Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Ý NGHĨA CỦA CHỮ HIẾU


Điều răn thứ năm dạy: "Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi". "Hiếu kính cha mẹ" nghĩa là gì? Và "hiếu kính cha mẹ" là phải làm gì? Hiếu kính cha mẹ có nghĩa là tôn kính và yêu quí cha mẹ. Có người yêu cha mẹ nhưng thiếu lòng tôn kính, một số người khác thì ngược lại, tôn kính cha mẹ nhưng thiếu lòng yêu thương. Chúa muốn chúng ta vừa yêu thương vừa tôn kính cha mẹ. Một người con hiếu kính cha mẹ là người làm tròn những bổn phận sau đây:

1. Yêu Thương Cha Mẹ
Bổn phận đầu tiên của con cái là yêu thương cha mẹ. Cũng như tất cả những liên hệ khác giữa con người với con người, phải có tình yêu thương chúng ta mới có thể làm trọn bổn phận đối với nhau và phải có tình yêu thương thì điều chúng ta làm mới có ý nghĩa. Chúng ta yêu cha mẹ vì ngoài Chúa ra, không ai yêu thương chúng ta bằng cha mẹ. Tình yêu của cha mẹ đối với con cái thường được ví như sông, núi, trời, biển. Dù có thể cha mẹ không bày tỏ tình thương cách rõ ràng, hoặc có khi vì vô tình, cha mẹ làm chúng ta đau buồn, nhưng sâu kín trong đáy lòng, cha mẹ yêu thương chúng ta vô cùng. Người ta thường nói, khi có con ta mới hiểu được tình thương yêu của cha mẹ. Câu nói nầy thật đúng. Mỗi khi thật lòng yêu thương cha mẹ, chúng ta sẽ không làm điều gì khiến cha mẹ buồn lo, nhưng trái lại, tìm cách làm cho cha mẹ vui lòng.

2. Biết Ơn Cha Mẹ

Là con cái, chúng ta phải biết ơn cha mẹ. Cha mẹ là người sanh thành ra chúng ta và nuôi dạy cho chúng ta nên người. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự sống nhưng cha mẹ là người truyền sự sống đó cho chúng ta. Hơn thế nữa, cha mẹ phải chịu bao khó nhọc để nuôi nấng chúng ta, từ lúc sơ sinh cho đến khi khôn lớn. Công ơn của cha mẹ không gì ví sánh được. Chúng ta cũng không thể làm gì để đền đáp lại công ơn đó. Người xưa đã mô tả thật đúng khi nói: "Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra." Vì công ơn sanh thành và dưỡng dục của cha mẹ, chúng ta phải biết ơn cha mẹ và bày tỏ lòng biết ơn đó qua lời nói, hành động và qua cách xử sự trong bổn phận làm con.

3. Tôn Kính Cha Mẹ
Như đã trình bày ở trên, có người yêu thương cha mẹ nhưng thiếu lòng tôn kính. Có người còn xem cha mẹ như ngang hàng với mình, do đó không nói năng với cha mẹ cách lễ phép và không bày tỏ lòng kính trọng. Cũng có người xem cha mẹ như là người có trách nhiệm phục vụ và chìu chuộng mình. Trường hợp nầy xảy ra khi cha mẹ cưng chìu con quá đáng. Khi còn nhỏ, những đứa con đó hay làm nũng, giận dỗi hoặc dùng tiếng khóc để cha mẹ phải làm theo ý mình. Nếu cha mẹ nuông chìu con quá đáng, khi lớn lên, con sẽ không biết giúp đỡ cha mẹ nhưng chỉ chờ cha mẹ phục vụ mình. Nếu cha mẹ không dạy bảo đúng cách và không sửa trị khi con làm điều sai quấy hoặc nói những lời thiếu lễ độ; khi lớn khôn, những điều sai lầm đó sẽ thành thói quen, không thể sửa đổi được. Là con, khi nói với cha mẹ, chúng ta nên dùng những tiếng: "thưa", "vâng", "dạ",... để bày tỏ lòng tôn kính.


