Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Ý Nghiã Đích Thực Của Đời Sống


                                                                                              Mục sư Lê Văn Thể

              Kinh Thánh:  Truyền Đạo 2: 17- 26

             Câu gốc:  “Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi đều ấy nữa.  Vậy chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai.  Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy. (Mathiơ 6: 33, 34)

          Kính thưa quý tôi tớ Chúa!  Kính thưa qúy ông bà anh chị em trong cùng một Cha.  Trước hết tôi dâng lên Ba Ngôi Đức Chúa Trời lòng biết ơn Ngài đã cho tôi đáp chuyến bay từ San- Diego đến đây bình an.

          Nguyện xin Cha Từ Ái ban phước trên hết thảy tấm lòng qúy ông bà anh chị em.  Kính mời Hội Thánh đứng lên cùng với tôi để dâng lên Chúa lời cầu nguyện…

    “Kính lạy Ba Ngôi Đức Chúa Trời!  Cầu xin Đức Thánh Linh tuôn đổ trên Hội Thánh của Ngài trong giờ phút này.  Cầu xin Ngài ở cùng môi miệng con, một tôi tớ hèn mọn của Chúa trong nhiệm mạng rao truyền sứ điệp này cho con dân Chúa trong giờ phút này.  Cầu xin Lời của Ngài đụng chạm vào tấm lòng của mỗi chúng con; để có được nhận thức rõ ràng hơn về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống trên đất này; hầu cho chúng con sống và phục vụ Chúa cách hết lòng, hết tâm trí và trung tín cho đến ngày gặp Chúa.  Chúng con cầu nguyện trong Danh Chúa Jê-sus, Amen!
  
        Thưa qúy ông bà anh chị em!

        Chỉ còn một tuần nữa, là Tết Âm Lịch “Qúy Tỵ” lại đến với quê hương Việt Nam của chúng ta.  Cho dù sống ở hải ngoại lâu năm, nhưng chắc chắn trong mỗi chúng ta ít nhiều lòng cũng quặn thắt khi tưởng nhớ đến nơi chôn nhau, cắt rốn của mình.   Nơi đó, bao nhiêu mùa xuân đã đi qua.  Nơi đó, bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của những năm tháng được sống với những người thân yêu trong cùng mái ấm gia đình.  Giờ này đây, trước thềm năm mới có lẽ mỗi một chúng ta không khỏi chạnh lòng khi nhớ đến những người thân và hồi tưởng lại những mùa xuân đã đi qua trong đời.  Và rồi, thử tìm xem ý nghĩa thật của cuộc sống là gì?

      Khi Tết đến, chúng ta thường nghe những lời chúc tụng của nhiều người khi gặp nhau, có lẽ đó là những lời tốt đẹp nhất dành cho nhau ở những ngày đầu năm.  Dẫu biết rằng những lời “chúc lành” đó không thể trở thành sự thật; nhưng dường như ai cũng muốn “tử tế” với nhau vào những ngày đặc biệt ý nghĩa như vậy.

      Khi năm mới đến, mỗi một chúng ta khi đã trưởng thành thường có những giờ phút suy tư để nhìn lại năm cũ.  Thông thường, chúng ta ít ai hài lòng với những gì đã xảy ra.   Cho nên, mỗi người có lẽ đều lên những kế hoạch, ước mong với nhiều hy vọng tốt đẹp hơn trong năm mới.

      Tuy nhiên, nghĩ cho cùng mọi sự cho dù có thành công bao nhiêu chăng nữa trong đời này, kết cuộc của nó chỉ là hư không!  Cuộc đời của con người chỉ là chiếc bóng mong manh, có đó rồi không đó!  Chính vì vậy, cuộc sống đôi khi trở nên nhàm chán; nếu chúng ta không tìm thấy được niềm vui trong công việc, ý nghĩa trong sự phục vụ và mục đích của cuộc sống trên đất.

