Một Cơ Đốc nhân vốn là học giả người Do Thái, đang quản
nhiệm một Hội Thánh Tin lành tại Dallas, Texas, có viết một quyển sách nhan đề:
“An Israel Love Story”. Đây là câu chuyện giả tưởng nhằm mục đích diễn giảng về
tập tục lễ cưới của người Do Thái hồi thế kỷ thứ nhất S.C. Sau đây là lời tóm
lược những điểm chính mà tác giả diễn giải và sau đó tôi sẽ ứng dụng
chúng cho thời gian chúng ta, khi Tân Lang yêu quí là Jesus Christ đến rước Cô
Dâu của Ngài.
Trong thế kỷ đầu tiên, khi một người thanh niên nhìn thấy
một cô gái trẻ mà anh thích, anh tham khảo ý kiến với cha mình. Đôi khi người
cha đã chọn cô gái nào đó cho anh và không cần sự tham vấn của anh. Nhưng khi
người cha đã phê duyệt sự lựa chọn con dâu, người thanh niên sẽ đi đến nhà cô ấy
và nói chuyện với cha nàng.
Tại nhà của cô dâu, có ba điều rất quan trọng sẽ xảy ra:
chú rể sẽ lập một giao ước với cô dâu, một hợp đồng thực tế; anh sẽ uống chung
một chén rượu với cô ấy để làm ấn chứng cho giao ước và anh phải trả giá (sính
lễ lớn) cho cô dâu của mình với người cha của nàng. Giá của cô dâu là để đảm bảo
rằng chú rể nghiêm trọng về giao ước, nên anh đã phải trả giá cao. Sau khi giao
ước đã được thực hiện, chén rượu đã uống cạn và giá cả đã thanh toán, chú rể sẽ
phát biểu với cô dâu, nói với cô rằng anh ấy sẽ rời khỏi cô và trở về nhà cha
mình để chuẩn bị một buồng cô dâu cho cô, một chương trình tuần trăng mật
cho hai người.
Những lời anh nói là "Tôi đi để chuẩn bị một nơi
dành cho bạn". Anh sẽ đi một thời gian dài. Anh sẽ phải xây dựng và hoàn
thành buồng cô dâu và được sự chấp thuận của cha mình. Nó sẽ phải theo đúng
quy định để kéo dài bảy ngày trong tuần trăng mật. Anh muốn nó phải xinh đẹp đối
với cô ấy.
Điều đó phải được thực hiện ngay để giành được sự chấp
thuận của cha chú rể. Trong năm đó, đang khi chú rể xây dựng buồng cô dâu, nếu
có ai hỏi anh khi nào đến ngày đám cưới, anh ấy sẽ nói. "Tôi không biết.
Chỉ có cha tôi biết". Và điều đó là thật. Anh không thể quay trở lại rước
cô dâu của mình cho đến khi cha của anh đã phê duyệt căn phòng anh xây dựng và
bảo anh ta đi rước cô ấy.
Trong khi đó, cô dâu đã chờ đợi với sự tôn trọng. Cô mang
mạng che mặt mỗi khi cô đi ra ngoài, để những người thanh niên khác sẽ biết rằng
cô ấy không sẵn sàng hứa hôn với ai nữa. Bây giờ cô ấy được gọi là "người
được biệt riêng", là "người được dâng hiến", và "đã được
mua với một mức giá." Cô ấy không còn thuộc về mình, nhưng là một cá nhân
ký hợp đồng với người khác và cô cư xử theo cách tôn trọng sự thỏa thuận đó. Cô
không tìm kiếm những thanh niên khác. Cô chuẩn bị tinh thần cho cuộc hôn nhân bằng
cách thu thập quần áo, tư trang của mình và chờ đợi chú rể của mình đến. Cô ấy ở
nhà mỗi đêm, đặc biệt là khi thời gian trôi qua và cô biết anh có thể đến.
Theo truyền thống là anh ta đến vào ban đêm, đặc biệt là
nửa đêm, để cố gắng làm cho cô ấy ngạc nhiên. Nó đã trở thành "một vụ bắt
cóc." Cô dâu cần chờ đợi chung với các "phù dâu", là các chị em
ruột của mình hoặc bất cứ ai mà cô muốn có mặt trong tiệc cưới của mình. Tất cả
họ sẽ có dầu trong đèn của họ, trong trường hợp chú rể đến vào ban đêm. Thời
gian trôi qua, họ chắc chắn phải sẵn sàng vào mỗi đêm.
