Sabathu. Tình ban thân thích với George Barne, sau đó với Giám mục của Lahore, với C.F. Andrews, với Mục sư J.T. Riddle và với Watson của trại cùi thật có ý nghĩa lớn đối với ông trong thời gian này. Nhiều người ở Ấn độ nghĩ rằng giống như mọi thánh nhân khác, ông đã đi vào thời kỳ hưu hạ để cho tâm linh được tươi mát và ngay trong số bạn bè thân thích của ông cũng nhận thấy rằng ông đã yếu sức nhiều rồi.
Sự thật là ngọn lửa đã cháy sắp tàn.


Năm 1927 ông thông báo cùng ông Watson rằng ông đang dự tính lại bắt đầu sự truyền đạo bên trong biên giới của vùng đất cấm Tây tạng. Các đèo ngang qua những dãy núi đã được mở cửa vì nước trào ra từ băng tuyết của đèo Sutlej cho thấy như vậy. Tuyết đông đá đã bắt đầu tan chảy, các con buôn Tây tạng đã nghỉ qua mùa đông tại các đồng bằng hay các cao nguyên Ấn độ ấm áp nay chuẩn bị trở về. Sadhu gặp họ tại Simla nghe nói về các thành phố, làng mạc ông từng biết và các tu viện, các tịnh xá của các Lama mà ông từng đến viếng. Tháng Tư đến, Sundar lấy tàu từ Sabathu đi Kalka và khởi sự một cuộc hành trình dài, một chuyến “ hành hương” từ Rishikesh dẫn lên cao, những vùng núi non nơi những người du hành đi tìm thánh nhân.

Bốn mươi dặm bên kia Rishikesh, người ta tìm thấy thân xác của Sadhu nằm sải dài trên đất có vũng máu bên đường. Ông bị chứng xuất huyết trong dạ dày và phải trở về. Mấy người bạn con buôn tải ông đưa đến xe lửa Simla. Những người thấy ông trở lại Sabathu, đều lắc đầu và nghĩ rằng ông chẳng bao giờ có thể trở lại Tây tạng được nữa. Họ đã lầm.

CHUYẾN HÀNH TRÌNH CUỐI CÙNG -1929

“ Sadhuji, đừng bao giờ liều lĩnh nữa! Ðừng đi trở lại nữa!”


Saundar trả lời như bao lần: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ trở về từ Tây Tạng!”
Ông đã cam chắc với các bạn rằng ôngg đã từng sắp xếp hết mọi sự, mọi vật dụng tư hữu trong trường hợp không trở về được. Hầu hết đó là những vật dụng cần ích cho con cái của người tin Chúa hoặc lợi ích cho các Giáo sĩ làm việc tại Tây Tạng.


Những người bạn tại Sabathu nhắc nhở ông rằng từ nhiều tháng nay, ông không luyện tập thể dục cho cường tráng và nhất là chuyến hành trình ngang qua các đèo cao 5,486.4 thước( 18000 bộ) như thế mà người leo núi không chuyên tâm tập luyện kỹ càng thì chỉ chuốc lấy nguy hiểm mà thôi. “ Tôi sẵn sàng cho cuộc hành trình mà tôi phải thực hiện” Sadhu trả lời.

Ðã vào tháng Tư năm 1929. Sadhu phải dừng lại Sabathu qua mùa đông và cũng có tham dự đại hội tại Bareilley. Một lần nữa tuyết của mùa đông vừa qua lại bắt đầu tan chảy làm cho những con sông tràn đầy nước. Rồi các tay lái buôn Tây Tạng cũng lại về quê vào hè. Những người hành hương tụ tập tại Kalka, họ đi dọc theo bờ sông Ganges cho chuyến du hành vĩ đại trong năm để về đất thánh Badrinath.

Gần Badrinath đường đi đã cụt, người ta phải đi dọc theo con sông Dauli cho đến đèo Niti, nơi đây có một vài gia đình tín hữu Tin Lành trú ngụ. Một lần nữa,” đoàn hành Hương” rời Badrinath, mà lộ trình là con đường núi non cao tới 6096 mét (20,000 bộ). Những tảng đá khổng lồ treo ngang qua những con đừng mòn chật hẹp và bên kia là dốc đứng cao vời vợi trên 300 thước (1000 bộ). Vào hè có nhiều ngựa và người leo núi đã từng bị rớt chết thảm thiết. Tuyết và băng đá làm cầu bắc ngang kẽ đá sâu thăm thẳm và bây giờ chỉ vài ba khúc gỗ thông làm cầu thay thế chiếc cầu bị gãy. Những cây gỗ ấy chẳng có vật chi chống đỡ từ bên dưới cũng không có gì bám chặt ở đầu cuối. Chúng có thể bị trật rớt giữa hai bờ đá dựng đứng rộng cỡ trên 15 mét mà bên dưới thác nước đổ ầm ầm sâu trên 150 mét.

