Theo Sáng thế ký chương 24, Áp-ra-ham tuổi cao, được Chúa ban phước dồi dào. Sa-ra, người vợ yêu quý đã qua đời, và Y-sác, con trai cầu tự đã bốn mươi tuổi. Vì cưới vợ cho Y-sác để có cháu nối dõi là vấn đề hệ trọng, Áp-ra-ham gọi quản gia trung thành, giao việc lớn.
Mặc dầu gia đình đang ở Ca-na-an, Áp-ra-ham bảo quản gia nhân danh Chúa, hứa không cưới người Ca-na-an cho Y-sác. Trước hết, Áp-ra-ham buộc quản gia tránh hẳn gái Ca-na-an. Thứ nhì, quản gia phải về quê, cưới cho Y-sác, một người vợ trong vòng bà con Áp-ra-ham.
Sự hiện diện của Áp-ra-ham và Y-sác là tuyên ngôn đức tin nơi lời hứa tuyệt vời của Chúa thành tín. Nên khi quản gia đề nghị đưa Y-sác về quê cưới vợ, Áp-ra-ham dõng dạc trả lời, “Tuyệt đối không! Con không bao giờ được đem Y-sác trở lại xứ ấy!”
Dứt khoát rời bỏ quá khứ tăm tối, thần tượng để ra đi, Áp-ra-ham chọn theo Chúa. Ông Được Gọi Để Dựng Nước, và Chúa đã hứa – ông sẽ Thành Một Nguồn Phước. Ngay trong nạn đói, Chúa bảo Y-sác, “Đừng xuống Ai-cập! Cứ ở lại đây. Ta sẽ ở với con, ban phước cho con. Ta sẽ cho con và dòng dõi con tất cả xứ nầy, như ta đã thề hứa với thân phụ con!” (26:2)
Lời đầu của Áp-ra-ham lộ vẻ nghi ngờ, trách móc, thở than, “Chúa chẳng cho con hậu tự, nên một đầy tớ trong nhà sẽ kế nghiệp con!” (15:3) Nhưng lời cuối của ông nổi bật với đức tin mẫu mực lạ lùng, “Chúa sẽ sai thiên sứ Ngài đi trước dìu dắt con qua đó để cưới vợ cho Y-sác” (24:7).
Đức tin của Áp-ra-ham và Y-sác thể hiện rõ nét trong nếp sống nương cậy Chúa. “Cha nào, con nấy!” Chúa có mặt mọi nơi, mọi lúc trong gia đình tin kính gương mẫu nầy. Quản gia của họ cũng Theo Đường Lối Chúa với đức tin tuyệt vời. Chủ nào, tớ nấy! Tạ ơn Chúa!
Tên ông là Ê-li-ê-se – từng được Áp-ra-ham chỉ định thừa kế (15:2), nhưng nay hoàn toàn mất cơ hội, vì chủ đã có hai con trai. Ê-li-ê-se giống như Giăng Báp-tít sau nầy – người khiêm cung tuyên bố, “Chúa phải được tôn cao. Tôi phải hạ xuống!” (Giăng 3:30).
Với đức tin vững chắc và lòng trung thành, Ê-li-ê-se đặt tay trên đùi chủ mình, thề hứa thi hành mọi điều chủ dặn. Ông phải mất nhiều thời gian, công phu – thu thập sính lễ giá trị và ra đi trên đường xa vời vợi.
Đoàn người, lạc đà và sính lễ hùng hậu chắc gây ấn tượng sâu xa! Sau nhiều ngày sa mạc lao nhọc trên hành trình cát bụi – đoàn lữ hành đến Na-cô, xứ Lưỡng Hà. Khi nắng chiều vừa dịu xuống và phụ nữ ra giếng xách nước, Ê-li-ê-se cung kính cầu xin Chúa hướng dẫn.
“Lạy Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, chủ con! Xin cho con thành công hôm nay, để chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với Áp-ra-ham. Con đứng đây, bên giếng, các thiếu nữ trong thành ra múc nước. Khi con xin cô nào uống nước, mà cô ấy đáp, ‘Mời ông uống! Cháu sẽ cho bầy lạc đà của ông uống nữa,’ cô ấy đúng là người Chúa chọn cho Y-sác, tôi tớ Chúa. Do đó, con biết rõ Chúa đã tỏ lòng nhân từ với chủ con!”
