Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

SỨ ĐIỆP GIÁNG SINH 2014

    Một mùa Giáng sinh nữa lại trở về trong cái lạnh đầu Đông. Sự kiện kỷ niệm Giáng sinh là dấu ấn quan trọng nhắc nhở Hội thánh và các dân tộc trên thế giới về tình yêu thương, sự hy sinh và sự cứu rỗi của Chúa Jesus dành cho các quốc gia, các thứ tiếng, mỗi con người đang sinh sống trên trái đất này. Bên cạnh vô số các hoạt động đón mừng Chúa Giáng sinh như: truyền giảng, nhóm họp, vui chơi, tiệc tùng… Có ai trong chúng ta suy nghĩ về phương cách và tâm tình của Chúa Cứu Thế Jesus khi Ngài đến thế gian hay không? Sự giáng sinh của Ngài cho thấy những mục tiêu cao hơn, vượt xa hơn những nghi thức của Lễ Hội thời hiện đại. Chúng ta hãy cùng suy gẫm về Chúa Jesus của chúng ta.

1. MỤC ĐÍCH CỦA SỰ GIÁNG SINH

       a. Sáng Danh Chúa trên trời cao

     Mục đích đầu nhất của sự kiện Chúa Jesus giáng sinh là sáng Danh Đức Chúa Trời. Do đó khi Chúa Jesus được sinh ra tại thành Bết-lê-hem, có muôn vàn thiên sứ xuất hiện ca hát ngợi khen Đức Chúa Trời. Sử gia Lu-ca đã tường thuật trong chương 2: 14 như sau:

Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao
Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người.”

      Bài ca bất hủ này là câu đối hoàn chỉnh về ngữ âm và ngữ nghĩa. Mục đích đầu tiên của sự giáng sinh là vinh hiển quy về Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên Chúa Jesus giáng thế là để cứu rỗi muôn dân, thế nhưng Kinh thánh cho biết mục đích quan trọng nhất, đứng đầu là sáng danh Đức Chúa Trời trên trời cao. Sự kiện Ngôi Lời nhập thể chứng tỏ tình yêu thương, quyền năng, sự vĩ đại của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại trong cõi thời gian, vì vậy sự vinh hiển dành cho Ngài là quan trọng nhất. Đôi khi chúng ta quá nhấn mạnh đến khía cạnh cứu rỗi con người mà quên đi mục đích đầu nhất là dành sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Mỗi chúng ta có dành sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời vào mỗi dịp kỷ niệm Chúa Jesus xuống trần gian hay không? Rô-ma chương 11: 36 chép “Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài và hướng về Ngài, vinh hiển cho Ngài đời đời vô cùng! A-men.”

       b. Bình an dưới đất cho muôn người

    Mục đích thứ hai của sự kiện giáng sinh là sự cứu rỗi, bình an dành cho muôn dân trên đất. Sự giáng thế của Chúa Jesus là cột mốc lịch sử đánh dấu kỷ nguyên mới, một thời đại mới mà Kinh thánh gọi là Năm Hân Hỉ, Năm Ban Ơn, Năm Đại Xá. Chính Chúa Jesus đã công bố sứ điệp này cũng trong Phúc âm Lu-ca chương 4: 19 như sau: “Ngài đã sai Ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do; Và để đồn ra năm lành của Chúa.[1] Cho nên sự kiện Chúa giáng thế là bằng chứng, là tiếng chuông báo hiệu thời đại mới mở ra, khi mọi kẻ tù được tha bổng, kẻ mù được sáng, kẻ hà hiếp được tự do, để mọi người tiếp tục đồn ra Năm Lành của Chúa! Ngày nay mỗi chúng ta có đang sống trong ân điển của Phúc âm hay không? Chúng ta có được tha thứ, được chiếu sáng, được tự do và tiếp tục đồn ra năm lành của Chúa hay không? Từ ngữ “đồn ra” cho thấy rằng Phúc âm sẽ tiếp tục truyền tụng, được rao truyền cho đến đầu cùng trái đất.

2. Ý NGHĨA CỦA SỰ GIÁNG SINH

        a. Sự hạ mình của Chúa Jesus

       Trong khi thế giới đang mải miết trong các dự án kinh doanh mỗi dịp Giáng sinh, trong khi các nhà thờ đua nhau trang hoàng cây thông, đèn màu, ban hát, diễn kịch... Có ai biết rằng Chúa Cứu Thế Jesus đã đến thế gian cách lặng lẽ, không kèn, không trống, không người đón tiếp. Ngài đã bằng lòng hạ sinh trong chuồng chiên, máng cỏ, nơi đơn sơ và thấp hèn nhất của thế giới này. Lu-ca 2: 6 chép: “Ma-ri sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở.” Thế gian không có chỗ cho Chúa Cứu Thế khi Ngài giáng sinh. Khác biệt với sự xa hoa náo nhiệt của không khí giáng sinh hôm nay, Chúa Jesus vẫn ở nơi đâu đó với “Những người chăn chiên” đang mãi thức canh. Ngài không giáng sinh trong cung điện hay đền thờ nhưng trong lòng của những người bị xem thấp thỏi của thế giới ngày nay. Tinh thần hạ mình của Chúa Cứu Thế Jesus đang ở đâu giữa vòng Hội thánh ngày nay?

        b. Sự hy sinh của Chúa Jesus

       Sự kiện Chúa Jesus đến thế gian trong chuồng chiên máng cỏ dường như báo hiệu một chức vụ hy sinh, quên mình của Ngài. Chính Chúa Jesus từng phán rằng:Cáo có hang, chim trời có ổ, song Con Người không có chỗ gối đầu.” (Lu-ca 9: 58). Đây chính là tâm tình của những ai theo Chúa Jesus hôm nay. Dĩ nhiên không phải ai bước theo Chúa Jesus đều phải trở nên nghèo khổ, nhưng nếu muốn làm môn đệ Chúa Jesus, chúng ta cần phải trang bị tinh thần sẵn sàng chịu khổ và hy sinh. Chính Ngài từng tuyên bố rằng: “Ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta. Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.” (Mat 10: 38 – 39). Đời sống của Chúa Jesus là gương mẫu hy sinh và tận hiến cho Đức Chúa Trời và loài người.