Một đêm kia, cuối cùng chú rể đã đến. Theo phong tục,
đoàn của chú rể hét lên khi họ đến gần nhà của cô dâu. Khi cô dâu nghe tiếng
gào thét đó, cô biết chú rể đã đến để rước cô. Chú rể và bạn bè của anh sẽ vội
vàng bước vào trong nhà và chộp lấy tất cả các cô gái trước mắt, là những cô
gái chắc chắn làm một với người có mạng che mặt (cô dâu). Anh cần mạng che mặt
của cô làm giải pháp khi đi qua các đường phố, là cô vẫn là người chưa kết hôn.
Cha và các anh em của cô dâu nhìn theo cách khác, miễn là người thanh niên giữ
hợp đồng.
Toàn bộ đoàn người tham dự tiệc cưới sẽ đi về phía ngôi
nhà của chú rể, đi diễu qua các đường phố và cười nói vui vẻ. Mọi người sẽ biết
có một đám cưới diễn ra, nhưng không thể nói ai là cô dâu, vì cô dâu được bao
phủ bởi tấm màn che. Cô dâu và chú rể sẽ nhập vào buồng cô dâu trong khi đoàn
tham dự tiệc cưới đứng đợi bên ngoài cùng với các khách ăn đám cưới (bạn bè của
cha của chú rể). Mọi người chờ đợi bên ngoài phòng đám cưới cho đến khi chú rể
nói với người bạn đáng tin cậy của mình qua cánh cửa rằng cuộc hôn nhân đã hoàn
tất.
Sau đó, các vị khách bắt đầu ăn mừng một cuộc hôn nhân đã
hoàn thành. Khách mời sẽ dành bảy ngày tiếp theo để ăn mừng lễ cưới cho đến khi
cô dâu xuất hiện với mạng che mặt đã gở đi. Bây giờ đôi lứa là chồng và là vợ.
Sau đó sẽ có tiệc cưới mà tất cả mọi người sẽ vui vẻ chúc mừng đôi vợ chồng mới.
Sau đó, cặp vợ chồng trẻ sẽ rời khỏi căn nhà của người cha chú rễ và đi đến một
ngôi nhà cố định mà người chồng đã chuẩn bị cho họ.
Bạn ơi, theo một phương diện, toàn bộ Kinh thánh chép câu
chuyện tình thần thượng giữa Đức Chúa Trời trong Đấng Christ với dân được cứu
chuộc của Ngài.
1 1. Chú Rễ
Chú Rễ là Đấng Christ, còn cô dâu không phải một cá nhân
nào mà là toàn thể dân Chúa thuộc các thời đại nói chung.
Chú Rễ đã chủ động tìm kiếm cô dâu và hỏi, “hỡi A-đam,
người ở đây?”(Sáng 3: 9) Chú Rễ bày tỏ tình yêu thần thượng cùng cô dâu khi
nói, “Phải, Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ
mà kéo ngươi đến”-“ Ta sẽ cưới ngươi cho Ta đời đời; Ta sẽ cưới ngươi cho Ta
trong sự công bình và chánh trực, nhân từ và thương xót. Phải, Ta sẽ cưới ngươi
cho Ta trong sự thành tín” ( Giê 31:3; Ô-sê 2:19-20). Đôi khi Chú Rễ đôi ba lần
hỏi cô dâu, “ngươi có thương yêu Ta hơn những kẻ nầy chăng” (Giăng 21:15-17).
Cô dâu phải chân thành đáp, “Thưa Chúa, phải, Ngài biết rằng tôi kính mến
Ngài”, thì Chú Rễ mới an lòng.