     Vua Sa-lô-môn đã từng trải những kinh nghiệm này.  Ông đã ghi lại trong sách Truyền Đạo những bài học quý giá:

     “Vậy, ta ghét đời sống, vì mọi việc làm ra dưới mặt trời là cực nhọc cho ta, thảy đều hư không, theo luồng gió thổi.  Ta cũng ghét mọi công lao ta đã làm ở dưới mặt trời, vì phải để lại cho người sau mình…” (Truyền Đạo 2: 17-18)

      “Bởi Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan, thông sáng, và vui vẻ cho kẻ nào đẹp lòng Ngài; nhưng Ngài khiến cho kẻ có tội phải lao khổ mà thâu góp chất chứa, để rồi ban cho kẻ nào đẹp lòng Đức Chúa Trời.  Đều đó cũng là hư không theo luồng gió thổi.” (Truyền Đạo 2: 26)

Căn cứ vào ý nghĩa của những câu Kinh Thánh trên, chúng ta sẽ suy gẫm hai đều: (1) Bằng cớ của sự sống vô nghĩa;(2 ý nghĩa đích thực của đời sống.

I.                 Bằng cớ của sự sống vô nghĩa

a)    Bằng cớ từ thực tế cuộc sống

         Thế giới không phải lúc nào cũng tốt đẹp; nhưng lắm khi làm cho con người tuyệt vọng.  Chính vì vậy, giới văn nghệ sĩ là những con người thường nhạy cảm hơn nên dễ chán nản.  Nhà thơ Vũ Hoàng Chương, một thi sĩ tiền chiến là một ví dụ điển hình đã từng tuyệt vọng với hiện thực, mơ ước sống ở một chân trời khác: 

        “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh,
        “Một vì sao trơ trọi cuối trời xa…”

   Trong khi đó, tác giả Huy Cận lại muốn chối bỏ ngay chính bản thân mình, xin được giã từ cuộc sống; bất chấp “điạ ngục” hay “thiên đàng!”

       “Lạy Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại
       “Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang
       “Sầu đã chín xin người thôi hãy hái
       “Nhận tôi đi dầu điạ ngục thiên đàng.”

     Quả thật, cuộc sống của con người trên đất không phải chỉ hiền hoà phẳng lặng như mặt nước mùa thu, hay xinh đẹp tươi tắn của những hoa mai, hoa anh đào trong cái nắng ấm của mùa Xuân.   Cuộc sống lắm khi cũng đầy những sóng gió, nghiệt ngã và có lúc khiến cho chúng ta đâm ra thất vọng, ngã lòng.   Có thể lắm chúng ta thất vọng về xã hội, chính trị, quyền lực của những người lãnh đạo, công ăn việc làm bên ngoài hay những bất hoà đổ vỡ giữa cha mẹ, con cái vợ chồng bên trong gia đình; vì những mối xung đột do hoàn cảnh, môi trường, ảnh hưởng của một đất nước du nhập nhiều nền văn hóa như xứ Hoa Kỳ này.   Từ đó, chúng ta nhận thấy rằng cuộc sống đầy dẫy những nghịch lý và những nghịch lý ấy không miễn trừ con dân của Chúa.  

        Nhiều khi chúng ta tự hỏi tại sao tôi phải cực nhọc một phần ba cuộc đời để lo học hành, kiếm mảnh bằng chuyên môn; và rồi công việc, tiền bạc vẫn không đem lại cho tôi sự bình an?  Tại sao tôi phải tranh giành với cuộc sống để có thức ăn mỗi ngày, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn, mà chúng tôi vẫn là những người cha người mẹ rất cô đơn?  Tại sao tôi phải vất vả mua sắm nhà cửa, làm vườn hoa, trồng cây ăn trái; mà cuộc sống cũng không thể lấp kín những khoảng trống vắng bên trong tâm hồn?  Chúng ta có hàng trăm những nghịch lý như vậy!

