Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

TIỂU SỬ THÁNH CA: TA HY SINH VÌ CON HẾT...

Ta Hy Sinh Vì Con – I Gave My Life for Thee là một trong những thánh ca cổ điển được rất nhiều người yêu thích.  Đặc biệt, những tín hữu Tin Lành Việt Nam thuộc thế hệ đầu tiên rất thích bài thánh ca này, vì đây là bài thánh ca đầu tiên trong cuốn Thơ Thánh - là cuốn thánh ca đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.  Thơ Thánh được xuất bản vào năm 1917 tại Hà Nội.

Tác Giả
Tác giả của bài thánh ca I Gave My Life for Thee là cô Frances Ridley Havergal (1836-1879).

FRH_01
Frances Ridley Havergal  sinh ngày 14 tháng 12 năm 1836 tại Astley, Worcestershire, Anh quốc;  là con của Mục sư William Henry Havergal và bà Jane Head Havergal.  Mục sư William Henry Havergal, cha của Frances Ridley Havergal là một nhà văn, một nhạc sĩ, và là người biên soạn thánh ca nổi tiếng trong thế hệ của ông.

Frances Ridley Havergal là em út trong một gia đình có sáu anh chị em. Trước khi Frances chào đời, ông bà Mục sư William Henry Havergal đã có năm người con là Miriam (19 tuổi), Henry (16 tuổi), Maria (15 tuổi), Ellen (13 tuổi), và Frank (7 tuổi).  Là con út trong gia đình, do các anh chị đã lớn nên Frances Ridley Havergal được cha mẹ và các anh chị đặc biệt yêu thương; một phần vì cô nhỏ nhất trong gia đình, xinh đẹp, rất thông minh; phần khác vì tình trạng sức khỏe của Frances Ridley Havergal rất yếu.  Frances Ridley Havergal mắc bệnh đau nhức kinh niên từ thời thơ ấu.
Từ lúc còn nhỏ Frances Ridley Havergal đã có trí nhớ và bộc lộ sự thông minh đặc biệt. Cô bé biết đọc lúc 3 tuổi. Maria, chị của Frances, cho biết trong những năm sau đó Frances  thuộc lòng tất cả các sách trong Thánh Kinh Tân Ước, trừ sách Công Vụ; còn Thánh Kinh Cựu Ước, Frances thuộc tất cả các Thi Thiên, sách Ê-sai và các sách Tiểu Tiên Tri.
Lớn lên trong một gia đình tin kính Chúa, mỗi ngày gia đình đều có giờ cầu nguyện, học Kinh Thánh, vì thế Frances Ridley Havergal hiểu Kinh Thánh, biết Chúa và yêu mến Chúa.  Năm Frances Ridley Havergal được 7 tuổi, các chị cô đều lập gia đình. Năm Frances 11 tuổi (1848), mẹ cô về với Chúa; sự ra đi của những người thân yêu để lại một khoảng trống lớn trong tâm hồn cô bé.
Là một người nhạy cảm, sống một mình với cha trong một căn nhà rất lớn, Frances Ridley Havergal đã dành nhiều thì giờ đọc sách. Sách trong thư viện của Mục sư William Henry Havergal, cha cô, đã giúp cho Frances Ridley Havergal không những chỉ hiểu Kinh Thánh thật sâu sắc, nhưng được học biết thêm về âm nhạc, thi ca, khoa học, triết học, thần học và cổ ngữ. Kiến thức Kinh Thánh sâu sắc, cộng thêm sự hiểu biết về khoa học, ngôn ngữ, triết học, thần học và văn học, đã giúp Frances Ridley Havergal trở thành một nhà văn và nhà thơ nổi tiếng về sau.
Bên cạnh thú vui đọc sách, Frances Ridley Havergal rất yêu thích thiên nhiên.  Cô thường ra vườn tìm hiểu cây cỏ, côn trùng, rồi đối chiếu với những điều mình đọc trong sách. Lòng yêu mến thiên nhiên khiến Frances Ridley Havergal cảm nhận những vẻ đẹp và giá trị của các tạo vật mà Chúa đã dựng nên; và từ đó giúp cô càng yêu mến Chúa.
Một thời gian sau, Mục sư William Henry Havergal đã gởi Frances Ridley Havergal đến London để học nội trú, tạo cho cô dịp tiện được giao thiệp với bạn bè cùng lứa tuổi.  Là con của mục sư, biết Chúa và yêu Chúa, nhưng đến năm 14 tuổi Frances Ridley Havergal mới thật sự tiếp nhận Chúa (1850).  Người đã hướng dẫn Frances Ridley Havergal tin Chúa là cô giáo Caroline Ann Cooke, là người sau đó, đã trở thành mẹ kế của Frances Ridley Havergal (1851).
Lúc Frances Ridley Havergal 17 tuổi, theo chương trình huấn luyện của trường, cô được gởi sang Đức học một năm (1852-1853) tại Louisenschule, một trường dành cho nữ sinh ở Dusseldoff.  Tại đây, năng khiếu của Frances Ridley Havergal được xác nhận.  Frances Ridley Havergal nói tiếng Đức, tiếng Pháp lưu loát, và có thể nói tiếng Ý gần hoàn hảo.  Một giáo viên dạy sinh ngữ cho Frances Ridley Havergal – là một mục sư người Thụy Sĩ – cho biết Frances đọc Kinh Thánh trong nguyên văn Hebrew và Greek trôi chảy, và cô hiểu sâu sắc các tác phẩm thần học do những nhà cải chánh trong thế kỷ 16 viết trong tiếng Đức hoặc Latin.
