(Vì bài học này dài hơn các bài học trước nên đề nghị chia làm hai phần, mỗi buổi học đọc một phần. Phần hai bắt đầu từ IV. “Sử Dụng”).
Từ khi loài người có nan đề với Đức Chúa Trời do họ đã sa ngã và rời bỏ vị trí nhận lấy Đức Chúa Trời là mọi sự, thì của cải vật chất đã trở thành vấn đề rất quan trọng trong đời sống sa ngã của họ. Trong tình trạng sa ngã, loài người rơi vào sự tối tăm, chỉ nhận biết của cải vật chất mà không nhìn biết Đức Chúa Trời, chỉ tin cậy của cải vật chất mà không tin cậy Đức Chúa Trời, thậm chí còn phục vụ những vật chất ấy, xem chúng là Đức Chúa Trời của mình, cho phép chúng thay thế Đức Chúa Trời. Kẻ thù của Đức Chúa Trời là Sa-tan tức Ma quỉ, đã lợi dụng tình trạng sa ngã này để bước vào và lừa dối khiến loài người thờ lạy hình tượng, chẳng hạn như thờ lạy thần tài để được giàu có và lợi lộc. Bằng cách núp sau những hình tượng này, Sa-tan đã dành giựt sự thờ phượng và phụng sự của con người mà lẽ ra phải thuộc về Đức Chúa Trời. Vì lý do ấy, Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng “không ai có thể hầu việc cả Đức Chúa Trời lẫn tiền tài nữa!” (Math. 6:24). Theo nguyên ngữ, sự phụng sự Chúa đề cập ở đây là sự phục vụ của một tên nô lệ, như chúng ta đã thấy trong bài học trước. Điều này cho thấy rằng Sa-tan sử dụng của cải vật chất, một mặt để cám dỗ người ta thờ lạy hắn, mặt khác, khiến họ trở nên nô lệ cho của cải, trở thành bủn xỉn. Tuy nhiên, chúng ta đã nhận được sự thương xót của Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Chúa, nhờ đó, được giải cứu khỏi uy quyền của Sa-tan và quay về với Đức Chúa Trời (Công 26:28). Sau khi nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời như vậy, chúng ta phải đối diện với một vấn đề thực tế trong đời sống mình, ấy là chúng ta phải sử dụng của cải vật chất mà Sa-tan trước đây đã dùng để lừa gạt chúng ta cũng như cả thế giới như thế nào? Chúng ta phải có chủ đích gì và thái độ nào đối với của cải vật chất? Cụ thể chúng ta phải xử lý của cải ra sao? Chúng ta có nên giữ lối sống y như trước khi được cứu không? Hay chúng ta nên thay đổi thái độ đối với của cải cho phù hợp với sự cứu rỗi đã giải thoát chúng ta khỏi uy quyền của Sa-tan và xoay chúng ta về với Đức Chúa Trời. Có những lời dạy dỗ rõ ràng về vấn đề này trong Kinh Thánh, là lời của Đức Chúa Trời. Trong 23 bài học qua, chúng ta bàn đến 17 đề tài trọng yếu khác nhau giữa chúng ta và Đức Chúa Trời. Bây giờ chúng ta xem xét vấn đề dâng hiến của cải vật chất.
1) “Đừng đặt hi vọng nơi tiền của vô định, nhưng hãy đặt hi vọng nơi Đức Chúa Trời, là Đấng ban mọi vật dồi dào cho chúng ta hưởng” (1 Ti-mô-thê 6:17). Lời này phơi bày mưu kế lừa gạt của Sa-tan. Lời này cho thấy mọi vật chất và niềm vui chúng ta được hưởng trong cuộc sống rõ ràng không đến từ của cải phù du nhưng đến từ sự ban cho của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã cung cấp mọi điều cho chúng ta một cách rộng rãi. Như vậy, chúng ta không được đặt hi vọng mình nơi của cải phù du và giả dối, nhưng phải đặt nơi chính Đức Chúa Trời là Đấng ban mọi vật cho chúng ta vui hưởng.
