Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Hôn Nhân Bền Lâu - Bài 6


Năm ấy, khoảng một tuần trước lễ Giáng Sinh, một người bạn trong hội thánh chúng tôi đã về với Chúa trong sự thương tiếc của mọi người. Anh là một tín hữu yêu mến Chúa, một người chồng tốt, người cha đáng yêu đáng kính. Anh có một gia đình hạnh phúc, anh chị sống bên nhau được 24 năm, nhưng từ khi mất đi người chồng thương yêu, chị thấy 24 năm đã qua đó thật quá ngắn ngủi. Cũng trong tuần đó, một chị trong hội thánh bạn của chúng tôi cũng đã từ giã chồng con về Nước Chúa sau một cơn bạo bệnh. Chị mới 37 tuổi. Chị ra đi để lại ba đứa con thơ dại và một người chồng cô đơn. Anh chị sống chỉ với nhau được 12 năm. Đối với người chồng đã mất vợ, mười mấy năm đó chỉ như là một giấc mơ thoáng qua mà thôi.
Chúng tôi tin chắc rằng quý vị cũng đã biết hoặc đã từng chứng kiến những trường hợp tình yêu không trọn, hôn nhân bị “đứt gánh giữa đường,” những đôi vợ chồng phải chia tay nhau vĩnh viễn một cách đột ngột và đau đớn. Cũng có thể chính quý vị đã kinh nghiệm nỗi đau đớn khủng khiếp đó. Tất cả những điều này nhắc chúng ta hai điều về hôn nhân. (1) Cuộc hôn nhân nào, dù hạnh phúc hay không hạnh phúc rồi cũng sẽ đến ngày kết thúc. (2) Ngày đó sẽ đến rất đột ngột, trong lúc chúng ta không ngờ, và sẽ để lại cho ta nhiều đau đớn và luyến tiếc.

Chúng ta không thể ngăn cản bước chân của thần chết, cũng không biết ngày nào vợ chồng mình phải chia tay nhau. Tuy nhiên có một điều chúng ta có thể làm để khi ngày đó đến chúng ta không quá đớn đau. Đó là chúng ta sống với nhau như thế nào để khi ngày chia tay đến, dù buồn vì chia ly, chúng ta cũng thỏa lòng vì có thể tự nhủ: “Tôi đã làm trọn bổn phận của người vợ (hay người chồng), tôi đã làm tất cả những gì có thể làm cho người tôi yêu.”

Để có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu, chúng ta không nhất thiết phải có người chồng tài giỏi, người vợ nhan sắc. Gia đình chúng ta cũng không cần phải quyền quý cao sang, có nhiều tiền của, có đầy đủ những điều ta mơ ước. Nhưng chúng ta cần yêu thương nhau, tin cậy nhau, chân thật với nhau, sẵn sàng hy sinh cho nhau và cam kết đem lại hạnh phúc cho nhau cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời.

Viên đá thứ sáu để gây dựng một hôn nhân bền lâu là lòng quý trọng. Thông thường chúng ta có khuynh hướng là, khi gặp một người nào thường xuyên hoặc ở gần bên người nào lâu, thì đâm ra xem thường người đó. Dù đó là người tài giỏi, được nhiều người kính trọng, hoặc là người mà ta yêu mến. Chúng ta thường nghe câu: “Quen quá hóa nhờn” hoặc “Bụt nhà không thiêng.” Trong đời sống vợ chồng, đây cũng là điều dễ xảy ra.

Nếu lúc đầu chúng ta đến với nhau vì lòng mến phục và quý trọng, khi sống với nhau, chúng ta hãy làm thế nào để giữ được lòng quý trọng đó. Chúng tôi dùng chữ quý và trọng vì yếu tố này có hai phần riêng biệt. Vợ chồng phải quý chuộng nhau và kính trọng nhau. Có người quý nhau mà thiếu kính trọng nên lắm khi đi quá vị trí của mình. Đây là trường hợp những bà vợ quá quý chồng nên xem chồng như đứa con nhỏ, lúc nào cũng chú ý nhắc nhở, lo lắng cho từng li từng tí. Cũng có những ông chồng quý vợ nhưng không xem vợ ngang hàng với mình, trái lại có khuynh hướng xem vợ như là món đồ chơi hay là tài sản riêng, mình có quyền sử dụng hay đối xử như thế nào tùy ý. Ngược lại cũng có những đôi vợ chồng kính trọng nhau mà không quý nhau. Trường hợp này xảy ra khi một người có chồng lớn tuổi hơn quá nhiều, hoặc chồng sinh trưởng trong một gia đình quyền quý hơn. Có khi vì người phối ngẫu quá khó tính mà người kia phải nể sợ chứ không cảm thấy gần gũi hay quý chuộng.

