Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Hội Thánh Của Đức Chúa Trời


          Ms Lê Văn Thể
 
·         Kinh Thánh: Ê-phê-sô 5: 23- 27
·         Câu gốc: “… như Đấng christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh.” (Ê-phê-sô 5: 23b)

Dẫn nhập:

        Thưa quý ông bà anh chị em!

        Nhiều người vẫn thường nói: Hội Thánh của tôi, Hội Thánh của mục sư này, của giáo phái kia v.v…Thực ra Hội Thánh không thuộc về con người; nhưng thuộc về Đức Chúa Trời.  Chính Ngài là Đấng thành lập Hội Thánh, chứ không phải sản phẩm do con người làm ra.   


        Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, và Ngài là Cứu Chúa của Hội Thánh, là nhà của Đức Chúa Trời.  Đấng Christ là đầu Hội Thánh. Do đó, Hội Thánh không giống như các tổ chức đoàn thể, hay cộng đồng xã hội của loài người. Hội Thánh không thuộc sở hữu của con người, nhưng phục dưới Đấng Christ. (Ê-phê-sô 5: 24)  Hội Thánh Thân thể của một người là sự đầy trọn của người ấy.  Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ để bày tỏ sự đầy trọn của Đấng Christ. Ngài là đầu của Hội Thánh: “Vì chồng là đầu của vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội Thánh.” (Ê-phê-sô 5: 23) Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi ba phần: ý nghĩa thuộc linh của Hội Thánh; trách nhiệm đối với Hội Thánh và Hội Thánh được Đức Chúa Trời ban phước.



    Cầu nguyện để Đức Thánh Linh dẫn dắt…

 Kính lạy Cha yêu thương của chúng con.  Giờ này chúng con đang học hỏi về Hội Thánh do chính Ngài lập nên, và Đấng Christ là đầu của Hội Thánh. Cầu xin Đức Thánh Linh dẫn dắt chúng con hiểu thấu được bề cao, bề dày, bề sâu và bề rộng của Hội Thánh Ngài là sự mầu nhiệm.  Chúng con khát khao nhận được ý nghĩa đích thực của Hội Thánh, để đem hết tâm huyết mà phục vụ Hội Thánh của Ngài một cách thánh khiết. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Jêsus, amen!

I.   Ý Nghĩa Thuộc Linh Của Hội Thánh

      1. Hội Thánh được chính Chúa thiết lập và sở hữu
Chúa Jêsus đã thiết lập Hội Thánh trên chính Ngài là vầng đá. Phi-e-rơ là đá nhỏ, được Chúa giao cho chìa khóa để mở cửa và rao giảng Phúc âm cho người Do Thái và người ngoại bang.
       “Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội Thánh ta trên đá này, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.  Ta sẽ giao chìa khóa nước thiêng đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc ở dưới đất, thì cũng sẽ phải buộc ở trên trời, và điều gì ngươi mở ở dưới đất cũng sẽ mở ở trên trời.”  (Mathiơ 16: 18, 19)
Như vậy, con người không có quyền thiết lập Hội Thánh, cũng không có quyền thêm bớt điều gì ngoài khuôn mẫu Hội Thánh.     Chỉ duy chính Ngài là Đấng thánh khiết và trọn vẹn mới đủ uy quyền thiết lập Hội Thánh.  Dó đó, mọi sinh hoạt, tổ chức điều hành đều phải ở trong nguyên tắc của lời Chúa, và dẫn dắt của Đức Thánh Linh.   Không một cá nhân hay tập thể nào có quyền xâm phạm hay làm lệnh lạc về ý nghĩa của Hội Thánh theo ý riêng mình.


Lời Chúa trong Ê-phê-sô đã dạy dỗ về tầm quan trọng và ý nghĩa thiêng liêng của Hội Thánh: “ …Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh, để khiến hội nên thánh.” (Ê-phê-sô 5:  25b; 26a)

       Thay thế cho dân Y-sơ-ra-ên, là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Vâng, thưa quí vị! Chúng ta là những người được Chúa chọn lựa, biệt riêng ra khỏi thế gian để làm con dân của Ngài hôm nay.  Chúng ta thuộc về Hội Thánh của Đức Chúa Trời:

         “Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình.” (Công vụ 20: 28)

a)Hội Thánh là nơi tập hợp các tất cả những tín nhân trên thế giới này lại với nhau để giúp họ lớn lên trong đưc tin và trong sự thánh khiết- Đúng như vậy, chúng ta tăng trưởng mỗi ngày và khát khao một đời sống thánh khiết giống như Chúa Jêsus:

“ Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phải nhơn danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi đều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” (Cô-lô-se 3: 17)

b)Ở đâu có lời Đức Chúa Trời được giảng ra, ở đó có đức tin,và ở đâu có đức tin, ở đó có Hội thánh thật-  Chúng ta có thể quả quyết rằng đây là Hội thánh của Đức Chúa Trời:

Quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất, mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ.  Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.” (Mathiơ 18: 19, 20)

    3.  Hội Thánh là nơi thờ phượng Đức Chúa Trời

  a) Hội Thánh là nơi con dân Chúa thờ phượng Đức Chúa Trời qua mối thông công với nhau, và sự tương giao với Chúa bởi sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh:

“Ngày nào cũng vậy, cứ chăm chỉ đến đền thờ; còn ở nhà thì bẻ bánh và dùng bữa chung với nhau cách vui vẻ thật thà, ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng.  Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu them vào Hội Thánh.”  (Công vụ 2: 46, 47)

    b) Ông John Calvin cho rằng: “ Nếu nơi nào có lời Đức Chúa Trời, tôn trọng lời đó, và có sự thi hành các thánh lễ, nghĩa là một dấu hiệu tương giao với Đức Chúa Trời, nơi đó xứng đáng được gọi là Hội thánh.  Chúng ta tin rằng đây là Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

    c) Đồng thời ông cũng khẳng định việc điều hành Hội thánh của một vị mục sư là chức vụ đến từ Chúa, chứ không phải đến từ ý muốn của con người.   Chúng ta có thể quả quyết rằng Chúa đã kêu gọi quí đầy tớ Chúa ở đây và toàn thể chúng ta bước vào mỗi chức vụ khác nhau, chứ không phải bản thân con người muốn là được.  Nếu những chức vụ hầu việc Chúa được lập nên bởi sự chọn lựa của con người, thì ý nghĩa thuộc linh không có trong những chức vụ đó.  Kinh Thánh (Êphêsô 4:11,12) xác quyết điều này:

       “Ấy chính Ngài đã ban cho người này làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri,người khác làm thầy giảng Tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và gây dựng thân thể của Đấng Christ.”

d)Nếu không bởi sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, thì không ai có thể tự xưng mình là đầy tớ của Đức Chúa Trời.  Nếu không bởi sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, thì không ai dám đặt tay phong chức cho một người nào đó.  Nếu  chúng ta làm như vậy, thì bản thân người được phong chức sẽ không đem lại kết quả cho Chúa, bởi vì họ không có quyền năng của Đức Thánh Linh, và vô ích trước mặt Đức Chúa Trời . 

     “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu- đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.”  (Công vụ 1: 8)

e)Hội thánh của Chúa là nơi thờ phượng thánh khiết mà Chúa Jêsus đã mua bằng chính huyết của Ngài.  Cho nên hội thánh không phải là đoàn thể chính trị, cũng không giống như các tổ chức cộng đồng xã hội; vì nền tảng của Hội Thánh được lập nên bởi Đức Chúa Trời, và chính Chúa Jêsus là đầu.  Cụ Phan Khôi một trí thức tiền bối của Việt Nam đã từng nói: “Khi chính trị đi vào nghệ thuật thì văn chương đội nón đi ra.” Chúng ta có thể nói rằng:  khi danh, lợi, quyền đi vào trong Hội thánh thì đức tin cũng sẽ đội nón đi ra.

      “Để khiến Hội Thánh nên thánh; sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch, đặng tỏ ra Hội Thánh đầy vinh hiển, không vết, không  nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được trước mặt Ngài.”  (Êphê 5: 26, 27)

          Như vậy chúng ta có thể tóm tắt, Hội thánh là nhà của Đức Chúa Trời, do chính Chúa Jêsus thiết lập và Ngài là đầu của Hội Thánh.  Đây là mái ấm của một gia đình mà trong đó con cái Chúa được nuôi dưỡng tâm linh bởi sự giúp đỡ và phục vụ.  Mỗi người đều được chăm sóc và chăm sóc lẫn nhau để trưởng thành, đạt đến mục đích của đức tin.  Đây là môi trường tốt nhất để cho con cái của Ngài có cơ hội thông công với nhau trong mối liên hệ cùng một Cha, một Chúa, một đức Thánh Linh và cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời, cùng phục vụ lẫn nhau, và có trách nhiệm rao báo tin mừng về Chúa Jê-sus cho mọi người được cứu.  Nói một cách dễ hiểu Hội thánh của Đức Chúa trời là hội của những người công bình, được Chúa lựa chọn cùng sống chung trong một cộng đồng yêu mến Chúa hết lòng và yêu thương nhau thành thật.
   
