Vào Chúa Nhật tuần lễ thứ hai của tháng 5 năm 1910, hai năm sau Ngày Lễ Mẹ đầu tiên được tổ chức tại West Virginia, khi ngồi trong băng ghế nhà thờ Spokane, Washington dự Ngày Lễ Mẹ, bà Sonora Smart Dodd nghe nhắc đến công ơn người mẹ, chợt nhớ đến phụ thân của mình.
Sonora mồ côi mẹ nên ký ức về người cha trong lòng Sonora thật khó phai. Cha của Sonora là cụ William Jackson Smart, vốn là một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh nội chiến Hoa Kỳ. Từ giã chiến trường trở về, ông buông súng nắm tay cày làm lụng vất vả để nuôi sống gia đình. Chẳng may, vợ ông mất khi sanh đứa con út. Trong cảnh đơn chiếc, ông gắng công làm việc trong một trang trại nhỏ thuộc miền đông của tiểu bang Washington để nuôi sáu đứa con - năm trai một gái - thành người. Nhớ lại tình thương của cha, Sonora chợt liên tưởng đến bao nhiêu người cha khác khắp nơi đã hy sinh cuộc đời cho con cái nên quyết định kêu gọi thành lập một ngày để tưởng nhớ công ơn người cha.
Đề nghị tổ chức Ngày Lễ Cha của Sonora Smart Dodd nhanh chóng được hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ nhất ý kiến này là những Mục Sư trong thị trấn và Đoàn Thanh Niên Tin Lành YMCA tại Spokane. Bà Sonora đề nghị Ngày Lễ Cha đầu tiên sẽ được tổ chức vào ngày 5 tháng 6 năm đó, tức là nhằm vào ngày sinh nhật của cụ William Jackson Smart. Tuy nhiên, do thời gian chuẩn bị quá ngắn, chỉ còn có ba tuần lễ, cho nên Mục Sư quản nhiệm Hội Thánh của bà Sonora đề nghị nên dời lại thêm hai tuần. Ngày Lễ Cha đầu tiên kỷ niệm vào Chúa Nhật 19 tháng 6 năm 1910, vì Mục Sư cần thêm thời gian để chuẩn bị bài giảng cho một ngày lễ mới như vậy.
Lúc đó việc vận động thành lập Ngày Lễ Mẹ của Anna Jarvis vẫn còn nóng hổi, do đó khi báo chí toàn quốc nghe các Hội Thánh tại thành phố Spokane dự định tổ chức Ngày Lễ Cha thì tin liền được lan truyền thật nhanh. Khắp Hoa Kỳ từ đông đến tây, từ bắc xuống nam, đa số dân chúng đồng lòng hưởng ứng. Một trong những người mạnh mẽ ủng hộ ý kiến của bà Sonora Smart Dodd cho rằng quốc gia nên dành một ngày để tưởng nhớ công ơn người cha là chính trị gia William Jenning Bryan, cũng là người ủng hộ việc thành lập Ngày Lễ Mẹ, ông đã viết thư cho bà Sonora nói rằng: “Tình cha con thật sâu đậm, nồng nàn không nên để lãng quên.”
Tuy nhiên, việc Ngày Lễ Cha trở thành một quốc lễ tại Hoa Kỳ lại nhiêu khê hơn nhiều so với việc thành lập Ngày Lễ Mẹ. Lý do thật đơn giản: Tất cả các thành viên tại lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ khi ấy đều là nam giới; do đó, các ông nghĩ rằng thông qua một đạo luật để tri ân phái nam thì tự mình tâng bốc mình. Vì thế dầu cho Ngày Lễ Mẹ được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua và Tổng Thống Woodrow Wilson ký duyệt vào năm 1914, dự luật về Ngày Lễ Cha không được thông qua.
Mặc dầu Quốc Hội không thông qua, khắp nơi tại Hoa Kỳ người dân vẫn tưởng niệm Ngày Lễ Cha. Chờ mãi đến năm 1972 Quốc Hội Hoa Kỳ mới chịu thông qua, và Tổng Thống Richard Nixon nhanh chóng ký duyệt đạo luật công bố Ngày Lễ Cha trở thành một quốc lễ tại Hoa Kỳ. Hằng năm quốc gia sẽ tưởng niệm vào Chúa Nhật thứ ba trong tháng 6. Thế là sau 62 năm kiên trì, người dân Hoa Kỳ thở phào nhẹ nhỏm. Vì giờ đây, hai đấng sinh thành đã được chính phủ coi trọng như nhau. Mỗi năm, hơn 85 triệu cánh thiệp đã được bán ra trong ngày tri ân người cha. Cảm ơn Chúa, đã có người còn nghĩ đến bậc sinh thành của mình. Vì:
Đồi mô cao bằng đồi danh vọng,
Nghĩa mô trọng bằng nghĩa mẹ cha
Cảm ơn bà Sonora Smart Dodd là khi tham dự Ngày Lễ Mẹ, nghe công mẹ được ghi ơn vẫn không quên đến người cha, công ơn của cha suốt tháng ngày vì con mà âm thầm chịu bao điều khó nhọc.
