CHƯƠNG 13
Lên tới phòng riêng rồi, Duyên bắt tay vào việc ngay. Nó không để lỡ một giây đồng hồ nào. Nó lấy cái áo khoác ngoài treo trong tủ xuống, và đội lên đầu cái mũ len trùm kín cả hai tai. Nó quấn vải quanh chân rồi xỏ chân vào đôi giầy bền chắc nhất. Đoạn nó viết để lại cho má nó mấy chữ hẹn sáng mai nó mới về nhà.
Nó rón rén xuống thang đi vào nhà bếp lấy bánh mì, phó mát bỏ đầy túi. Nó không quên mang theo cả một hộp quẹt. Đoạn nó nhẹn nhàng nhấc cái then cái cửa sau lên rồi khom mình bò qua sân tới nhà kho. Cây đèn bão treo trên tường. Nó đốt đèn lên, và ánh sáng của cây đèn khiến nó vững dạ thêm. Nó tự hỏi không biết có nên lấy giầy trượt tuyết không, nhưng sau nó quyết định là lúc ấy trời đã tối quá. Nó mở cánh cửa phía bên kia nhà kho và bước ra cánh đồng lộng gió. Một trận cuồng phong thổi tới khiến nó suýt té nhào, nhưng nó cắn răng chống lại. Cuộc hành trình đầy mạo hiểm của nó bắt đầu.
Nếu ngoài đồng trống mà đã gió như thế nầy thì không biết trên đường đèo gió còn mạnh đến đâu? Nhất định nó sẽ bị gió thổi bay và chôn vùi trong đống tuyết! Thôi, đành để đến lúc tới đấy hãy hay. Còn bây giờ nó phải nghĩ đến việc tới nhà ông già trên núi đã.
Tới được rừng cây nó thấy nhẹ hẳn người. Ở đây nó được che khỏi gió bão dầu cây cối bị gió thổi ngã nghiêng, cành lá quất vào nhau phát lên tiếng động rào rào. Tuyết trên lối đi trong rừng cũng mỏng hơn là ở ngoài cánh đồng. Nó có thể đi mau hơn không bị thụt chân trong tuyết dầy.
Nó tiến lên mãi giữa những hàng cây nghiêng ngửa cho tới khi nó nhìn thấy ánh sáng ấm cúng màu da cam sau khung cửa sổ nhà ông già. Chặng đầu trong cuộc hành trình gian nan của nó sắp chấm dứt. Nó gồng mình chống lại sức gió thổi khi nó ra khỏi bìa rừng bước vào nơi đồng trống. Nó cố sức tiến tới cửa nhà ông già và giơ tay lên gõ.
“Ai đấy?” ông già ở trong nhà dè dặt hỏi vọng ra.
“ Cháu đây, Duyên đây”.
Cánh cửa lập tức mở toang; ông già kéo nó vào trong.
“Kìa, cháu Duyên”, ông la lớn, mắt nhìn nó đầy vẻ sửng sốt, “trời đêm hôm mưa gió như thế nầy cháu đến đây có việc gì?”
Sau khi phải chiến đấu với gió, Duyên mệt đừ phải buông rơi người xuống ghế để lấy lại sức. Nó chẳng muốn hỏi ông già lấy tiền, nhưng nó không còn cách nào khác hơn.
Nhìn thẳng vào ông già nó lo lắng nói: “Có một lần ông kể với cháu, ông có để dành được một số tiền lớn và ông sẵn lòng đưa cho người nào thực sự cần đến tiền. Nay cháu tìm được một người đang thực sự cần tiền. Nếu ông vui lòng đưa cháu số tiền ấy, cháu nghĩ may ra chân bé Danh sẽ chữa khỏi được”.
Ông già nhìn chăm chú vào Duyên và cất tiếng hỏi: “Làm sao mà chữa khỏi được?”
“Ở khách sạn nơi chị cháu làm việc có một vị bác sĩ”, Duyên giải thích, “ông ta có thể chữa được những người què và hàn gắn được những chỗ xương gãy. Giờ cháu tính đi mời ông ta tới xem cho bé Danh; nhưng chị cháu bảo ông ấy tính tiền mắc lắm”.
“Cháu định đi ngay bây giờ ư?” ông già lặp lại, “giữa lúc trời đang gió bão thế nầy? Thôi cháu điên rồi; cháu làm sao có thể vượt ngọn đèo trong đêm gió bão nầy”.
“Cháu tính cháu có thể vượt được”, Duyên bướng bỉnh đáp. “Gió bão mới nổi cách đây chừng vài ba tiếng đồng hồ, và tuyết mới đổ chưa đến nỗi dầy lắm, nếu cháu đi ngay thì cũng còn được nhưng nếu không có tiền thì có đi cũng vô ích mà thôi!”
