An mang cuốn Kinh Thánh lại. Nội chậm chạp mở từng trang, ghé mắt nhìn vào các hàng chữ cho tới khi Nội tìm thấy chương 4 trong thơ thứ nhất của Giăng. Nội chỉ vào hai câu 18, 19 và bảo An đọc.
An đọc lớn tiếng, thong thả, rành rọt từng chữ một:
“Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương. Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước”.
“Đúng vậy”, Nội nói: “Sự yêu thương trọn vẹn cất bỏ sự sợ hãi. Khi Đấng Christ mang sự yêu thương trọn vẹn của Ngài vào lòng chúng ta, chẳng những sự vị kỷ, ác độc mà ngay cả sự sợ hãi nữa cũng bị xua đuổi ra ngoài. Các cháu thấy không, nếu chúng ta trọn vẹn sẽ chẳng có điều gì khiến chúng ta phải sợ hãi nữa. Nếu Ngài yêu thương chúng ta trọn vẹn, Ngài sẽ không bao giờ để bất cứ cái gì làm hại chúng ta”.
An và Duyên ngồi suy nghĩ một lát, đoạn mỉm cười với nhau. An đứng dậy đi tới chỗ tủ riêng lấy ra con gấu Giáng sinh đem bẻ làm đôi làm giảng hòa. (Trong nguyên văn, có nghĩa là “của lễ thù ân”). Hai đứa ngồi trên ghế, Duyên thì nhai bánh ngon lành, còn An vẫn có vẻ tư lự, băn khoăn. Nay nó biết rõ hơn bao giờ hết điều gì là phải nhưng nó vẫn không muốn làm theo.
Duyên ngồi chơi chỉ một tí rồi từ biệt ra về. Khi nó đi rồi, An cũng chúc Nội ngủ ngon rồi đứng dậy định lên phòng riêng.
“An này”, Nội nói, “Cháu hãy nhớ rằng khi Chúa Giê-xu ngự vào trong ta, Ngài chỉ ngự vào như là chủ ta. Ngài bảo gì ta phải làm thế, chứ không phải ta muốn làm gì thì làm”.
“Dạ”, An đáp với giọng hơi buồn. Nó bước lên lầu và sau khi thay quần áo xong nó quỳ xuống cầu nguyện.
“Lạy Chúa Giê-xu”, An cầu. “Con cũng rất muốn làm đúng theo những lời Ngài chỉ dạy. Nếu quả con phải nói hết mọi sự thật, xin Ngài hãy ban cho con lòng dũng cảm và khiến con đừng sợ hãi nữa”.
An bước lên giường nằm lòng cảm thấy nhẹ nhàng hơn trước. Chẳng mấy chốc nó đã ngủ say. Sáng hôm sau nó thức dậy sớm. Nằm trong gian phòng tối mọi cửa đóng kín, nó tự hỏi không biết đã mấy giờ rồi.
Đang tự hỏi như vậy, nó chợt nhận thấy một tia sáng lọt qua kẽ cửa sổ chiếu thẳng vào sàn gác.
“Sáng rồi”, nó nghĩ thầm, “ta phải mở cửa sổ xem trời hôm nay có đẹp không!”
Nó nhảy xuống giường, mở tung các cửa để ánh sáng tràn vào. Thung lũng bên dưới hãy còn chìm trong bóng tối, nhưng ánh nắng từ đầu non phía bên kia dọi thẳng vào nhà nó; mặt tuyết trắng phản chiếu ánh sáng chói lòa và những đỉnh núi ở phía sau lưng nó sáng rực lên như lửa hồng. Gian phòng nhỏ bé lúc nãy còn tối om nay chan hòa ánh sáng ban mai dịu dàng, mát lạnh.
An nghĩ thầm, “Thật đúng như Nội đã nói. Không có cách nào xua đuổi bóng tối ra khỏi thung lũng ngoài cách chờ cho mặt trời mọc lên chiếu thẳng vào đó. Đến lúc ấy thì có ai muốn giữ bóng tối lại cũng không được. Lòng thù ghét thằng Duyên và lòng sợ hãi không dám thú nhận cũng giống như là bóng tối; còn để Đấng Christ ngự vào cũng giống như là mở các cửa sổ ra vậy”.
Những ý tưởng vừa nẩy ra trong óc làm nó thích thú vô cùng. Nó trở lại giường nằm tiếp tục suy nghĩ cho đến khi tới giờ vùng dậy. Chân hãy còn hơi khập khiễng, nó mặc áo rồi đi xuống nhà bếp.
Gặp Nội đang pha cà phê, nó cương quyết nói, “Nội à, cháu muốn đến trường để gặp ngay thầy giáo vào sáng hôm nay”.