2 2. Hôn ước
Sau khi cứu thoát dân Israel ra khỏi Ai-cập, Chúa đã lập
hôn ước thuộc linh với Israel, Ngài nói, “Giao ước nầy sẽ không theo giao ước
mà Ta đã kết với tổ phụ chúng nó trong ngày Ta nắm tay dắt ra khỏi đất Ai-cập,
tức giao ước mà chúng nó đã phá đi, dầu rằng Ta làm chồng chúng nó, Đức
Giê-hô-va phán vậy”(Giê 31: 32). Nhưng Cô dâu Israel đã phá hôn ước đó rồi. Nên
Chúa nói Ngài sẽ lập một hôn ước bền vững đời đời với Hội thánh. Qua Giê-rê-mi
vào khoảng năm 700 T.C., Chú rễ hứa về hôn ước mới trong Giê 31: 33-34. Lời
tiên tri nầy đã được thực hiện trong tiệc vượt qua và lễ bẻ bánh tại phòng cao
trước khi Chú rễ chết. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ diễn giải như sau: “Nầy là giao ước
Ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên: Sau những ngày đó: Ta sẽ để luật pháp ta trong
tâm ý họ, Ghi tạc nó vào lòng họ; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, Họ sẽ làm dân
Ta. Họ sẽ chẳng cần mỗi người dạy kẻ lân cận mình. Và anh em mình, rằng: 'Hãy
nhận biết Chúa,' Vì họ hết thảy, Từ kẻ nhỏ cho đến kẻ lớn, đều sẽ biết Ta.
Bởi chưng Ta sẽ khoan thứ sự bất nghĩa của họ, Chẳng nhớ lại tội lỗi của
họ nữa.” Đã gọi giao ước nầy là mới, thì Ngài đã khiến cho cái trước kia ra cũ.
Vả, điều gì ra cũ ra già thì gần biến mất đi”. Rồi đến 9:15-17, do sự đổ
huyết của Chúa là người lập giao ước, thì giao ước trở nên chúc thơ, có hiệu lực
bền vững đời đời, “Nhơn cớ đó Ngài là Đấng Trung bảo của giao ước mới, hầu cho
như đã có sự chết cứu chuộc các sự quá phạm dưới giao ước thứ nhứt, thì những kẻ
được kêu gọi có thể nhận lãnh được cơ nghiệp đời đời đã hứa. Vì hễ có chúc thơ,
thì cần phải đợi kẻ trối chết đã. Vì người trối chết rồi, thì chúc thơ mới có
hiệu lực. Nếu người trối còn sống, thì chúc thơ đâu có hiệu gì ư?” (Hê.
9:15-17). Hôn ước giữa Chú Rễ và cô đây đã trở thành di chúc rồi.
3 3. Trả giá
Theo phong tục Do thái, chú rễ phải trả giá rất đắt, là
sính lễ, bằng mạng sống cô dâu hầu bảo đảm cho lời giao kết của chú. Chú Rễ thuộc
linh cũng mua cô dâu bằng chính sanh mạng quí báu của Người. Cô dâu thuộc về
Chú Rễ đời đời. “Anh em chẳng phải thuộc về chính mình anh em đâu, vì anh
em đã được mua bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình mà tôn vinh Đức
Chúa Trời”(1 Cor. 6: 19-20).” Vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát, như bạc
hoặc vàng, mà anh em đã được chuộc khỏi cách ăn ở hư không của tổ phụ truyền lại,
bèn là bởi huyết báu, như huyết của chiên con không tì không vít, tức là huyết
của Christ” (1 Phi-e-rơ 1:18-19).
4 4. Chén Rượu Giao
Ước:
Mathio 26: 27-29, “Ngài lại lấy chén, cảm tạ, rồi đưa cho
họ mà phán rằng: "Hết thảy hãy uống đi; vì đây là huyết Ta, tức là
huyết của giao ước, đổ ra cho nhiều người được tha tội. Nhưng Ta nói cùng các
ngươi, từ rày về sau Ta hẳn chẳng còn uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày Ta
cùng các ngươi uống thứ mới trong nước của Cha Ta."
Mười một sứ đồ đại diện cho cô dâu, đã cùng uống chén
giao ước với Chú Rễ rồi.
5 5. Thời gian xa
cách
Sau đó Chú Rễ về nhà Cha mình, nhưng Chàng không biết
ngày nào mình trở lại. Chú Rễ có nói, “Nhưng về ngày và giờ đó chẳng ai biết, đến
đỗi thiên sứ trên trời, hay là Con cũng không, duy Cha biết mà thôi” (Mác
13: 32). Nhân tánh của Chúa không biết thời hạn tái lâm
Đa số con dân Chúa coi Giăng 14:2-3 là việc Chúa đi xây dựng
nhà cửa cho họ cư trong trong tương lai. “Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở; bằng
chẳng vậy, Ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ.
Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, thì Ta sẽ trở lại, tiếp
các ngươi về với Ta, hầu cho Ta ở đâu, thì các ngươi cũng ở đó”. Đây là niềm
tin truyền thống, rất sai lầm. Sách Giăng chia làm hai phần: phần đầu từ chương
1 đến chương 13 nói về “nhà Cha của Ngài”. Sau đó Ngài ngụ ý Nhà đó là đền
thờ thân thể vật lý của Ngài. Ngài nói, “đừng làm cho nhà Cha Ta thành ra nhà
buôn bán”. Ngài nói “Hãy phá đền thờ nầy đi, rồi trong ba ngày ta sẽ dựng lại”.
Họ hiểu sai là Ngài bảo phá đền thờ vật chất. Sứ đồ Giăng giải thích, “Nhưng
Ngài nói về đền thờ của thân thể Ngài”. Đến Giăng 14: , Chúa nói đến “nhà của
Cha Ngài”, đó là đền thờ thân thể phục sinh của Ngài, là nơi ở của dân Chúa
ngày nay. “Chỗ ở” trong nhà Cha là các tín đồ, mỗi người là một chổ ở, “Nếu ai
thương yêu ta, thì giữ lời Ta, Cha Ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến
cùng người và lập cư với người”. Chữ “lập cư” đây là “chỗ ở”. Chúa nói với
Phi-e-rơ trước khi Ngài chết, “Nơi Ta đi, bây giờ ngươi chẳng có thể theo Ta được,
nhưng rồi sau ngươi sẽ theo Ta” (Giăng 13: 36). Sau khi Chúa sống lại, người
tin Ngài sẽ vào cư ngụ trong Ngài, đó là Thân thể hoàn vũ của Đấng Christ.
Tôi không thấy Kinh Tân ước chép Chúa đang xây nhà cửa vật
lý cho chúng ta. Chúa chỉ nói, “Cha ơi, Con muốn Con ở đâu, thì những kẻ Cha đã
ban cho Con cũng ở đó với Con- Khi ấy những người công nghĩa sẽ chói rạng
như mặt trời trong nước của Cha họ” (Giăng 17:24; Mathio 13:43). Dĩ nhiên có chỗ
ở cụ thể cho dân Chúa trong thiên đàng, là những “Điều mắt chưa thấy, tai chưa
nghe, Và lòng người chưa từng nghĩ đến, Thì Đức Chúa Trời đã dự bị cho những kẻ
thương yêu Ngài” (1 Cor. 2:9). Nhưng Giăng 14:1-3 không miêu tả nhà cửa cụ thể
trên thiên đàng bao giờ.
6 6. Cô dâu chờ đợi
Hội thánh nói chung đã được hứa hôn với Chúa, nên Phao-lô
cảnh giác chúng ta, “Vì tôi lấy sự ghen tức của Đức Chúa Trời mà ghen tức anh
em, bởi tôi đã gả anh em cho một chồng mà thôi, hầu trình diện anh em cho Đấng
Christ như một đồng nữ trinh khiết. Nhưng tôi ngại rằng tâm tư của anh em bị bại
hoại mất sự đơn thuần thanh khiết đối với Đấng Christ, cũng như xưa kia con rắn
đã dùng quỉ kế mà dư hoặc Ê-va vậy” (2 Cor. 11:2-3).
Ước mong chúng ta có thái độ như Chúa khuyên “Lưng các
ngươi phải thắt lại, đèn các ngươi phải thắp lên. Hãy làm như người trông đợi
chủ mình ở tiệc cưới về, để lúc chủ đến gõ cửa thì liền mở cho” (Lu 12:35-36).