Một trong những năng khiếu khác của Frances Ridley Havergal là âm nhạc.  Cô giỏi âm nhạc, đàn piano xuất sắc và có giọng hát tuyệt hay.  Rất nhiều lần Frances Ridley Havergal được mời trình diễn âm nhạc cho công chúng nhưng cô từ chối và quyết định chỉ dùng tài năng âm nhạc cho Chúa. Trong suốt cuộc đời của Frances Ridley Havergal, cô đã sáng tác vài trăm thánh ca. Một số bài đã được dịch sang tiếng Việt như Ta Hy Sinh Vì Con (#92), Khúc Kim Cầm (#113), Nguyện Cung Hiến Chúa Trọn Đời Tôi (#231), Tôi Luôn Thuộc Về Chúa Giê-xu (#232), Nguyện Đời Tôi Dâng Chúa (#236), Con Sông Thái An (#275), Lạy Chúa! Hãy Phán Với Tôi (#321), Trung, Thành, Tín, Nghĩa (#378).  Những bài thánh ca Frances Ridley Havergal đã sáng tác diễn tả một tình cảm sâu đậm, nồng nàn giữa một cá nhân với Chúa.
Bên cạnh việc sáng tác thánh ca, Frances Ridley Havergal đã dùng việc dạy nhạc như là một phương tiện truyền giáo nhằm giúp các thiếu nữ thời đó hiểu biết Lời Chúa.  Trong một bức thư viết cho John Curven, Frances Ridley Havergal mô tả lại việc cô dạy Tonic Sol-fa mà cô đang thực hiện để giúp các thiếu nữ hiểu Kinh Thánh.  Frances Ridley Havergal kết thúc bức thư với những dòng chữ nói lên mục đích công việc của cô: “… để đem họ đến nghe những lời yêu thương và từ ái của Đấng mà danh ngọt ngào hơn bất kỳ loại âm nhạc nào.”
Bên cạnh việc sáng tác thi ca và thánh ca, Frances Ridley Havergal đã viết rất nhiều sách. Sau khi cô qua đời, tác phẩm của cô được sưu tập và xuất bản, gồm 5 tuyển tập dày hơn 8000 trang, bao gồm Behold Your King (thơ), Whose I Am and Whom I Serve (văn xuôi), Loving Messages for the Little Ones (sách và truyện cho thiếu nhi), Love for Love (thư từ, nhật ký, bút ký, hồi ký, tiểu sử), vàSong of Truth and Love (nhạc và thánh ca).
Một số nhà nghiên cứu cho rằng về phương diện văn học, văn thơ của  Frances Ridley Havergal giống như nhạc của Bach, Beethoven, …, tranh của Rembrandt, Monet, …, thi ca của Shakespeare, Goethe, …, có những nét độc đáo, không nên sửa hay hiệu đính.  Mục sư Charles Spurgeon, một nhà truyền giảng nổi tiếng tại Anh vào thế kỷ 19, đã đọc và khen ngợi những tác phẩm của Frances Ridley Havergal.
Frances Ridley Havergal là người có đức tin nơi Chúa rất mạnh và có tinh thần lạc quan, nhưng phần lớn những năm tháng trong cuộc đời, cô phải đối diện với bệnh tật.  Nhiều lần bác sĩ nói với cô rằng cô phải chọn giữa sáng tác và sự sống, vì sức khỏe của cô không cho phép làm cả hai.  Năm 1860, Frances Ridley Havergal đã nghe lời bác sĩ, giảm sáng tác một thời gian. Tuy nhiên đến năm 1869, khi tác phẩm Ministry of Song được xuất bản, Frances Ridley Havergal viết rằng cô lấy làm tiếc vì đã bỏ qua 9 năm không hầu việc Chúa tối đa như lòng cô mong muốn.
Trong những năm tháng còn lại của cuộc đời mình, Frances Ridley Havergal tích cực sáng tác.  Cô chấp nhận mất sức khỏe – và có thể cả mạng sống – để được ca ngợi Chúa, hơn là sống mạnh khỏe mà không hầu việc Ngài.  Sau nhiều tháng nằm trên giường bệnh, Frances Ridley Havergal về với Chúa vào ngày 3/6/1879, hưởng thọ 42 tuổi.  Trước khi về với Chúa, cô vẫn cố gắng hoàn tất việc hiệu đính cuốn Kept for the Master’s Use.
Frances Ridley Havergal  được an táng tại Astley, nơi cô đã chào đời.  Frances Ridley Havergal được ghi nhận là một trong những nhà văn Cơ Đốc xuất sắc tại Anh vào cuối thế kỷ thứ 19.  Trong số những tác phẩm của cô, hai bài thánh ca Take My Life and Let It Be (Nguyện Đời Tôi Dâng Chúa Thủy Chung)  và I Gave My Life for Thee (Ta Hy Sinh Vì Con) được hàng chục triệu người tin Chúa khắp thế giới yêu thích. Tên của cô được đặt cho Havergal College, một trường dành cho nữ sinh tại Canada.
Hoàn Cảnh Sáng Tác
Bài thánh ca I Gave My Life for Thee được sáng tác vào 1858. Lúc đó Frances Ridley Havergal đưa cha của cô là Mục sư William Henry Havergal sang Đức để trị bệnh mắt.  Ngày 10 tháng 1 năm 1858, trong lần viếng thăm nhà của một mục sư người Đức tại Düs­sel­dorf, Frances Ridley Havergal thấy trong phòng làm việc của vị mục sư này có treo bức tranh Ec­ce Ho­mo của họa sĩ Domenica Feti (1589 – 1623) vẽ hình Chúa chịu thương khó. Bên dưới bức tranh có dòng chữ Latin: “Ego pro te haec passus sum. Tu vero quid fecisti pro me” - “Ta đã khổ đau cho con.  Con đã làm gì cho Ta?”
domenico_EcceHomo
Tranh Ec­ce Ho­mo – Domenica Feti (1589 – 1623)

