Có bao giờ quý vị đặt câu hỏi: Khi từ giã cõi đời nầy, mình sẽ để lại điều gì cho con cháu không? Nhiều người gắng công ra sức làm ăn để để lại cho con của cải, tài sản. Người thì thúc đẩy con ăn học thành tài để đạt được công danh sự nghiệp. Ai trong chúng ta khi chết đi cũng muốn để lại cho con cháu một gia tài.
Tuy nhiên, cũng có khi vì một lý do nào đó mà con cháu của chúng ta đã phải thừa hưởng một gia tài không mấy tốt đẹp cho cuộc đời của chúng. Tuần lễ nầy, nhân Ngày Hiền Mẫu, ngày lễ dành cho các bà mẹ, chúng ta hãy tự hỏi, là những bậc cha mẹ, chúng ta sẽ để lại điều gì cho con cháu trong những thế hệ kế tiếp?
Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa ghi lại lời của Thánh Phao-lô gởi cho người con tinh thần là Ti-mô-thê những lời như sau. Ông viết: "Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong bà ngoại con, và ở trong mẹ của con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa." Theo câu Kinh Thánh nầy, gia tài mà hai bà mẹ đã để lại cho con cháu mình là đức tin thành thật. Và đức tin thành thật đó đã hướng dẫn cuộc đời cậu bé Ti-mô-thê để ông trở thành một nhà lãnh đạo giáo hội. Điều mà mỗi ông cha bà mẹ cần để lại cho con cháu là đức tin chân chính để đức tin sẽ hướng dẫn và điều khiển cả cuộc đời trong chính đạo.
Đức tin là yếu tố quan trọng nhất trong đời sống vì chính đức tin hướng dẫn cuộc đời chúng ta, chi phối mọi quyết định của chúng ta. Vì tin tưởng nơi một triết thuyết, một lý tưởng nào đó, mà người ta sẵn sàng sống chết với điều mình tin. Có một niềm tin đúng hướng dẫn sẽ giúp chúng ta vượt qua những thử thách, khó khăn trên đời. Niềm tin cũng sẽ hướng dẫn và cho chúng ta thấy được ý nghĩa của đời sống. Để trả lời cho câu hỏi: Tôi sống trên đời nầy để làm gì và rồi tôi sẽ đi về đâu?
Thánh Phao-lô cho thấy cậu bé Ti-mô-thê đã thừa hưởng đức tin nơi mẹ và bà ngoại của mình. Nói như vậy không có nghĩa là cứ hễ cha mẹ có đức tin là đương nhiên con cháu có niềm tin. Không phải như vậy. Đức tin là điều cá nhân, riêng tư của mỗi người. Mỗi người phải quyết định cho chính mình. Sở dĩ Ti-mô-thê có được đức tin là vì đã được mẹ và bà dạy cho từ khi còn nhỏ. Cũng trong cùng lá thư gởi cho Ti-mô-thê, Thánh Phao-lô viết: "Về phần con, hãy đứng vững trong những điều con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy vì biết con đã học những điều đó với ai."Thánh Phao-lô hàm ý là Ti-mô-thê đã học với bà và mẹ vì tiếp theo, ông nói: "Từ khi con còn thơ ấu." Tục ngữ ta cũng nói: "Dạy con từ thuở còn thơ." Trí óc trẻ con cần được nuôi dạy, uốn nắn từ khi còn non nớt, một khi nếp đã thành xôi rất khó thay đổi. Các bà mẹ, các ông cha vì vậy cần dành thì giờ ở bên con khi con còn nhỏ để có thể dạy dỗ, uốn nắn chúng. Trẻ con thường học bằng cách bắt chước, nói đúng hơn, những gì ta dạy bằng lời nói không có tác dụng bằng những gì con cháu thấy nơi hành động của chúng ta. Ở bên cạnh con khi con còn nhỏ và nêu gương tốt cho con noi theo là chúng ta bắt đầu để lại một gia tài tốt đẹp cho con thừa hưởng.
