Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Thuốc Lá Và Sự Sống

Có một ông chồng kia sau nhiều năm hút thuốc đã mắc phải một chứng bệnh không chữa được. Và suốt những ngày tháng nằm trên giường bệnh ông rất ân hận vì khi còn nhỏ đã dại dột bắt chước bạn, tập tành hút thuốc. Khi biết mình không còn sống được bao lâu, ông viết một lá thư, đưa cho vợ và dặn rằng sau khi ông chết, gởi lá thư đó đến một tòa báo, xin đăng để cảnh cáo những ai đang hút thuốc. Lá thư đó như sau:


Hôm nay tôi viết lá thư này và nhờ vợ tôi gởi đến quý vị ngay sau khi tôi qua đời. Xin quý vị cho đăng lá thư này vì tôi muốn các em thanh thiếu niên biết rằng tôi đã chết vì một chứng bệnh mà tôi đã tự chuốc lấy cho chính mình. Đó là bệnh hút thuốc lá. Trong thập niên 40, đa số người lớn trong nước đều hút thuốc. Hút thuốc được xem là thú tiêu khiển của những người đã lớn, đã trưởng thành. Khi bắt đầu tập hút thuốc, tôi tin chắc là tôi chỉ hút cho vui chứ sẽ không bao giờ ghiền hay nghiện thuốc. Tôi và các bạn tôi đều biết thuốc lá có hại, nhưng chúng tôi đều muốn phiêu du vào nguy hiểm cho biết mùi đời. Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng mỗi điếu thuốc mình đốt lên là một cây đinh đóng cho cái hòm của mình đó. Chúng tôi nói như thế rồi cười to và giúp nhau châm từng điếu thuốc.


Thế rồi thay vì bỏ thuốc, càng lớn tôi càng hút nhiều hơn. Và cách đây mấy năm, bác sĩ cho biết tôi bị bệnh emphysema, là một bệnh trong phổi, khiến tôi rất là khó thở. Từ ngày bị bệnh, tim tôi ngày càng yếu, vì phải bơm máu vào những buồng phổi không thể nở ra để đón nhận dưỡng khí nữa. Bác sĩ bảo tôi phải bỏ hút thuốc ngay, nếu không sẽ chết vì đau tim hay bị tai biến mạch máu não, cũng có thể chết vì ung thư hoặc không thở được nữa. Khi bác sĩ nói như thế, tôi nghĩ: gì chứ cái đó quá dễ, tôi có thể bỏ hút thuốc bất cứ lúc nào. Nhưng tôi đã lầm, tôi không thể bỏ hút thuốc! Tôi đã tốn cả ngàn Mỹ kim vào những chương trình cai thuốc, bỏ thuốc. Tôi đi châm cứu và thử mọi phương pháp. Bất cứ ai chỉ phương cách nào để cai thuốc tôi đều thử cả. Nhưng không phương pháp nào giúp tôi bỏ hút thuốc được. Tôi đã bị nghiện nặng, và bị bệnh nặng. Bây giờ tôi đang nằm chờ chết nhưng vẫn phải tiếp tục hút thuốc, tôi không thể bỏ thuốc!


 