“Nhưng chân cháu đã khỏi hẳn chưa?” Nội hỏi.
“Cháu sẽ đi bằng xe trượt tuyết”.
“Thế còn lúc trở về thì làm thế nào?”
“Cháu cũng không biết nữa! Có lẽ cháu phải lội bộ cà nhắc về, dầu ra sao thì ra. Nội à, cháu phải đi để gặp thầy giáo ngay sáng hôm nay; cháu không chờ đợi được nữa”.
“Có việc gì thế?” ông Bình đang đứng ở bực cửa giậm chân cho tuyết ở ủng chân rơi xuống nói vọng vào. “Nếu con An muốn gặp thầy giáo sáng hôm nay thì nó có thể đi với tôi. Tôi đang tính đem xe ngựa chở phó mát xuống dưới tỉnh đây. Tôi sẽ thả nó xuống ở trường học, rồi lúc ở nhà ga về tôi sẽ lại đón nó”.
Mặt An tươi hẳn lên. Nó mừng quá! Nó biết nó không thể chờ đợi được nữa. Nếu nó đợi thêm một ngày nữa có lẽ nó lại cảm thấy sợ hãi và rồi thôi không dám thực hiện ý định.
An ngồi cạnh ba nó trong xe ngựa tay nắm chặt những con vật bằng gỗ của chiếc tàu Nô-ê bọc kỹ trong một chiếc khăn tay. Đằng sau lưng nó, những bánh phó mát lắc lư, xô đi xô lại theo đà xe chạy. Nó thấy lòng không được vui sướng như nó tưởng… Nó không biết sẽ nói thế nào với thầy giáo lát nữa đây! Không biết thầy có nổi giận với nó không? Rất có thể lắm.
“Con muốn gặp thầy giáo có việc gì thế?” Ông Bình thình lình hỏi. “Hay con buồn chán vì không có bài học chăng?”
“Không phải vậy”, nó bẽn lẽn đáp. “Con có chuyện muốn thưa với thầy giáo. Bí mật, ba ạ!”
An luồn tay vào bàn tay ba nó lúc ấy đang nắm dây cương. Ông Bình là người tốt và hiểu biết; ông chỉ mỉm cười không hỏi thêm gì nữa. Ông luôn luôn bận việc. Ông làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt để cái trại nhỏ của ông đủ lợi tức nuôi con cái. Ông không mấy khi có thì giờ dạy dỗ các con, Ông nhường việc ấy cho Nội. Tuy nhiên, ông vẫn biết được chúng nghĩ gì trong đầu khi nhìn vẻ mặt chúng và nghe chúng trò chuyện. Trong khi làm việc để nuôi chúng trong bầu không khí yên lặng nơi chuồng bò và trong rừng, ông vẫn thường nghĩ tới các con và cầu nguyện cho chúng. Ông biết gần đây con gái ông không được vui nhưng nay ông thấy nó đã được bình an. Thấy con vui vẻ như vậy là ông hài lòng lắm rồi, ông không cần tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện làm gì.
Hai cha con đi trong im lặng cho tới khi nhìn thấy ngôi nhà trắng hiện ra ở đàng xa.Về mùa hè ngôi nhà nom trắng tinh nhưng về đông tuyết rơi, ngôi nhà hiện ra vẻ xám đục trên nền tuyết trắng phau.
Ông Bình bảo An, “Con ngồi xuống đi. Chừng nửa giờ nữa ba sẽ quay lại đón con”.
Con ngựa lộp cộp kéo xe đi. Trống ngực đập mạnh, An men theo lối đi vào nhà thầy giáo nhưng đến cửa nó đứng đợi rất lâu không dám gõ. Nó có thể đứng yên đấy mãi cho đến lúc ba nó đến đón đưa nó về nhà nếu thầy giáo không từ sau cửa sổ nhìn thấy nó và mở cửa cho nó.
“Vào đây, vào đây”, thầy giáo vồn vã nói và dẫn nó vào trong gian phòng nhỏ là nơi hai thầy trò vẫn thường ngồi làm bài. Thầy rất mến trẻ con. Những ngày nghỉ, thầy nhớ chúng và rất muốn chúng đến thăm thầy. An đi thẳng đến bàn, cởi nút buộc ở mù-xoa ra và đem bầy những con vật của chiếc tàu Nô-ê thành một hàng dài.
“Thưa thầy, chính anh Duyên đã tạc những con vật này”, An mạnh bạo nói. “Thầy coi có đẹp không?”