        Có ai trong chúng ta dám nói rằng, của cải sẽ đi cùng tôi qua thế giới bên kia và tôi sẽ sử dụng chúng như lúc còn ở trần gian này?  Có ai mạnh mẽ tuyên bố rằng tôi sẽ là người bất tử, không bao giờ chết, thân xác tôi sẽ tồn tại vĩnh viễn với thời gian?

   -   Chắc là không một người nào nói như vậy cả, ngoại trừ người không bình thường.  Như vậy, tại sao chúng ta phải lao khổ, làm lụng cực nhọc để chất chứa của cải, trong khi đã ý thức được rằng mọi sự sẽ biến mất vào một ngày nào đó, không thể tồn tại lâu dài?

Vua Đa-vít, thân phụ của Sa-lô-môn đã đối nại cùng Đức Chúa Trời:

 “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho tôi biết cuối cùng tôi, và số ngày tôi là thể nào, xin cho tôi biết mình mỏng manh là bao.  Kìa, Chúa khiến ngày giờ tôi dài bằng bàn tay, và đời tôi như không- không trước mặt Chúa.  Phải, mỗi người dầu đứng vững, chỉ là hư không.  Quả thật, mỗi người bước đi khác nào như bóng. Ai nấy rối động, luống công.  Người chất chứa của cải, nhưng chẳng biết ai sẽ thâu lấy.” (Thi Thiên 39:4-6)

        Có lẽ qúy ông bà anh chị em ở đây đã từng nghe câu chuyện của một nhân vật nổi danh làm cho nước giàu, quân đội hùng mạnh; đó chính là là A- Lịch- Sơn Đại Đế, một vị vua của Hy Lạp thuở xưa.  Trong mấy năm, vị vua này đã tóm thâu được các nước Âu Châu, xưng bá thế giới, khí thế rất hùng mạnh, khó ai địch nổi.  Thế rồi, lưỡi hái của tử thần đã hỏi thăm; và ông không thể chối chạy được.  Bấy giờ ông chợt nghĩ đến vinh hoa, phú qúy chỉ là hư không và đời người thật ngắn ngủi.  Ông bèn gọi người nhà đến mà trăn trối rằng:  “Sau khi tôi chết, hãy đặt thân xác của tôi vào trong một chiếc quan tài, để chừa hai lổ trống và giơ hai bàn tay ra ngoài, đi quanh phố phường một bận; để thức tỉnh mọi người hiểu rằng, tôi đã ra đời với hai bàn tay trắng, và trở về với cát bụi cũng chỉ hai bàn tay trắng.  Tất cả vinh hoa, phú qúy, hoàng cung, mỹ nữ, vàng bạc, châu báu, danh thơm, tiếng tốt cũng chẳng theo tôi mà xuống mồ.”

         Tôi có đọc một câu chuyện kể về một anh chàng người Nga vốn tham lam. Anh ta đã rất giàu có rồi, nhưng không thỏa lòng.  Ngày nọ, có một người treo giá cho ai chạy cho hết chiều dài của miếng đất, thì ông sẽ thưởng cho người ấy miếng đất mà ông ấy đang là chủ nhân.  Người trai trẻ giàu có kia động lòng tham lam, nên đã ghi danh chạy.  Anh ấy đã chạy từ sáng sớm cho đến chiều tối thì dường như đã chiến thắng cuộc thách đố này.  Trong lòng anh ta rất hớn hở vì biết rằng sắp có thêm tài sản.  Nhưng nào ngờ, khi chạy đến gần cuối ranh giới của miếng đất, thì cũng là lúc anh ta ngã xuống, tắt thở vì kiệt sức.   Người ta kết luận câu chuyện này rằng:  Mỗi chúng ta chỉ cần một miếng đất bề ngang một thước, bề dài hai thước.

