Không lạ gì khi các tác giả tìm nguồn cảm hứng nơi những người đi trước họ, cũng thế, không lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng Bill và Gloria Gaither1 nhận ra sự đồng cảm ở một Annie Johnson Flint can đảm. Gloria nói: "Các bài hát của Annie luôn nhìn cuộc sống từ viễn cảnh đời đời, thấy sự việc trong ngữ cảnh rộng hơn – bức tranh lớn. Chúng ta đang hát và yêu thích nghệ thuật của cô!"
Bài tường thuật tiểu sử của nữ thi sĩ và tác giả thánh ca Annie Johnson Flint (1866-1932) là câu chuyện của cả nỗi đau buồn xé lòng lẫn sự đắc thắng. Sinh ra vào đêm Nô-en ở một thị trấn nhỏ thuộc Vineland, New Jersey, cô được ông bà Eldon và Jean Johnson
đón nhận như món quà lớn nhất trần đời. Ba năm sau đó, cô bé Annie mất mẹ – mẹ cô đã chết khi sinh em gái của cô. Ông Johnson, mắc một căn bệnh nan y, buột lòng cho con cái mình vào gia đình ông Flint, người đã trưởng dưỡng họ theo đức tin Báp-tít.
Lúc lên tám, trong một buổi nhóm phục hưng, Linh của Thiên Chúa đã đem tấm lòng của cô gái trẻ Annie đến với đức tin nơi Đấng Christ. Cô luôn tin rằng vào lúc đó mình đã thật sự hoán cải. Măc dù không gia nhập giáo hội mãi đến mười năm sau đó, nhưng cô không bao giờ nghi ngờ gì về việc "công việc đời đời đã được thực hiện". Cô mạnh mẽ chống đối ý tưởng rằng trẻ em không thể hiểu được các lẽ thật thuộc linh. Cô cảm nhận rằng các huyền nhiệm thần thượng thường rõ ràng cho đức tin đơn sơ của một con trẻ hơn đối với phần đông người lớn, những người đã bị đui mù bởi các định kiến và tâm trí ngờ vực của họ. Không khó cho cô để tán thành lời của Thầy (Lu. 10:21).
Ấy là vào lúc Annie trải qua trải nghiệm thuộc linh này mà niềm vui thích thơ ca bắt đầu thức dậy trong cô. Cô kể về giây phút rộn ràng của cuộc đời khi nhận ra rằng mình có thể tự bày tỏ bằng những vần thơ. Một người bạn trong giai đoạn đó đã nói lên hồi ức của mình về Annie khi mới gặp được "một cô gái xinh đẹp, đôi mắt nâu với làn da đậm màu ô-liu và mái tóc dài, quăn, đen".
Cô Annie tốt bụng, vui tính và hoạt bát, luôn được các bạn học trai và gái yêu thích. Người bạn vừa nói đến ở trên đã viết: "Mỗi trưa thứ bảy chúng tôi gặp nhau như đôi bạn thân cùng yêu thích văn chương để đọc những bài thơ ưa thích, và rồi chúng tôi cố gắng viết những vần thơ của riêng mình".
Hoặc bởi bản tính tự nhiên hoặc qua trải nghiệm Cơ Đốc, Annie định hình một tâm tính lạc quan, vui vẻ. Cô nhìn về khía cạnh tươi sáng của cuộc đời để nhận được nhiều niềm vui từ cuộc sống. Ngẩng cao đầu nhìn thẳng về phía trước là thái độ đặc trưng và nét điển hình về lòng cam đảm mà cô bày tỏ trong cuộc sống sau này. Cô chắc chắn đã học tập "chịu khổ như một tinh binh của Đấng Christ".
Tính nhạy cảm làm cô có nhận thức sâu sắc đối với các nhu cầu và sai lầm của người khác – thường là vậy đối với những ai có bản tính này – cũng làm cho cô thích hay không thích cách mãnh liệt. Cô ghi nhận khuyết điểm lớn nhất của mình là thiếu kiên nhẫn đối với chính mình cũng như với người khác. Cô muốn thấy kết quả tức thì. Bản tính này ghép với tính ngoan cường, nên nếu đã bắt đầu việc gì thì cô không bao giờ bỏ cuộc khi việc ấy chưa hoàn thành.
Sau khi xong trung học, cô đã trải qua một năm được đào tạo sư phạm, và có một vị trí được dành cho, nhưng cô thật sự cảm thấy cần được ở nhà. Sau này, trong năm dạy học thứ hai, chứng viêm khớp bắt đầu lộ diện. Tình trạng sức khỏe của 2 cô càng ngày càng tệ hại cho đến khi việc đi đứng của cô trở nên vô cùng khó khăn, và cô buột phải sớm từ bỏ công việc, theo sau đó là ba năm tình trạng không tự lo liệu gia tăng. Cái chết của cả cha lẫn mẹ nuôi lần lượt chỉ trong vài ba tháng một lần nữa bỏ Annie và em gái trong cảnh mồ côi. Chỉ còn lại một ít tiền trong ngân hàng, hai đứa trẻ côi cút đã thật sự đi đến "chỗ Biển Đỏ" của cuộc đời.