Xúc động bởi câu hỏi đó, ý thơ lần lượt xuất hiện trong tâm trí của Frances Ridley Havergal. Cô lấy viết chì ghi lại những dòng thơ trên một tờ giấy nháp.   Sau khi xem lại bài thơ, Frances Ridley Havergal cho rằng bài thơ không hay lắm, ý trùng lặp nên cô vò lại và quăng vào lò sưởi.  Không rõ vì sao bài thơ không cháy, nhưng văng trở lại.  Frances Ridley Havergal đã nhặt lên và giữ bài thơ.
Vài tháng sau, Frances Ridley Havergal trao bài thơ cho cha cô xem.  Mục sư William Henry Havergal khuyên cô giữ bài thơ và ông đã sáng tác giai điệu Baca để hát với lời thơ này.   Đây là bài thánh ca đầu tiên do Frances Ridley Havergal sáng tác (1858).
Phần nhạc của bài của bài thánh ca nổi tiếng mà chúng ta hát ngày nay là do Mục sư Philip Paul Bliss (1838-1876) sáng tác.  Mục sư Philip Paul Bliss sáng tác giai điệu Kenosis cho lễ cung hiến Railroad Chapel Sunday School tại Chicago, Illinois. Lời thánh ca của Frances Ridley Havergal và bản nhạc của Mục sư Philip P. Bliss sau đó được in trong cuốn Sunshine for Sunday School, xuất bản vào năm 1873.
Nguyên Tác Anh Ngữ
Lời bài thơ mà Frances Ridley Havergal đã sáng tác, nguyên văn trong Anh ngữ như sau:
I Gave My Life for Thee
1. I gave My life for thee, My precious blood I shed,

