Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Bổn Phận Về Sự Yêu Thương


                                                                                                          Mục sư Lê Văn Thể

·         Kinh Thánh:  Rô-ma 12: 9-16  

·         Câu gốc: Hãy vui với kẻ vui và khóc với kẻ khóc.” ( Rô-ma 12: 15)

Chào hỏi, cảm ơn Chúa và Hội Thánh:

          * Trước hết, chúng tôi dâng lên Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã dẫn dắt, sắp đặt mọi sự, kêu gọi chúng tôi đến đây để phục sự Hội Thánh trong chương trình tốt đẹp nhất.  Cảm ơn Chúa đã cho chúng tôi một chuyến bay bình an và phước hạnh.

          * Cảm ơn quý ông bà anh chị em đã yêu mến, tin cậy, thể hiện qua sự bỏ phiếu tín nhiệm, để mời chúng tôi về đây cùng góp phần với quý ông bà anh chị em;  xây dựng Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong tinh thần yêu thương, hiệp một, tăng trưởng và làm sáng danh Đức Chúa Trời.


          * Cảm ơn sự quan tâm, cầu nguyện của quý tôi tớ Chúa và con cái của Ngài trong suốt thời gian qua, đã điện thoại, thăm hỏi và trông chờ ngày đến của chúng tôi để phục sự Chúa.

          * Thưa qúy ông bà anh chị em! Đây là phần thưởng , là sự khích lệ đầy phước hạnh cho chúng tôi.  Nguyện xin Chúa ban ơn trên tấm lòng  của quý Hội Thánh.  Nguyện xin Đức Thánh Linh tiếp tục dẫn dắt chúng tôi; sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và xứng đáng với tình yêu và niềm tin cậy của quý ông bà anh chị em đang kỳ vọng vào chúng tôi.

        Thưa quý ông bà anh chị em yêu dấu trong Chúa!

        Hôm nay là Chúa nhật đầu tháng có lễ tiệc Thánh, cũng là Chúa Nhật đầu tiên mà Chúa Jê-sus Christ giao cho chúng tôi đem đến cho Hội Thánh;  sứ điệp đầu tiên mà chúng ta cùng học hỏi với nhau đó là, “ Bổn Phận Về Sự Yêu thương.”

 Ghi nhớ:   Cầu nguyện trước khi chia sẻ Lời Chúa….

     Những đều trọng tâm chúng ta lần lượt suy gẫm hôm nay:  Ý nghĩa của sự yêu thương;  đối tượng và phương cách để yêu thương.

I.  Ý nghĩa của sự yêu thương

      (ICôrinh-tô 13: 4-8, và 13) diễn tả trọn vẹn tình yêu thương trong Đấng Christ.

         “ Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị; chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật.  Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.  Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ… Nên bây giờ có ba đều này: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng đều trọng hơn trong ba đều đó là tình yêu thương.

          Sự yêu thương trong Chúa khác hẳn với tình yêu của thế gian.  Tôi yêu thương  bạn không phải chỉ vì bạn yêu thương tôi, bạn có cảm tình với tôi, bạn luôn giúp đỡ tôi.  Đó là tình yêu theo thói thường của người đời.  Yêu thương có điều kiện.  Tình yêu trong Chúa cao cả hơn, trổi hơn bởi vì đó là tình yêu phát xuất từ Chúa Jê-sus.  Tình yêu không kèm theo điều kiện.  Cơ đốc nhân chúng ta có thể yêu được người ghét mình, không xứng đáng nhận được sự yêu thương; thậm chí chúng ta phải yêu luôn kẻ thù của chúng ta nữa; vì đó là mệnh lệnh của Chúa Jê-sus.

        “Song ta nói cùng các ngươi rằng:  hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.  Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu.  Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? Lại nếu anh em tiếp đãi anh em mình mà thôi , thì có lạ gì hơn.  Người ngoại há chẳng làm như vậy sao?  Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.”  (Mathiơ 5: 44-48)

      Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Cơ Đốc Nhân phải yêu thương?   Kính thưa quý Hội Thánh, chúng ta thương là vì cớ:

1.     Đấng Christ

Tôi cầu xin Ngài tuỳ sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng; đến nỗi Đấng Christ nhơn đức tin mà ngự trong lòng anh em; để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu được bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời."  (Ê-phê-sô 3: 14-19)


2.     Noi gương Đấng Christ

 “Vậy anh em trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài; hãy bước đi trong sự yêu thương.”   (Ê-phê-sô 5: 1, 2)

3.    Điều răn của Chúa Jê-sus

Ta ban cho con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu nhau, như ta đã yêu thương các con thể nào, thì các con cũng phải yêu thương nhau thể ấy.  Nếu các con yêu thương nhau thì bởi đó mọi người nhận biết các con là môn đệ ta.(Giăng 13: 34,35)


4.    Chi thể trong Đấng Christ

 “Vả, như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể không làm một việc giống nhau, thì cũng vậy chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau.” ( Rô-ma 12: 4, 5)



5.    Mạng lệnh của Chúa Jê-sus ( phải làm trọn luật pháp)

    Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi, vì ai yêu kẻ lân cận mình thì đã làm trọn luật pháp. ( Rô-ma 13:8)


II.  Đối tượng và phương cách yêu thương

       “Sự cuối cùng muôn vật đã gần; vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện. Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi.” ( I. Phierơ 4: 7-8)

      1.  Đối tượng _ yêu thương ai?