2) “Kẻ yêu dấu ơi, tôi cầu nguyện cho anh được thạnh vượng trong mọi sự” (3 Giăng 2). Sự thạnh vượng ở đây chỉ về sự dư dật và thạnh vượng về của cải vật chất. Điều này cho thấy sự vui hưởng vật chất của người được cứu và đã thuộc về Đức Chúa Trời thì đến từ Đức Chúa Trời, là kết quả của việc Ngài làm chúng ta thịnh vượng trong những điều vật chất. Chúng ta nên cố gắng trong công việc mình. Kinh Thánh cũng đòi hỏi chúng ta phải học tập duy trì các công việc tốt lành vì các nhu cầu cần thiết (Tít 3:8, 14). Tuy nhiên, không có sự ban phước của Đức Chúa Trời thì mọi công lao gắng sức khó nhọc của chúng ta sẽ không hiệu quả bao nhiêu. Vậy nên, trong vấn đề cung ứng vật chất, khác với người thuộc thế gian là những người chỉ tin cậy vào tài năng riêng của mình, chúng ta hãy học tập đặt hi vọng nơi Đức Chúa Trời.
3) “Đấng cấp giống cho kẻ gieo...” (2 Cô-rin-tô 9:10). Kinh Thánh xem việc dâng hiến của cải vật chất như gieo giống. Hạt giống do Đức Chúa Trời cung ứng và đến từ Đức Chúa Trời. Điều này cho thấy của cải vật chất mà các tín đồ dâng hiến cho Đức Chúa Trời vốn đến từ Đức Chúa Trời và do Ngài ban cho. Như vậy chúng ta dâng cho Ngài những gì Ngài đã ban cho chúng ta.
II. MẠNG LỊNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
1) “Chớ dồn chứa của báu cho mình ở dưới đất... nhưng phải dồn chứa của báu cho mình ở trên trời” (Ma-thi-ơ 6:19-20). Chúng ta cần xem lời Chúa ở đây về quan niệm tích trữ của cải. Tích trữ của cải vật chất tức là để dành của cải kiếm được sau khi đã chi dùng cho các nhu cầu cuộc sống. Ở đây, Chúa truyền rằng chúng ta không được tích trữ của cải dư thừa dưới đất mà phải chứa trên trời, tức là phải chi dùng cho Cha thiên thượng, làm những việc như giúp đỡ người thiếu thốn, tức là kết bạn với họ (Lu-ca 16:9), và làm cho phúc-âm của Ngài tiến triển (Phi-líp 1:5).
2) “Hãy răn bảo kẻ giàu ở đời nầy đừng tự cao và đừng đặt hi vọng nơi tiền của vô định, nhưng hãy đặt hi vọng nơi Đức Chúa Trời, là Đấng ban mọi vật dồi dào cho chúng ta hưởng. Hãy răn bảo họ phải làm lành, giàu về việc tốt, sẵn sàng phân phát, vui lòng cung cấp, để dồn chứa cho mình một nền tảng tốt đẹp cho thời tương lai, hầu cho họ giựt lấy cái sống là sự sống thật” (1 Ti-mô-thê 6:17-19). Đây là mạng lịnh của vị sứ đồ, đơn giản có nghĩa là mạng lịnh Chúa truyền cho chúng ta. Người giàu chỉ về những người sau khi đáp ứng nhu cầu cuộc sống mình rồi, mà phần kiếm được vẫn còn dư thừa. Làm lành, và phong phú trong các công việc tốt lành nghĩa là phân phát số dư thừa của cuộc sống mình cho người nghèo thiếu. Phong phú trong việc làm lành và công việc tốt lành nghĩa là sẵn sàng phân phát và vui lòng chuyển giao. Điều này cũng có nghĩa là tích trữ của cải trên trời, tích trữ một kho báu, một nền tảng tốt đẹp cho tương lai. Thực hiện lời này sẽ khiến cho một người có thể nắm lấy tức là có thể sở hữu được, sử dụng được, và vui hưởng được điều gì thật là sự sống, tức sự sống đời đời của Đức Chúa Trời. Để dành của cải dư thừa trong cuộc sống trên đất tức là nắm lấy và sử dụng sự sống thiên nhiên, trong khi để dành của cải dư thừa trên trời, tiêu dùng cho Đức Chúa Trời tức là nắm lấy và sử dụng sự sống đời đời của Đức Chúa Trời.