That thou might’st ransomed be, and quickened from the dead;
I gave, I gave My life for thee; what hast thou given for Me?
I gave, I gave My life for thee; what hast thou given for Me?

2. I spent long years for thee in weariness and woe,

That an eternity of joy thou mightest know.
I spent long years for thee; hast thou spent one for Me?
I spent long years for thee; hast thou spent one for Me?

3. My Father’s house of light, My glory circled throne,

I left, for earthly night, for wanderings sad and lone;
I left, I left it all for thee; hast thou left aught for Me?
I left, I left it all for thee; hast thou left aught for Me?

4. I suffered much for thee, more than the tongue can tell,

Of bitterest agony, to rescue thee from hell;
I’ve borne, I’ve borne it all for thee; what hast thou borne for Me?
I’ve borne, I’ve borne it all for thee; what hast thou borne for Me?

5. And I have brought to thee, down from My home above,

Salvation full and free, My pardon and My love;
I bring, I bring rich gifts to thee; what hast thou brought to Me?
I bring, I bring rich gifts to thee; what hast thou brought to Me?

6. Oh, let thy life be given, thy years for Him be spent,

World-fetters all be riven, and joy with suffering blent;
I gave Myself for thee: Give thou thyself to Me!
I gave Myself for thee: Give thou thyself to Me!

Ý Nghĩa
Lời thánh ca I Gave My Life for Thee trong tiếng Anh không đơn thuần chỉ là một bài thơ xuất phát từ tấm lòng yêu mến Chúa, nhưng đây là một tác phẩm thi ca được xây dựng trên nền tảng Kinh Thánh, với bố cục chặt chẽ và ý nghĩa thần học sâu xa.
Từ hàng ngàn năm qua, Kinh Thánh là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ sáng tác thánh ca. Thông thường, đa số các nhạc sĩ chỉ dùng một ý, hay trích dẫn một hoặc vài câu Kinh Thánh, để sáng tác.  Trong trường hợp của bài I Gave My Life for Thee, mỗi mệnh đề mà Frances Ridley Havergal viết ra, mỗi ý trong bài thơ đều được trích từ một câu Kinh Thánh.  Frances Ridley Havergal đã dùng gần 40 câu hoặc phân đoạn Kinh Thánh khác nhau để viết nên 6 phiên khúc cho bài thơ này.
Bức tranh Chúa chịu thống khổ mà Frances Ridley Havergal đã xem, chỉ ghi lại một câu hỏi: “Ta đã khổ đau vì con.  Con đã làm gì cho Ta?”   Trong bài thơ của mình, Frances Ridley Havergal dùng Kinh Thánh phân tích cho người đọc hiểu Chúa đã hy sinh cho chúng ta như thế nào và Ngài muốn hỏi chúng ta những điều gì. Frances Ridley Havergal đã khéo léo sắp xếp các câu Kinh Thánh liên hệ thành lời của một bài thơ đầy xúc cảm.
Để tìm hiểu một ít về nội dung và cấu trúc của bài thơ, bài I Gave My Life for Thee được chép lại với phần trích dẫn Kinh Thánh và lời chú thích như sau.
I Gave My Life for Thee
1. I gave My life for thee,