   II. Trách Nhiệm Đối Với Hội Thánh

          Ai là người có trách nhiệm?  Tất cả công dân của vương quốc Đức Chúa Trời.  Nói cách khác, tất cả thành viên, những kẻ tin Chúa thật lòng phải có trách nhiệm với Đức Chúa Trời về Hội Thánh của Ngài.   Trách nhiệm gồm có những bổn phận sau đây:

1)    Xây dựng một cộng đồng yêu thương trong Đấng Christ
 “Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em. Hãy lấy lòng rất yêu thương đối với họ vì cớ công việc họ làm.  Hãy ở cho hòa thuận với nhau…răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5: 12-14)

2)    Trang bị vũ khí thuộc linh
“Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa.” ( Thi Thiên 119: 11)

3)    Mở mang vương quốc Chúa
  Hội Thánh không quan tâm đến công tác chứng đạo, truyền giáo, truyền giảng là Hội Thánh giậm chân tại chỗ, là Hội Thánh chết. 
      “Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi khắp thế gian, giảng tin lành cho mọi người.” (Mác 16: 15)

4)     Cầu nguyện ngày và đêm để có được sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh


“Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi.”(I Tê-sa-lô-nia-ca 5:16,17)


III. Hội Thánh được Đức Chúa Trời Ban Phước

     Theo một tài liệu gần đây của MS Rick Warren gần cho biết những căn bản mấu chốt của một Hội Thánh được Đức Chúa Trời ban phước.  Tôi xin tóm tắt lại những điều trọng tâm sau đây:

           1. Cầu nguyện xin quyền năng Đức Chúa Trời (Công Vụ 1:3-4,14) 
          Chính quyền năng Đức Chúa Trời khiến Hội Thánh khác biệt bất cứ tổ chức hoặc cộng     đoàn  xã hội nào khác. 

            2. Sử dụng ngôn ngữ của mọi người. (Công Vụ 2:5-8)
 Một trong những phép lạ lớn lao của Ngày Lễ Ngũ Tuần là khi các môn đồ giảng đạo, mọi người đều nghe họ theo ngôn ngữ riêng của mình.  Hội Thánh ngày nay nói mọi ngôn ngữ trên thế giới:  dùng Ngôn ngữ trong mọi ngành nghề, môi trường để rao giảng tin lành.

           3. Sử dụng ta-lâng mỗi thành viên. (Công Vụ 2:1-18, 21) 
Hội Thánh đầu tiên dùng tất cả mọi người vào mục vụ. Không ai ngồi hàng bên!  Mọi người tham gia mục vụ của hội thánh.  Để được Đức Chúa Trời ban phước, trong Hội Thánh, không có người nào “thất nghiệp” cả!


            4. Hãy tận hiến với Lời Chúa. (Công Vụ 2:14-40, 42) 
Chúng ta phải nghe, đọc, suy gẫm, ghi nhớ lời Chúa và thực hành.   Tận hiến chính là làm cho Lời Chúa đem lại nguồn phước cho mọi người.  Khi Phi-e-rơ giảng thông điệp phúc âm trong Chúa Nhật Lễ Ngũ-tuần, ông tiếp tục quay lại Lời Chúa khi chia sẻ phúc âm.  Không một thông điệp nào khác; ngoài phúc âm  không có bất cứ điều gì có quyền năng thay đổi đời sống.

           5. Thương yêu lẫn nhau sâu sắc. (Công Vụ 2:42) 

Hội thánh đầu tiên thực hành koinonia (chúng ta gọi là thông công).  Nghĩa là họ cam kết với nhau như họ cam kết với Chúa Giê-su Christ.  Chân lý đó là, hội thánh yêu thương tăng trưởng.   Hội thánh đầu tiên là hội thánh yêu thương.  Chính quyền La-mã ghét các Cơ-đốc-nhân và bắt bớ họ, nhưng ngay cả người La-mã cũng thừa nhận rằng các Cơ-đốc-nhân đầu tiên thương yêu lẫn nhau. Họ bảo vệ lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, và giúp đỡ lẫn nhau như thể không ai làm được.
           
           6. Thờ phượng với vui mừng. (Công Vụ 2:46-47) 
Đức Chúa Trời ban phước một Hội Thánh đón mừng Ngài. Người ta muốn đến chỗ vui vẻ!  Có đủ tin buồn ở thế gian rồi!  Hội thánh phải là nơi tin mừng được rao giảng – phúc âm. Khi chúng ta  thờ phượng Chúa cách vui mừng, thì nhiều người ta được kéo đến Hội Thánh. 

7.    Sẵn lòng hy sinh. (Công Vụ 2:44-45)
 Hội thánh đầu tiên nổi tiếng về lòng đại lượng.  Công Vụ 2 nói rằng hội thánh đầu tiên chia sẻ mọi thứ cho nhau.   Liệu Hội Thánh thế kỉ 21 này có thể hy sinh như hội thánh đầu tiên đã làm?

8.    Tiếp cận cộng đồng của chúng ta vì Đấng Christ! (Công Vụ 2:40-41) 
Hội thánh Trong Công Vụ 1:8 Chúa Giê-su ra lịnh chúng ta phải là nhân chứng cho Ngài khắp thế gian. 

       Cuối cùng là kết ước, hứa nguyện của con dân Chúa tại Hội Thánh Báp-tít Hy Vọng hôm nay trước mặt Chúa.