Câu Kinh Thánh trên ca ngợi Đức Chúa Trời là Đấng Quyền năng, Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Rỗi, Đấng đang duy trì, chăm sóc và quan phòng cả vũ trụ trong sự tể trị đầy uy quyền của Ngài. Mọi vinh hiển, tôn trọng, uy nghi đều thuộc về Ngài đến đời đời vô cùng. Có ba “Giới từ” được sứ đồ Phao-lô sử dụng ở đây nhằm nhấn mạnh vai trò của Đức Chúa Trời đối với cõi tạo vật này:
TỪ NGÀI
"Vì muôn vật đều là từ Ngài” cho thấy rằng Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo, Ngài là Nguồn gốc của muôn vật. Giới từ “ẽx” (from) trong nguyên văn có nghĩa: từ, ra từ, từ trong…[1] để chỉ nguồn gốc (thời gian, nơi chốn hoặc nguyên nhân).[2] Chữ này khẳng định Đức Chúa Trời là nguồn, là Đấng Sáng Tạo, là Tác Giả của muôn loài vạn vật.[3] Ngài là Đấng tạo dựng nên vũ trụ mênh mông cho đến mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, con người, thực vật, động vật, từng nguyên tử, mỗi tế bào… Hơn nữa chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Chúa Jesus và qua dân Do-thái, công tác của Đức Thánh Linh trên Hội Thánh, sự tái lâm của Chúa Jesus, Vương Quốc đời đời… đều ra từ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên muôn loài qua lời phán của Ngài, Chúa là nguồn gốc của mọi điều tốt đẹp. Ha-lê-lu-gia vì chúng ta có một Đức Chúa Trời đầy năng lực, đầy uy quyền!
BỞI NGÀI
Giới từ thứ hai “Bởi Ngài” trong nguyên ngữ là “día” (through) có nghĩa: xuyên qua, qua, bởi, với…[4] Muôn vật đã được tạo dựng xuyên qua, bởi và với Đức Chúa Trời. Ngài là phương tiện để sáng tạo, phương tiện để duy trì, phương tiện để cai trị muôn loài vạn vật.[5] “Bởi Ngài” nhấn mạnh vai trò sáng tạo, tể trị, quan phòng và chăm sóc của Đấng Quyền năng. Bởi Ngài muôn vật được dựng nên (Giăng 1: 2; Cô-lô-se 1: 16) là một điệp khúc nhắc nhở chúng ta về lòng yêu thương như biển cả, khắc sâu trong chúng ta sự thương xót vô bờ của Đấng Tạo Hóa, trách nhiệm tạo dựng, duy trì và phát triển toàn thể tạo vật của Ngài.
HƯỚNG VỀ NGÀI
“Hướng về Ngài” chỉ về mục đích, mục tiêu, kết cuộc của chương trình sáng tạo và cứu rỗi. Giới từ “éis” (to) mang ý nghĩa hướng tới, đến, vào.[6] “Hướng về Ngài” nhấn mạnh mục tiêu của muôn vật là chính Đức Chúa Trời, Ngài là kết cuộc của mọi điều tốt đẹp. Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng, Đấng Sáng tạo, Đấng tể trị chương trình cứu rỗi. Ngài cũng là đối tượng, là phương tiện để muôn vật được dựng nên trong và xuyên qua Ngài. Đức Chúa Trời là Đấng khởi đầu và kết thúc, do đó mọi sự vinh hiển đều thuộc về Ngài đến đời đời vô cùng.
KẾT LUẬN
Giáo sư Charles Hodge từng viết: Có nhiều Giáo Phụ tin rằng sứ đồ Phao-lô đang đề cập đến Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong câu Kinh Thánh này. Muôn vật trong vũ trụ đều đến từ Đức Chúa Cha, qua Đức Chúa Con và với Đức Thánh Linh.[7] Tất cả vinh hiển đều dâng cho Ngài đến đời đời.
Lý do hôm nay chúng ta phải dâng lên cho Đức Chúa Trời tất cả sự vinh hiển, tôn trọng và oai nghi vì Ngài là Đấng Tạo hóa, Đấng Cứu rỗi, Đấng Quyền năng. Đức Chúa Trời là mọi sự trong mọi sự, Ngài chính là nguồn, là phương tiện, là kết cuộc. Quyền năng, sự khôn ngoan, lòng tốt của Thiên Chúa cần được tất cả chúng ta ghi nhớ, ca ngợi và bước theo. Vì đây là Kim chỉ nam, là phương hướng cho cuộc đời Cơ đốc của mỗi chúng ta. Một lần nữa chúng ta hãy cùng nhau tuyên bố rằng: "Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời! A-men!"
June 24, 2017
An Joseph (Thien An Dang.,Th.D)
_____
[1] James Strong, The New Strong's Dictionary of Hebrew and Greek Words (Nashville: Thomas Nelson, 1997), S. H8674
[2] James Strong, The Exhaustive Concordance of the Bible : Showing Every Word of the Text of the Common English Version of the Canonical Books, and Every Occurrence of Each Word in Regular Order (Ontario: Woodside Bible Fellowship, 1996), S. G1537
[3] A.T. Robertson, Word Pictures in the New Testament (Oak Harbor: Logos Research Systems, 1997), S. Ro 11:36
[4] James Strong, The New Strong's Dictionary of Hebrew and Greek Words (Nashville: Thomas Nelson, 1997), S. H8674
[5] Marvin Richardson Vincent, Word Studies in the New Testament (Bellingham : Logos Research Systems, 2002), S. 3:132
[6] James Strong, The Exhaustive Concordance of the Bible : Showing Every Word of the Text of the Common English Version of the Canonical Books, and Every Occurrence of Each Word in Regular Order (Ontario: Woodside Bible Fellowship, 1996), S. G1519
[7] Charles Hodge, Romans - The Crossway Classic Commentaries (Wheaton: Crossway Books, 1993), S. Ro 11:36