Hãy hình dung, nếu bạn có thể, cảnh tình vô vọng của Annie khi cuối cùng cô nhận được kết quả chuẩn đoán của các bác sĩ từ Bệnh viện Điều dưỡng Clifton Springs rằng từ đó trở đi cô sẽ trở nên một người tàn phế. Cha mẹ ruột đã bị cất đi khi cô còn thơ ấu, và cha mẹ nuôi cả hai cũng đã qua đời. Người em gái duy nhất, yếu đuối của cô phải đấu tranh cách can đảm để đáp ứng cho cô trong tình trạng như vậy. Trong những năm cuối đời, cô luôn nói rằng các bài thơ của mình đã được sinh ra từ nhu cầu của người khác, chẳng phải từ nhu cầu của riêng cô; nhưng người ta biết rất rõ rằng nếu đã không ở trong hoàn cảnh phải đối đầu với những khủng hoảng trong cuộc sống riêng mình thì cô không bao giờ có thể viết như đã viết để an ủi, vỗ về hàng ngàn người khác.
Những vần thơ của cô đem lại sự khuây khỏa trong những cơn đau kéo dài nhiều giờ. Sau đó, cô bắt đầu thực hiện những tấm bưu thiếp viết tay và những quyển sách làm quà tặng, đồng thời trang trí những bài thơ của mình. Lời làm chứng về phước hạnh nhận được qua việc làm của cô đã đến từ bốn phương, vì vậy hai nhà xuất bản bưu thiếp đã in một số bưu thiếp chúc mừng và phát hành một tập mỏng các bài thơ của cô. Việc xuất bản các cuốn sách nhỏ và hoạt động Trường Chúa Nhật của cô đã nối kết cô với sự tương giao rộng khắp toàn cầu; cô đã tự tay thực hiện hầu hết việc quan hệ thư từ, mặc dù người ta ngạc nhiên tự hỏi làm thế nào mà cô có thể cầm bút bằng các ngón tay tật nguyền vặn vẹo đó. Thư từ của cô cũng phong phú như thơ của cô, đem lại sự cảm kích về tính hóm hỉnh luôn tươi mới. Cô thích ban cho nhưng lại miễn cưỡng đón nhận, mặc dù phải trải bao phen thử thách nghiệt ngã. Cuối cùng cô đã đạt được sự hiểu biết mới để học cách chia sẻ những giây phút khó khăn trong cuộc sống mình với những ai không hiểu được ý nghĩa của những cam go thử thách trong cuộc sống. Cô đã đưa những trải nghiệm đó vào những lời thơ tựa đề là "Thiên Chúa Đã Hứa Gì" ("What God Hath Promised"). Qua những lời thơ này cùng với nhiều lời thơ khác, cô trở nên tin quyết rằng Thiên Chúa định ý làm vinh hiển chính Ngài qua sự yếu đuối của cô, cái bình bằng đất; và giống như Phao-lô, cô đạt được sự bảo đảm thật để có thể đồng thanh với vị sứ đồ, như lời hứa đã ban cho ông: "'Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.'"; cũng có thể cùng với Phao-lô thốt lên rằng: "Vì vậy, tôi rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi." Cô tin rằng Thiên Chúa bỏ cô qua một bên vì một mục đích, cho dù mục đích ấy lắm lúc mờ mịt đối với cô.
Điều kỳ diệu là đức tin cô không hề nao núng và cô luôn luôn có thể nói: "Ý Ngài được nên".
Một trong những ca khúc phổ biến hơn hết của Annie Johnson Flint gây cảm kích cho hàng ngàn người – kể cả vợ chồng nhà Gaither và đám đông các "fans" của họ – dựa trên ba lời hứa trong Kinh Thánh: "Nhưng ân điển Ngài ban cho càng lớn hơn" (Gia. 4:6); "Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức." (Ês. 40:29); "nguyền xin sự thương xót, bình an, yêu mến thêm lên cho anh em!" (Giu. 2).
* Phụ chú:
1) Một đôi vợ chồng, ở Michigan, là tác giả của hơn 700 bài thánh ca [http://en.wikipedia.org/wiki/Gloria_Gaither]
1) Một đôi vợ chồng, ở Michigan, là tác giả của hơn 700 bài thánh ca [http://en.wikipedia.org/wiki/Gloria_Gaither]
2) Những chữ in nghiêng được thêm vào để làm rõ nghĩa hoặc suông câu.
3) Nguồn bài thánh ca: http://www.vpcgg.org/index.php?option=com_content&view=article&id=2405:ngai-ban-cho-them-n&catid=365:c-che-ch&Itemid=608
Nguyên tác: "He Giveth More Grace"
Nguồn tài liệu: http://www.homecomingmagazine.com/article/he-giveth-more-grace/
Shalom Do sưu tầm và dịch thuật để chia sẻ