III. LỜI HỨA CỦA CHÚA
1) “Hãy cho, thì các ngươi sẽ được cho lại; họ sẽ lường lớn, giậm, lắc, đầy tràn, mà đổ vào lòng các ngươi” (Lu-ca 6:38). Đây là một lời hứa do chính miệng Chúa nói ra. Nếu chúng ta vui lòng phân phát của cải vật chất cho người thiếu thốn, vì cớ Đức Chúa Trời, thì chắc chắn Ngài sẽ đổ vào lòng anh em những điều dồi dào, phong phú, một đấu đầy, nén chặt, lắc xuống, đầy tràn. Ngài sẽ không đổ vào những bàn tay hẹp hòi và giới hạn. Thật là một sự trao đổi rất có lợi!
2) “Nhớ lại lời chính Chúa Giê-su đã phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công-vụ 20:35). Vì đã bị Sa-tan lừa dối nên loài người chỉ thích nhận mà không thích ban cho của cải vật chất. Muốn nhận mà không muốn cho là cách của Sa-tan, khiến người ta đánh mất ơn phước của Chúa. Cách tốt nhất để được Đức Chúa Trời ban phước về mặt vật chất là ban cho chứ không phải nhận lãnh, y như chính Chúa đã thực hành đối với chúng ta. Như vậy, chính Chúa hứa với chúng ta rằng ban cho có phước hơn nhận lãnh. Vô số tín đồ trải qua các thời đại đã yêu Chúa, tin lời Chúa và thực hành theo lời ấy, đã xác nhận tính đáng tin cậy của lời hứa này trong kinh nghiệm của mình.
3) “Ai gieo bỏn sẻn thì gặt bỏn sẻn, ai gieo rời rộng thì gặt rời rộng” (2 Cô-rin-tô 9:6). Đây là luật thiên nhiên mà Chúa đã thiết lập trong lãnh vực sinh học. Luật này chứa đựng lời hứa của Ngài. Dâng hiến của cải vật chất cũng như gieo giống. Vì sự gieo giống cuối cùng sẽ đem lại sự gặt hái. Ai gieo bỏn sẻn sẽ gặt bỏn sẻn, ai gieo dồi dào sẽ gặt dồi dào. Theo cái nhìn của loài người, dâng hiến của cải vật chất là cho đi mất của cải mình, nhưng theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, sự dâng hiến là một cách gieo, và người gieo sẽ gặt. Người dâng ít sẽ gặt ít, người dâng nhiều sẽ gặt nhiều. Chúng ta nên tin lời hứa của Chúa trong qui luật này.
4) “Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà Ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều này mà thử Ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, xem Ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng” (Ma-la-chi 3:10). “Một phần mười” là lượng dâng hiến theo luật định mà Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi mùa thâu hoạch của dân Y-sơ-ra-ên thời Cựu Ước. “Kho” ở đây là một nơi trong đền thờ thời Cựu Ước dùng để chứa mọi của dâng hiến cho Đức Chúa Trời từ dân của Ngài. “Nhà Ta” chỉ về đền thờ của Đức Chúa Trời trong thời Cựu Ước. Lời Kinh Thánh này bày tỏ một cách dồi dào vô cùng lời hứa phong phú, không giới hạn của Đức Chúa Trời. Mặc dầu lời này được phán với dân Y-sơ-ra-ên ở trong Cựu Ước, về nguyên tắc cũng được áp dụng cho các tín đồ Tân Ước. Nếu chúng ta hoàn toàn dâng hiến cho Đức Chúa Trời điều gì thuộc về Ngài để hội-thánh được cung cấp dư dật, Đức Chúa Trời sẽ mở các cửa sổ trên trời, đổ phước xuống cho chúng ta, đến nỗi không đủ chỗ chứa. Đây là một lời hứa long trọng của Chúa vạn quân. Chúng ta có thể dâng hiến cho Ngài theo lời hứa của Ngài để minh chứng cho Ngài.