Chúng ta sống trong một môi trường có quá nhiều triết thuyết, chủ trương và hướng đi cho nên hướng dẫn con cái trong đường lối đức tin và hướng đi đúng là bổn phận chính yếu của cha mẹ. Xã hội mà Ti-mô-thê sống ngày xưa cũng là một xã hội đa diện như vậy. Ti-mô-thê sống trong thời kỳ La-mã nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ của triết học Hy-lạp vẫn lan tràn lúc bấy giờ. Thêm vào đó, những niềm tin của dị giáo, phiếm thần, bái vật cũng đi sâu vào nhiều thành phần xã hội. Giữa xã hội phức tạp đó, cậu bé Ti-mô-thê đã có thể quyết định niềm tin cho mình qua sự hướng dẫn của mẹ và bà. Thánh Phao-lô viết: "Từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-xu." Ba chữ quan trọng Thánh Phao-lô nhắc đến ở đây là khôn ngoan, được cứu và đức tin.
Ai trong chúng ta cũng muốn con cái mình khôn ngoan, tài giỏi và Lời Chúa cho thấy chính Lời của Ngài, chính Thánh Kinh là nguồn của khôn ngoan. Khôn ngoan không phải là trí thức, kiến thức nhưng khôn ngoan là biết sống, biết ứng xử, biết quyết định. Đối với Ti-mô-thê ngày xưa cũng như đối với chúng ta hôm nay, Kinh Thánh luôn luôn là khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta noi theo để biết sống và xử sự ở đời. Nhưng trên hết, cội nguồn của vấn đề là ơn cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tại sao ơn cứu rỗi lại là nguồn cội của vấn đề? Vì chính sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu đem chúng ta trở lại với Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng Tạo Hóa, Đấng tạo dựng chúng ta. Chính Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự sống, hơi thở, sự khôn ngoan, sự cứu rỗi. Sống mà không được tiếp nối với nguồn sống, chúng ta là một người chết trước mặt Thiên Chúa. Chết vì thiếu tương giao.
Chính trong sự thiếu tương giao và phân cách đó mà đời sống thiếu đi ý nghĩa. Chúng ta cần được nối kết với Thiên Chúa trước và để được nối kết với Thiên Chúa, đức tin trong Chúa Giê-xu là điều không thể thiếu. Tại sao? Vì đó là phương cách Thiên Chúa dùng để cứu rỗi nhân loại. Con người không thể tự cứu vì mỗi chúng ta đều là tội nhân. Chỉ một mình Chúa Giê-xu là Đấng vô tội mới có thể cứu chúng ta. Chẳng những vậy, không một phương cách nào khác có thể giải thoát con người khỏi tội vì công lý của Thiên Chúa đòi hỏi án phạt và Chúa Giê-xu đã lãnh án phạt đó thay cho chúng ta khi Ngài chịu đóng đinh trên thập giá. Chúa Giê-xu chịu án phạt thay cho chúng ta nên Ngài mới có thể cứu chúng ta. Và đó chính là chân lý mà Ti-mô-thê đã được dạy từ khi còn thơ ấu. Ti-mô-thê biết rõ là Kinh Thánh có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Kinh Thánh chẳng những giúp Ti-mô-thê khôn ngoan, Kinh Thánh cũng giúp Ti-mô-thê biết rằng con đường cứu rỗi là đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Con đường cứu rỗi đã được mở qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu. Điều mà con người chúng ta cần làm là tiếp nhận. Tiếp nhận bằng đức tin vì chúng ta được cứu là bởi đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đức tin hàm ý không phải bởi công đức. Thật sự chúng ta không thể làm gì để được cứu cả. Chỉ với lòng tin chân thành nơi Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Ngài.
Nhân Ngày Hiền Mẫu, chúng tôi vừa nói với quý vị về gia tài của mẹ. Gia tài mà bà mẹ của Ti-mô-thê đã để lại cho ông là gia tài đức tin. Gia tài đó đã giúp ông sống khôn ngoan, sống với một ý nghĩa vì biết rằng đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là con đường đưa đến hạnh phúc thật sự trên đời. Hạnh phúc được tha thứ, được nối kết với nguồn sống để thấy được ý nghĩa đích thực của đời sống. Hy vọng rằng các bà mẹ, các ông cha cũng có thể để lại cho con cái một gia tài tương tự. Đó là gia tài đức tin. Chúng ta chỉ có thể để lại gia tài nầy cho con khi chính chúng ta cũng phải có đức tin, chúng ta sống với đức tin đó và rồi truyền đức tin lại cho con cháu. Gia tài quý vị sẽ để lại cho con cháu là gia tài gì?
Mục sư Nguyễn Thỉ