Trong thực tế, vợ chồng vì sống gần bên nhau mỗi ngày, biết rõ khuyết điểm của nhau nên khó kính trọng nhau. Nhưng đó là điều sai lầm. Là con dân của Chúa, chúng ta phải sống theo Lời Chúa dạy trong mọi phương diện và mọi hoàn cảnh. Thánh Kinh ghi Lời Chúa dạy như sau:

Lòng yêu thương phải cho thành thật... Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em. Hãy lấy lẽ kính nhường nhau... Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau, đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhường. Chớ cho mình là khôn ngoan (Rô-ma 12:9-10, 16)

Người khiêm nhường khi nhìn thấy khuyết điểm của vợ hay chồng, không xem thường người đó, vì biết rằng chính mình cũng có nhiều khuyết điểm và tính xấu cần sửa đổi. Ngoài ra, vợ với chồng là một, nên chúng ta cần nâng đỡ, tương trợ và gây dựng cho nhau. Chúng ta không nên nói hay làm điều gì gây tổn thương cho nhau hay làm hạ phẩm giá của nhau. Sứ đồ Phao-lô khuyên:

Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình (Thư Phi-líp 2:3)

Dù vợ hay chồng của chúng ta là người như thế nào, chúng ta cũng đừng khinh dể hay xem thường. Nếu đó là người thiếu đạo đức và không kính sợ Chúa, người đó sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa. Nếu người đó có đời sống tội lỗi xấu xa, Chúa sẽ sửa dạy, còn bổn phận của chúng ta là tôn trọng người đó và cầu nguyện cho người đó.

Vợ chồng quý nhau nghĩa là người này xem người kia là người đặc biệt nhất và quan trọng nhất trong đời sống mình. Ngoài Chúa ra, đó là người chúng ta yêu thương và quý chuộng nhất trên đời, là người mà ta sẽ chăm sóc, bảo vệ và cố gắng hết sức để làm cho cuộc đời người đó được hạnh phúc. Hãy tưởng tượng, nếu được sống bên cạnh một người mà ta biết rằng người đó sẽ luôn luôn yêu thương chúng ta dù chúng ta bất toàn, lúc nào cũng sẵn sàng nâng đỡ, an ủi và quan tâm đến phúc lợi của chúng ta, thì chúng ta sung sướng biết chừng nào. Dĩ nhiên là gia đình sẽ khó có hạnh phúc nếu người này cứ trông chờ người kia yêu quý mình trước. Để tránh điều đó, chính ta hãy tỏ lòng quý trọng người bạn đời của mình trước và rồi cả hai cùng quý trọng nhau. Chúng ta bày tỏ lòng quý mến nhau thường xuyên, trong những việc nhỏ nhặt và tế nhị, chứ không phải chỉ trong những dịp đặc biệt hay chỉ khi nào chúng ta muốn người kia làm theo ý mình.

Có một bà mẹ kia đưa con đi học đàn, khi giờ học chấm dứt, mấy bà mẹ trong nhóm rủ bà đi ăn tối với họ nhưng bà từ chối, nói rằng phải về lo bữa cơm cho chồng. Các bà kia ngạc nhiên nói: “Chỉ là bữa cơm tối thường ngày mà sao chị coi quan trọng quá vậy, lâu lâu mới có một dịp mình đi ăn chung với nhau mà?” Nhưng bà kia đáp: “Bữa cơm tối là thì giờ rất quý đối với mọi người trong gia đình tôi, đó là thì giờ duy nhất trong ngày vợ chồng con cái được gặp gỡ trò chuyện với nhau, tôi không thể bỏ qua mà không nói trước cho chồng tôi biết.” Đó là người vợ biết quý chồng con, quý những giờ phút gia đình quây quần với nhau. Nhiều khi vì quá bận rộn với việc học, việc làm, với những cuộc hội họp với bà con bạn bè, gia đình chúng ta đã mất đi những giờ phút họp mặt quý báu.

Không những vợ chồng phải quý nhau, chúng ta còn quý những ngày tháng được sống bên nhau, vì không ai biết mình sẽ được sống bên nhau bao nhiêu lâu. Có thể cợ chồng chúng ta sẽ sống với nhau được năm mươi năm hay ba mươi năm, nhưng biết đâu chỉ được hai mươi hoặc mười năm mà thôi. Không những thế, tai nạn và bệnh tật còn có thể tràn đến bất cứ lúc nào. Nhiều người không quý vợ hay chồng, cũng không quý những ngày sống bên nhau. Đến khi vợ hay chồng qua đời rồi mới thương tiếc và ân hận sao mình đã không biết quý những ngày vợ chồng có nhau.

Không những quý nhau và quý những ngày tháng sống bên nhau, vợ chồng cũng phải kính trọng nhau. Khi kính trọng nhau, chúng ta sẽ không nói hay làm điều gì khiến người kia phải xấu hổ, tủi nhục. Cũng không làm hay nói điều gì khiến người đó mất tự tin, nản lòng và có tự ti mặc cảm. Ví dụ, nếu vợ hay chồng của chúng ta không được may mắn học hành đến nơi đến chốn, không được trưởng dưỡng trong gia đình tin Chúa, hoặc gia đình cha mẹ bị đổ vỡ, v. v..., chúng ta không nên nhắc đến những điều đó như là một lời chê bai hay để so sánh với hoàn cảnh tốt đẹp của chúng ta. Nếu người bạn đời của chúng ta có một khuyết tật nào đó trên thân thể hay một thói xấu cần sửa đổi, chúng ta không nên nói cho người khác biết. Nếu thật lòng kính trọng người phối ngẫu, chúng ta sẽ luôn luôn gây dựng, nâng đỡ, giúp cho người đó được phấn khởi, tự tin, không làm điều gì chạm đến danh dự hay hạ thấp giá trị của người đó.