Cũng như những thanh thiếu niên khác, ngày trước tôi nghĩ mình uống rượu, hút thuốc để chứng tỏ mình đã lớn, mình được tự do, muốn làm gì thì làm? Nhưng tự do đâu không thấy mà chỉ thấy bây giờ tôi không còn một chút tự do nào. Tôi muốn đi bơi, đi chèo thuyền, leo núi, v.v... nhưng không thể nào đi được. Tôi không được tự do hưởng những điều bao nhiêu người khác vui hưởng, vì lúc nào tôi cũng cần phải có thuốc, phải đeo bình dưỡng khí bên người mới thở được. Cuộc đời tôi đáng lẽ còn được đến 20 năm nữa. Hai mươi năm khỏe mạnh, linh hoạt, vui thú và hữu ích, nhưng đó chỉ là ước mơ mà thôi. Không những thế, những năm qua tôi đã tốn bao nhiêu tiền để mua thuốc lá, tốn tiền mua các loại thuốc chữa bệnh, tốn tiền cho bác sĩ và tốn bao nhiêu tiền để thử các phương pháp giúp tôi bỏ thuốc. Với tất cả những tiền đó, tôi có thể mua một chiếc xe thật sang thật đẹp, hoặc giúp cho con tôi ăn học. Tôi có thể sống thêm nhiều năm nữa trong hạnh phúc với vợ con, với bao người thân yêu, nhưng không được vì những năm trước, khi còn trẻ, còn khỏe, tôi đã chọn thuốc lá. Giá mà hồi đó tôi nghe theo lời khuyên của cha tôi thì tôi đâu có khổ như hôm nay. Cha tôi thường nói: "Con biết không, hầu hết những người vào nghĩa địa sớm là những người nói rằng, ồ, chuyện đó không xảy đến cho tôi đâu."
Ba tháng sau, ông Bert Hudson, người viết lá thư trên, đã chết. Bà vợ ông làm đúng theo điều ông yêu cầu, bà gởi lá thư đến một tòa báo, xin đăng để cảnh giác những ai đang hút thuốc hay mơ ước một ngày kia mình sẽ tập hút thuốc. Mỗi khi thấy một người châm điếu thuốc đưa lên môi, có lẽ quý vị cũng như chúng tôi, thật ái ngại cho người đó, nhất là nếu đó là một thanh thiếu niên. Hút thuốc là tự tiêu hủy sức khỏe và tự giết chết cuộc đời mình. Các thống kê cho biết, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều người bị chết hoặc bị tàn phế trong khi còn trẻ. Dù những bệnh do thuốc lá gây ra là những bệnh nguy hiểm nhưng là những bệnh chúng ta có thể tránh được. Nhưng mỗi năm tại Hoa Kỳ có Imagekhoảng 350,000 người chết vì bị những bệnh do thuốc lá gây ra. Riêng trong năm 2001 có khoảng 170 ngàn người chết vì những bệnh ung thư do thuốc lá gây ra. Những người này bị những chứng bệnh mà đúng ra họ có thể tránh được nếu họ không xem thường những lời cảnh cáo chung quanh mình. Có những người khi bước vào tuổi thiếu niên đã tập tành hút thuốc vì nghĩ rằng hút thuốc là dấu hiệu của người trưởng thành, hút thuốc là chứng tỏ mình đã lớn, mình là người khôn ngoan, sành đời, biết hưởng thụ đời sống. Vì nghĩ sai lầm như thế, bao nhiêu người trẻ đã tập tành hút thuốc để rồi bị những chứng nan y mà đến cuối cuộc đời vô cùng hối tiếc.
Ngày nay những người trẻ, nhất là các bạn trẻ Việt Nam hút thuốc rất nhiều, ở tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ, và số tuổi của những em bắt đầu hút thuốc ngày càng hạ thấp, có khi xuống đến 10, 12 tuổi. Các em bắt chước người lớn, bắt chước tài tử xi-nê tập tành hút thuốc. Các em dùng tiền cha mẹ cho để mua quà bánh, sách vở, bút mực để mua thuốc lá. Cha mẹ của các em vì lo đi làm suốt ngày, suốt tuần, không biết con mình đã tiêm nhiễm những tật hư thói xấu của bạn bè. Một bài viết về thuốc lá và cần sa ma túy của cơ quan y tế tại bang Missouri, cho biết, điều mà những cơ quan cai thuốc lá thường nói để khuyến khích người ta bỏ thuốc là, họ nói rằng khi một người dù đã hút thuốc bao nhiêu năm nhưng nếu bỏ hút thì trong một thời gian ngắn, thì nguy hiểm của những bệnh do thuốc lá gây ra sẽ không còn và người đó sẽ được khỏe mạnh, bình thường. Bài viết đó cho biết điều này trong thực tế không đúng. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, dù biết nguy hiểm của thuốc lá nhưng cứ tập hút thuốc và không lo lắng gì cả vì nghĩ, một cách sai lầm rằng, mình có thể hút thuốc một vài năm cho vui rồi bỏ, mà không bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Vì tin như thế, các em thanh thiếu niên hiện nay hút thuốc rất nhiều. Trung tâm CDC, là trung tâm nghiên cứu về cách ngăn ngừa bệnh và phòng bệnh cho biết, trong sáu năm qua, số các em thanh thiếu niên hút thuốc đã tăng gấp ba lần những năm trước.

