Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Mùa Xuân Phục Sinh


Image result for phục sinhQuý vị có biết tại sao trên nóc các giáo đường lại có hình cây thánh giá không? Thánh giá hay cây thập tự không phải là một hình ảnh đẹp 2,000 năm trước nhưng đó là hình ảnh của đau thương và chết chóc. Thập tự hay thập giá là hình ảnh hãi hùng mà người La-mã đã đặt ra để cảnh cáo người đương thời để không ai dám nổi lên chống lại chính quyền La-mã. Hàng ngàn người đã bị tử hình, tay chân bị đóng đinh vào hai thanh gỗ ghép lại thành hình chữ thập. Lịch sử cho biết đóng đinh trên thập giá là một trong những phương pháp xử tử tàn ác nhất vì nạn nhân không chết ngay nhưng hấp hối hàng giờ, hàng ngày, có khi đến cả tuần lễ treo thân giữa trời. Cùng với đau đớn là nỗi nhục nhằn vì nạn nhân bị lột hết quần áo và bản án được treo bên cạnh để bêu riếu, để răn đời. 

Những người sống trong thế kỷ thứ nhất ghê sợ và không muốn nhắc đến hình ảnh của thập giá. Nhưng ngày nay thập giá là hình ảnh của đạo đức, của tình thương. Thập giá là dấu hiệu của giáo đường, của bệnh viện, quốc kỳ của những nước Bắc Âu đều mang hình thập giá. Cơ quan thiện nguyện quốc tế, chuyên lo cứu nạn nhân thiên tai, hỏa hoạn, lo vấn đề tù binh, tìm kiếm thân nhân thất lạc là Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, mang dấu hiệu chữ thập đỏ. 

Tại sao một hình ảnh chết chóc, ghê rợn lại biến thành hình ảnh của tình thương, vỗ về, ôm ấp, thánh thiện, tôn nghiêm? Tất cả chỉ vì một người, một người đặc biệt đã chết trên cây thập tự đó. Người đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu, con người vô tội, vì tội của nhân loại, chịu chết, treo thân trên thập giá. Chúa Giê-xu phán. “Khi Ta đã được trên lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta.” 

Lời tuyên bố nầy đã trở thành sự thật. Thập giá đã trở thành một sức mạnh thu hút mọi người đến với Chúa. Hình ảnh của án phạt đã trở thành hình ảnh của tình thương. Hãi hùng, chết chóc đã biến thành an vui, hy vọng, tất cả chỉ vì Đấng vô tội đã mang tội thế cho ta. Thập giá là nơi tình thương và chân lý đã gặp nhau, nơi công chính và bình an đã hôn nhau. Nơi Trời và người có thể giao hòa, con đường giải thoát được rộng mở và gánh nặng tội lỗi rơi xuống, không bao giờ tìm thấy nữa. 

Image result for phục sinh
Chúng ta đang sống trong Tuần Thánh, tuần lễ kỷ niệm những thương khó Chúa Cứu Thế Giê-xu gánh chịu vì nhân lọai. Nhiều người đã gọi tuần lễ nầy là Bảy Ngày Thay Đổi Cục Diện Thế Giới. Thật vậy, cục diện thế giới có lẽ đã không thay đổi trong bảy ngày nầy 2,000 năm trước, nhưng những việc xảy ra trong tuần lễ nầy 2,000 năm trước đã ảnh hưởng đến đời sống con người và lịch sử toàn thế giới. 

Vấn đề chính của con người là vấn đề tương giao, là mối quan hệ giữa người nầy với người kia, với cộng đồng, với xã hội mà mình đang sống, với bản thân và trên hết với Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng chúng ta, ban cho chúng ta sự sống và hơi thở. Chúa cất bỏ hơi thở đi, chúng ta không còn gì nữa. Đời sống con người có ý nghĩa hay không tùy thuộc nơi mối tương giao đó, bởi vì nếu con người chỉ sinh ra, lớn lên, sống một thời gian rồi chết thì đời sống chẳng có ý nghĩa gì. Phải có một cái gì sâu xa hơn, trường cửu hơn. Cái sâu xa và trường cửu đó là đời sống tâm linh, là phần linh hồn giao tiếp với Đấng Tạo Hóa. 


Nếu phần hồn của chúng ta không được tương giao với Đấng Tạo Hóa, chúng ta giống như một người không có sự sống. Chúng ta vẫn sống trong thân xác, vẫn có đời sống tinh thần, tình cảm, tri thức nhưng tâm linh chúng ta hoàn toàn chết vì không được liên lạc với Đấng Tạo Hóa. Và đời sống tâm linh chính là nơi sâu thẳm của con người, là nơi ta tìm được ý nghĩa của đời sống. Vấn đề của con người là vấn đề niềm tin, mỗi người chúng ta cần có một niềm tin để sống. Trong vấn đề niềm tin, chọn lựa niềm tin cũng là điều quan trọng vì nếu chúng ta có niềm tin và tin hết lòng nhưng nếu đặt niềm tin sai chỗ, chúng ta chỉ kinh nghiệm đau thương và tuyệt vọng. 

Nhiều người trước đây đã tin tưởng vào những chủ trương, những triết thuyết, những phong trào mà họ nghĩ rằng sẽ đem đến cho họ lý tưởng sống thật sự, đã phải thất vọng vì bao nhiêu công lao, sức lực, bạc tiền đã đổ vào cho lý tưởng đó mà cuối cùng chẳng đi đến đâu. 