3. ĐÁP ỨNG VỚI SỰ GIÁNG SINH

       a. Phúc âm cho người nghèo

       Điểm nổi bật trong sách của Luca là Phúc âm dành cho mọi loại người, đặc biệt những người nghèo. Chúa Jesus tuyên bố: Linh Chúa ngự trên ta, Vì Ngài đã xức dầu cho ta để giảng Tin lành cho kẻ nghèo Giữa một xã hội phân hoá sâu sắc bởi giàu/nghèo, Do thái/ngoại bang, người chịu cắt bì/không chịu cắt bì, nô lệ/tự chủ, người cai trị/kẻ bị trị... thì Phúc âm thật sự là một Tin Tức Tốt Lành cho người nghèo, người bệnh, người cô thế, tội nhân, người bị xã hội ruồng bỏ... Xa-chê, con trai hoang đàng, nữ tội nhân, chiên lạc mất, tên cướp trên thập tự giá... là nhân vật điển hình...

Thực tế trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, tất cả tội nhân đều là “người nghèo”. Nghèo tâm linh, không có Đức Chúa Trời là hình ảnh đáng thương của cả nhân loại. Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta có nhận biết tình trạng của chính mình hay không? Theo Kinh thánh, người Pharisi, người Do thái, các thầy thông giáo… đều không biết tình trạng nghèo thiếu của chính họ và do đó họ không được giải cứu. Điểm nhấn quan trọng ở đây là mỗi chúng ta cần ý thức được tình trạng “nghèo nàn” của mình để nài xin ơn thương xót của Chúa, đặc biệt là trong Mùa Giáng sinh này (Mat 5: 3).

b. Phúc âm không biên giới

     Điểm quan trọng cuối cùng của sứ điệp Giáng sinh là Phúc âm không biên giới, Phúc âm đến với tất cả các dân tộc. Sự kiện Chúa Jesus giáng sinh báo hiệu một khúc quanh lịch sử, ấy là Đức Chúa Trời đã trở nên con người, Ngài đã sống giữa nhân loại, Ngài đã thi hành chức vụ, Ngài đã chết, phục sinh và thăng thiên. Ngài chính là Tin Mừng được công bố cho toàn thế giới xuyên qua Đại Mạng Lệnh (Mat 28: 19 – 20, Lu-ca 24: 47 – 49). Sự cứu rỗi dành cho mọi dân tộc, không phân biệt Do thái hay Ngoại bang. Sự cứu rỗi không giới hạn trong một nền văn hoá hay luật lệ tôn giáo, kể cả Do thái giáo. Các sách Phúc âm cho biết Cơ đốc giáo vượt xa Do thái giáo – Phúc âm cứu rỗi dành cho mọi dân tộc trên thế giới.

       Hai mươi thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Chúa Jesus Giáng sinh và công bố Năm Ban Ơn của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Có bao nhiêu người đang thừa hưởng, kinh nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời ngay trong đời sống chính mình. Hãy đến với sự Giáng sinh của Chúa Jesus theo phương cách mới mẻ, thực tế và sống động hơn. Là những người đang hưởng ơn cứu rỗi hôm nay, chúng ta cần mạnh mẽ công bố Phúc âm, rao giảng Tin Mừng cho mọi người cách không mệt mỏi. Phúc âm phải đến với từng vùng miền, thành thị và nông thôn, từng gia đình, mỗi cá nhân trên đất nước Việt Nam mến yêu này.   

KẾT LUẬN

     Giáng sinh là dịp để mọi người kỷ niệm sự giáng thế của Chúa Jesus. Mục đích quan trọng của sự Giáng sinh là tôn vinh Đức Chúa Trời và công bố Tin Lành bình an cho toàn thế giới. Tinh thần của Lễ Giáng sinh là sự khiêm nhường, hạ mình, hy sinh, tận hiến cho Đức Chúa Trời và Hội thánh Ngài. Đáp ứng đối với Giáng sinh là mỗi chúng ta cần nhận biết tình trạng của mình trước mặt Chúa, được Ngài thương xót và tiếp tục đẩy mạnh công tác Phúc âm cho toàn thế giới.

      Chúng ta có dành tất cả vinh hiển cho Đức Chúa Trời trong dịp Giáng sinh 2014 hay không? Chúng ta có đang bước theo tâm tình của Đấng Christ trong sự hạ mình và hy sinh hay không? Chúng ta có đang ngày đêm công bố Tin Mừng cho tất cả thân bằng, quyến thuộc, bạn hữu xung quanh chúng ta chăng? Mỗi chúng ta hãy trả lời với chính mình và với Chúa ngay hôm nay.

      Cầu xin Đức Chúa Trời ban cho tất cả chúng ta luôn sống trong Kỳ Hân Hỉ, Năm Lành của Ngài!  Amen!

21/12/2014
Joseph An - Thien An Dang




[1] Chữ “Năm Lành” ở đây là Năm Hân Hỉ được lấy trong bối cảnh Cựu ước: sau bảy năm Sa-bát (49 năm) đến năm thứ 50 gọi là Năm Hân Hỉ. Vào năm Hân hỉ, mọi món nợ được xóa, đầy tớ được phóng thích và đất đai trở về nguyên chủ. (Lê-vi-ký chương 25 – 27).