My precious blood I shed,
That thou might’st ransomed be,
And quickened from the dead;
I gave, I gave My life for thee;
What hast thou given for Me?
(Ga-la-ti 2:20)

(I Phi-e-rơ 1:19)
(Ê-phê-sô 1:7)
(Ê-phê-sô 2:1)
(Tít 2:14)
(Giăng 21:15 –17)
Trong phiên khúc đầu tiên, Frances Ridley Havergal đã trích câu Kinh Thánh Ga-la-ti 2:20 “Đấng đã … phó chính mình Ngài vì tôi” để nhắc lại sự hy sinh tính mạng của Chúa. Trong Ê-phê-sô 2:1, Phao-lô ghi nhận thực trạng của nhân loại là “Anh chị em đã chết vì các vi phạm và tội lỗi của mình.” Frances Ridley Havergal dùng khái niệm “Huyết báu của Đấng Christ” trong I Phi-e-rơ 1:19 nhắc lại Chúa đã đổ huyết ra vì chúng ta, và kết luận “Nhờ huyết Con ấy, chúng ta được cứu chuộc”(Ê-phê-sô 1:7). Sau đó, tác giả đã dùng Tít 2:14 “Đấng đã phó chính Ngài vì chúng ta” để tóm tắt việc Chúa hy sinh, rồi dùng ký thuật trong Giăng 21:15–17 và dựa trên câu hỏi của Chúa “Con yêu ta chăng?” để hỏi người đọc rằng chúng ta đã làm gì cho Chúa.
2. I spent long years for thee

In weariness and woe,
That an eternity of
Joy thou mightest know.
I spent long years for thee;
Hast thou spent one for Me?
(1 Ti-mô-thê 1:15)

(Ê-sai 53:3)
(Giăng 17:24)
(Giăng 16:22)
(Giăng 1:10,11)
(1 Phi-e-rơ 4:2)
Trong phiên khúc thứ hai của bài thơ, dựa trên I Ti-mô-thê 1:15, Frances Ridley Havergal nhắc người đọc rằng Chúa đã trải qua nhiều năm tháng trên đất.  Chúa đã chịu thống khổ và chịu sỉ nhục (Ê-sai 53:3) để người tin nhận Chúa có được niềm vui bất diệt (Giăng 16:22), được chiêm ngưỡng vinh quang đời đời của Ngài, và cùng sống với Ngài trên thiên đàng (Giăng 17:24). Trong phần kết thúc phiên khúc thứ hai, Frances Ridley Havergal đã dùng Giăng 1:10-11 để nhắc lại việc Chúa đến thế gian. Tác giả nhắc độc giả rằng Chúa đã chịu khổ nhục nhiều năm trường vì chúng ta, chúng ta có bằng lòng từ bỏ nếp sống đầy dục vọng để sống cho Ngài (I Phi-e-rơ 4:1-4).
3. My Father’s house of light,

My glory circled throne,
I left, for earthly night,
For wanderings sad and lone;
I left, I left it all for thee;
Hast thou left aught for Me?
(Khải Huyền 22:4-5)

(Khải Huyền 4:3)
(Phi-líp 2:7)
(Ma-thi-ơ 8:20, Ê-sai 53:3-4)
(II Cô-rinh-tô 8:9)
(Lu-ca 10:29)
Phiên khúc thứ ba mô tả nơi Đức Chúa Trời ngự tràn đầy ánh sáng (Khải Huyền 22:4-5). Ngôi của Đức Chúa Giê-xu được Khải Huyền 4:3 mô tả bao phủ bởi ánh sáng xinh đẹp của cầu vồng.  Tuy nhiên, Chúa bằng lòng rời thiên cung sáng lạng đó để đến sống giữa trần gian tăm tối (Phi-líp 2:7), không nhà, không cửa (Ma-thi-ơ 8:20), chấp nhận đau khổ, cô đơn (Ê-sai 53:3-4).  Chúa đã từ bỏ nơi cao sang, trở nên nghèo hèn vì chúng ta (II Cô-rinh-tô 8:9); câu hỏi được đặt ra là chúng ta bằng lòng từ bỏ điều gì cho Chúa? (Lu-ca 10:29).
4. I suffered much for thee,