Vấn đề của con người thật ra rất đơn giản. Tất cả chúng ta đều biết rằng con người chúng ta không tự nhiên mà có mà phải có một Đấng tạo dựng đó là Tạo Hóa, là Ông Trời, là Đấng mà trong thâm tâm mỗi người chúng ta đều biết, đều công nhận. Ông Trời đó muốn cho con người chúng ta sống trong an bình, hạnh phúc chứ không phải sống trong khổ đau. Nhưng con người với ý chí tự do mà Thiên Chúa phú ban, đã sử dụng tự do đó cho ước muốn riêng tư, không còn hòa hợp với chương trình và ý định của Thiên Chúa, do đó mà con người phải gặt hái hậu quả tất nhiên là khổ đau. 

Cái khổ đau đó là phát xuất từ việc xa lìa nguồn cội là Thượng Đế Chí Cao, là Thiên Chúa, là Ông Trời. Như cành cây lìa gốc, không còn sự sống, chúng ta sống trôi giạt giữa dòng đời và giữa hoàn cảnh đó, Thiên Chúa đã vào đời, mang lấy hình hài, thể xác, thân phận con người, gánh chịu hình phạt lẽ ra dành cho con người, để giải thoát con người. 

Vấn đề của con người là vấn đề tội lỗi không gì khác hơn là xa lìa gốc, xa lìa nguồn sống. Chúa Giê-xu đã giáng trần để đem con người trở lại nguồn sống đó. Và để con người được sống, Chúa Giê-xu phải chết. Chúa chết thế cho chúng ta, chịu hình phạt thế cho chúng ta. Thánh Kinh dạy, “Không có máu đổ ra thì không có ơn tha thứ.” Thật vậy, nếu máu của Chúa Giê-xu không đổ ra vì tội của nhân loại, nhân loại sẽ không bao giờ kinh nghiệm được ơn tha thứ của Thiên Chúa. 

Tuần lễ nầy là tuần lễ thay đổi cục diện thế giới vì toàn thể nhân loại là tội nhân, đều chờ lãnh bản án hư vong đời đời và bản án cũng đang được thi hành trong đời sống hiện tại với những đau khổ, ray rức, bất an. Nhưng bất cứ ai trong xã hội loài người, ở bất cứ thời đại nào mở rộng tâm hồn tiếp nhận ơn thay thứ của Thiên Chúa, nhận mình là tội nhân, tin rằng Chúa đã đổ máu trên thập tự giá để cứu mình. Tất cả những người đặt lòng tin nơi Thiên Chúa như vậy đều sẽ kinh nghiệm ơn tha thứ, và cứu rỗi. Một khi đã kinh nghiệm ơn tha thứ, đời sống của những người đó sẽ được biến đổi, không phải bằng công đức hay sức riêng, nhưng bởi sức mạnh và sự sống của Chúa tái tạo trong tâm hồn. Như một hạt giống được gieo vào lòng đất, chết đi rồi từ đó nẩy mầm, phát sinh sự sống thể nào, thì cũng vậy, người đặt lòng tin nơi Thiên Chúa cũng sẽ kinh nghiệm ơn cứu rỗi tương tự như một sức sống tràn đầy trong tâm hồn. 

Lễ Phục Sinh năm nào cũng nhằm vào Mùa Xuân, mùa hoa lá đâm chồi, nẩy lộc phô bày một sức sống mới sau những tháng mùa đông giá lạnh. Sự sống trong Chúa Giê-xu cũng vậy. Chúa đã chịu chết vì tội của nhân loại nhưng Chúa cũng đã phục sinh vì Ngài cầm sống chết trong tay. Chúa chịu chết vì nhân loại để bản án tội lỗi được thi hành, nhưng Chúa cũng đã sống lại để minh chứng Ngài chính là Đức Chúa Trời và cũng để đảm bảo cho chúng ta về đời sống viên mãn trong Ngài. Như một đại tướng cầm quân bị vết thương trầm trọng để đoàn quân được giải cứu, rồi cũng chính vị đại tướng ấy được phục hồi, cầm đoàn quân chiến thắng. Chúa Giê-xu chính là vị tướng chiến thắng đó và chúng ta là thần dân, là đạo quân của Ngài, tiếp tục theo Ngài để kinh nghiệm niềm vui chiến thắng. 

Image result for phục sinh
Tội lỗi đã bị đánh bại qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-xu, theo Chúa, đặt niềm tin nơi Chúa, chúng ta kinh nghiệm được niềm vui chiến thắng đó. Con người trải bao thời đại đã khắc phục được tất cả, nhưng trận chiến sau cùng là chính bản thân, ta không chiến thắng được vì bản tính tội lỗi. Chúa Giê-xu đã chiến thắng tội lỗi bằng sự chết và sự phục sinh của Ngài. Chúa đã chiến thắng nên chúng ta cũng có thể chiến thắng khi chúng ta hòa làm một với Chúa bằng đức tin. Sự sống của Chúa sẽ chan hòa trong đời sống chúng ta và chúng ta sẽ kinh nghiệm được một cuộc sống đầy ý nghĩa, tươi mới như Mùa Xuân Phục Sinh. Bạn muốn bước vào cái tươi mới của mùa Xuân cứu rỗi hay cứ sống mãi trong cái buồn rầu, giá lạnh của Mùa Đông tội lỗi? Mời Bạn liên lạc với chúng tôi để có kinh nghiệm về đời sống mới trong Chúa Phục Sinh. 

Mục sư Nguyễn Thỉ