Ms Lê Văn Thể
Kính thưa
Quý tôi tớ Chúa, quý ông bà anh chị em và quí vị thân hữu!
Trước hết, tôi xin dâng lên Ba Ngôi
Đức Chúa Trời lòng biết ơn; vì cớ Ngài đã cho phép Hội Thánh Báp-tít Hy Vọng,
có thêm một dịp tiện nữa để thờ phượng và chúc tụng danh Ngài. Cảm ơn Chúa về tình yêu ngọt
ngào và phước hạnh mà Ngài đã ban cho chúng tôi trong những ngày qua; được góp
phần lo công việc Chúa với qúy ông bà anh chị em của Hội Thánh nhà. Đây là một
đặc ân lớn lao bởi sự thương xót của Chúa, không thể dùng ngôn ngữ để bày tỏ
hết tấm lòng tôn kính và biết ơn của chúng tôi đối với Ngài.
Xin thay cho Hội Thánh,
kính gửi đến quý tôi tớ Chúa, quý ông bà anh chị em, quý đồng hương và quý vị
thân hữu lời chào kính mến trong tình yêu của Chúa Jesus. Chân thành cảm ơn quý vị và các
bạn đã dành thời gian quý báu để đến với Hội Thánh chúng tôi; thờ phượng Đức
Chúa Trời nhân dịp ngày
Mother’s Day mà tiếng Việt dịch là Ngày Hiền Mẫu hay Từ Mẫu. Cũng có thể hiểu là ngày tri ân
mẹ. Cầu xin Ba Ngôi Đức
Chúa Trời tuôn đổ ơn phước dư dật của Ngài trên hết thảy quý ông bà anh chị em
và gia đình; trong sự thương xót và ân điển lạ lùng của Ngài!
Để Chúa ban phước cho buổi thờ
phượng, kính mời quý ông bà anh chị em cùng đứng lên để dâng lời cầu nguyện...
Thưa quý ông bà anh
chị em yêu dấu! Trước hết chúng ta thử trở về với lịch sử của ngày Hiền Mẫu.
I. Nguồn Gốc Của Ngày
Mother’s Day
Năm 1872 bà Julias Howe bắt đầu gợi ý
tổ chức ngày Từ Mẫu- Mother’s Day ở Hoa Kỳ. Ý tưởng này đã được bà Anna Jarvis,
người con gái cuả một vị Mục sư ủng hộ và bắt đầu vận động. Tuy nhiên,
chưa thực hiện được ý nguyện này thì bà đã qua đời vào năm 1905. Người con gái của bà cũng trùng
tên giống như mẹ, nối gót và tiếp tục vận động. Đến tháng 12 năm 1907, bà Anna
Jarvis tổ chức một buổi lễ nhỏ để tưởng niệm mẹ của mình nhân ngày kỷ niệm hai
năm mẹ của bà qua đời. Bà
Anna đã dâng 500 đoá hoa cẩm chướng màu trắng, loài hoa mà mẹ của bà ưa thích
để cài lên áo cho những người tham dự. Sau
đó, sự kiện này được lan rộng ra nhiều tiểu bang và được hưởng ứng tinh thần
tốt đẹp của ngày này. Đến
năm 1914, Tổng Thống Wilson chính thức công bố Mother’s Day là ngày quốc lễ
được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật thứ nhì của tháng Năm.
II. Ý Nghĩa Thiêng Liêng Và Cao Cả Ngày Từ Mẫu
Thưa
Quí ông bà anh chị em!
Hiếu đạo là một trong những
truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam . Từ xưa đến nay, văn hóa người
Việt luôn đề cao lòng hiếu thảo của con cái đối với bậc sinh thành. Mọi người phải lấy chữ hiếu làm
đầu. Ca dao Việt Nam có câu:
“Công cha như núi Thái Sơn
“Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy
ra.
Trong thi ca, âm nhạc, hội hoạ và không
biết bao nhiêu tác phẩm văn chương, viết
và mô tả về chân dung người mẹ. Nhưng
có lẽ, không có tác phẩm nào có thể diễn đạt hay lột tả hết được tình yêu của
trái tim người mẹ!