More than the tongue can tell,
Of bitterest agony,
To rescue thee from hell;
I’ve borne, I’ve borne it all for thee;
What hast thou borne for Me?
(Ê-sai 53:5)

(Ma-thi-ơ 26:39)
(Lu-ca 22:43)
(Ma-thi-ơ 10:28, Rô-ma 5:9)
(I Phi-e-rơ 2:21–24)
(Rô-ma 8:17, 18)
Phiên khúc thứ tư tiếp tục với việc nhắc lại sự thống khổ Chúa đã gánh chịu cho loài người (Ê-sai 53:5). Sự thống khổ đó không môi miệng nào có thể mô tả được (Ma-thi-ơ 26:39).  Qua sự thống khổ tột cùng đó (Lu-ca 22:43), Chúa đã cứu chúng ta khỏi hỏa ngục (Ma-thi-ơ 10:28, Rô-ma 5:9).  Tác giả đặt câu hỏi với độc giả: Chúa đã gánh chịu tất cả những khổ nhục vì chúng ta (I Phi-e-rơ 2:21–24); chúng ta chấp nhận khổ nhục nào cho Chúa? (Rô-ma 8:17, 18).
5. And I have brought to thee,

Down from My home above,
Salvation full and free,
My pardon and My love;
I bring, I bring rich gifts to thee;
What hast thou brought to Me?
(Giăng 4:10, 14)

(Giăng 3:13)
(Khải Huyền 21:6)
(Công Vụ 5:31)
(Thi Thiên 68:18, Giăng 3:16)
(Rô-ma 12:1)


Phiên khúc thứ năm nhắc lại Chúa đã đến từ trời (Giăng 3:13), Ngài mang theo sự sống đời đời  (Giăng 4:10, 14). Chúa ban tình yêu, sự tha thứ (Công Vụ 5:31), sự cứu rỗi cho loài người cách hoàn toàn miễn phí (Khải Huyền 21:6).  Hơn thế nữa, Đức Chúa Trời mang những quà tặng quý giá (Thi Thiên 68:18), và thậm chí trao tặng chính Con Ngài cho chúng ta (Giăng 3:16). Về phần mình, chúng ta đem vật gì hiến dâng cho Chúa? (Rô-ma 12:1)
6. Oh, let thy life be given,

Thy years for Him be spent,
World-fetters all be riven,
And joy with suffering blent;
I gave Myself for thee:
Give thou thyself to Me!
(Rô-ma 6:13)

