Dưới ngòi bút của sử gia Lu-ca, sự kiện thiên sứ Gáp-ri-ên báo tin cho trinh nữ Ma-ri đầy những chi tiết lạ lùng. Những câu chào, những lời đối đáp tiết lộ tâm trạng Ma-ri trong niềm vui sâu xa giữa một tình huống đặc biệt khó xử. Rồi chuyến Ma-ri đi thăm Ê-li-sa-bét ở miền đồi núi Giu-đa đã khiến Ma-ri cảm hứng thốt lên bài ca có nhiều ý tưởng sâu sắc phi thường. Chúng ta sẽ lần theo những giòng lịch sử quí giá này để làm sống lại những ý nghĩa thiêng liêng của biến cố Giáng Sinh.
"Ðến tháng thứ sáu, Ðức Chúa Trời sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, tới cùng một người nữ đồng trinh tên là Ma-ri, đã hứa gả cho một người nam tên là Giô-sép, về dòng vua Ða-vít. Thiên sứ vào chỗ người nữ ở, nói rằng: Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi. Ma-ri nghe nói thì bối rối, tự hỏi rằng lời chào ấy có nghĩa gì. Thiên sứ bèn nói rằng: Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Ðức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sinh một con trai mà đặt tên là Giê-xu. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Ðấng Rất Cao, và Chúa là Ðức Chúa Trời sẽ ban cho Ngài ngôi Ða-vít là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng." (Lu-ca 1: 26-33)
Thiên sứ Gáp-ri-ên xuất hiện làm gián đoạn giấc mộng bình thường của trinh nữ Ma-ri đang trong thời gian đính hôn với một ngưòi dòng dõi hoàng gia và bỗng nhiên Ma-ri thấy mình ngỡ ngàng rơi vào một tâm trạng mới. Một gợn sóng bất ngờ xuất hiện trong mặt hồ bình lặng của tâm hồn cô thôn nữ làng Na-xa-rét khi nghe tiếng chào,"Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi." Thiên sứ Gáp-ri-ên đã dùng một từ ngữ đặc biệt trong lời chào, bảo cô là người được Ðức Chúa Trời đặc biệt ưu đãi, được ban một ân sủng vô cùng cao quí, và tiếp theo đó là lời xác nhận có giá trị của một lời hứa long trọng, "Chúa ở cùng ngươi."
Vì đâu Ma-ri được Ðức Chúa Trời biệt đãi? Chúng ta không thể hiểu hết ý định khôn ngoan kỳ diệu của Ngài, tuy nhiên chúng ta có thể suy đoán dựa vào thái độ của Ma-ri. Nghe lời chào Ma-ri bối rối. Thái độ này thể hiện một con người chân thật: Ma-ri biết mình không xứng đáng nhận ân sủng Chúa. Làm thế nào một người tầm thường như cô được Ðức Chúa Trời đoái đến? Trong bài ca ngợi, cô đã thốt lên điều đó, "Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài." Chính thái độ khiêm nhu ý thức thân phận thấp thỏi của mình đã khiến một người được Ðức Chúa Trời ban ơn. Ðức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo nhưng ban ơn cho người khiêm nhường. Ma-ri đang bối rối sợ hãi, không hẳn vì hào quang và sự hiện diện của thiên sứ, nhưng phần lớn vì nội dung lời chào và vì ý thức tình trạng bất xứng của mình. Tuy nhiên, đây lại chính là thái độ khiến cho Ma-ri được nghe lời trấn an và tái khẳng định về ơn Chúa ban, "Hỡi Ma-ri đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Ðức Chúa Trời…"
Có bao giờ chúng ta ở trong sự hiện diện của Chúa mà bỗng nhiên run sợ khi ý thức tình trạng bất xứng của mình? Ðây là điều cần thường xuyên được lặp lại trong kinh nghiệm thờ phượng Chúa. Những tín hữu lâu năm, cả đến các tôi tớ Chúa thường mất đi kinh nghiệm này khi chúng ta có thái độ khinh suất trước sự hiện diện của Chúa. Chúng ta cần nhớ rằng trong thời Cựu Ước, mỗi năm một lần, chỉ thầy cả thượng phẩm mới được phép vào nơi chí thánh, đứng trước hòm giao ước chỉ thị sự hiện diện của Ðức Chúa Trời, phải đem theo huyết sinh tế rưới trên nắp thi ân thì mới khỏi chết. Ngày nay thái độ khinh suất của chúng ta trước sự hiện diện của Chúa thường biểu lộ trong sự thờ phượng Chúa ở nhà riêng, ở trong nhà thờ, khi chúng ta đi trễ, thiếu chuẩn bị, thiếu tỉnh táo, thiếu cầu nguyện dọn lòng, không cầm giữ tâm trí hướng về Chúa, thờ phượng chiếu lệ, làm công việc Chúa theo thói quen cho xong việc… Ðây là những thái độ bị Chúa ghét, thậm chí ghê tởm và chúng ta đừng trông mong nhận được phước lành gì từ Chúa!