Để tỏ lòng tôn trọng nhau, vợ chồng nên gọi nhau bằng những từ dịu dàng và ngọt ngào. Đừng bao giờ dùng chữ “mày tao” để xưng hô với nhau. Các ông chồng khi tức giận thường gọi vợ bằng những từ ngữ không đẹp, làm tổn thương danh dự của vợ, đây là điều chúng ta nên tránh. Theo Lời Chúa dạy, chồng là chủ gia đình và là đầu vợ, vì thế phải làm gương cho vợ trong mọi sự, nhất là trong cách nói năng và cư xử. Chúa cũng dạy:

Chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy (Thư Ê-phê-sô 5:28)

Còn người vợ, được Chúa đặt dưới sự hướng dẫn của chồng nên phải kính trọng chồng. Khi người vợ dùng tiếng “vâng, dạ” nói với chồng, không hạ giá trị của mình nhưng trái lại, làm tăng phẩm cách của mình lên, vì như thế chứng tỏ đó là người vâng lời Chúa, thuận phục và tôn kính chồng.

Khi mọi việc êm đẹp, vợ chồng có thể tôn trọng nhau dễ dàng, nhưng khi gặp chuyện bất đồng ý kiến hoặc khi nóng giận chúng ta dễ nói hay làm những điều không đẹp. Chúng ta cần sống với Lời Chúa và ở trong mối tâm giao mật thiết với Ngài, để tình yêu và sức mạnh của Chúa sẽ giúp chúng ta tự chế và đối xử với nhau cách khôn ngoan, ngay cả những lúc phiền giận nhau. Điều chúng ta cần tránh trong lúc nổi giận là đừng mắng nhau bằng những lời thô tục, đừng nói nặng lời với nhau, và nhất là đừng bao giờ đối xử với nhau bằng vũ lực. Vì những điều này sẽ gây tổn thương sâu đậm trong tình nghĩa vợ chồng và ảnh hưởng tai hại đến hạnh phúc chung.

Một điều khác nữa chúng ta cần tránh để thật sự tôn trọng vợ hay chồng mình, đó là đừng nói xấu vợ chồng mình với người khác. Một khi chúng ta nói ra những điều không đẹp của người phối ngẫu, không những chúng ta làm hạ giá trị của người đó nhưng cũng hạ giá trị của chính mình. Kinh Thánh dạy:

Bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi điều đó, tức là thạnh nộ, buồn giận và hung ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tĩu nào ra từ miệng anh em (Cô-lô-se 3:8)

Trong trường hợp vợ chồng gặp những nan đề lớn, cần có những người như mục sư hay người khải đạo giúp thì khác. Trong trường hợp đó chúng ta không nói xấu người bạn đời nhưng là tìm kiếm sự hướng dẫn và giúp đỡ của người có thẩm quyền để giải quyết nan đề gia đình mình.

Người tôn trọng vợ hay chồng cũng sẽ không sửa lỗi người ấy trước mặt người khác. Đây là vấn đề rất tế nhị. Khi người bạn đời của chúng ta có những lầm lỗi cần được sửa đổi, chúng ta nên nhắc nhở nhẹ nhàng và chỉ nói riêng với người đó. Đừng bao giờ sửa lỗi nhau trước mặt người khác, vì làm như thế người bị sửa sẽ xấu hổ, có thể nổi giận và không muốn sửa đổi. Để đời sống gia đình được hạnh phúc, chúng ta nên có những lời nói vàhành động bày tỏ lòng kính trọng người bạn đời của mình. Người đó sẽ cảm thấy vui vẻ, thoải mái, không mặc cảm nhưng thêm tự tin, và sẽ cố gắng để giữ mãi lòng kính trọng của chúng ta.

Theo Lời Chúa dạy, vợ phải tôn trọng chồng, nhưng chồng cũng phải tôn trọng vợ, qua cách cư xử trong đời sống hằng ngày. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên:

Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn ở của chị em là tinh sạch và cung kính. Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc quần áo lòe loẹt; nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng, im lặng, ấy là giá quý trước mặt Đức Chúa Trời. Vì các bà thánh xưa kia, trông cậy Đức Chúa Trời, vâng phục chồng mình, đều trau giồi mình dường ấy; như Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình; nếu các chị em làm điều lành, không sợ chi hết mà rối trí, thì trở nên con cái của Sa-ra vậy. Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em (I Phi-e-rơ 3:7)

Minh Nguyên