Một lời cầu nguyện tự phát, từ lòng tin chân thành! Không xin Chúa làm phép lạ, Ê-li-ê-se chỉ xin Chúa hướng dẫn trong diễn trình tự nhiên của cuộc sống – biết rằng Chúa có mặt mọi nơi, mọi lúc, và Ngài ban ơn cho người thật lòng tin – Theo Đường Lối Chúa.
Quản gia ước nguyện một cô gái cực kỳ tử tế, quan tâm, thương người, chịu khó, khỏe mạnh, và...”tuyệt đẹp!” Chỉ có Chúa mới sắp xếp được các yếu tố lý tưởng, lạ lùng đó thành tựu tại một điểm, trong một giờ nhất định! Điểm lý thú là, Rê-bê-ca đã rời nhà trước khi quản gia bắt đầu cầu nguyện, và khi Rê-bê-ca đến giếng – ông còn cầu nguyện!
“Rê-bê-ca, một thiếu nữ tuyệt đẹp và trinh trắng xuống giếng. Cô múc đầy bình nước, đặt trên vai, rồi leo lên. Đầy tớ chạy đến nói: ‘Xin cô cho tôi ngụm nước!’ Đầy tớ uống xong, cô sốt sắng nói: ‘Để cháu múc nước cho lạc đà ông uống đã khát!”
Rê-bê-ca tình nguyện múc nước cho mười lạc đà uống là điều đáng kinh ngạc! Vì giếng rộng và sâu, với nhiều bậc thang dẫn xuống mặt nước. Mỗi bình nước đòi hỏi nổ lực, và một con lạc đà uống chừng 25 ga-lông (mỗi ga-lông gần 4 lít)! Vìụ mỗi bình nước chứa ba ga-lông, Rê-bê-ca phải xuống giếng khoảng 90 lần trong hai giờ đồng hồ!
Và trong suốt thời gian đó? Ê-li-ê-se yên lặng nhìn – chứng kiến Chúa thành tín đáp lời cầu xin! Cuối cùng, ông lấy ra một chiếc nhẫn vàng, một đôi vòng vàng và hỏi, “Cô là con ai? Nhà cô có chỗ cho tôi nghỉ tạm không?”
Câu trả lời của Rê-bê-ca cho biết nàng là cháu nội của Na-cô (em của Áp-ra-ham), và nàng muốn tiếp cả phái đoàn trong nhà cha mình. “Đầy tớ cảm kích cúi đầu thờ phượng Chúa: ‘Tạ ơn Chúa là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, chủ con. Tạ ơn Chúa về lòng nhân từ thành tín đối với người khi Ngài dắt con đến đúng ngay gia đình bà con của Áp-ra-ham!” (24:26)
Ông thành khẩn cầu xin và Chúa đáp lời mầu nhiệm. Không lầm lẫn, Rê-bê-ca chính là món quà phước hạnh mà ông cầu xin! Chúa thật tuyệt vời! Rê-bê-ca xúc động quá về lời tạ ơn và thờ phượng của quản gia, nhất là, tên của Áp-ra-ham được nhắc đến hai lần.
Vì tên Áp-ra-ham thân yêu, quen thuộc nàng nghe gia đình nhắc nhở hoài, Rê-bê-ca vội vàng chạy về nhà báo tin vui, trong đó có La-ban, anh nàng. La-ban là người tham lam, sau nầy lừa gạt Gia-cốp (con của Rê-bê-ca và Y-sác – khi Gia-cốp xin cưới Ra-chên, con gái ông).
La-ban chạy ra giếng vồn vã tiếp đón Ê-li-ê-se: “Chào người được Chúa ban phước, mời ông đến nhà. Tôi có sẵn phòng ngủ cho ông, thức ăn và chỗ nghỉ cho lạc đà.” Thức ăn đã dọn rồi, nhưng quản gia nói: “Tôi sẽ không ăn uống trước khi trình bày mục đích chuyến đi nầy!”
