Ông Bình cắt cỏ ở vườn nhà ông trước hết, rồi mới tạt sang cắt cỏ trong vườn bà Mầu. Việc cào cỏ lại thành đống, ông giao cho những người trong gia đình ông làm. Năm nay bà Mầu có chiều hơi thắc mắc, chỉ sợ vì thù hận mà không chịu sang cắt cỏ hộ nhà mình. Nhưng bà lo ngại điều ấy là thừa. Một buổi sớm mai, thức giấc dậy, đứng nơi cửa sổ, bà nhìn thấy ông đang chăm chú làm việc. Cái lưng bóng nhẫy của ông đu đưa theo nhịp của lưỡi hái.
“Duyên ơi, mau lên”, bà Mầu kêu, “Ông Bình đang cắt cỏ ngoài vườn rồi đấy- chạy mau ra và phụ ông chất đống lại đi’.
Thằng Duyên vội chạy ra đồng. Nó ngượng nghịu chào ông Bình, hai mắt nhìn dán xuống đất. Nó thật chẳng làm việc với ông Bình, vì nó đã làm điều trái quấy đối với ông. Nó cố sức tránh xa ông, còn ông Bình thì đang bận việc cũng chẳng thiết gì trò chuyện. Vả lại, cắt cỏ hộ cho người láng giềng là một việc, còn nói chuyện với thằng bé đã làm gãy chân con ông lại là một việc khác hẳn.
Vào giữa trưa, con An mang thức ăn đến cho ba nó, gói trong một khăn tay. Nó làm ngơ không để ý đến thằng Duyên, còn thằng Duyên khi nhìn thấy nó đi tới vội lủi ngay vào nhà.
Phải mất ba ngày, ông Bình mới cắt hết cỏ trong vườn nhà bà Mầu. Ngày thứ ba lại là ngày nghỉ chót. Thằng Duyên , má nó và chị nó đang bận rộn quét dọn ngoài đồng trước khi thằng Duyên phải trở lại trường học. Cả ba người đều ở hết ngoài đồng khi con An mang cơn tới cho ba nó như thường lệ. Nó cũng vội vã vì ngày hôm sau học sinh trong trường đã phải đem nộp các món đồ thủ công dự thi rồi, mà nó vẫn chưa xong hoàn toàn chiếc áo.
“Không biết mình có giật được giải ấy không?”
An tự hỏi thầm. Mình muốn lắm- nhưng dù cho không được đi nữa, thằng Danh cũng vẫn có thêm một cái áo đẹp để mặc”.
Đồng cỏ ở phía sau nhà thằng Duyên. Trên đường về, An phải đi qua cửa trước nhà thằng Duyên. Bữa ấy trời nóng nực, An khát nước. Cái cửa dẫn từ hàng hiên vào nhà bếp vẫn để ngỏ như đang mời chào nó bước vào.
“Mình hãy vào đây uống một ly nước ở vòi máy đã”. An vừa nói thầm vừa bước lên bực thềm. Việc nó làm không có gì là lạ cả. Trước khi tai nạn xảy ra, nó vẫn ra vô bếp nhà bà Mầu như ở nhà nó vậy.
Nó leo lên hết bực hàng hiên bỗng đứng sửng lại trố mắt nhìn.
Ngay sát bên cạnh bao lơn có một cái bàn nhỏ, trên mặt bàn có những dụng cụ chạm khắc gỗ và những mảnh gỗ vương vãi. Giữa đám mảnh gỗ có hình một con ngựa đang phi, lông bờm buông về đàng sau, bốn vò như lướt trên mặt đất.
An đứng sửng ngó con ngựa mất đến năm sáu phút. Óc nó không ngừng làm việc. Đây nhất định là món đồ dự thi của thằng Duyên rồi. Thằng nhỏ gớm thật! Nó chẳng hề nói cho ai biết việc nó dự thi, mà cũng chẳng cho ai biết nó có tài chạm gỗ.
Con ngựa gần như tuyệt hảo! Đến như con An đang ganh ghét với thằng Duyên là thế mà vẫn phải nhận con ngựa là đẹp. Nếu như nó đem món đồ này đi dự thi, chắc nó đoạt giải mất. Chẳng còn ai tranh lại được với nó.
Sau khi nó đoạt giải, mọi người sẽ bắt đầu thán phục tài nó, và không chừng đó nó sẽ được mọi người thương mến. Có khi người ta còn quên cả cái việc nó đã làm cho thằng Danh bị què nữa.
“Nếu thằng Duyên đoạt giải, tất nó sẽ vui sướng như mở cờ trong bụng. Nó sẽ vênh vang bước lên lãnh giải trước một đám đông cử tọa. Chỉ nghĩ đến cảnh thằng Duyên vênh vang vui sướng cũng đủ làm cho con An tức không chịu được. Tại sao nó lại được phép vui sướng? Không, không, nhất định nó không được phép vui sướng trở lại. Cơ hội may mắn đã tới, con An không thể chần chừ được nữa.