Tuyết quanh năm, ngay trước mắt và chạy dài đàng xa làm chói mắt, đôi khi không thấy được con đường đi. Vào ngày 13 tháng 4 năm 1929, Sadhu con người cao ráo ấy tiến về cánh cổng nhà thương cùi. Ông cùng với thầy giảng Sunnu Lal, một thầy giảng Ấn độ đã từng dấn thân vào việc phục vụ cho người cùi ở đây, bắt tay ông Watson, Giám đốc nhà thương cùi tại cổng vào. Sadhu đeo kính râm , cầm gậy và cũng như bao lần, chân không giày. Ông và Sunnu Lal đi xuống đồi hướng về Kalka, một thành phố nhỏ trên đồng bằng giáp ranh với những vùng đất cao nguyên và đường xe lửa đưa về Rishikesh, nơi khởi hành của “đoàn hành hương”

Không ai để ý khi Sadhu rời khỏi Kalka, mặc áo cà sa vàng và đeo kính đen dễ làm cho người ta nhận rõ ông. Không có cuốn sách du hành nào ký tên ông. Không có phúc trình nào của cảnh sát báo cáo bất cứ việc gì về ông trong “ đoàn hành hương” đi về Badrinath. Những gia đình Cơ đốc nhân ở gần hồ Mansorowar, trong rặng núi Kailasss cũng không có tin tức gì về ông. Nhưng gần cuối tháng sáu, là thời gian mà ông đã báo trước cho các bạn thân là sẽ trở về và vì vậy mọi người bắt đầu lo âu về ông.

Ðã đến lúc thấy quá trễ để lo và quá trễ để điều tra.
Mọi dấu tích về Sadhu đã biến mất
Ông không trở về nữa.


Cả ngàn bạn Cơ đốc nhân tin rằng ông đã gia nhập vào những vị ẩn tu trên vùng cao nguyên Kailas mà thật ra ông không hề có ý định tìm kiếm một đời sống tĩnh mịch như vậy. Những người khác tin rằng ông đã đi vào đất cấm Tây tạng và đã tử đạo giống như người đồng hương của ông là Kartar Singh dạo nọ.

Nguời nào đã từng biết rõ ông hoặc đã từng gặp ông lần chót đều nghĩ về sức khỏe đáng ngại của ông : sức khỏe kém và cặp mắt một phần đã mù của ông. Họ nhớ đến sự leo trèo lên dốc đứng, những khoang trống sâu thăm thẳm không có cầu. Họ nhớ lại những lời ông nói sẵn sàng cho sự chết và sự sửa soạn trong trường hợp không còn trở về nữa.


Họ biết điều gì đã xảy ra.


Họ biết người mặc áo cà sa vàng là người mong muốn biến đổi xã hội Ấn độ, là người đã biệt tích và sẽ chẳng trở về nữa.




Sự chết của ông với đời sống mầu nhiệm ấy ít người hiểu cho được trọn vẹn. Họ tin rằng một ngày nào ông sẽ xuống khỏi những núi non hiểm trở đó chắc chắn không còn đúng nữa. Giữa những rặng núi mà ông đã từng băng ngang cũng không có mộ bia ghi nhớ tên ông. Dần hồi, truyền thuyết về ông cũng bị lãng quên. Tuy nhiên những người biết rõ về ông hơn hết cho rằng ông không chết đâu. Quã thật họ nói không sai. Tinh thần của ông vẫn sống trong Hội Thánh của Chúa Cứu Thế Jesus ở miền Bắc Ấn, làm phục hưng cho ý nghĩa của sự hiệp một, tinh thần trách nhiệm và mạo hiểm và một ngày nào đó có ai viết lịch sử Hội Thánh sẽ tìm thấy thông điệp của ông trong những đời sống được biến đổi, sự lãnh đạo và sự phục vụ của biết bao nhiêu người không đếm được cả nam lẫn nữ mà đối với họ, ông là tiếng nói của Thượng đế.


Tác giả : Cyril J. Davey
Soạn dịch: cố Mục sư Trần Như Biên


Hết