       Như vậy, thưa qúy ông bà anh chị em! Phải chăng Chúa muốn chúng ta sống trong sự nghèo khó, lười biếng, an phận, thủ thường?  Hoàn toàn không phải như vậy.  Điều Chúa muốn dạy dỗ ở đây là con dân Chúa biết đặt thứ tự ưu tiên trong đời sống của mình là gì.  Mục đích tối hậu của sự có mặt trên đất này không phải là lòng tham muốn và đeo đuổi vật chất không biết chán.  Chúng ta phải biết sống thỏa lòng về những gì Đức Chúa Trời ban cho.  Kinh Thánh chép:

     “Kẻ ham tiền bạc chẳng hề chán lắc tiền bạc.  Kẻ ham của cải chẳng hề chán về huê lợi.  Điều đó cũng là sự hư không.” (Truyền đạo 5:10)   

b)    Bằng cớ từ Kinh Thánh Cựu Ước

         Theo Kinh Thánh Cựu Ước cho biết Sa-lô-môn là con trai của Đa-vít, là vua tại Giê-ru-sa-lem, là người nổi tiếng khôn ngoan, giàu có, cao trọng.  Ông đã nổ lực tìm kiếm sự thoả mãn những gì lòng ông ước ao.  Cho dù ông đã có tất cả, nhưng phải chăng ông đã hoàn toàn bằng lòng với cuộc sống của mình?  Câu trả lời ở đây qua sách Truyền Đạo (chương 1 và 2) cho thấy vua Sa-lô-môn chứng minh rằng cuộc sống chỉ là hư ảo.  Kết quả của sự tìm kiếm kết thúc trong vô nghĩa.  Nhưng không vì đó mà tác giả thất vọng bởi vì ông nhận biết rằng chính Đức Chúa Trời là qúy giá hơn hết.   Ngài đang cầm quyền trên cả vũ trụ và cai trị trên đời sống của ông.   Sự khôn ngoan không phải là chất chứa của cải, nhưng  biết hưởng thụ những gì mà Đức Chúa Trời ban cho.  Đây là những kinh nghiệm về cuộc sống của ông:

     “Chẳng gì tốt cho người hơn là ăn, uống, khiến cho linh hồn mình hưởng phước của lao khổ mình.  Ta xem thấy điều đó cũng bởi tay Đức Chúa Trời mà đến. Vì ai là người được ăn và hưởng sự vui sướng hơn ta?” (Tr. Đạo 2: 24, 25)

          Đó là niềm tự hào và vui sướng của vua Sa-lô-môn về cách sống và hưởng thụ của mình.  Tuy nhiên, ông cũng đã ý thức được rằng, mọi thứ ấy sẽ không tồn tại vì chúng chỉ là hư không:

        “Đoạn ta xem xét các công việc tay mình đã làm, và sự lao khổ mình đã chịu để làm nó; kìa mọi đều đó là sự hư không và theo luồng gió thổi, chẳng có ích lợi gì hết dưới mặt trời.” (Truyền Đạo 2: 11)

        Khi so sánh với vua Sa-lô-môn, có lẽ ít ai trong chúng ta dám nghĩ rằng mình khôn ngoan hơn, giàu có hơn, cao trọng hơn ông.  Tuy nhiên, vua Sa-lô-môn đã thức tỉnh vì nhận thấy rằng tất cả những thứ ấy chỉ là hư không theo luồng gió thổi.  Vậy, có cách nào giúp cho con dân Chúa có thể thoát khỏi đời sống vô nghĩa với những giá trị tạm bợ này chăng?

     II. Đời Sống có ý nghĩa đích thực

a)    Đừng quá ham mê của cải vật chất

        Dưới ánh sáng của Lời Chúa, được chép trong sách Ma-thi-ơ, có ghi lại những lời dạy của Chúa Jê-sus như sau:

          “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cài ở trên trời là nơi chẳng có sâu mối ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy.  Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.” (Ma-thi-ơ 6: 19, 20, 21).