Sau lời trấn an, thiên sứ công bố ngay tin vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp đến Ma-ri một cách toàn diện, tuyệt đối, "Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sinh một con trai mà đặt tên là Giê-xu." Ðây không phải là tin tức thế giới xa vời nhưng là điều sẽ xảy ra tại đây cho Ma-ri: cô sẽ mang thai, sẽ sinh con. Ðến nỗi tên con cũng đã được đặt trước là Giê-xu. Ðây là một thực tại. Ðây là chuyện có thật. Ðây là chuyện sẽ thay đổi đời cô một cách triệt để. Cô đang được đưa vào một kinh nghiệm mới phi thường, một kinh nghiệm ảnh hưởng đến cả cuộc sống của cô trong hiện tại và suốt cả tương lai. Ma-ri đang là một trinh nữ, nhưng cô sẽ có thai, cô sẽ sinh con và làm mẹ.
ImageThiên sứ nói nhiều về con trẻ Giê-xu, liên quan đến những điều cao cả, những danh hiệu vĩ đại, những chức vụ phi thường, mà riêng cô, cô biết mình chỉ là một thôn nữ quê mùa với một tâm hồn đơn sơ. Chính cái đơn sơ của Ma-ri đã khiến cô đưa ra một câu hỏi thực tế, quan trọng như sự sống, "Tôi chưa hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có thai?" Câu hỏi này xác định hai điều. Thứ nhất, nó khẳng định Ma-ri là một trinh nữ chứ không chỉ là một thiếu nữ chưa lập gia đình như có người cố ý nhấn mạnh nguyên ngữ "gái đồng trinh" như trong Ê-sai 7:14 có nghĩa tổng quát, chỉ một thiếu nữ chưa chồng, một thiếu nữ ở tuổi lập gia đình chứ không xác định đó là một trinh nữ trong nghĩa chưa có quan hệ với người nam. Thứ hai, thắc mắc "làm sao có sự đó" không hàm ý từ chối ý định Ðức Chúa Trời, vì lúc kết thúc cuộc đàm thoại, Ma-ri đã hoàn toàn vui nhận ý Chúa, "Tôi là tôi tớ Chúa, xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền" (c.38). Trong tâm trạng Ma-ri, cô không nghĩ đến những hậu quả nguy hiểm cho danh dự và cho cả sự sống của mình, của một thiếu nữ mới hứa hôn đã có thai, mà cô chỉ thấy đây là ý định của Chúa cho mình. Cách suy nghĩ này đã khiến cho cô thôn nữ làng Na-xa-rét vượt qua trăm ngàn khó khăn có thể xảy ra cho cá nhân, để chấp nhận ý Chúa và trở nên một người được đầy ân sủng thiên thượng.