IV. SỬ DỤNG
1) Cho nhu cầu của Hội-thánh — Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời muốn mỗi người Y-sơ-ra-ên dâng cho Ngài giá chuộc hồn mình. Của dâng này sử dụng cho nơi ở của Đức Chúa Trời, tức là đền tạm và đền thờ (Xuất 30:11-16). Hội-thánh ngày nay là đền tạm thật (nơi ở — Êph. 2:22), và đền thờ thật của Đức Chúa Trời (1 Côr. 3:16-17). Chúng ta, tức là tất cả các tín đồ thời Tân Ước, cũng nên dâng hiến cho Đức Chúa Trời để đáp ứng các nhu cầu chi dùng khác nhau trong hội-thánh mà chúng ta sinh hoạt.
2) Vì sự tấn tới của phúc-âm — “Bởi cớ từ ngày đầu tiên cho đến bây giờ anh em đã dự phần trong sự hưng vượng của Tin-lành” (Phi-líp 1:5). “Tương giao” trong câu này liên hệ đến sự tham gia và vui hưởng. Từ ngày đầu khi họ được cứu cho đến thời điểm Phao-lô viết thư này cho họ, các tín đồ tại thành Phi-líp không ngừng dùng của cải vật chất cung cấp sự cần dùng cho Phao-lô trong khi ông rao giảng Phúc-âm vì sự tấn tới của phúc-âm. Như thế, họ đã dự phần và đồng vui với Phao-lô trong sự tấn tới của phúc-âm. Điều này cho thấy, một khi đã được cứu, chúng ta nên dâng hiến của cải vật chất dư dật là phần Đức Chúa Trời ban cho chúng ta vì sự tấn tới của phúc-âm.
3) Cung cấp [sự cần dùng] cho đầy tớ Chúa — “Hỡi người Phi-líp... anh em cũng đã một hai lần gởi cung cấp sự cần dùng cho tôi [tức sứ đồ Phao-lô]” (Phi-líp 4:15-16). Những người hầu việc Chúa trọn thì giờ, không có thì giờ đi làm kiếm sống. Vì vậy, các tín đồ cần phải cung cấp cho những người đó bằng của cải vật chất mà họ dâng hiến cho Đức Chúa Trời. 1 Ti-mô-thê 5:17 nói rằng các tín đồ nên cung cấp của cải vật chất cho các trưởng lão khéo lãnh đạo và những người lao khổ trong lời Đức Chúa Trời và trong sự dạy dỗ (tức là các trưởng lão tại địa phương).
4) Cung cấp cho các thánh đồ thiếu thốn:
1. “Hãy cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ” (Rô-ma 12:13). Câu này cho thấy chúng ta nên cung cấp vật chất, của cải cho các thánh đồ thiếu thốn hay đang cần. Đây cũng là một trong những cách sử dụng của cải dâng hiến.
2. “Duy mong chúng tôi phải nhớ đến người nghèo” (Ga-la-ti 2:10). Chúng ta cũng nên nhớ đến người nghèo (đặc biệt chú trọng đến người nghèo giữa vòng các tín đồ) cung cấp cho họ của cải mà chúng ta đã nhận được từ Đức Chúa Trời.
V. SỐ LƯỢNG [DÂNG HIẾN]
1) “... mỗi người tùy sức mình gởi cứu tế” (Công-vụ 11:29); “...mỗi người trong anh em khá tùy sự phát đạt của mình mà dành dụm để riêng...” (1 Cô-rin-tô 16:2). Theo thư Giăng thứ 3 câu 2, chúng ta đã thấy sự thịnh vượng là ơn phước Chúa ban cho. Chúng ta nên quyết định số lượng dâng hiến tùy theo tình trạng phát đạt mà Đức Chúa Trời đã ban phước cho mình. Mỗi người nên quyết định số lượng dâng hiến riêng tùy theo những gì mình có, không theo những gì mình không có (2 Côr. 8:12).