        Có một câu chuyện gần đây được phổ biến rộng rãi trên mạng lưới toàn cầu kể về một bác sĩ có tên là Richard Teo, một triệu phú 40 tuổi, là bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ.  Từ lúc trẻ ông ta tưởng rằng thành công có nghĩa là giàu có; cho nên ông ta đã đeo đuổi cho bằng được giấc mơ của mình.

Với nhu cầu sửa sắc đẹp của giới phũ nữ ngày càng gia tăng, chỉ trong năm đầu hành nghề, vị bác sĩ kia đã lên hàng triệu phú.  Ông ta bắt đầu hưởng thụ bằng lối sống xa hoa như: mua một chiếc xe đua Ferrari, đến Mã Lai gia nhập vào đội xe đua ở đó.  Ông ta bắt đầu tìm kiếm đất để xây nhà nghỉ mát, hoà nhập với những người giàu có nổi tiếng; giao tiếp với các mỹ nhân và hoa hậu thế giới; ăn chơi ở những nhà hàng cực kỳ sang trọng v.v…Vị bác sĩ kia nghĩ rằng mình đã có mọi sự; cuộc đời như vậy là đạt đỉnh điểm của sự vinh quang.  Nào ngờ sau một cơn đau lưng bất thường xảy ra, bác sĩ đi chụp MRI, ông ta mới biết rằng ông ta đang ở vào thời kỳ thứ tư của bệnh ung thư phổi. Nhìn vào bản “CT scan” của phổi, mỗi chấm đều là nang ung thư; ngay cả hoá trị thì sự sống của vị bác sĩ kia cũng chỉ kéo dài trong ba hay bốn tháng mà thôi! Trước thực tế phũ phàng, vị bác sĩ dường như không thể tin vào tai mình.  Nhưng sự thật nghiệt ngã đó không thể nào thay đổi được!

     Cái chết đã gần kề. Bây giờ vị bác sĩ mới nhìn lại chính mình và nhận ra ý nghĩa đích thực của đời sống. Chúng ta hãy nghe những lời thú nhận của ông trước những sinh viên nha khoa vào ngày 19/01/ 2012, khi ông được mời nói chuyện tại đây:

     “Tôi được huấn luyện thành bác sĩ có từ tâm, đồng cảm; nhưng tôi không có. Sau khi tốt nghiệp y khoa, tôi làm việc ở khoa ung thư tại NYH.  Hàng ngày, tôi chứng kiến cái chết.  Tôi nhìn thấy tất cả đau đớn của bệnh nhân phải chịu đựng. Tôi thấy họ vật lộn với hơi thở cuối cùng, thấy tất cả.  Nhưng đối với tôi, đây chỉ là công việc.  Tôi đã trở nên mê muội chẳng còn việc gì thành vấn đề đối với tôi nữa. Bệnh nhân đối với tôi chỉ là nguồn lợi tức và tôi đã vắt cạn từng xu của họ.  Nếu các em hỏi tôi, nếu được làm lại cuộc đời, tôi có muốn thành một bác sĩ khác không.  Tôi sẽ trả lời là “có.”  Nhiều khi chúng ta quên đi mình cần phụ vụ ai. Chúng ta lầm lạc đến nỗi chẳng phục vụ ai cả, ngoài chính mình.”

       Khi đối diện với cái chết, bác sĩ Richard Teo mới nhận thức được những bài học qúy giá:

   “Mọi người đều biết rằng sẽ cò ngày phải chết.  Chúng ta ai cũng biết như vậy. Nhưng sự thật dường như chẳng ai tin điều ấy. Vì nếu tin, chúng ta sẽ sống một cách khác.  Khi đối diện với cái chết, tôi lột bỏ mọi thứ, chỉ tập trung vào những thứ thiết yếu.  Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào.  Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho riêng mình.  Quan trọng nhất, tôi nghĩ niềm vui sướng thật sự là khi biết Thượng Đế. Không phải chỉ biết Ngài như các em đọc Kinh Thánh- mà là bản thân biết đến Thượng Đế, tiếp cận với Ngài. Đây là điều quan trọng nhất mà tôi học được.  Tôi có thể tóm tắt hai điều mà tôi học được: (1) Tin vào Đức Chúa Trời với tất cả tấm lòng. (2) Thương yêu và sống vì người khác, không chỉ cho bản thân mình…”

     Cảm tạ Chúa đã cho bác sĩ Richard Teo đã kịp nhận thức về ý nghĩa đích thực của cuộc sống, cho dù hơi muộn màng.  Ông đã ngủ yên trong tay Chúa vào ngày 18/10/ 2012.