 

Một điều nguy hiểm khác là, các bạn trẻ hút thuốc không những nghĩ rằng khi mình bỏ thuốc là sẽ không còn gì nguy hiểm đến sức khỏe mà còn tin rằng nếu mình chỉ hút thuốc trong khoảng từ 16 đến 28 tuổi thì sẽ không có hậu quả gì lâu dài đến sức khỏe. Nhưng điều khó là hầu hết những người hút thuốc khi còn trẻ lớn lên không bỏ thuốc được. Đa số đều nói: tôi có thể bỏ thuốc bất cứ lúc nào, và hầu hết đều theo triết lý: Ngày mai, tuần tới hay tháng sau mình sẽ bỏ, không hút thuốc nữa. Nhưng các thống kê cho biết, trong số 100 bạn trẻ hút thuốc, chỉ có khoảng 15-16 người thật sự bỏ, những người kia không những không bỏ thuốc được nhưng càng lớn tuổi càng hút nhiều hơn và cuối cùng chết vì những bệnh do thuốc lá gây ra. Là cha mẹ, chúng ta không những không hút thuốc để làm gương cho con nhưng cũng cần tìm hiểu về nguy hiểm của thuốc lá để nói cho con biết. Chúng ta cần nói khi con còn nhỏ, chưa đi học, chưa đến tuổi thiếu niên, là tuổi bắt chước những điều của người lớn và dễ bị áp lực làm theo những gì bạn bè làm. Thống kê cho biết, trong số những người lớn hút thuốc, có đến 75% đã bắt đầu tập hút trước 21 tuổi.

 

Tuổi thiếu niên, là tuổi dễ bị cám dỗ hút thuốc cũng như tập tành những thói xấu khác. Suy nghĩ chung của các bậc cha mẹ là, khi con còn nhỏ mình phải dành nhiều thì giờ chăm sóc cho con. Chăm sóc từ miếng ăn, quần áo, giờ đi ngủ, đi học, v.v... Khi con lớn và có thể tự lo nhưng điều căn bản đó, chúng ta thấy được thong thả và bắt đầu nghĩ đến việc đi làm, đi học hay làm những gì chúng ta ưa thích, và không dành thì giờ cho con nữa. Nhưng thưa quý vị, khi con em chúng ta không cần đến những chăm sóc nhỏ nhặt của cha mẹ lại là lúc các em cần cha mẹ quan tâm nhiều hơn. Đây là lúc các em phải đối diện với cám dỗ, với những ảnh hưởng xấu của bạn bè và là lúc các em cần sự chỉ dẫn của cha mẹ hơn hết. Bao nhiêu em lúc nhỏ rất ngoan nhưng từ khi vào trung học, từ khi biết lái xe, từ khi không đi với cha mẹ nhưng đi với bạn bè, từ khi ở nhà một mình bên cái ti-vi, bên computer là bắt đầu hư hỏng, bắt đầu tập những thói hư tật xấu. Thêm vào nguy hiểm này là, lúc con em chúng ta bị cám dỗ nhiều thì lại là lúc cha mẹ không quan tâm đến con nữa nhưng bận rộn đeo đuổi ước mơ của riêng mình. Vì thế, điều đầu tiên các bậc phụ huynh cần làm là để ý xem con em mình có đang tập tành hút thuốc hay không. Bệnh gì cũng vậy, biết càng sớm càng dễ chữa trị. Chúng ta hướng dẫn con bằng những lời khuyên dạy nhỏ nhẹ, yêu thương, tế nhị. Vì nếu chỉ la mắng, đe dọa hay trừng phạt, chúng ta sẽ đẩy con xa cha mẹ và ngã vào cám dỗ dễ dàng hơn. Cầu xin Chúa giúp quý vị có thể dành thì giờ cho con cái nhiều hơn, hầu hướng dẫn các em tránh khỏi những cạm bẫy nguy hiểm trong đời sống.