a. Yêu kẻ lân cận

  “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.  Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy:  Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình  Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.”  (Mathiơ 22: 37-40)


        Chúng ta yêu người lân cận chính là ông bà, cha mẹ, anh chị em trong cùng gia đình, Hội Thánh và những người gần gũi chúng ta mỗi ngày.   Nếu những người thân yêu, ruột thịt mà chúng ta không yêu thương được, mà lại nói chúng ta yêu người hàng xóm, yêu người ở Châu Phi, Châu Úc, Châu Mỹ La tinh v.v… thì chúng ta là người nói dối.

b. Yêu kẻ thù nghịch

Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn, có khát hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người.( Rô-ma 12: 20)

Muốn làm được điều này, hãy noi gương Đấng Christ.  Hãy nhìn nhau bằng đôi mắt của Chúa Jê-sus.  Khi Chúa Jê-sus bị đóng đinh trên cây thập tự, Ngài cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.(Lu-ca 23: 34)

2     Phương cách để yêu thương

a.    Phải thành thật, gớm sự dữ mà mến sự lành ( Rô-ma 12: 9, 10, 11, 12, 13, 14,)
b.    Mềm mại, kính nhường nhau, siêng năng, chớ làm biếng, có lòng sốt sắng, phải hầu việc Chúa. ( Rô-ma 12: 10, 11)
c.    Hãy cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ; hãy ân cần tiếp khách. Hãy chúc phước cho kẻ bắt bớ anh em, chớ nguyền rủa. ( Rô-ma 12: 13,14)
  d.  Vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc  (câu gốc 15)
                  Khóc với kẻ khóc dễ hơn là vui với kẻ vui. (câu chuyện vua Sau Lơ và Đa-vít)
         e. Phải ở cho hiệp ý nhau, đừng ước ao sự cao sang; ưa thích sự khiêm nhường.  Chớ cho mình là khôn ngoan. ( Rô-ma 12: 16)
              f.  Yêu thương phải đi với tha thứ

          Câu chuyện Đức Chúa Trời yêu thương dân Y-sơ-ra-ên khi giải phóng họ khỏi xứ nô lệ, để vào đất hứa Ca-na-an.   Ngài dẫn họ ban ngày bằng trụ mây, ban đêm bằng trụ lửa. Ngài cung cấp ma- na, chim cút, (Xuất 16: 13, 14) nước uống giữa đồng vắng và sa mạc hoang vu; nhưng họ vẫn luôn luôn chống nghịch lại Đức Chúa Trời, quên đi những ân huệ của Ngài mà đi thờ lạy con bò vàng, và nói những lời phàn nàn, phản nghịch.   Tuy nhiên, Đức Chúa Trời nhớ lại giao ước của Ngài cùng với Áp-ra-ham, Y sác, Y-sơ-ra-ên, nên Đức Chúa Trời tha thứ và bỏ qua tai họa.   Dân Y-sơ-ra-ên đã phạm tội không biết bao nhiêu lần; ( Phục truyền 9: 24) nhưng Đức Chúa Trời vẫn cứ yêu thương.  (Xuất Ê-díp-tô ký 32: 7- 14)

        Lời kết:   Dĩ đức báo oán

Trong chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ, tại Pensylvania, Mục sư Peter Miller rất được cộng đồng ái mộ.  Nhưng trong gần khu nhà thờ có một người rất oán ghét ông và nhiều lần nhục mạ muc sư.   Anh ta là người phản quốc, bị tòa án Philadelphia kết án tử hình.  Nghe tin ấy, Mục sư Miller vội vàng đi bộ để tìm gặp đại tướng George Washington xin ân xá cho tên tử tội. Đại tướng George trả lời:

_   Tôi tiếc không thể đáp ứng thỉnh nguyện của mục sư được; không thể tha bổng cho người bạn than của mục sư. 

_  Đại tướng bảo là bạn than của tôi à? Phải nói anh ta là kẻ thù đê hèn nhất của tôi trên đời này!

_  Mục sư nói sao? Mục sư phải lội bộ 60 dặm để xin ân xá cho một kẻ thù?  Thế là một chuyện không thể tưởng nổi!  Tôi vì mục sư, ân xá cho phạm nhân.

Cầm tờ giấy ân xá trong tay, mục sư Miller lại tức tốc chạy bộ 15 dặm nữa để đến pháp trường.  Thoạt trông thấy mục sư, tên tử tội bảo:

_  Kìa, tên Peter Mìller đã lội bộ từ Ephrata đến đây đặng trả thù ta bằng cách khoái chí chứng kiến cảnh ta bị xử treo!

 Anh ta vừa dứt lời, thì mục sư Miller cũng vừa băng qua được đám đông đến nơi, và trao tận tay tên tử tội lệnh ân xá của đại tướng Washington.

          Mục sư Miller thi hành đúng phương châm “Dĩ đức báo oán” theo gương cao cả của Đức Chúa Jê-sus.   Nhưng Đấng Christ đã đi một bước xa hơn, chẳng những cầu xin ân xá cho kẻ thù, mà chính Ngài chịu chết để đền tội cho những kẻ phản bội.  Kinh Thánh chép:  “Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành.  Nhưng Đức Chúa trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.” ( Rô-ma 5: 7,8)

Tiệc Thánh:  Hôm nay, chúng ta nhớ đến  thân và huyết của Chúa Jê-sus, cùng với sự hy sinh của Ngài.  Chúng ta vâng theo mạnh lệnh của Chúa phán trong Mathiơ 28: 19, 20 đi ra chứng đạo….