(II Cô-rinh-tô 5:15)
(Phi-líp 3:8)
(I Phi-e-rơ 4:13 –16)
(Ê-phê-sô 5:2)
(Châm Ngôn 23:26)
Phiên khúc cuối cùng của bài thơ là một lời kêu gọi cam kết hứa nguyện. Tác giả kêu gọi người đọc hãy chấp nhận giết chết bản ngã của mình (Rô-ma 6:13); đừng sống cho chính mình, nhưng hãy sống cho Chúa (II Cô-rinh-tô 5:15); hãy quên đi những danh lợi của trần gian (Phi-líp 3:8); chấp nhận chịu khổ để theo Ngài (I Phi-e-rơ 4:13 –16). Và rồi, tác giả kết thúc bài thơ bằng lời kêu gọi của Chúa: Ta đã hy sinh chính Ta cho con (Ê-phê-sô 5:2) – Hãy dâng chính mình con cho Ta (Châm Ngôn 23:26).
Lướt qua nội dung và bố cục của bài thơ, người đọc có thể nhận thấy rằng nếu không phải là một người hiểu biết Kinh Thánh uyên thâm, có tài làm thơ tuyệt vời, và lòng yêu mến Chúa nồng nàn thì tác giả không thể nào có thể sáng tác một bài thơ với nội dung sâu sắc trong một thời gian rất ngắn như vậy.
Tác phẩm đầu tay của Frances Ridley Havergal được cộng đồng Cơ Đốc đón nhận. Đa số những người hát thánh ca thuộc thế hệ của Frances Ridley Havergal vì hiểu Kinh Thánh sâu sắc nên dễ dàng cảm nhận được ý nghĩa, vẻ đẹp của lời ca; và do đó, yêu thích bài thánh ca này.
Năm 1859, bài thánh ca được xuất bản dưới dạng bản nhạc in từng tờ.  Sau đó, bài hát được in trong tờ Good Words vào số tháng 2 năm 1860.  Đến năm 1869, bài hát được in trong cuốn The Ministry of Song và sau đó được chính thức in thành thánh ca trong cuốn Church Hymns.  Trước khi in, Ban Biên Tập của Church Hymns đã xin phép Frances Ridley Havergal sửa vài chữ. Frances Ridley Havergal đồng ý cho sửa đổi nhưng cô nói rằng lời trong nguyên tác gần gũi với chủ đề trong bức tranh “I gave My life for thee, What hast thou done for Me?” hơn là phần hiệu đính.
Lời Việt
I Gave My Life for Thee là một trong những thánh ca đầu tiên được dịch sang Quốc Ngữ.
Bản dịch Việt Ngữ đầu tiên của bài thánh ca này được Mục sư và bà William Cadman dịch vào năm 1916. Sau đó, bài hát được in trong cuốn Thơ Thánh, chỉ có lời nhưng không có nhạc, và không ghi tựa đề. Tuyển tập thánh ca Thơ Thánh do Nhà in Hội Tuyên Đạo Hà Nội xuất bản vào năm 1917.
I Gave My Life for Thee là bài hát đầu tiên trong cuốn Thơ Thánh.  Trong nguyên tác Anh ngữ, bài thánh ca gồm 6 phiên khúc.  Bản dịch Việt ngữ đầu tiên chỉ dịch các phiên khúc 1, 3, 4, 5, 6, không có phiên khúc thứ 2.
Lời Việt đầu tiên của bài thánh ca I Gave My Life for Thee được dịch trong giai đoạn chữ Quốc Ngữ vừa được phổ biến rộng rãi cho công chúng. Số từ vựng của chữ Quốc Ngữ lúc đó chưa phong phú, cho nên bản dịch Việt ngữ đầu tiên của bài thánh ca không được tao nhã. Hơn nữa, khi đó Mục sư và bà William Cadman mới học tiếng Việt; ông bà không rõ tiếng Việt là ngôn ngữ có âm vận, do đó lời thánh ca được dịch chỉ dựa theo ý thơ trong Anh ngữ nhưng không gieo đúng luật bằng trắc, dựa trên cao độ của giai điệu trong bản nhạc.
Trong hai thập niên đầu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1911-1931), thánh ca dựa trên âm nhạc Tây Phương được phổ biến trong Hội Thánh Việt Nam, tuy nhiên nhiều tín hữu chưa biết nhạc Tây Phương.  Vì không biết nhạc Tây Phương và vì cuốn Thơ Thánh không in nhạc, những bài Thơ Thánh đầu tiên được nhiều tín hữu hát bằng cách ngâm nga như lối ngâm thơ hiện nay; do đó người hát vẫn cảm nhận được ý nghĩa và tình cảm của bài thánh ca.  Giai điệu của những bài Thơ Thánh trong giai đoạn này là những giai điệu độc đáo của thánh ca Việt Nam hoàn toàn không dựa trên nhạc gốc của thánh ca Tây Phương.
Năm 1931, lời Việt của bài thánh ca I Gave My Life for Thee được hiệu đính và được xuất bản cùng với nhạc trong cuốn Thơ Thánh Có Nốt Đờn.  Bản hiệu đính của bài thánh ca mang tựa đềThương Con, Ta Bỏ Mình Ta. Bài thánh ca gồm năm phiên khúc, không ghi tên tác giả nhưng bên dưới ghi phần nhạc do P. P. Bliss sáng tác.  Thơ Thánh Có Nốt Đờn được in tại Nhà in Hội Tin Lành Đông Pháp tại Hà Nội, và phát hành vào tháng 1 năm 1931.
Sau khi cuốn Thơ Thánh Có Nốt Đờn được phát hành, vì âm tiết trong lời Việt của bài thánh ca không phù hợp với cao độ của nốt nhạc, nên việc hát thánh ca với đàn phụ họa gây nhiều trở ngại cho những người cố gắng hát đúng nhạc.  Trước tình hình đó, một số hội thánh tiếp tục hát Thơ Thánh với giai điệu Việt Nam, chỉ dựa trên lời mà không dùng nhạc do Mục sư Philip Paul Bliss biên soạn.
Đến năm 1936, bài thánh ca được hiệu đính cho phù hợp với nốt nhạc của giai điệu Kenosis mà Mục sư Philip Paul Bliss đã sáng tác. Lời mới của bài thánh được in trong cuốn Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam xuất bản vào năm 1950, với tựa đề Ta Hy Sinh Vì Con Hết, bài số 92.  Tựa đề của bài thánh ca được đặt là Ta Hy Sinh Vì Con Hết, dựa theo câu hát đầu tiên trong phiên khúc thứ nhất của bài thánh ca này.  Trong ấn bản thánh ca tại hải ngoại của Giáo Hạt Tin Lành Việt Nam tại Hoa Kỳ, tựa đề của bài thánh ca được sửa lại là Hy Sinh Vì Con.
Lời Việt của bài thánh ca trong bản dịch 1936 chỉ còn bốn phiên khúc 1, 3, 4, và 5 của nguyên tác. Lời hứa nguyện trong phiên khúc thứ 6 không xuất hiện trong bản in 1950 cũng như trong các ấn bản về sau.  Bản dịch I Gave My Life for Thee thực hiện vào năm 1936 là bản dịch vẫn còn sử dụng phổ biến cho đến ngày hôm nay.
Hy Sinh Vì Con
1.  Ta hy sinh vì con hết; huyết tuôn tim nầy tan tành,

