Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

TÌNH THƯƠNG MẠNH HƠN BÃO TUYẾT - 7


CHƯƠNG 5


     Chiều hôm ấy, thằng Duyên từ đồng cỏ chạy về nhà, lòng nhẹ nhàng phơi phới. Nó đã làm việc hết sức mình. Thân thể nó mệt nhừ, nhưng ở nhà có con ngựa nhỏ đang chờ đợi nó; ngày mai nó sẽ mang con ngựa ấy đến trường, và mọi người sẽ biết cái tài chạm khắc gỗ của nó.
Nó phóng mình lên bực thềm, rồi đột nhiên đứng sửng lại. Con ngựa của nó đi đâu mất rồi; trên mặt bàn chỉ còn lại những đồ nghề điêu khắc và những mảnh gỗ vụn.
Có lẽ má nó về trước đã lấy con ngựa đi. Nó xông vào nhà miệng kêu lớn: “Má để con ngựa của con ở đâu, má!”


Bà Mầu đang cắm cúi trước nồi súp, ngẩng đầu lên, đáp: “Má có nhìn thấy con ngựa của con đâu, chắc con để lạc đâu đấy chứ gì”.
Thằng Duyên bắt đầu hoảng hốt thật sự. Nó đáp:
“Con vẫn để nó trên bàn kia mà! Không biết bây giờ nó biến đâu mất rồi! Má hãy tìm giùm con đi!”
Bà Mầu lập tức đi theo nó. Bà cũng muốn cho con bà đoạt giải lắm, nên hai mẹ con chia nhau đi lùng kiếm khắp nhà. Sau cùng, bà Mầu nẩy ra một ý nghĩ.
“Hay nó rơi qua thành bao lơn?” bà nói. “Con hãy chạy xuống tìm phía dưới xem”.
Thằng Duyên vâng lời, chạy bay xuống. Nó không phải mất công tìm kiếm lâu. Chỉ thoáng chốc nó đã tìm thấy con ngựa của nó đã bị bể vỡ tan từng mảnh.
Nó nhặt các mảnh lên để trong lòng bàn tay rồi đem chìa cho má xem. Tiếng kêu thất vọng của bà Mầu khiến chị Mai từ trong nhà phải chạy ra. Hai người đứng nhìn trân trân, nhìn những mảnh gỗ vụn trước kia là tượng con ngựa đang phi.

Một lát sau, chị Mai nói, “Chắc là tại con mèo rồi. Chị rất buồn cho em. Thế em không còn tượng gỗ nào khác để đem dự thi ư?”
Bà Mầu không nói gì mà chỉ thở dài. Nhưng giọng thở dài của bà mang nặng ý nghĩa.
Thằng Duyên cũng không thốt một lời nào. Nó lẳng lặng bước vào nhà, đưa mắt nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường.
“Con lên núi đây”, nó nói, cố giữ giọng bình tĩnh. “Con không về ăn cơm tối đâu”.
Nó chạy xuống bực bao lơn rồi đi xuyên qua cánh đồng cỏ với những đống cỏ như những lươn sóng trên mặt biển cả. Má nó nhìn theo nó, nét mặt lo âu, cho tới khi nó khuất dạng vào trong rừng. Lúc ấy bà mới quay trở vào, để rơi mấy giọt lệ xuống nồi súp nóng.
“Thằng bé gặp toàn chuyện chẳng may”, bà buồn rầu khẽ nói. “Không biết rồi nó có làm nên công chuyện gì không?”
Thằng Duyên lê bước qua rừng, mắt chẳng để ý nhìn cảnh vật. Ngay đến bầy sóc nhỏ màu xám đang chuyền từ cành nọ sang cành kia và tấn công nhau bằng trái dẻ rừng cũng không được nó để mắt tới. Lúc ấy lòng nó không gnhĩ tới gì khác hơn là cái giải bị mất và nỗi thất vọng ê chề- làm sao cái giải đáng lẽ vào tay nó mà nay lại lọt sang tay người khác để nó cứ tiếp tục bị khinh khi, ghét bỏ. Nó không còn cơ hội nào nữa để tỏ cho mọi người thấy cái tài điêu khắc của nó. Chẳng ai thèm đoái hoài đến nó- trừ phi nó đoạt được giải ấy.
Nó tới một khoảng rừng thưa, từ đó nó có thể nhìn qua ngọn cây tới những đỉnh núi trắng xóa ở bên ngoài rặng núi khép kín thung lũng này.
“Ước gì ta có thể đi khỏi nơi đây ngay”, nó nghĩ  thầm, “để bắt đầu làm lại cuộc đời ở nơi mà không một ai quen biết ta, hay biết rõ việc ta làm. Nếu ta đi tới và sống được ở một thung lũng khác, sẽ không còn phải sợ sệt mọi người như ta đang bị ở đây”.
Mắt nó dừng lại trên con đường đèo chạy giữa hai đỉnh núi và đưa dẫn tới các thành phố lớn ở thung lũng kế cận nơi chị Mai nó làm việc. Con đường đèo này luôn thu hút nó; nó tưởng chừng như đấy là một con đường dẫn tới thế giới khác, xa khỏi tất cả những gì là quen thuộc, êm đềm- tới một chốn hoang vu kỳ quái mà bao khách giang hồ đã bị vùi thây vì gió bão. Nó có đích thân vượt qua đèo hai lần, nhưng lúc ấy là vào mùa hạ, mặt trời chói sáng, hoa núi đầy dẫy khắp đèo. Giờ, dưới ánh nắng tàn, đường đèo hiện ra sáng sủa. Trước mắt thằng Duyên, nó bỗng có vẻ giống như  một cái cửa dẫn ra khỏi nhà tù, một cái cửa mà nó phải đi qua một mình để tìm thấy tự do ở miền đất hoàng hôn.
Thằng Duyên nhìn thấy ông già khi nó dời khỏi khu rừng, nhưng ông già không nhìn thấy nó ngay. Ông đang ngồi ở đằng trước cửa nhà, hai tay chống cằm, mắt nhìn chăm chú vào những dãy núi ở phía bên kia thung lũng. Mãi khi thằng Duyên tới gần sát ông, ông mới ngửng nhìn lên.

