Duyên đã nói đúng; thật quả không có cách nào khác. Ông Văn ngồi ngó Duyên như thể ngó một vật kỳ lạ, hiếm có. Trong lúc ấy tay Duyên mò vào trong cái áo sơ mi nó vẫn còn mặc trên người và lôi ra cái vớ đựng tiền.
“Thưa ông”, nó nói, “chừng này tiền liệu đã đủ để chữa cho bé Danh chưa?”
Ông Văn moi mớ giấy bạc đựng trong chiếc vớ cũ ra và không khỏi thốt ra một tiếng ngạc nhiên. Quay về phía Duyên, ông nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết, “Trước khi chúng ta bàn thêm, cháu phải nói cho ta hay cháu đã lấy tiến này ở đâu? Cháu có biết bao nhiêu tiền cả thảy không?”
Duyên đáp giọng buồn ngủ: “Cháu không biết rõ. Nhưng chị cháu bảo muốn nhờ ông phải mất nhiều tiền lắm. Ông thấy từng ấy đã đủ chưa?”
“Quá đủ nữa”, bác sĩ Văn đáp. “Nhưng tiền này cháu lấy ở đâu?”
“Một ông già cháu quen đã cho cháu số tiền ấy”, Duyên đáp khẽ. Nó thấy buồn ngủ quá, mí mắt nó như cứ muốn nhắm lại. Nó cố nói tiếp: “Và có lời nhắn nhủ này: Ông ấy bảo đây là để trả một món nợ và bác sĩ cứ cầm cả đi”.
Bác sĩ Văn hỏi dồn: “Ông già ấy là ai? Cháu nói cho ta biết đi rồi cháu đi ngủ. Tên ông ta là gì?”
“Dạ, cháu cũng không biết”.
“Thế ông ấy ở đâu?”
“Ông ấy bắt cháu hứa không được nói cho ông biết”.
Vừa dứt lời, mắt Duyên đã nhắm lại, đầu ngoẹo về một bên. Nó đã ngủ say.
Bác sĩ Văn thấy mình ở một trường hợp khó xử. Bốn mươi lăm phút nữa thì chuyến xe lửa ông định đi sẽ khởi hành. Nhưng còn cậu bé đang nằm trên giường đây đã liều hy sinh tánh mạng để đến tìm ông. Có thể câu chuyện rồi chẳng đi tới đâu nhưng trước một tấm lòng dũng cảm, hy sinh như vậy, ông không thể làm cho cậu bé này thất vọng bằng cách từ chối đến xem bệnh cho cậu bé què. Nhìn Duyên ông đoán nó còn có thể ngủ hàng tiếng đồng hồ.
Bác sĩ Văn nhẹ nhàng rời khỏi phòng, đi xuống tầng dưới khác sạn để kêu điện thoại về cho bà Văn.
“Em đấy ư?”, ông bắt đầu. “Anh rất tiếc không thể về được sáng hôm nay. Chắc phải tới khuya anh mới về được. Vì có một chuyện kỳ lạ vừa xảy ra…” Đoạn, ông kể cho bà Văn nghe đầu đuôi câu chuyện.
Lúc rời phòng điện thoại, ông suýt đụng phải một cô gái mắt đỏ hoe, mặt tái nhợt. Cô này nắm chặt lấy bàn tay ông.
“Thưa bác sĩ”, cô ta hấp tấp nói, “người gác cổng có cho cháu hay em cháu đã được ông cứu tỉnh và hiện đang nằm trên phòng ông. Bác sĩ ạ, má cháu và cháu đã tưởng nó chết trong bão tuyết rồi. Thôi, cháu phải về ngay để cho mà cháu biết tin”.
Bác sĩ Văn ngồi xuống bên cạnh cô gái trên đi văng. Ông muốn hỏi để biết nhiều chuyện nhưng cô ta chỉ nói về nỗi lo sợ của hai mẹ con cô đêm qua. Ông Bình đi ra ngoài suốt đêm để tìm kiếm thằng Duyên nhưng vì ông nghe nói Duyên đi chân không chứ không đi giầy trượt tuyết nên ông chỉ lo tìm kiếm quanh bìa rừng. Ông biết một đứa trẻ đi chân không không thể nào đi vào chỗ đồng tuyết ngập đầy nơi đường đèo; còn dấu vết giầy trượt tuyết của Duyên thì đã bị bão tuyết xóa mờ và che phủ. Trên lối đi trong rừng, ông Bình có tìm thấy dấu chân, nhưng không thấy vượt quá bìa rừng. Ông cũng đã tìm kiếm trong các chỗ tuyết động ngập nhưng không có kết quả. Gần sáng, ông trở về đem theo tin buồn cho mọi người.