Cũng có người xem thường cha mẹ khi thấy cha mẹ già yếu, không còn đóng góp được gì cho gia đình; hoặc khi cha mẹ đau ốm, trở thành gánh nặng cho mình. Người tin Chúa không nên có những thái độ sai lầm đó, vì Chúa dạy: "Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, CHỚ KHINH BỈ MẸ CON KHI NGƯỜI TRỞ NÊN GIÀ YẾU" (Châm Ngôn 23:22). Chúng ta không nên xem thường cha mẹ khi cha mẹ già yếu, nhưng trái lại, phải yêu thương quý mến nhiều hơn vì cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho chúng ta. Hơn nữa, lúc già yếu là lúc cha mẹ cần con cái hơn hết, không những vì sức khoẻ suy giảm, nhưng tinh thần cũng rất yếu kém. Cha mẹ dễ cảm thấy cô đơn, buồn tủi vì biết mình không còn giúp ích gì cho đời và con cái cũng không còn cần đến mình nữa. Các cụ cũng hay lo buồn vì biết đời sống mình sắp chấm dứt và thường nghĩ đến cái chết đang chờ đợi mình. Vì những lý do đó, con cái cần thông cảm với cha mẹ và cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để đem đến cho cha mẹ niềm vui và an ủi trong những ngày cuối của cuộc đời.

Trong thời Cựu Ước, không tôn kính cha mẹ là tội rất nặng. Theo luật Môi-se, "kẻ nào đánh cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử. Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử" (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:15, 17). Trong sách Lê-vi Ký, luật nầy được nhắc lại rõ ràng và mạnh mẽ hơn: "Khi một người ngào chửi cha mắng mẹ mình, thì phải bị xử tử; nó đã chửi rủa cha mẹ, huyết nó sẽ đổ lại trên mình nó". (Lê-vi Ký 20:9).

Khi cha mẹ đã già yếu, chúng ta cần đối xử với lòng yêu thương, thông cảm và tế nhị. Đừng vì quá bận rộn với cuộc sống mà bỏ quên cha mẹ, cũng không nên có lời nói hay hành động khiến cha mẹ buồn tủi.

4. Vâng Phục Cha Mẹ
Vâng phục cha mẹ là điều dễ nhưng cũng khó. Khi còn nhỏ, chúng ta dễ vâng lời cha mẹ. Cha mẹ bảo gì làm nấy, vì lúc đó ta thấy cha mẹ là người giỏi nhất và khôn ngoan nhất trên đời. Nhưng khi khôn lớn, thấy mình có thể làm những điều mà cha mẹ không làm được, chúng ta bắt đầu không vâng phục cha mẹ nữa. Kinh Thánh dạy gì về bổn phận vâng phục cha mẹ? Trong thư Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô khuyên: "Hỡi kẻ làm con cái, HÃY VÂNG PHỤC CHA MẸ MÌNH trong Chúa, vì điều đó là phải lắm" (Ê-phê-sô 6:1). Trong lá thư gởi cho Hội Thánh Cô-lô-se, sứ đồ Phao-lô cũng viết: "Hỡi kẻ làm con, MỌI SỰ HÃY VÂNG PHỤC CHA MẸ MÌNH, vì điều đó đẹp lòng Chúa" (Cô-lô-se 3:18).

Theo tiêu chuẩn của Chúa, không vâng lời cha mẹ là tội nặng cũng như những tội khác. Sứ đồ Phao-lô cho biết, những người bị Đức Chúa Trời bỏ mặc là người phạm những tội sau:"Không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ, chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ, hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, KHÔNG VÂNG LỜI CHA MẸ..." (Rô-ma 1:30).