“A, con đấy à!”, ông già nói giọng ồ ồ. “Thế nào, công việc chạc khắc đến đâu rồi? đến bao giờ thì con đoạt giải ấy đây?”
“Cháu không đoạt giải ấy được đâu”, thằng Duyên phụng phịu nói. “Con ngựa của con bị vỡ thành nhiều mảnh rồi. Có lẽ con mèo làm nó rơi ra ngoài thành bao lơn, và có ai đó đã đạp lên nó”.
“Đáng buồn thật”, ông già dịu dàng nói, “nhưng cháu vẫn có thể đưa một tác phẩm khác ra dự thi. Chẳng hạn con sơn dương mà cháu đã tạc ấy. Ta thấy đấy cũng là một thành công đáng kể đối với một đứa trẻ trạc tuổi cháu”.
Thằng Duyên lấy chân đá mạnh vào những hòn đá trên lối đi.
“Cháu khắc son sơn dương bằng con dao nhíp cùn của cháu chứ không phải bằng đồ nghề chuyên môn”, nó lầm bầm nói. “Chúng sẽ tưởng đó là tác phẩm đẹp nhất của cháu. Không, nếu cháu không đăng con ngựa dự giải thì thôi, cháu không đăng vật gì khác nữa”.
“Cháu chú trọng đến ý kiến của mọi người lắm sao?”, ông già hỏi.
“Có chứ”, Duyên lại lầm bầm đáp.
“Sao vậy?”
Thằng Duyên đăm chiêu nhìn xuống đất. Không biết nó phải trà lời sao bây giờ? Dầu sao ông già cũng thân với nó, có lẽ là người bạn thân duy nhất của nó nữa. Có lẽ nó nên nói thật cho ông già biết hết mọi chuyện thì hơn.
“Quan trọng lắm chứ ông”, nó lẫm bẫm, “Vì mọi người ghét bỏ cháu. Họ gọi cháu là đần độn, xấu xa. Nếu,… nếu cháu trúng giải ấy và mọi người biết được rằng cháu có tài chạm khắc gỗ giỏi hơn các đứa trẻ khác trong vùng, có lẽ họ sẽ thương mến cháu hơn”.

“Không đâu, cháu ạ”, ông già thủng thẳng đáp. “Tài nghệ của mình khi đem dùng để phục vụ cho mục đích riêng tư của mình, chẳng bao giờ đem lại được tình yêu thương đâu. Có thể cháu sẽ được thán phục và thèm muốn, nhưng đó không phải là tình yêu thương. Nếu quả thật cháu muốn đi tìm tình yêu thương, thì việc làm của cháu quả là uổng công vô ích vậy”. Thằng Duyên vẫn đăm đăm nhìn xuống đất. Đột nhiên, nó ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mặt ông già, nơi khóe mắt long lanh ngấn lệ.

“Thế là hoàn toàn vô ích”, nó ngập ngừng nói khẽ. “Hình như chẳng còn cách nào làm lại được nữa, đễ cho mọi người yêu mến cháu. Chắc họ chẳng bao giờ thương mến cháu đâu”.
“Nếu cháu muốn mọi người yêu thương cháu”, ông già nói tiếp, giọng quả quyết, “cháu phải làm cho mình xứng đáng được mọi người yêu thương. Cháu phải sử dụng tài năng của cháu vào việc yêu thương và phục vụ mọi người. Không phải mỗi lúc mà đạt được ngay đâu; có khi phải hàng năm hay nhiều năm trời, nhưng cháu không được nản chí”.
Còn Tiếp