2) “Ai gieo bỏn sẻn thì gặt bỏn sẻn, ai gieo rời rộng thì gặt rời rộng. Mỗi người hãy theo lòng mình đã dự định, chớ phàn nàn hay là vì ép buộc, vì Đức Chúa Trời thương yêu kẻ vui lòng quyên trợ” (2 Cô-rin-tô 9:6-7). Trong sự dâng hiến của cải vật chất, chúng ta sẽ gặt ít nếu gieo ít và gặt nhiều nếu gieo nhiều. Mỗi người hãy định trong lòng dâng hiến bao nhiêu, không buồn bực, không ép buộc, vì Đức Chúa Trời yêu người dâng hiến cách vui lòng.
VI. CÁCH DÂNG
1) “Và tái tam khẩn cầu chúng tôi để cho họ được thông công trong ơn phục sự các thánh đồ ấy... họ còn theo ý chỉ của Đức Chúa Trời mà trước hết dâng chính mình cho Chúa, rồi cũng cho chúng tôi nữa” (2 Cô-rin-tô 8:4-5). Các hội-thánh tại Ma-xê-đoan cung cấp của cải vật chất cho các thánh đồ thiếu thốn tại Giu-đê, một mặt, họ dâng bằng cách nài nỉ các sứ đồ cho họ được dự phần trong ân điển và thông công trong sự phục vụ ấy; mặt khác, bằng cách trước hết dâng chính mình cho Chúa và rồi cho các sứ đồ theo ý chỉ của Chúa. Điều này cho chúng ta thấy việc dâng hiến của cải đẹp lòng Đức Chúa Trời nhất là dâng chính chúng ta cho Chúa trước hết và kế đến cho các sứ đồ là những người lo lắng cho chúng ta. Cuối cùng là xin họ cho chúng ta được dự phần trong ân điển và sự thông công ấy.
2) “Hãy giữ chừng, đừng làm việc nghĩa [việc bố thí] trước mặt người ta cho họ đều thấy. Bằng không, thì các ngươi chẳng được phần thưởng gì nơi Cha các ngươi ở trên trời. Vậy, khi ngươi bố thí, đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả hình làm trong nhà hội và ngoài đường phố, để được vinh hiển nơi người ta. Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, họ đã được phần thưởng của họ rồi. Còn ngươi, khi bố thí, đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm, hầu cho việc bố thí của ngươi được ẩn mật; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật, sẽ báo đáp cho ngươi” (Ma-thi-ơ 6:1-4). Khi dâng hiến của cải vào bất cứ việc gì, chúng ta không được cố ý làm cho người khác trông thấy để được người ta tôn vinh và khen thưởng, nếu không, Cha chúng ta ở trên các từng trời sẽ không ban thưởng cho chúng ta. Vậy nên, chúng ta không nên để tay trái biết việc tay phải đang làm. Chúng ta nên dâng hiến một cách kín đáo để Cha thiên thượng, là Đấng thấy điều chúng ta làm Ngài sẽ ban lại, bù đắp, khen thưởng y theo lời hứa của Ngài mà chúng ta đã đề cập trong phần trước.
Theo lời Chúa dạy trong các câu Kinh Thánh này, chúng ta phải hết sức tránh đừng để cho người khác biết sự dâng hiến của cải vật chất của mình. Phải tránh sự dâng hiến nêu rõ tên, hoặc sự đóng góp công khai. Vì lý do ấy, chúng ta phải đặt hộp tiền dâng tại các phòng nhóm để các thánh đồ bỏ tiền dâng vào một cách kín đáo. Điều này cũng phù hợp với cách con dân của Đức Chúa Trời trong Cựu Ước bỏ tiền dâng vào rương (2 Vua 12:9).
VII. Ý NGHĨA
1) Thông công với người nhận — “Thông công trong ơn phục sự các thánh đồ ấy” (2 Cô-rin-tô 8:4). Cung cấp của cải vật chất cho các thánh đồ là một sự thông công đem lại ân điển hỗ tương cho người nhận lẫn người cung cấp.
