Sau những nỗ lực vượt qua sang chấn, những hình ảnh đau buồn bao vây gây stress. Nếu không được giúp đỡ kịp thời, người bệnh sẽ lún sâu vào “hồi ức buồn” và bệnh ngày một nặng thêm.
Trong nghiên cứu về “Giảm đau an thần tại bệnh viện”, trình bày tại Hội nghị Việt – Pháp về cấp cứu do Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) tổ chức gần đây, bác sĩ (BS) Jean Claude Deslandes (Pháp) cho biết khá nhiều bệnh nhân bị chấn thương nặng, phải điều trị lâu dài trong môi trường bệnh viện là do gặp phải hội chứng PTSD (Post Traumatic Stress Disorder), nghĩa là rối loạn stress sau sang chấn, sau chấn thương....
Dễ mắc sau biến cố
Theo nghiên cứu này, rất nhiều bệnh nhân phải điều trị hồi sức gặp phải các vấn đề về rối loạn giấc ngủ (84%), lo sợ (90%), ác mộng (88%), khủng hoảng (81%)… Đây là các yếu tố dễ dẫn đến PTSD. Ngoài ra, độ trầm trọng của bệnh, tuổi tác quá trẻ, những lo lắng trước đó, thời gian nằm viện… cũng là các yếu tố ảnh hưởng.
ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TPHCM, cho biết ngoài các trường hợp mắc PTSD do bản thân gặp biến cố, những người phải chứng kiến các thảm họa, chiến tranh, cảnh người khác gặp nạn, tang tóc… cũng dễ gặp phải hội chứng này.
“Hội chứng rối loạn stress sau sang chấn được xác định khi bệnh nhân gặp phải các vấn đề về tâm thần sau thời gian gặp biến cố từ một tháng trở lên. Điều đặc biệt là trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân đi qua biến cố một cách mạnh mẽ trước khi phát bệnh” - BS Quang nhấn mạnh và đơn cử trường hợp một cô gái bị đánh ghen, để lại một vết thương lớn trên mặt.
Sau khi gặp nạn, cô tỏ ra hết sức bình tĩnh trong suốt quá trình điều trị và trình báo công an để đòi lại công bằng. Nhưng khá lâu sau đó, khi hung thủ đã bị bắt và vết thương trên cơ thể dần khỏi thì cô lại bị ám ảnh về cuộc đánh ghen kinh hoàng ngày nào, nhiều lần gào khóc và phản ứng thái quá khi nhớ về chuyện cũ.
Một nữ bệnh nhân 19 tuổi gặp phải PTSD vài tháng sau khi bị bạn trai bỏ rơi, cô một mình đến bệnh viện phá thai và phát hiện mình bị nhiễm HIV. Cô gái rơi vào những cơn lo lắng triền miên, mất ngủ, ác mộng, không chịu tiếp xúc với mọi người, thù ghét đàn ông và có hành động tự hủy hoại bản thân, nhiều lần đòi đập đầu tự tử. “Đấy là một ca điển hình của PTSD, bệnh nhân bị khủng hoảng khá nặng. Phải mất hơn một tháng điều trị mới thôi đòi chết” - BS Quang cho biết.
Tư vấn và điều trị cho bệnh nhân hội chứng rối loạn stress sau sang chấn tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM
Dễ bị bỏ sót
Theo BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, có 5%-6% nam giới và 10%-14% nữ giới từng gặp phải hội chứng này trong đời. Nguyên nhân có thể là sau các tai nạn, chấn thương, thảm họa, chiến tranh, bạo hành... mà bệnh nhân trực tiếp gặp phải hoặc chứng kiến người khác, đặc biệt là người thân, gặp nạn.
“Bệnh nhân bị ám ảnh nặng nề về những hình ảnh quá khứ, các ký ức cũ sẽ bám theo khiến họ bị hoảng loạn, gặp ác mộng rồi rơi vào trạng thái hồi hộp, lo âu kéo dài. Mất ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, lo âu, dễ giận dữ, quẩn quanh với nỗi sợ rằng tình huống xấu sẽ bị lặp lại… là những dấu hiệu mà người bị hội chứng PTSD gặp phải” – BS Thắng lý giải thêm.
BS Quang cảnh báo: “Đa số bệnh nhân bị PTSD đều có hoàn cảnh khá giống nhau. Sau những nỗ lực vượt qua sang chấn, cuộc sống trở lại nhịp độ bình thường nên họ có thời gian suy ngẫm về chuyện đã qua. Hồi ức xấu trở lại, những hình ảnh đau buồn bao vây khiến họ stress. Người nhà và cả bản thân bệnh nhân nhìn vào khoảng thời gian họ tỉnh táo sau sang chấn cứ ngỡ rằng stress không phải do cú sốc đó gây ra nên bệnh dễ bị bỏ sót. Nếu không được giúp đỡ kịp thời, bệnh nhân sẽ ngày một lún sâu vào những ký ức buồn và bệnh ngày một nặng thêm”.
Người bệnh cần được hỗ trợ
Theo BS Trịnh Tất Thắng, người bị PTSD ngoài việc cần được hỗ trợ về tinh thần còn cần các biện pháp điều trị chuyên khoa và huấn luyện cách đi qua “hồi ức buồn”, nhận thức được rằng đó là những chuyện của quá khứ và trong hiện tại đã được an toàn.
Ở một số quốc gia, đối với các trường hợp nhiều người cùng bị PTSD sau một thảm họa, người ta thường tập hợp họ lại và áp dụng biện pháp chia sẻ nhóm để từ đó, bệnh nhân tự giúp nhau thoát khỏi ám ảnh.
ST
|