Câu hỏi của Ma-ri còn có một tác dụng khác. Nó đã khiến thiên sứ Gáp-ri-ên đưa ra một câu trả lời vô cùng quan trọng tiết lộ cách thức con trẻ nhập thể và khẳng định con trẻ là Con Ðức Chúa Trời. "Ðức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi và quyền phép Ðấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình." Ðây là cách thức Ðức Chúa Trời ban ơn cho Ma-ri. Ðây là cách thức Ðức Chúa Trời dùng Ma-ri để đưa Con Ngài nhập thể. Ðức Thánh Linh không tạo ra bào thai trong lòng trinh nữ Ma-ri, như bào thai đó là một tạo vật, nhưng chính Ngài đến trên Ma-ri, phủ che Ma-ri, thể hiện chính Ngài trong Ma-ri. Chúng ta có thể dùng kinh nghiệm của mình để phần nào hiểu khái niệm này. Ngày nay sở dĩ Chúa Giê-xu vẫn ở với chúng ta là qua Ðức Thánh Linh đang ngự trong chúng ta và Ngài chính là Ðấng thể hiện Chúa Giê-xu trong chúng ta một cách đầy đủ vẹn toàn.
ImageTrong một phương diện khác, dù khía cạnh siêu nhiên vẫn là cơ bản, Ðức Chúa Trời đã dùng hình thức và phương tiện thông thường đối với loài người để đưa Con Ngài nhập thể. Khi thiên sứ Gáp-ri-ên dùng trường hợp Ê-li-sa-bét làm thí dụ minh giải thì hiển nhiên Ma-ri có thể hiểu cụ thể hơn tiến trình mang thai siêu nhiên này, "Kìa Ê-li-sa-bét bà con ngươi, cũng đã chịu thai một trai trong lúc già nua; người ấy vốn có tiếng hiếm muộn mà nay cưu mang được sáu tháng rồi. Bởi vì không việc gì Ðức Chúa Trời không làm được" (c.36,37). Với lời giải thích trên, với trường hợp cụ thể đó, Ma-ri đã hiểu và hoàn toàn chấp nhận ý muốn Chúa (c.38).
Một diễn tiến ly kỳ khác được Lu-ca ghi lại là chuyện Ma-ri đi thăm Ê-li-sa-bét. Khi cô vừa bước chân vào nhà, thai nhi trong lòng Ê-li-sa-bét nhảy mừng. Ðức Thánh Linh đã cảm thúc Ê-li-sa-bét nói ra những lời chúc tụng khích lệ Ma-ri thật sâu xa, trấn an và củng cố đức tin của Ma-ri. Hiển nhiên động cơ khiến Ma-ri đi chặng đường xa xôi diệu vợi đến thăm Ê-li-sa-bét chính là câu thiên sứ Gáp-ri-ên đề cập đến phép lạ Ðức Chúa Trời làm cho người chị họ này. Hiển nhiên tại đây chúng ta thấy Ðức Thánh Linh đã phối hợp nhịp nhàng thật lạ lùng trong lòng những người liên hệ, trong lòng Ma-ri và cả trong lòng Ê-li-sa-bét, đem lại hứng khởi, vui mừng, gây dựng. Ðến phiên Ma-ri cũng không thể cầm giữ trong lòng niềm vui đó mà tuôn tràn ra lời ca ngợi qua một bài ca sâu sắc tuyệt vời, "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, tâm thần tôi mừng rỡ trong Ðức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi, vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Này từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước…"
Chúng ta không thể đưa Ma-ri ra khỏi tinh thần khiêm hạ này để tôn cao Ma-ri lên mà còn có thể giữ Ma-ri trong địa vị của người được ân sủng Chúa. Phước lành và ân sủng Chúa chỉ có thể tuôn chảy vào những tấm lòng đơn sơ, chân thật, khiêm nhường như tấm lòng cô thôn nữ Ma-ri. Phước lành của mùa Giáng sinh không hời hợt bên ngoài, nhưng dầm thấm sâu xa trong linh hồn, tuôn tràn ra trong cuộc sống không dứt lời ca ngợi. Ân sủng Chúa không chỉ được cảm nhận âm thầm mà phải nhìn thấy được và chúng ta là những người nhận ân sủng của Chúa cũng sẽ là những người thể hiện, như những ngọn đèn rực sáng trong thế giới lạnh lẽo tăm tối này!
Mục sư Nguyễn Đăng Minh