2) Công chính đối với loài người trước mặt Đức Chúa Trời — “Người đã rải ra, đã giúp kẻ nghèo; sự nhơn nghĩa của người còn lại đời đời” (2 Cô-rin-tô 9:9). Sự phân phát của cải vật chất cho người nghèo là công chính đối với loài người trước mặt Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời quan tâm đến người nghèo và muốn dân Ngài quan tâm đến họ (Phục 15:7-8). “Ai thương xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay mượn” (Châm 19:17). Đây là luật Đức Chúa Trời đã thiết lập, luật này điều chỉnh mối liên hệ giữa loài người với nhau. Vì vậy, nếu chúng ta thực hành theo luật này của Đức Chúa Trời, sự công chính của chúng ta đối với loài người trước mặt Đức Chúa Trời sẽ còn lại đời đời. Khi Chúa Giê-su thiết lập vương quốc, Ngài cũng kể việc chúng ta bố thí là công chính (Math. 6:1-4). Nếu chúng ta là người sống trong vương quốc các từng trời của Chúa, mà lại không bố thí và dâng hiến của cải để Đức Chúa Trời sử dụng, thì chúng ta là người vi phạm luật cao nhất của vương quốc. Cho người nghèo của cải vật chất mà Đức Chúa Trời ban cho mình thì không những là tốt lành (Hê 13:16) mà còn là công chính nữa. Chúng ta có thể làm lành hay không [là tùy ý], nhưng chúng ta bắt buộc phải thi hành sự công chính vì đó là bổn phận của mình. Nếu không thi hành sự công chính, chúng ta bất chính đối với loài người ở trước mặt Đức Chúa Trời.
3) Sinh tế đẹp lòng Đức Chúa Trời — “Chớ nên quên làm lành và lo cung cấp, vì tế lễ dường ấy đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 13:16). “Đã nhận... của tặng của anh em, là một thức hương có mùi thơm, một tế vật được nhận và đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Phi-líp 4:18). Việc lành ở đây liên hệ đến việc phân phát của cải vật chất cho người khác, đó là một sinh tế đẹp lòng Đức Chúa Trời. Tặng vật chất cho các đầy tớ của Đức Chúa Trời cũng là một sinh tế đẹp lòng Ngài.
4) Làm một hương thơm, đẹp lòng Đức Chúa Trời — “Đã nhận... của tặng của anh em, là một thức hương có mùi thơm, một tế vật được nhận và đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Phi-líp 4:18). Hương thơm ở đây chỉ về hương thơm ngọt ngào từ của lễ thiêu (Sáng 8:20-21; Lê 1:9). Của dâng chúng ta gởi cho các đầy tớ Chúa không những là một sinh tế cho Đức Chúa Trời mà còn là hương thơm từ của lễ thiêu đẹp lòng Đức Chúa Trời. Điều này cho thấy sinh tế ở đây giống như của lễ thiêu làm thỏa mãn và làm vui lòng Đức Chúa Trời.
Bốn ý nghĩa của việc dâng hiến của cải vật chất đề cập trên đây cho chúng ta thấy tầm quan trọng và giá trị của sự dâng hiến. Của cải mà Đức Chúa Trời kể là “tiền tài bất nghĩa” (Lu 16:9), tức là của cải lừa dối (Math. 13:22) và là “tiền của vô định” (1 Tim. 6:17) sẽ “hết đi” (Lu 16:9), một khi được chúng ta là những người thuộc về Đức Chúa Trời đem dâng cho Đức Chúa Trời để Ngài sử dụng, của cải ấy chắc chắn sẽ trở nên “sự thông công” của chúng ta với các thánh đồ, “sự công chính” của chúng ta đối với loài người trước mặt Đức Chúa Trời, một “sinh tế” được Đức Chúa Trời chấp nhận và là “hương thơm” đẹp lòng Ngài. Của cải vốn lừa dối loài người, làm bại hoại loài người và hủy diệt loài người, chắc chắn sẽ trở nên những ơn phước vượt trổi mà chúng ta có được trước mặt Đức Chúa Trời! Mọi điều này là kết quả của việc chúng ta dâng hiến của cải vật chất.
Witness Lee