Mathio 25: chép 10 trinh nữ chờ Chúa trải 20 thế kỷ nên họ
đều ngủ cả. Ngủ ở đây là chết vật lý. Chỉ còn hai người còn sống vật lý
khi Chúa đến. Mathio 24: 40-41, “Lúc ấy có hai người đàn ông ở ngoài đồng, một
được đem đi, một bị để lại; hai người đàn bà xay cối, một được đem đi, một bị để
lạ”. Con số 12 là con số của vương quốc Chúa. 10/12 tín đồ đã chết, chỉ còn
2/12 còn sống khi Chúa đến, mà khi Ngài đến, một phần địa cầu là ban đêm, phần
bên kia là ban ngày. Một phần được Chú Rễ rước đi, một phần bị bỏ lại trong đại
nạn. Nên chúng ta phải thức tỉnh.
7 7. Chú Rễ trở lại
Phúc âm Giăng chép nhiều lần về sự hiện đến của Chú Rễ.
Chúng ta rất dễ lẫn lộn các sự hiện đến mà phúc âm Giăng đề cập:
a/ Chúa đến lần thứ nhất trong xác thịt: Giăng 1:11; 10:
10, “Ngài đã đến trong cõi thuộc về Ngài, song những kẻ thuộc về Ngài chẳng tiếp
nhận Ngài--còn ta đã đến hầu cho chiên được sự sống và được càng dư dật”. Chúa
được sanh ra làm người.
b/ Chúa đến trong Thánh Linh sau sự phục sinh: Giăng
14:18, 19 “Ta không để các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi. Còn ít
lâu thế giới chẳng thấy Ta nữa, nhưng các ngươi thấy Ta, vì Ta sống thì các ngươi
cũng sẽ sống”. Chúa đến với môn đồ sau khi Ngài sống lại, ở với họ và ở
trong họ đời đời.
c/ Chúa tái lâm trong thân thể phục sinh của Ngài: Giăng
21: 21-22, “Phi-e-rơ bèn hỏi Jêsus rằng: “Thưa Chúa, còn người nầy (sứ đồ
Giăng) thể nào?” Jêsus đáp: “Nếu Ta muốn người đợi cho tới khi Ta đến”.
Chúa tái lâm như Chú Rễ đối với Hội Thánh.
Chúa Jesus nói về sự tái lâm ẩn giấu của Ngài như Kẻ Trộm
để “bắt cóc” những người đắc thắng. “Nếu ngươi không tỉnh thức, Ta sẽ đến như kẻ
trộm, và ngươi hẳn chẳng biết giờ nào Ta thoạt đến trên ngươi. Nhưng ở Sạt-đe
ngươi còn có mấy tên không làm ô uế áo xống mình; họ sẽ mặc áo trắng mà đồng đi
với Ta, vì họ xứng đáng. Kẻ đắc thắng sẽ được mặc áo trắng như vậy, Ta hẳn chẳng
xoá tên người khỏi sách sự sống, nhưng Ta sẽ thừa nhận tên người trước mặt Cha
Ta, cùng trước mặt các thiên sứ Ngài” (Khải 3:3-5).
Chúa đến như Kẻ Trộm. Ngài đến “trên” họ. Chữ trên trong
tiếng Hi lạp là “epi”. Ngài không giáng trên họ, nhưng giáng bên cạnh họ, thu
gom những người xứng đáng, rồi Ngài ra đi, mà cả nhà ( hội thánh) không hay biết
gì cả. Có ai biết lúc kẻ trộm vào nhà không? Mãi sau khi đại nạn chấm dứt, thì
“Kìa, Ngài cỡi đám mây mà đến, mọi mắt sẽ trông thấy Ngài, cả đến những kẻ đã đâm
Ngài cũng vậy; hết thảy các chi phái trên đất đều sẽ than khóc Ngài. Phải,
A-men” (Khải 1:7). Cho nên Cô dâu phải tỉnh thức và phải có cuộc đời thuộc linh
mà Chúa cho là xứng đáng.