Về bé Danh, Mai chỉ kể được cho ông Văn biết rất ít. Lòng rối loạn, Mai không còn bụng dạ nào làm việc. Nay chị biết tin Duyên không hề gì, chị muốn đưa nó về nhà ngay. Chị sẽ kêu điện thoại cho sở Bưu điện nhờ sở này cho một em nhỏ vượt núi đem tin về nhà cho má chị hay để bà yên lòng.
Nhưng bác sĩ Văn không muốn để Duyên về nhà ngay. Ông bảo Mai hãy về nhà một mình, còn ông sẽ dẫn Duyên về nhà bằng xe lửa khi nào Duyên thức giấc dậy. Ông còn bảo Mai hãy cho người đem xe trượt tuyết ra chờ đón ở ngoài ga vì ông sợ Duyên hãy còn tê cứng chưa đi đứng được.
Mai vâng lời đi thu xếp ngay mọi việc trong khi ông Văn trở về phòng. Duyên vẫn còn nằm yên như lúc nãy, má gối vào bàn tay, nhưng mặt nó đã hơi có sắc hồng hào, trông nó đã khá hơn trước nhiều. Ông Văn ngồi xuống ngắm nghía nó, lòng băn khoăn tự hỏi không hiểu làm sao nó có được nhiều tiền như vậy. Còn cái ông già đã dặn nó nói về tiền trả món nợ là ai vậy?
“Tiền trả món nợ”. Hừ, ông Văn nhất định phải tìm ra bí ẩn của vụ này.
Vào giữa trưa thì Duyên tỉnh dậy. Nó lại mơ màng một lúc lâu không nhớ rõ chỗ nó đang ở là đâu. Toàn thân nó đau ê ẩm, nhưng là một thứ đau ấm áp, dễ chịu miễn là đừng ai bắt nó phải dời chỗ nằm. Nghe thấy tiếng nó cử động, ông Văn liền bước lại gần.
“Sao?”, ông dịu dàng hỏi, “cháu đã thấy khá chưa?”
“Cám ơn bác sĩ, cháu đã thấy khá rồi”, Duyên đáp; đoạn, nó nhớ lạ mọi việc nên nó lo lắng hỏi tiếp, “Ông có thì gờ đi coi bệnh cho thằng nhỏ mà cháu đã nói chuyện với ông không?”
“Được”, ông Văn ngồi xuống bên cạnh nó và nói, “Đợi ăn xong rồi chúng ta sẽ đi. Giờ ta bấm chuông kêu họ mang lên đây hai phần cơm để ông cháu ta ăn. Trong khi ăn cháu hãy kể cho ta nghe về đứa nhỏ nọ và về ông già mà cháu bảo đã cho cháu tiền”.
Duyên vội đáp: “Cháu không thể nói cho ông nghe về ông già đâu, vì cháu đã có lời hứa rồi. Ông ấy sống bí mật lắm, ngoài cháu ra chưa hề có ai tới thăm ông ấy cả. Ông ấy dặn cháu chỉ thưa lại với ông rằng đây là tiền để trả một món nợ, ngoài ra cháu không được nói chuyện gì khác nữa. Ông ấy đối với cháu tử tế lắm nên cháu không thể nào sai lời hứa được”.
“Thôi cũng được”, bác sĩ Văn nói. “Cháu cứ việc giữ lời đã hứa, ta sẽ không ép cháu phải nói cho ta biết gì về ông già nữa. Giờ cháu hãy nói cho ta biết về em nhỏ mà cháu bảo là bị què chân ấy nó bị từ bao giờ, mà làm sao nó bị?”
Bác sĩ Văn để ý thấy mặt Duyên ửng đỏ. Nó lặng yên đến mươi phút. Nó không muốn kể cho ông bác sĩ nghe về sự thật, về cái chân đau của bé Danh, nhưng nó nghĩ thế nào ông chẳng hỏi chuyện ông Bình nên tốt hơn là nó cứ kể ra.