 

Ông Tư nghiện thuốc lá rất nặng. Mỗi ngày ông hút khoảng hai gói. Dù ngày càng gầy ốm xanh xao nhưng ông không thể bỏ thuốc lá. Vợ và các con năn nỉ ông đi bác sĩ để họ giúp ông bỏ hút thuốc nhưng ông không nghe. Thỉnh thoảng các con đọc cho ông nghe những bài báo nói về các bệnh nguy hiểm do thuốc lá gây ra hoặc chỉ cho ông xem những thống kê về số người chết vì thuốc lá mỗi năm, để ông nhìn thấy và bỏ hút thuốc. Nhưng dù cho vợ con nói gì ông Tư cũng không nghe, ông còn nói: "Hút hay không hút là tự do của tôi, tôi không muốn ai quan tâm hay nói gì cả. Tôi bệnh thì tôi chịu chứ tôi có làm phiền đến ai đâu!" Tuy ông Tư nói ông không làm phiền đến ai nhưng sự việc xảy ra cho thấy điều ông nói là không đúng, vì chỉ một tháng sau đó ông bị lên cơn đau tim và phải đưa vào nhà thương cứu cấp. Lúc đó ông mới thấy rằng việc ông hút thuốc không phải là chuyện của riêng ông nhưng là của cả gia đình và ông không những khiến cho người trong gia đình lo lắng mà mọi người đã phải ngưng công việc, thay đổi chương trình để chăm sóc cho ông. Nhiều người nghĩ rằng thuốc lá chỉ gây ra ung thư phổi và những bệnh về đường khí quản nhưng thật ra chất nicotine trong thuốc lá có thể gây ra nhiều chứng bệnh khác mà một trong những bệnh đó là cao máu và đau tim. Sau sáu tháng nằm trên giường bệnh, đau đớn vì những biến chứng của bệnh tim, ông Tư đã qua đời.
Theo thống kê trong tháng Ba năm 2000, số người chết trung bình hằng năm tại Hoa Kỳ tính ra như sau:


  • Vì hỏa hoạn: 4,000
  • Vì bệnh AIDS: 31,000
  • Vì cần sa ma túy: 5,700
  • Vì tai nạn lưu thông: 49,000
  • Bị giết: 22,000
  • Vì khói thuốc lá: 53,000
  • Tự tử: 31,000
  • Vì uống rượu: 105,000
  • Vì hút thuốc: 434,000


Như vậy, số người chết mỗi năm vì thuốc lá nhiều hơn số người chết vì tai nạn, án mạng, hỏa hoạn, tự tử và tất cả các bệnh khác cộng chung lại. Số người chết vì hút thuốc là 434,000 mỗi năm, và số người chết vì khói thuốc, tức là những người không hút nhưng chỉ vì ở gần người hút thuốc, là 53,000, như vậy tổng cộng số tử vong vì thuốc lá hằng năm là 487 ngàn người. Ðiều này cho thấy, khi một người hút thuốc, không thể nói đó là thói quen riêng của mình, không can hệ đến ai. Vì người hút thuốc không những nguy hiểm cho chính mình mà còn gây nguy hiểm cho người chung quanh, nhất là người thân trong gia đình.

Một bà chị kia viết về người em gái của mình như sau:


Ðáng lẽ tháng 8 năm nay là sinh nhật thứ 45 của em tôi nhưng điều đáng buồn là cô ấy đã qua đời vào đầu năm nay, vì bị ung thư phổi. Vì bắt chước bạn bè, cô em tôi hút thuốc từ năm 13 tuổi. Trong thời gian chăm sóc em trên giường bệnh, tôi có hứa với cô là tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách và mọi cơ hội để khuyên các em thiếu niên đừng bao giờ đi vào con đường sai lầm như em tôi đã đi, đó là đừng bao giờ tập hút thuốc. Ðể giữ lời hứa với người em gái, bà chị này viết một lá thư nhắn nhủ các em thiếu niên những lời như sau: "Các em thân mến, hút thuốc không phải là điều hay, hút thuốc cũng không phải là ngon lành hay trưởng thành mà là điều nguy hiểm chết người. Thuốc lá sẽ giết chết cuộc đời các em, tiêu hủy mạng sống các em, vì thế nếu các em chưa hút, đừng bao giờ tập hút. Nếu các em đã lỡ hút thuốc, bằng mọi giá hãy cố gắng bỏ thói quen đó đi. Những sản phẩm chế tạo từ cây thuốc lá là những chất độc giết người, giết một cách âm thầm nên nhiều người không để ý. Khi một người khám phá ra là mình bị một chứng bệnh nào đó vì hút thuốc là đã quá trễ, không chữa được nữa. Các em có biết, mỗi năm có gần nửa triệu người chết vì thuốc lá không? Và tôi đoan chắc rằng, những người đó lúc đầu nghĩ rằng, tôi chỉ hút thử một vài điếu hay hút một thời gian cho vui rồi bỏ, tôi sẽ không để cho đến nỗi chết vì thuốc lá đâu. Khi bắt đầu tập hút thuốc, em tôi cũng nghĩ như vậy và vì suy nghĩ sai lầm, cuộc đời em đã chấm dứt quá sớm."

 

Kính thưa quý vị, chúng tôi mong rằng lời kêu gọi tha thiết, từ những kinh nghiệm đau thương của những người đã mất người thân yêu vì thuốc lá, sẽ là tiếng chuông thức tỉnh những ai còn nghĩ rằng thuốc lá vô hại, mình chỉ hút cho vui chứ sẽ không bao giờ ghiền. Nếu quý vị là các bậc phụ huynh, xin quý vị hãy nghĩ đến ảnh hưởng mình để lại cho con em trong gia đình. Quý vị cũng cần nghĩ đến những đau đớn mà bệnh tật sẽ đem đến cho chính quý vị và những vất vả, đau buồn mà bệnh tật đó sẽ đem đến cho những người thân yêu. Hút thuốc không phải là tội lỗi, tại nhiều nơi hút thuốc cũng Imagekhông là vi phạm luật lệ, nhưng chúng ta không hút vì nó có hại. Con người chúng ta thường có nhiều thói quen, những thói quen đó do chúng ta tạo ra cho chính mình. Những thói quen tốt thì khó tập và khó giữ, nhưng thói quen xấu thì trái lại, dễ tiêm nhiễm và khó loại bỏ. Có người đã nói, những thói xấu trong đời sống lúc đầu như là những sợi tơ nhện, ta có thể bứt đứt bất cứ lúc nào, nhưng dần dần nó sẽ trở thành những sợi dây xích bằng sắt trói chặt ta và giết chết cuộc đời chúng ta. Không chỉ trong vấn đề hút thuốc nhưng tất cả những thói xấu khác như uống rượu, dùng cần sa ma túy, cờ bạc, ham mê sắc dục, đồng tính luyến ái, thích những phim ảnh và sách báo đồi truỵ, v.v... Tất cả những đam mê đó lúc đầu có thể đem lại cho ta thích thú, và thỏa mãn điều ta tìm kiếm nhưng dần dần chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho những đam mê đó. Những thói quen đó sẽ trở thành ông chủ của ta sai khiến, hành hạ chúng ta và cuối cùng giết chúng ta một cách không thương xót. Không những nó giết chết mạng sống chúng ta nhưng cũng giết chết hạnh phúc gia đình, sự nghiệp, danh dự và còn ảnh hưởng lâu dài đến con cháu chúng ta nữa.