8 8. Bạn và khách mời
của Chú Rễ
Giăng 3: 29 và Khải 19: 7-9. Mathio 9:15, 8:11, Lu
13;28-29 chép, “Ai cưới tân phụ, nấy là Tân lang; nhưng bạn hữu của Tân lang đứng
mà nghe người, thì rất đỗi vui mừng vì tiếng của Tân lang-- Chúng ta hãy
vui mừng hớn hở, hãy tôn vinh Ngài, Vì lễ cưới Chiên Con đã đến, Và vợ Ngài đã
tự sửa soạn rồi. Cũng đã cho nàng mặc áo bằng vải gai mịn sáng láng tinh sạch”
Vì gai mịn ấy là các việc công nghĩa của các thánh đồ, Thiên sứ lại bảo tôi rằng:“Hãy
chép: Phước cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con-- Những bạn
trai của phòng Côn dâu… Các ngươi thấy Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, cùng hết thảy
các tiên tri đều ở trong nước Đức Chúa Trời, còn các ngươi thì bị quăng ra
ngoài, khi ấy các ngươi sẽ khóc lóc và nghiến răng. Lại từ đông, tây,
nam, bắc người ta sẽ đến mà ngồi bàn trong nước Đức Chúa Trời”.
Đã có cô dâu rồi, Kinh thánh còn nói đến bạn chú rễ, và
khách được mời dự tiệc cưới. Khách mời hay bạn chú rễ cũng bao hàm trong
cô dâu, nhưng ở đây nhấn mạnh đến tên tuổi những nhân vật đặc biệt như
Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, cùng hết thảy các tiên tri, những vĩ nhân thuộc
linh của Chúa…, họ được xướng danh trong tiệc cưới. Và có nhiều tín đồ phải đứng
ngoài, chỉ nhìn thấy tiệc cưới mà không được tham dự. Thật là buồn thảm!
9 9. Tiệc cưới
Sứ đồ Giăng miêu tả, Chúng ta hãy vui mừng hớn hở, hãy
tôn vinh Ngài, Vì lễ cưới Chiên Con đã đến, Và vợ Ngài đã tự sửa soạn rồi.
Thiên sứ lại bảo tôi rằng:“Hãy chép: Phước cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới
Chiên Con!”( Khải 19: 7, 9). Lễ cưới khác với tiệc cưới. Lễ cưới cử hành trên
không trung phối ngẫu Đấng Christ với toàn bộ những người đắc thắng của Đức
Chúa Trời trải mọi thời đại đã sống lại. Lễ nầy xảy ra trước khi Đấng Christ hiện
ra trên đất để tiểu diệt Antichrist… Còn tiệc cưới chỉ xảy ra trong một ngày,
mà một ngày là một ngàn năm. Đó là thời đại vương quốc Thiên hi niên.
10. Ngôi nhà mới của hai vợ chồng
Đấng Christ và Cô Dâu sẽ sống 1000 năm trên trái đất cũ.
Sau đó “ngày Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các từng trời sẽ bị lửa cháy tiêu
hoá, và các thể chất đều bị nóng hực tan chảy. Nhưng chúng ta theo lời hứa của
Ngài mà trông đợi trời mới đất mới, là nơi sự công nghĩa cư trú”.( 2 Phiero 3:
12-13).
Mỗi thiếu nữ kết hôn được làm cô dâu trong một ngày, và
sau đó trở thành người vợ sống đời với chú rễ. Một phần Hội thánh, là những người
xứng đáng sẽ là Cô Dâu trong 1000 năm. Rồi trong trời mới đất mới, thành thánh
Jerusalem mới là người vợ đời đời của Chiên Con. ”Đoạn, tôi đã thấy trời mới và
đất mới; vì trời thứ nhứt và đất thứ nhứt đã qua rồi, biển cũng không còn nữa.
Tôi cũng đã thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời ở nơi Đức
Chúa Trời mà xuống, sửa soạn như một tân phụ (vợ) trang sức đợi chồng mình” (Khải
21:1-2).
Bạn ơi, bằng mọi giá hãy trở thành một phần tử trong Cô
Dâu tập thể của Đấng Christ trước Thiên hi niên bạn nhé!
Tôi có cảm tác mấy dòng thơ như sau:
CHÚA TÁI LÂM
Chúa tái lâm vinh hiển, vẻ vang,
Vinh cho các thánh, đổi trần hoàn.
Nay Sao Mai mọc, chiếu người thức,
Lúc Thái Dương lên sáng thế gian.
Kẻ Trộm ban đêm đột ngột đến,
Nhà Vua
buổi sáng cỡi mây ngàn.
Anh em hỡi,
hãy mau tăng trưởng,
Chúa rước ta đi trước khổ nàn.
Minh Khải 1-9-2014