Bản tính tự nhiên của các em nhỏ là vâng lời cha mẹ. Cha mẹ dạy bảo điều gì cũng sẵn sàng vâng theo. Các em tin cậy cha mẹ vì biết cha mẹ yêu thương mình và không bao giờ bảo mình làm điều xấu hoặc có hại. Tuy nhiên, khi đã lớn, vì nghĩ rằng mình khôn hơn và hiểu biết nhiều hơn, chúng ta thường không muốn vâng lời cha mẹ nữa. Dù rằng nhờ đi học, có những điều chúng ta hiểu biết hơn cha mẹ, nhưng đừng quên rằng vì cha mẹ sinh ra trước nên có nhiều kinh nghiệm hơn chúng ta. Con cái cần nghe lời dạy bảo của cha mẹ trong nhiều phương diện để tránh được những lỗi lầm của người trẻ, thiếu kinh nghiệm. Trong xã hội Tây phương, con cái khi đã lớn thường được tự do làm theo ý riêng, tự quyết định những việc liên quan đến đời sống mình, cha mẹ không dám khuyên răng và dẫn dắt, vì thế đưa đến nhiều lỗi lầm tai hại.

Một người con khôn ngoan sẽ làm theo lời dạy sau đây: "Hỡi con, hãy giữ lời răng bảo của cha, chớ lìa bỏ các phép tắc của mẹ con. Khá ghi tạc nó nơi lòng con luôn luôn và đeo nó nơi cổ con. Khi con đi, các lời đó sẽ dẫn dắt con; lúc con ngủ, nó gìn giữ con; và khi con thức dậy, thì nó sẽ trò chuyện với con" (Châm Ngôn 6:20-22).

5. Phụng Dưỡng Cha Mẹ
Khi đã lớn và đã có công ăn việc làm, con cái nên phụ giúp cha mẹ trong các chi phí của gia đình. Đặc biệt là khi cha mẹ đã cao tuổi, không thể làm lụng để nuôi sống chính mình, con cái có trách nhiệm phải phụng dưỡng cha mẹ, tức là chu cấp cho cha mẹ những điều cần dùng. Sứ đồ Phao-lô khuyên: "Hãy kính những người đàn bà goá thật là goá. Nhưng nếu bà goá có con hoặc cháu thì CON CHÁU TRƯỚC PHẢI HỌC LÀM ĐIỀU THẢO ĐỐI VỚI NHÀ RIÊNG MÌNH VÀ BÁO ĐÁP CHA MẸ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời... Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa" (2Ti-mô-thê 5:3-4, 8).

Qua lời dạy trên, sứ đồ Phao-lô hàm ý rằng, nếu chúng ta là người tin Chúa, nhưng không phụng dưỡng cha mẹ và người nhà mình thì kể như chúng ta đã chối bỏ đức tin và còn tệ hơn là người không tin. Sứ đồ Gia-cơ và Giăng cũng nói lên cùng một điều khi viết những lời sau: "Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng kẻ mồ côi, người goá bụa trong cơn khốn khó của họ" (Gia-cơ 1:27) và: "Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được" (1Giăng 3:17).

Chúng ta cũng không thể viện cớ rằng mình phải lo công việc Chúa nên không thể phụng dưỡng cha mẹ. Ngày xưa, Chúa Giê-xu trách người Pha-ri-si vì họ nói rằng mọi điều họ có thể giúp cha mẹ thì đã dâng cho Đức Chúa Trời. Người nói như thế là người đáng trách, vì đã bỏ lời Đức Chúa Trời mà theo lời truyền khẩu của loài người. Phúc Âm Mác ghi lại chi tiết nầy như sau: "Ngài cũng phán cùng họ rằng: Các ngươi bỏ hẳn điều răn của Đức Chúa Trời, đặng giữ theo lời truyền khẩu của mình. Vì Môi-se có nói: Hãy tôn kính cha mẹ ngươi; lại nói: Ai rủa sả cha mẹ thì phải bị giết. Nhưng các ngươi nói rằng: Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Mọi điều tôi sẽ giúp cha mẹ được, thì đã là co-ban (nghĩa là sự dâng cho Đức Chúa Trời); vậy người ấy không được phép giúp cha mẹ mình sự gì nữa; dường ấy các ngươi lấy lời truyền khẩu mình lập ra mà bỏ mất lời Đức Chúa Trời" (Mác 7:9-13).
(còn tiếp)
Theo cdnvn.com