Cái bàn kê sát lan can hàng hiên. Một trận gió thổi tới làm tung bay những mảnh gỗ nhỏ nhẹ. Nếu là một trận gió lớn hơn, con ngựa gỗ chắc sẽ bị thổi lộn nhào; sẽ không một ai ngờ vực gì hết khi họ thấy con ngựa gỗ bị gãy và giẫm nát trong đám bùn đất dưới kia.
Nghĩ đến đây, An liền đưa tay hất con ngựa gỗ rơi xuống. Nó đụng vào đá với một tiếng rắc khô khan. An nhảy vội xuống bậc thềm, dùng chân dẫm mạnh lên nó- phải, ai chẳng có thể vô tình dẫm lên một vật bị gió thổi từ cao xuống.
Thế là con ngựa gỗ của thằng Duyên bị gảy ra từng mảnh nằm lẫn lộn trong đám đất đá. Xong việc, con An thong thả bước về nhà.
Tuy nhiên, không hiểu sao trời tự nhiên mất đi ánh sáng, và cảnh vật nom không còn vẻ tươi đẹp như lúc trước nữa. An bâng khuâng không hiểu tại sao, vì lúc ấy không hề co một áng mây che khuất mặt trời.
Một lát sau An đã về đến nhà nó ở. Lúc nó rẽ chỗ đường quẹo thì thấy thằng Danh vui mừng reo lớn. Nó vừa gặp một chuyện lạ, và thú vị quá. Nếu là một đứa trẻ bình thường, tất nó đã chạy vù ra để khoe chị nó rồi. Nhưng đàng này, nó là một đứa bé què chân nên nó chỉ có thể chống nạng khập khiểng leo lên đồi.
“Chị An à”, nó gọi lớn, cặp mắt long lanh. “Em chắc trong đống củi có bà tiên chị à! Em làmột cái nhà nhỏ sau đống củi và em bắt gặp một con voi bé tí ti, có cả một cái vòi dài. Em kiếm nữa và em lại thấy một con lạc đà có bướu, một con thỏ tai dài. Em thấy cả bò, dê, cọp và một con hươu có cái cổ dài thật là dài. Chị An nè, đến đây em cho xem. Chị ơi đẹp quá. Chắc các bà tiên đã đến để chúng sau đống củi, phải không chị?”
“Tao không biết”, con An đáp, giọng cáu kỉnh. Thằng Danh ngạc nhiên ngẩng lên nhìn chị. Hình như chị nó chẳng hài lòng chút nào với cái tin này. Riêng đối với nó thì kể từ ngày nó gặp con mướp trong chiếc vớ của nó dịp lễ giáng sinh, đây là một điều vui mừng nhất xảy đến cho nó.
Tuy nhiên, để khi chị nó nhìn thấy những con vật kia, chắc chị nó sẽ hài lòng, chị nó chưa biết chúng xinh đẹp biết bao. Nó khập khiểng cố bước theo chị nó, vì lúc ấy con An bỗng đi nhanh khác hẳn những ngày thường có nó đi theo bên cạnh.
Nó kéo chị nó tới chỗ đống củi, rồi cúi xuống lôi từ trong một hốc củi ra một đoàn tượng thú vật bằng gỗ mà nó đã bày ngay ngắn trên một miếng củi phẳng. Nó hồi hộp nhìn chị nó, chờ đợi. Và khi thấy chị nó không để lộ ra một vẻ ngạc nhiên hay vui thích nào trên nét mặt, nó hoàn toàn thất vọng.
“Tao đoán có đứa trẻ nào vứt chúng ở đây”, con An gằng giọng nói. “Mà việc gì mày phải làm ồn như vậy; chúng có gì là đẹp đẽ đâu. Tuổi mày cũng đã lớn rồi , không còn phải tuổi tin những chuyện thần tiên nữa”.
Dứt lời, con An quày quả bước lên bực thang. Nó thấy bực mình ngay chính nó. Nó đã làm buồn lòng thằng Danh, phá tan niềm vui sướng của em nó. Sao nó có thể đối xử nói năng với em nó như vậy? Thật nó thấy bực với nó quá!
Tuy nhiên, trong sâu thẳm đáy lòng nó, nó biết rõ tại sao nó đã hành động như vậy. Nó đã làm một việc dối trá, đê hèn, và ngay ý nghĩ ấy dày vò tâm can nó. Tất cả niềm vui và ánh sáng hình như đã ra khỏi cuộc đời nó và chỉ để lại bóng tối nặng nề.
Giờ nó không còn thế nào xua đuổi hoặc sửa chữa được nữa. Nó chạy vội lên lầu, xô cửa vào phòng ngủ và nằm vật xuống giường khóc nức nở.
Còn Tiếp