Khi La-ban giục: “Xin ông cứ nói,” Ê-li-ê-se kể hết ngọn nguồn sứ mạng tìm vợ cho Y-sác mà chủ Áp-ra-ham giao phó, và giờ phút nhiệm mầu gặp Rê-bê-ca. Ông lập lại những điểm chính với mục đích gì? Chinh phục La-ban và Bê-tu-ên, cha người: “Đức Chúa Trời quyền năng đã hướng dẫn, ban phước. Xin để Rê-bê-ca về nhà chồng – Theo Đường Lối Chúa!”
La-ban và Bê-tu-ên đáp: “Việc nầy do Chúa mà đến, chúng tôi đâu có thể nói được hay không. Rê-bê-ca đứng trước mặt ông. Ông cứ rước cháu đi, để nó làm vợ con trai chủ ông, như Chúa đã phán dạy!”
Sự tể trị mầu nhiệm của Chúa quá rõ ràng! Và lần thứ ba, quản gia phủ phục sát đất tạ ơn và thờ phượng Chúa. Ông đem các nữ trang bạc và vàng, và các bộ y phục tặng Rê-bê-ca. Ông tặng các bảo vật cho anh và mẹ nàng. Sau đó, mọi người ăn uống vui vẻ rồi nghỉ ngơi.
Hôm sau, mẹ con La-ban đổi ý – đòi giữ Rê-bê-ca mười ngày nữa! Với La-ban khôn ranh, khuynh đảo – chắc sẽ gây tốn kém nhiều? Quản gia nhất mực đòi, “Đừng cầm giữ tôi vì Chúa đã cho công việc hanh thông. Xin quý vị cho tôi về với chủ tôi!”
Vì mọi người muốn hỏi ý nàng, Rê-bê-ca tuyên bố, “Em muốn đi!” “Em muốn đi” xác nhận đức tin của nàng nơi Chúa thành tín. Từ giã gia đình, Rê-bê-ca dứt khoát đặt lòng tin cậy Chúa – Theo Đường Lối Chúa – thật xứng đáng làm dâu Áp-ra-ham, tổ phụ đức tin.
Gia đình chúc phước Rê-bê-ca: “Em ơi, chúc em trở thành tổ mẫu của ức triệu người. Và chúc dòng dõi em chiếm được cổng thành quân thù!” Lời chúc nầy giống như lời Chúa ban phước Áp-ra-ham khi ông dâng Y-sác (22:17): “và dòng dõi con sẽ chiếm lấy cổng thành quân thù.” Cả Y-sác và Rê-bê-ca nhận được lời chúc phước tuyệt vời đó.
Cuộc hạnh ngộ của cô dâu chú rể thật kỳ thú. Hai người nhìn thấy nhau cùng một lúc, Rê-bê-ca vội vàng lấy voan phủ mặt mình. Y-sác nghe quản gia kể chuyện rước dâu kỳ thú. Y-sác – “Tiếng Cười” có lẽ thích thú cười rộn rã khi nghe chi tiết Rê-bê-ca xách nước cho mười lạc đà uống.
Tiếng cười hân hoan hạnh phúc của lễ cưới vang dội khắp nơi. Y-sác đưa vợ vào lều Sa-ra, mẹ mình. Y-sác “yêu vợ” và chàng được an ủi về cái chết của mẹ thân yêu. Rê-bê-ca thay thế Sa-ra trong vai trò tổ mẫu khi vào lều Sa-ra. “Y-sác yêu Rê-bê-ca” là những chữ đặc biệt sáng chói đầu tiên trong Thánh Kinh về tình yêu trong hôn nhân.
Họ đã cưới nhau Theo Đường Lối Chúa. Hai người thành một – một thân, một vợ một chồng, một tình yêu, một đức tin, và một Chúa! Một ngày Đăng Quang Tình Yêu hạnh phúc tuyệt vời! Họ đã bắt đầu với Chúa, và cần hết lòng Theo Đường Lối Chúa từng ngày!
Con người ở một mình không tốt. Hai người hơn một. Cùng vợ, cùng chồng, tát bể đông cũng cạn! “Hãy hết lòng tin cậy Chúa. Chớ nương cậy nơi sự sáng suốt của con. Hãy nhận biết Ngài trong mọi đường lối mình. Ngài sẽ làm cho đường lối con bằng thẳng” (Châm ngôn 3:5-6). Theo Đường Lối Chúa! Amen.
MỤC SƯ HỒ XUÂN PHƯỚC