 Quý ông bà anh chị em yêu dấu!  Mọi sự rồi sẽ qua đi.  Những giây phút vui sướng cũng sẽ qua đi.  Những buồn đau, hoạn nạn rồi sẽ qua đi.  Mọi công trình lao khổ rồi cũng sẽ qua đi.  Lời Chúa phán:

   “Vả, thế gian với sự tham dục nó đều qua đi; song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (I Giăng 2: 17)

b)    Đừng quá lo lắng về đời này

       Mỗi con người chúng ta được sinh ra và có mặt trên đời này, đều mắc chung chứng bịnh phổ biến không thuốc chữa đó là sự lo lắng.  Không cần kể ra hết ở đây, chúng ta cũng thừa sự từng trải trong muôn nghìn nỗi lo toan mỗi ngày.  Chúa Jê-sus đã khuyến cáo:

         “Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc.  Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao? Than thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao? Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu trử vào kho tang, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng quí trọng hơn là loài chim sao?  Vả lại, có ai trong  vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc không? Còn về phần quần áo các ngươi lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem các hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó nhọc, cũng chẳng kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó…” (Ma-thi-ơ 6:25-29)

        Câu chuyện người trai trẻ giàu có được chép trong Phúc Âm Lu-ca chương thứ (18: 18-25) cũng đem lại cho con dân Chúa xưa cũng như nay, một bài học về của báu ở nước thiên đàng và vật chất tạm bợ của trần gian này.

“Bấy giờ có một quan hỏi Chúa Jê-sus rằng:  Thưa thầy nhơn lành, tôi phải làm gì để hưởng được sự sống đời đời? Đức Chúa Jê-sus phán rằng: Sao ngươi gọi ta là nhơn lành? Chỉ có một Đấng nhơn lành là Đức Chúa Trời.  Ngươi đã biết các đều răn này: Ngươi chớ phạm tội tà dâm; chớ giết người; chớ trộm cướp; chớ nói chứng dối;, hãy hiếu kính cha mẹ. Người ấy thưa rằng:  Tôi đã giữ các điều ấy từ thuở nhỏ. Đức Chúa Jê-sus nghe vậy bèn phán rằng: Còn thiếu cho ngươi một đều, hãy bán hết gia tài mình, phân phát cho kẻ nghèo; thì ngươi sẽ có của cải ở trên trời; bấy giờ hãy đến mà theo ta.. Nhưng người ấy nghe mấy lời thì trở nên buồn rầu, vì giàu có lắm. Đức Chúa Jê-sus thấy người buồn rầu bèn phán rằng:  Kẻ giàu vào nước Đức Chúa Trời là khó biết dường nào.  Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Đức Chúa Trời.”

     Chúa Jê-sus phán như vậy không có nghĩa là Ngài lên án kẻ giàu; nhưng Ngài muốn nhắc nhở đến những ai coi vật chất là qúy trọng hơn sự cứu rỗi, sự sống đời đời, tôn vinh đời sống vật chất làm mục đích để theo đuổi. Vì vậy, Ngài đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong câu 29 và 30 để dạy dỗ con dân Chúa:

     “ Đức Chúa Jê-sus phán rằng: Quả thật ta nói cùng các ngươi, người nào vì cớ nước Đức Chúa Trời, mà bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh em, vợ con, thì trong đời này được lãnh nhiều hơn, và đời sau được sự sống đời đời.” (Luca 18: 29, 30)

         Thưa qúy ông bà anh chị em!