Ông già nín lặng trong giây phút. Xem chừng ông đang suy tính. Sau cùng, ông nói với giọng hoài nghi. “Ta sẽ cho cháu số tiền ấy nếu ta tin được ông thầy thuốc nọ. Ta không muốn mất tiền hay phí tiền một cách vô ích. Làm sao ta tin cậy được ông thầy thuốc nọ là người lương thiện bây giờ? Tên ông ấy là gì cháu?”
“Tên ông ấy là Văn, bác sĩ Văn. Chị cháu bảo ông ấy là người có tiếng tăm”.
“Ông Văn!…”
Ông già khẽ nhắc lại hai tiếng ấy bằng một giọng kỳ lạ như thể ông không tin ở tai ông. Nhìn ông, Duyên có cảm tưởng mặt ông đang tái đi. Không nói thêm một lời, ông quay đi, lấy trong hộp ra một cái chìa khóa và dùng chìa ấy mở một ngăn tủ nhỏ gắn ngay vào tường nơi giường ông. Ông lôi từ trong tủ ra một chiếc vớ cũ nhét đầy giấy bạc.
“Cầm lấy cả đi”, ông nói, và đem cho ông Văn. Nói với ông ấy rằng cả số tiền này là của ông ấy nếu ông vui lòng chữa cho bé Danh… Hãy nói với ông ấy… đây là tiền trả một món nợ”.
Giọng ông già hơi run run. Duyên ngạc nhiên liếc nhìn ông nhưng không hỏi thêm vì lúc ấy nó đang vui mừng quá. Chưa bao giờ nó được cầm một số tiền lớn như vậy trên đời. Nó bỏ số tiền vào bên trong áo sơ mi, cài khuy áo ngoài lại rồi khoác áo choàng lên người. Tiến ra tới cửa, nó vội trở lại:
“Cám ơn, cám ơn ông rất nhiều. Cháu sẽ trở về kể cho ông nghe mọi việc xảy ra”.
Ông già theo ra cửa đứng nhìn nó đi, tay giơ cao chiếc đèn bão để soi sáng lối mòn. Duyên mới đi được mấy bước đã bị ông già lớn tiếng gọi giật lại.
“Duyên!”
Duyên quay trở lại.
“Dạ, ông kêu cháu?”
“Cháu đừng quên lời ông dặn, nghe chưa?”
Duyên cẩn thận đáp, “Vâng, cháu sẽ nhớ. Cháu sẽ nói đây là số tiền để trả món nợ. Ông cứ yên tâm! Thôi chào ông, cháu đi!”.
Nó vừa đi được mươi bước đã lại bị ông già kêu lại.
“Duyên”,
Duyên quay trở lại.
“Dạ ông kêu cháu?”
“Cháu đừng quên lời ông dặn, nghe chưa?”
Duyên cẩn thận đáp, “Vâng, cháu sẽ nhớ. Cháu sẽ nói đây là số tiền để trả món nợ. Ông cứ yên tâm! Thôi chào ông, cháu đi!”.
Nó vừa đi được mười bước đã lại bị ông già kêu lại.
“Duyên”.
Duyên lại phải quay lại, nhưng lần này nó đã lộ vẻ sốt ruột.
“Ông kêu cháu?”
“Cháu đừng nói cho bác sĩ biết một tí gì về ta, nghe? Cả tên ta nữa cũng đừng nói, nhớ nhé!”
“Chính cháu cũng không biết tên ông”, Duyên nhắc cho ông già nhớ.
“Cháu cũng đừng cho ông ta biết chỗ ở của ta nữa nhé!”
Đang lúc nóng ruột vì cứ bị trì hoãn, Duyên không để ý thắc mắc về thái độ của ông già. Nó đáp: “Vâng, cháu xin nhớ. Cháu sẽ chỉ nói đây là để trả một món nợ thế thôi! Chào ông, cháu đi”.
Nó bước thật mau trong lớp tuyết mềm, chỉ sợ ông già lại gọi nó lại nữa. Tới bìa rừng, nó quay cổ lại giơ cây đèn lên vẫy. Tuyết vẫn rơi đều đều. Qua tấm rèm tuyết nó nhìn thấy bóng mờ của ông già in đậm trên nền sáng của khung cửa.
Nó phải đi sao cho thật nhanh vì với độ tuyết rơi đều như thế này, chỉ lát nữa là đường đèo sẽ bị bế tắc, hay không chừng đã bị bế tắc rồi cũng nên.
“Đi bộ chắc không qua được đèo đâu”, nó nghĩ thầm. “Ta phải tạt qua chuồng bò để lấy giầy trượt tuyết mới được”.
Còn Tiếp