Ðem con ra từ nơi chết; chuộc tội, đặng con lại sanh;
Ta đã phó tánh mạng cho con rồi! Phó chi cho Ta, con ôi?
Ta đã phó tánh mạng cho con rồi! Phó chi cho Ta, con ôi?

2.  Nơi Cha, Ta ngự đẹp đẽ; ngôi Ta sang trọng vô cùng,

Nhưng Ta vui lòng lâm thế, đê hèn, buồn thảm, hư không;
Ta đã bỏ hết vì con kia rồi! Bỏ chi cho Ta, con ôi?
Ta đã bỏ hết vì con kia rồi! Bỏ chi cho Ta, con ôi?

3.  Thương con Ta chịu đau khổ; trí con đâu kịp suy lường,

Ðem con lên từ âm phủ, thân nầy chịu bao đau thương;
Ta đã gánh hết vì con kia rồi! Gánh chi cho Ta, con ôi?
Ta đã gánh hết vì con kia rồi! Gánh chi cho Ta, con ôi?

4.  Ta vui xa lìa thiên quốc, giáng sinh đem đầy ơn hồng,

Yêu thương, tha tội ban phước, hoàn toàn đều ban nhưng không;
Ta phó hết bửu vật cho con rồi! Ðem chi cho Ta, con ôi?
Ta phó hết bửu vật cho con rồi! Ðem chi cho Ta, con ôi?

 (Thánh Ca Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Bài số 92)
97 năm đã trôi qua từ khi I Gave My Life for Thee  được dịch sang tiếng Việt.  Tại nhiều hội thánh, thánh ca Hy Sinh Vì Con thường được hát vào Chúa Nhật đầu tháng trước khi các tín hữu dự lễ Tiệc Thánh để hoài niệm về tình yêu của Chúa.  Bài thánh ca nhắc nhở hàng triệu tấm lòng về sự hy sinh của Chúa cho mỗi người.

Mặc dù phiên khúc thứ 6 trong tiếng Việt không còn, ước mong mỗi lần hát bài thánh ca này, bạn thưa với Chúa rằng: Lạy Chúa! Xin giúp con sống xứng đáng với tình yêu mà Ngài đã dành cho con.  Xin giúp con biết hiến dâng đời sống con cho Chúa; và đó cũng chính là tâm nguyện của Frances Ridley Havergal (1836-1879), một thiếu nữ 22 tuổi, khi cô sáng tác bài thánh ca này cách đây 155 năm.

Châu Thanh


Thư Viện Tin Lành

Tháng 3/2013