Đối với con cái
Chúa, lòng hiếu kính cha mẹ là điều răn trọng yếu được đặt sau điều răn kính
mến Đức Chúa Trời. Kinh
Thánh Cựu Ước trong xuất Ê-díp-tô ký chép:
“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu
cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.”(Xuất 20:12)
Trong sách Lê Vi Ký cũng cho biết con
cái mắng chửi, hay đối xử tàn tệ với cha mẹ sẽ bị mang án tử hình. Người Việt Nam trên xứ sở của chúng ta không
có ngày lễ Mẹ, nhưng chắc hẳn trong trái tim của mỗi chúng ta đều hằn sâu hình
ảnh người mẹ. Tuy nhiên,
biết ơn mẹ không chỉ có một ngày, mua một bó hoa, mời một bữa ăn thịnh soạn,
nhưng biết ơn trọn cả cuộc đời.
Ngày hiền mẫu như là ngày mang ý
nghĩa của sự nhắc nhở mỗi người con đều phải có bổn phận kính trọng và yêu
thương bậc sinh thành. Từ
nghìn xưa đến nay, tình yêu của người mẹ là những bài ca bất hủ. Tình yêu bao la của người mẹ có thể ví
sánh như đại dương. Có lẽ
nhiều người trong chúng ta ở đây, cũng đã từng nghe ít nhất một lần bài hát
“Lòng Mẹ” của tác giả Y Vân:
“ Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào,
“
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
“
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
“
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.
Bài hát bất hủ này, đã vượt thời gian và vẫn còn phổ biến
cho đến ngày hôm nay cho dù bao thế hệ đã đi qua. Bài hát đã đi vào lịch sử và văn hóa
của người Việt Nam
chúng ta. Bài hát làm cho
hàng nghìn trái tim rung động; như nhắc nhớ mỗi người con ý thức được sự hy
sinh cao cả, và tình yêu mênh mông như dại dương của những người mẹ.
Đức Chúa Trời đã dựng nên người mẹ với những bổn phận, trách nhiệm cao cả và thiêng liêng không có gì sánh nổi! Người mẹ không chỉ mang nặng đẻ đau, mà còn cam chịu bao khốn khổ, mồ hôi và nước mắt để nuôi cho con đến ngày khôn lớn.
Người mẹ sớm hôm tần tảo, hy sinh cả cuộc đời mình cho con cái; có khi ngậm đắng, nuốt cay mà dường như ít ai để ý đến! Sự khó nhọc của người mẹ thường được coi như là bổn phận tất nhiên. Tuy nhiên, chắc chắn trong mỗi chúng ta hình ảnh người mẹ đã in sâu đậm trong mỗi ký ưc, khó có thể nhòa phai. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Ai đã dựng nên người mẹ? Ai đã ban cho người mẹ trái tim cao thượng ấy? Chính là Đức Chúa Trời, phải không, thưa quý ông bà anh chị em?
Khi ca tụng tình yêu của người mẹ, chúng ta không thể không nhắc đến tình yêu của Thượng Đế. Người mẹ ở thế gian này có khi vì một hoàn cảnh nào đó, có thể đem bán con mình hoặc vất bỏ trong bệnh viện sau khi sinh, hoặc cho chác, trao đổi vì món nợ không trả nổi. Còn Đức Trời, Ngài yêu thương nhân loại đến nỗi sai Con một của mình là Chúa Jesus vào đời. Ngài đã bằng lòng chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta.
Kinh
Thánh chép:
“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài; hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16)
III. Bổn Phận Của Con Cái Đối Với Người Mẹ
Để làm tròn bổn phận đạo nghĩa của đối
với bậc sinh thành, những người làm con ít nhất phải thực hiện các giềng mối
sau đây:
1. Tôn kính:
Có những người con yêu thương cha mẹ, nhưng thiếu lòng tôn kính. Lúc con nhỏ thì không bao giờ rời xa người mẹ nửa bước. Chính bầu sữa mẹ là nguồn suối yêu thương nuôi cho con khôn lớn, nên người. Những lời dạy dỗ của mẹ là hành trang để giúp những người con vào đời. Bao công khó chẳng quản ngại, bao mồ hôi nước mắt âm thầm hy sinh! Nhưng, nghiệt ngã thay, khi con khôn lớn, đủ lông đủ cánh thì bay đi. Lắm khi, lại coi thường người mẹ. Dường như thấy mẹ mình quê mùa, lạc hậu; nhất là những đứa con trưởng thành ở xứ người với nền văn hóa pha trộn và quá ư là tự do! Kính Thánh dạy:
“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi !” “Ai nấy phải tôn kính cha mẹ mình…” (Lê vi ký 19:3).