Thánh Kinh ghi lời sứ đồ Phao-lô dạy về những đam mê và thói xấu của con người như sau. Phao-lô viết: "Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để điều gì bắt phục tôi. Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt" (I Cô-rinh-tô 6:12 & 10:23). Theo lời Kinh Thánh dạy, người tin Chúa được tự do chứ không bị bắt buộc phải theo những luật lệ gò bó. Tuy nhiên, nguyên tắc chúng ta cần nhớ là, mỗi khi làm điều gì, đặc biệt là trong lãnh vực tiêu khiển và giải trí, chúng ta cần trả lời ba câu hỏi sau:
  1. Ðiều đó có ích lợi lâu dài không?
  2. Ðiều đó có nêu gương tốt cho người chung quanh tôi hay không?
  3. Ðiều đó có thể dần dần làm chủ tôi và tôi sẽ trở thành nô lệ, không thoát ra được hay không?
Nếu chúng ta định làm một việc gì mà thấy điều đó không thật sự ích lợi, không làm gương tốt cho con cái và người chung quanh và có thể làm chủ cuộc đời ta, khiến ta trở thành nô lệ cho nó, thì tốt hơn hết là chúng ta đừng thử, dù chỉ thử một lần cho biết.
Thánh Kinh không cho chúng ta những luật lệ nhỏ nhặt, cứng nhắc và bắt buộc chúng ta phải vâng theo, nhưng Thánh Kinh cho chúng ta những nguyên tắc sống, những tiêu chuẩn rõ ràng và tốt đẹp, để người nào vâng theo sẽ không những tránh được thiệt hại cho chính mình mà còn được hưởng hạnh phúc và ơn lành của Chúa. Kinh Thánh là quyển sách chỉ dạy chúng ta đâu là điều tốt nên làm, đâu là điều xấu xa, tội lỗi ta phải tránh, Thiên Chúa cho chúng ta quyền tự do chọn lựa, chọn điều ta mốn làm, con đường ta muốn đi, nhưng Chúa cũng chỉ cho chúng ta thấy kết quả sự chọn lựa đó, như là tiếng chuông cảnh cáo, nhắc nhở chúng ta hãy khôn ngoan, vâng theo Lời Chúa dạy.


 

Gần đây chúng ta thấy các hãng sản xuất thuốc lá phải trả hằng mấy tỉ Mỹ kim cho những gia đình có người chết vì hút thuốc. Và có người đặt câu hỏi: Tại sao các hãng thuốc lá công nhận chất nicotine nguy hiểm, vì có hại cho sức khỏe và khiến cho người ta ghiền, không bỏ được; và bằng lòng bồi thường hằng tỉ Mỹ kim cho các nạn nhân của họ nhưng lại không đóng cửa hãng, dẹp bỏ việc chế tạo thuốc lá đi để không ai hút, không ai bị bệnh và bị chết nữa? Câu trả lời rất là đơn giản, nếu ngày nào còn có người mua những điếu thuốc độc hại đó về hút và ngày nào việc sản xuất thuốc lá còn đem lại số thu nhập lớn lao thì dù biết thuốc lá nguy hiểm chết người, người ta vẫn tiếp tục sản xuất thuốc lá. Ðiều chúng ta thấy rõ ràng là, vì bản chất tội lỗi yếu đuối nên dù biết những điều đó là nguy hiểm, tai hại, bao nhiêu người vẫn tìm đến, vẫn lao đầu vào. Hằng ngày chúng ta vẫn nghe những tin tức về tai hại của thuốc lá, trên mỗi bao thuốc cũng có lời cảnh cáo nghiêm trọng nhưng người ta vẫn hút, và khi vẫn còn người hút thuốc, các hãng chế tạo sẽ vẫn tiếp tục sản xuất thuốc lá. Một bên vì ham tiền, một bên vì muốn lòng ham thích và đòi hỏi của mình được thỏa mãn.

Con người tham lam và tội lỗi sẽ tiếp tục lợi dụng nhau và gieo đau khổ cho nhau. Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy nguy hiểm của cái vòng lẩn quẩn của lòng tham và ham muốn đó, chúng ta có thể nhờ ơn cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu và sức mạnh của Ngài cứu chúng ta thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đau đớn đó. Sứ đồ Phao-lô xác định điều đó trong lời dạy sau:

"Tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành nhưng không có quyền làm trọn, vì tôi không làm điều lành mình muốn nhưng làm điều dữ mình không muốn. Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy... Khốn nạn cho tôi, ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết này? Cảm tạ Ðức Chúa Trời, nhờ Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Chúa chúng ta!" (Rô-ma 7:18-20, 24-25).

Chúng ta cảm tạ Chúa, vì nhờ sự hy sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta được cứu thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đau đớn do tội lỗi gây ra.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành 

(TNPA)