Thầy giáo nhặt những con vật lên ngắm nghía một cách thích thú rồi mới đáp, “Đẹp lắm! Đối với một đứa trẻ bằng tuổi nó mà làm được như vậy là khá lắm rồi. Chẳng bao lâu nữa nó sẽ kiếm ăn được rồi. Thật thầy không ngờ nó lại có thể tạc khắc được như vậy. Tại sao nó không dự vào cuộc thi thủ công vừa qua?”
“Dạ anh ấy có dự”, An vẫn mạnh dạn đáp. “Vì vậy mà con đến đây thưa chuyện cùng thầy. Anh ấy có tạc một con ngựa nhỏ bằng gỗ nhưng bị con bẻ gẫy khi anh ấy vắng nhà, bởi con quá tức giận anh ấy về vụ bé Danh. Nhưng nay con rất hối hận và con băn khoăn không biết anh ấy có đáng được hưởng một giải thưởng không vì thầy đã biết rõ mọi chuyện rồi”.
Thầy giáo nhìn An ra chiều suy nghĩ. Hai má An đỏ tía, cặp mắt nó nhìn cắm xuống đất. Sau cùng thầy nói: “Nhưng thầy làm gì có giải nào khác! Chỉ có cả thảy hai giải, một giải trao cho trò Thạch, còn một giải cho con”.
“Nếu vậy thì anh Duyên phải được hưởng cái giải đã trao cho Thạch. Anh ấy khắc gỗ giỏi hơn Thạch nhiều, và giải ấy là để tặng cho người nào khắc giỏi nhất”.
Thầy giáo vội đáp, “Không được, không được! Chúng ta không thể làm như vậy được. Dù sao, trò Thạch cũng đã thắng giải một cách công bằng và đàng hoàng. Chúng ta không thể lấy lại cái giải đã trao cho nó. Nếu con thực sự muốn trò Duyên có một giải thì con phải trao giải của con cho nó. Vì do lỗi tại con mà nó hụt trúng giải, phải không?”
“Vâng, đúng vậy”, An đáp và nó ngồi lặng yên đến ba phút để suy nghĩ. Giải thưởng của nó là một cuốn sách đẹp chứa đầy những hình ảnh các ngọn núi ở Thụy Sĩ. Nó quý cuốn sách ấy lắm nên đem bọc giấy lục và cất kỹ trong ô kéo riêng.
Dĩ nhiên nó có thể từ chối và biết chắc thầy giáo cũng không khi nào buộc nó phải cho giải ấy đi. Nhưng Nội đã nói về tình yêu thương trọn vẹn. Đấng Christ với tình yêu thương trọn vẹn của Ngài giờ đây đang sống trong lòng nó, Ngài không muốn nó giữ lại bất cứ cái gì.
“Thế cũng được”, An đáp.
“Tốt!” thầy giáo nói, mắt ông ánh lên một tia đắc thắng vì trong ba phút vừa qua ông biết rằng An đã trải qua một trận chiến nội tâm và đã thắng một cách vẻ vang. “Con hãy mang sách ấy lại cho thầy khi trường học khai giảng lại. Thầy sẽ trao tặng sách ấy cho trò Duyên ngay trong lớp học, và các học sinh khác sẽ được coi những tác phẩm tạc khắc của trò Duyên”.
“Vâng ạ”, An đáp. Nó rụt rè ngẩng lên nhìn thầy để xem thầy có nghĩ cho nó là hết sức độc ác không, nhưng nó chỉ thấy thầy mỉm cười với nó. Nó chào thầy để ra về, lòng biết chắc nó vẫn được thầy yêu thương như cũ.
Chiếc xe ngựa lại lắc lư leo ngược con đường đồi tuyết phủ. Tới nhà, An trèo qua mấy bực thềm và đứng lại ở hàng hiên. Bé Danh tới đứng bên chị, hai tay ôm giữ đám mèo con. Trong nhà bếp Nội đang nấu ăn và trước mặt An ánh nắng mặt trời đã chiếu tới thung lũng.
An ngó xuống những mái nhà sáng láng và dòng sông màu trắng nhạt. Nó cảm thấy bàn tay nhỏ bé ấm áp của bé Danh đang luồn vào tay nó và nó ngửi thấy mùi súp thơm ngào ngạt từ nhà bếp tỏa ra.
Nó nghĩ thầm, “Mới hồi sáng, thung lũng còn đầy bóng tối, nhưng giờ đây đã đầy ánh sáng mặt trời. Cảnh này thật giống như việc Chúa Giê-xu ngự vào lòng nó, đem đến cho nó đầy tình yêu thương, ánh sáng và can đảm.
Còn Tiếp
(Theo www.cdnvn.com)