Hiếu kính là thương yêu và tôn kính . Chúa muốn chúng ta không những yêu thương mà còn phải tôn kính. Ngoài Chúa ra, không có mối quan hệ nào gần gũi và ngọt ngào hơn là mối quan hệ giữa người mẹ và con cái.
Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự sống, nhưng mẹ là người truyền sự sống đó cho chúng ta. Hơn thế nữa, mẹ phải chịu bao khó nhọc để nuôi nấng chúng ta, từ lúc sơ sinh cho đến khi khôn lớn. Công ơn của mẹ không gì ví sánh được. Kinh Thánh chép:
"Dễ thường có người đàn bà nào lại quên đứa con mình cho bú, không thương đến con trai ruột của mình sao? Dù cho có người đàn bà quên con mình, ta
cũng chẳng quên ngươi."
3. Vâng phục:
"Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu!” (Châm Ngôn 23:22)
Chúng ta không được xem thường cha mẹ khi cha mẹ già yếu; nhưng trái lại, phải yêu thương quý mến nhiều hơn vì cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho chúng ta. Trong thư gửi cho người Cô-lô-se, sứ đồ Phao Lô đã viết:
"Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa." (Cô-lô-se 3:20)
4. Phụng dưỡng:
Con cái nên quan tâm, giúp đỡ mẹ mình khi người trở nên già yếu. Thường xuyên cung cấp tiền bạc, thuốc men và những nhu cầu cần thiết. Đừng để cho mẹ mình cô đơn hay buồn tủi, nhưng phải đối xử bằng một sự chăm sóc ưu tiên, nhẹ nhàng, tinh tế trong mọi sự. Đừng dùng những lời lẽ vô tình, nặng nề với cha mẹ. Lúc về già cha mẹ thích nghe những lời nói ngọt ngào, lễ độ hơn bao giờ hết. Phao Lô khuyên dạy chúng ta:
"Hãy kính những người đàn bà goá thật là goá. Nhưng nếu bà goá có con hoặc cháu thì con cháu trước hết phải học điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp
cha mẹ, vì điều đó đẹp long Đức Chúa Trời... Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin kính.” (1Ti-mô-thê5:3-4,8).
KẾT LUẬN
Có một bà mẹ nọ vì muốn khuyến khích con nhỏ của mình chăm lo việc
nhà, nhất là những công việc nhỏ nhặt, vừa khả năng của nó; nên lúc nào cũng
thưởng cho nó một món tiền nhiều hay ít tùy công việc nặng nhọc. Lần kia, người mẹ đau nằm liệt giường,
thế là em nhỏ phải thay mẹ giúp nhiều công việc, nhưng không thấy mẹ tính thù
lao. Cuối tuần em nhỏ ghi
một cái hóa đơn với những công việc chưa được mẹ tính thù lao: Xách nước 2 đồng, nấu cơm 3 đồng, giặt
quần áo 5 đồng... Tất cả các mục tính chung một tuần là 30 đồng. Em nhỏ rón rén vào phòng dúi cái hóa
đơn vào tay mẹ. Mấy phút
sau mẹ dúi vào tay em bé 30 đồng, kèm theo một tờ hóa đơn khác trong đó
ghi: công sinh, công dạy
dỗ, công lo học hành, công thầy thuốc...10 năm chưa có mục nào thanh toán cả.
Cầm tờ giấy trong tay, em bé chợt hiểu mẹ muốn nói điều gì và em chạy vào xin
lỗi mẹ.
Ca dao Việt Nam có câu:
“ Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng
“ Con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày
Nguyện xin lời Chúa hôm nay nhắc
nhở những người con phải
hiếu thảo, thương yêu và tôn kính bậc sinh thành. Còn cha mẹ phải sống gương mẫu. Cha mẹ hay con cái đều phải khắc ghi
lời Chúa dạy:
“Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục
cha mẹ mình trong Chúa, vì đều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi ( ấy
là điều răn thứ nhất, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và
sống lâu trên đất. Hỡi các người làm
cha, chớ chọc con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa
mà nuôi nấng chúng nó.” Ê-phê-sô 6:1-4)
Thân ái kính chào quý ông bà anh chị
em trong tình yêu của Chúa Jesus.
Ms Lê Văn Thể