         Qua những suy tư như trên cho chúng ta kết luận rằng, mọi công lao khó nhọc của con loài người đều tan biến như bọt biển, mây trời, gió thoảng mà thôi!  Chúng ta không phài lo lắng cho đến nổi “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm.”  Khi có đủ ăn, đủ mặc thì hãy thỏa lòng.  Nho giáo có câu, “Tri túc tiện túc hà thời túc.  Tri nhàn, tiện nhà, hà thời nhàn.”  Tất cả mọi sự trên đời này rồi sẽ qua đi và qua đi nhanh chóng như “bóng câu cửa sổ.” Phải nhận biết một điều như vua Sa-lô-môn mở đầu sách Truyền Đạo:

 “Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không.  Các việc lao khổ loài người làm ra dưới mặt trời thì được ích lợi chi?” (Truyền Đạo 1: 2, 3)

c)     Hãy tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa

         Thi Thiên 119 đã chép rằng: “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, Để tôi không phạm tội cùng Chúa.” Vâng, quả đúng như vậy. Lời Chúa làm cho vơi đi cơn bối rối, u sầu, lo buồn, tang tóc.  Lời Chúa cho chúng ta sức mạnh chiến thắng cám dỗ, bước lên trên nghịch cảnh, tha thứ, chia sớt áo cơm cho kẻ nghèo khó, an ủi khích lệ cho những linh hồn tuyệt vọng, thiêu đốt sự cô đơn, buồn tủi, vá kín những vết thương lòng, giải cứu lúc hoạn nạn, đem đến sự bình an, hy vọng, chữa lành những vết thương và mang lại sự cứu rỗi.  Lời Chúa là kim chỉ nam cho đời sống của mỗi chúng ta.  Chúng ta khá cẩn thận sửa soạn đời sống của mình để chuẩn bị ứng hầu trước mặt Chúa:

          “Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi, trước khi những ngày gian nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng:  Ta không lấy làm vui lòng; trước khi ánh sáng mặt trời mặt trăng, và các ngôi sao chưa tối tăm, và mây chưa lại tuôn đến sau cơn mưa…Hãy tưởng nhớ Đấng tạo Hóa trước khi dây bạc đứt, và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng; và bụi tro trở về bụi đất y như cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó...” (Tr. đạo 12: 1,2,6,7)

         Mục sư Martin Neimoller đã bị Hiler giam vào ngục thời Đức Quốc Xã.  Một hôm, viên sĩ quan đến hỏi ông:

       - Thưa Mục sư, ông có nguyện vọng gì; có điều nào muốn khiếu nại chăng?
Mục sư Martin đáp:

        - Có chứ! Khi tôi bị đưa vào đây, nhân viên của các ông đã tịch thu của tôi nào nhẫn cưới, nào đồng hồ đeo tay, sách vở, kinh Thánh…Nguyện vọng của tôi là muốn được trả lại quyển Kinh Thánh.

        Mười phút sau, ông được nhận lại quyển Kinh Thánh.  Sau này ông làm chứng lại rằng: “ Quyển Kinh Thánh ấy là sự an uỉ, sức lực, sự hướng dẫn và là nguồn hy vọng, là chúa tể của ban ngày, là bạn hữu lúc ban đêm, là bánh khi đói, là nước của sự sống bổ lại linh hồn tôi, trong bốn năm của ngục tù dài đăng đẳng.”

      Thưa qúy ông bà anh chị em!

        Để có được một cuộc sống ý nghĩa đích thực và phước hạnh, chúng ta hãy ăn năn với Chúa về những sai lầm trong những năm tháng đã qua.  Hãy bắt đầu một năm mới trong dịp Tết Âm Lịch này với sự vâng lời Chúa:

“Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi.” (Tr. đạo 12: 13)

     Thân ái kính chào qúy ông bà anh chị em trong tình yêu của Cứu Chúa Jê-sus.