Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Sự tích Hằng Nga và những chiếc đèn kì diệu


Xưa kia, có cặp vợ chồng trẻ, người chồng tên là Hậu Nghệ, người vợ tên là Hằng Nga. Hậu Nghệ rất giỏi võ, lò võ của chàng lúc nào cũng có hàng trăm võ sinh theo học. Hằng Nga là cô gái khuê các, cầm kỳ thi họa đều giỏi. Khi Hậu Nghệ luyện võ, bắn cung thì Hằng Nga dọn dẹp nhà cửa, chăn tằm dệt vải, chăm sóc vật nuôi. 

Năm đó, quân giặc kéo đến xâm lăng. Hậu Nghệ theo lệnh vua mang theo võ sinh và trai tráng trong làng lên đường đánh giặc. Làng xóm tiêu điều xơ xác, chỉ còn bóng người già, phụ nữ và trẻ con. 
Không còn Hậu Nghệ dạy võ, Hằng Nga ngoài lúc chăn tằm dệt vải thì giúp những người phụ nữ khác chăm sóc bọn trẻ, dạy chúng học chữ và làm việc vặt. Cứ tưởng cuộc sống sẽ bình yên với cả làng cho đến khi đoàn chiến binh khải hoàn trở về. Nhưng thế giặc như nước lũ, quân giặc bắt đầu tràn qua biên giới…

Quân giặc đến rất gần mà đoàn binh của Hậu Nghệ chưa về tới. Trước cảnh sống còn trước mắt, Hằng Nga bày cho bọn trẻ lấy những thân trúc trắng cùng giấy màu để làm chiếc đèn hình lục giác. Loại đèn này làm theo quy cách ngoài vuông trong tròn. Các mặt ngoài của đèn được dán giấy bóng kính. Bên trong, chính giữa là một cái trục thẳng đứng làm bằng một thanh tre thẳng, vót tròn (chỉ nhỉnh hơn chiếc xe điếu), chốt bằng hai kim nhọn hai đầu. Những chiếc trục đèn dài gần bằng một người lớn. Xung quanh trục đèn, ở những vòng trụ giấy, Hằng Nga cùng bọn trẻ con cắt nhiều hình người, ngựa, xe… như là quân lính dán lên, sắp xếp, gá buộc thành nhiều tầng. Hằng Nga sai bọn trẻ đem đèn treo khắp nơi trong làng. Hai bên đường đi vào làng, nàng cũng cho treo đèn dày khắp trên các ngọn cây, sau các hốc cây lớn, tiến dần vào doanh trại của giặc.

Khi đèn treo đã xong, Hằng Nga vào bếp làm rất nhiều bánh ngọt. Phần thì đem cho bọn trẻ trong làng, phần còn lại nàng cho vào giỏ, nhằm thẳng hướng doanh trại của giặc mà đi. Trước khi đi, Hằng Nga dặn cậu bé lớn nhất:

- Ta không thể ngồi đợi giặc đến mà chết. Nay ta nhờ em ở lại chăm sóc mọi người. Em hãy nhớ lời dặn của ta, khi nào nhìn thấy con thỏ trên tay ta chạy về thì em cho các bạn thắp sáng các chiếc đèn vừa làm lên. 

Nói rồi nàng giảo bước đi ngay. Đến trước cửa doanh trại, nàng sai chú thỏ đánh lạc hướng chó săn của tướng giặc còn nàng thì vào trướng của hắn. Nhìn thấy cô gái xinh đẹp tuyệt trần, tướng giặc là Ngô Cương dù tàn ác cũng không khỏi mềm lòng. Hằng Nga dâng bánh cho Ngô Cương rồi múa những điệu múa uyển chuyển làm say đắm lòng người. Ngô Cương vừa ăn bánh vừa ngắm người đẹp mà không hề biết rằng trong bánh có độc. Khi hắn bắt đầu lăn lộn vì thuốc độc phát tác cũng là lúc điệu múa kết thúc. 

Doanh trại của giặc náo loạn vì Ngô Cương bỗng dưng đột tử. Chúng lập tức giết chết Hằng Nga và kéo binh mã đi trả thù cho chủ tướng. Thấy doanh trại đột nhiên đèn đuốc sáng trưng, người ngựa rầm rầm đi lại, thỏ con hoảng hốt chạy nhanh về làng. Thỏ con chạy không dám nghỉ, vừa về đến nơi thì kiệt sức mà chết. Câu bé thấy thỏ con trở về thì lập tức làm theo lời Hằng Nga dặn. Từng chiếc đèn lần lượt được thắp lên…

Chiếc đèn của Hằng Nga đúng là kỳ lạ. Vừa đốt lên thì từng đoàn người ngựa cứ nối đuôi nhau chuyển động trong đó. Bóng người, bóng ngựa in lên từng vách nhà, từng lùm cây… Nhìn từ xa, quân giặc tưởng là đoàn binh của Hậu Nghệ đã về nên tự hoảng loạn bỏ chạy. Cũng vừa khi ấy, Hậu Nghệ trở về. Hay tin Hằng Nga vừa chết, chàng đau khổ ôm nàng dưới ánh trăng mà khóc. Đêm ấy trăng thật sáng… 

Làng xóm trở lại cảnh thanh bình ngày trước. Riêng Hậu Nghệ lúc nào cũng u buồn đau khổ. Ba năm trôi qua mà chưa một ngày chàng rời mộ vợ. 

Vào một đêm, trăng sáng như đêm Hằng Nga chết, Hậu Nghệ bày mâm quà bánh, làm đèn lồng để than khóc nhớ Hằng Nga. Bỗng nhiên, chàng nghe thấy tiếng Hằng Nga:

- Hậu Nghệ chàng ơi! Chàng ngước nhìn lên cung trăng kia đi!

Hậu Nghệ làm theo lời Hằng Nga nói thì thấy trên cung trăng xa xôi, mờ ảo một bóng người con gái thướt tha như đang múa.

- Nàng đấy ư? Sao nàng lại ở trên đó?

- Hậu Nghệ chàng ơi! Thiếp mong từ nay chàng bớt u buồn vì thiếp. Vương Mẫu nương nương ưu ái thiếp vì có công dẹp giặc đã đưa thiếp lên đây cai quản cung trăng. Thiếp không thể trở về được nữa. Trên này thiếp có thỏ con làm bạn nên chàng không phải lo lắng nhiều. Khi nào nhớ thiếp, chàng chỉ cần nhìn lên cung trăng thì lúc nào cũng thấy bóng Hằng Nga này. 

Đám trẻ con thấy vậy thì đốt đèn chạy lại ngồi quanh Hậu Nghệ nghe Hằng Nga kể chuyện cung trăng. Trời về khuya, trăng càng lên cao càng tỏ. Bọn trẻ múa hát như mời gọi Hằng Nga trở lại, khoe những chiếc đèn mà chúng vẫn cất giữ từ ngày nàng mất…

Từ đó thành lệ, cứ đến ngày rằm tháng 8, là ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm, người lớn trẻ con lại nô nức làm bánh, làm đèn lồng, bày cỗ trông trăng chờ đón Hằng Nga. Những chiếc đèn lồng cũng được làm bé đi để bọn trẻ có thể cầm đèn nhảy múa. Đèn ấy người ta gọi là đèn kéo quân để nhớ đến công lao của Hằng Nga dẹp giặc.