“Đó là lỗi tại cháu”, Duyên đáp. “Bé Danh bị té hồi mùa Xuân. Lúc ấy cháu định trêu nó. Cháu giả bộ ném con mèo của nó xuống dưới mương nhưng vì lỡ tay nên cháu thành ném thật. Bé Danh tìm cách xuống cứu con mèo nên bị ngã xuống suối và bị gãy chân. Từ ngày ấy nó không còn đi đứng được như thường nữa. Muốn đi đâu nó phải chống nạng nên cháu nghĩ may ra…”
Duyên kể chuyện mà môi run lên, giọng nói rè rè nhát gừng nghe không được rõ lắm. Nhưng thế cũng đủ lắm rồi. Vì ông Văn vốn là người yêu thương và hiểu thấu trẻ thơ, ông hiểu rõ ngay câu chuyện và biết rằng cậu bé đang nằm mệt lả trên giường kia đã phải chịu sự trừng phạt nặng nề.
“Cháu Duyên à”, bác sĩ Văn nói, “chúng ta sẽ cùng đi thăm bé Danh. Có lẽ Thượng Đế tính dùng cháu làm phương tiện để chữa khỏi bé Danh. Cháu biết không, cháu phải cảm ơn Thượng Đế rất nhiều. Theo ta nghĩ, nếu không có Ngài trông nom che chở cho cháu đêm qua, cháu không thể nào vượt qua được đường đèo một cách an toàn”.
Duyên bẽn lẽn đáp: “Dạ, cháu biết. Mới hôm qua đây cháu cầu nguyện Thượng Đế hãy chữa khỏi cho bé Danh thì đến chiều tối lúc nghe chị cháu kể về bác sĩ, cháu nghĩ rằng Thượng Đế đã nhận lời cầu nguyện của cháu. Rồi đến khi đi tới rừng, cháu sợ quá định quay về nhà, nhưng rồi cháu nhớ lại câu Kinh Thánh cháu được nghe ngày lễ Giáng sinh, cháu lại mới tiếp tục đi”.
“Cháu nhớ lại câu gì vậy?”, bác sĩ Văn dịu dàng hỏi.
Duyên chậm chạp đáp: “Cháu nhớ lại cái câu mà Nội bé Danh đã đọc cho chúng cháu nghe trong Kinh Thánh. Cháu không nhớ hết cả câu mà chỉ nhớ được một phần- rằng tình yêu thương trọng vẹn thì cất nỏ sự sợ hãi và lời Nội nói rằng tình yêu thương của Đấng Christ là trọn vẹn. Lúc ấy cháu không thấy sợ nữa và cháu tiếp tục đi. Cháu cũng không nhớ được rõ lắm làm thế nào cháu lên được đỉnh đèo, nhưng khỏi đỉnh đèo thì cháu tuột xuống an toàn”.
Ông Văn đáp: “Phải, theo ta nghĩ thì chỉ có tình yêu thương trọn vẹn của Đấng Christ mới che chở được cho cháu trong cơn bão tố đó, mới dẫn dắt được cháu đi khỏi lạc đường và mới cất bỏ được sự sợ hãi trong lòng, khiến cháu tiếp tục đi. Ngài đối với cháu thật tốt vô ngần đấy, cháu ạ!” Giờ chúng ta hãy cảm ơn Chúa trước khi chúng ta dùng cơm”.
Thế là Duyên và ông Văn cùng cầu nguyện, Duyên thì úp mặt vào gối còn ông Văn thì quỳ bên cạnh giường. Ông tạ ơn Cứu Chúa đã biểu dương tình yêu thương trọn vẹn của Ngài mạnh hơn gió bão, đã dẫn dắt Duyên vượt qua đêm tối và đã cứu nó thoát khỏi sự sợ hãi và chết chóc; đoạn, ông cầu nguyện cho bé Danh, cầu xin Thượng Đế hãy ban cho ông đủ tài khéo để chữa lành cái chân gãy của bé Danh.
Úp mặt vào gối, Duyên cũng cầu nguyện, nhưng nó không cầu nguyện lớn tiếng. “Lạy Chúa”, nó nói khẽ trong lòng, “đêm qua Ngài đã ở sát bên con trên núi nên con không biết sợ hãi là gì. Xin Ngài đừng rời xa con nữa; con cũng muốn mở cửa lòng như An đã làm. Xin Ngài hãy ngự vào trong con”.
Còn Tiếp