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Là người đang sống tại Hoa Kỳ, chúng ta thật cảm ơn đất nước này vào tháng 6 có dành một ngày để tưởng nhớ đến tình thương yêu và công ơn của người cha mình. Nhờ phong tục tốt đẹp ấy, nên tuy bận rộn với đời sống đến mấy người ta cũng có dịp nhớ lại công cha. Vì
Con người có bố, có ông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Nên ai cũng phải chịu ơn sinh thành to lớn đối với cha, dĩ nhiên cũng đối với mẹ nữa. Ngoại trừ những trường hợp bất thường chẳng may xảy đến cho một số người, ai mà không nhận ra công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Đạo con là nghĩa vụ, lối đối xử của con cái đối với cha mẹ là đạo hiếu. Là con người thì dù lớn lên trong môi trường nào, chúng ta biết rằng con cái phải có bổn phận hiếu kính cha mẹ.
Ơn cha nghĩa mẹ nặng trìu,
Ra công báo đáp ít nhiều phận con.
Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh rằng: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:22).
Tạ ơn Chúa ngày hôm nay dù sống giữa xã hội Tây phương này, một xã hội mà vì đã lạm dụng quá trớn quyền tự do cá nhân của mình, nên trong gia đình hầu như không còn nền tảng nào vững chắc đủ để người ta bấu víu vào đó hầu xây dựng một gia đình có tôn ti trật tự được. Vợ chồng không còn nghe nhau, con cái không còn vâng lời cha mẹ nữa. Dẫu vậy, vẫn có những người còn biết hiếu kính mẹ cha, vẫn còn suy nghĩ đến câu:
Mẹ cha là biển là trời,
Làm sao con dám cãi lời mẹ cha.
Hiếu kính cha mẹ là biết làm hài lòng cha mẹ không những bằng cách đối xử, mà ngay cả bằng sự biết vâng lời trong những điều hay lẽ phải nên thực hiện trong cuộc sống, vì:
Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
Hiếu kính còn là sự biểu tỏ tình cảm thương yêu sâu đậm, cũng như lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ. Người có hiếu với cha mẹ chắc chắn sẽ được tôn trọng, vì nếu cha mẹ là bậc sinh thành mà mình không hiếu thảo thì thử ai trong trần thế này mình có thể tỏ lòng biết ơn? Do đó, hiếu thảo là điều nên ghi nhớ nằm lòng của mỗi người. Bởi vậy để khuyến khích con cái hiếu thảo với cha mẹ, người đời có câu:
Con không hiếu kính mẹ cha,
Bàn dân thiên hạ người ta chê cười.
Hiếu kinh cha mẹ là việc mà mỗi người con phải làm, nhưng nhiều khi phải lớn khôn đủ rồi mới hiểu. Nhiều khi phải cần đến hoàn cảnh, thời gian để nhắc nhở chúng ta về công ơn lớn lao của bậc sinh thành, chứ thường thì con cái ít khi nhận thức được. Chính vì lòng thương mà cha mẹ phải khó khăn trăm điều. Vì muốn cho con hay, con giỏi, muốn bồi đắp cho con cái hơn lên, nên trong việc dạy dỗ, cha mẹ tận dụng hết khả năng của mình đến độ đôi khi cứng rắn tập tành cho con những thói quen, lối sống tốt lành. Vậy mà nhiều trường hợp con cái không biết, cho đến khi lớn khôn, tới lượt mình làm cha làm mẹ mới nhận ra.
Nuôi con mới biết sự tình,
Thảm thương cha mẹ nuôi mình khi xưa.
Thật vậy, bây giờ có con rồi tôi thấy thương cha mẹ hơn. Là con út, sinh trong một gia đình chẳng may bị mất mẹ sớm. Lúc ấy dù còn rất nhỏ tôi vẫn nhớ, là vào một đêm khuya ba đưa tôi vào phòng mẹ đang nằm trong bệnh viện Phan Thiết, và bảo là con hãy vuốt mắt mẹ đi để cho mẹ ngủ! Trong cái trí hiểu bé thơ của mình tôi tưởng chừng là mẹ ngủ thôi, không ngờ rằng ấy là lần cuối tôi vuốt mắt mẹ để rồi ngàn đời không thấy nữa. Vì sau bao nhiêu năm sống cảnh đời, giờ là lần cuối cùng mẹ nhắm mắt để đi vào thế giới bên kia. Một thế giới mà không có ba và tôi trong đó, mặc dù mẹ rất thương yêu tôi. Từ đó tôi sống với ba. Ba của tôi xưa nay đóng vai trò của một người chồng, người cha, giờ lại thêm vai của một người mẹ trong cảnh “gà trống nuôi con.” Và quý vị biết không, ba tôi đã thật sự sống đúng vai trò đó! Đêm đêm tôi nằm với ba, ngủ trên manh chiếu nơi chỗ mà xưa kia mẹ nằm. Nhớ những lúc trở trời đau bệnh, ba thay mẹ chăm nom. Khi buồn đau thương nhớ, ba thay mẹ vỗ về. Ba chịu cực, chịu khổ, ba hy sinh không một lời than vãn.
Nên câu nói “Công ơn cha mẹ bằng trời bằng bể” không ngoa chút nào, bởi dù cho có trời sập ở đâu, biển động chốn nào cũng không ảnh hưởng đến cha mẹ bằng chuyện nhỏ nhặt liên hệ đến con cái. Thế mới có câu:
Công cha trọng lắm anh ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời, mang nặng đẻ đau.
Mang nặng đẻ đau đã to tát, mà nuôi nấng chăm nom từ tấm bé cho tới lúc lớn khôn lại còn lớn lao hơn, vì không phải là công lao của một ngày một buổi mà từ năm này qua năm khác. Rồi sao cho con mình cũng được như con người, không bị thua sút từ manh quần tấm áo đến học hành chữ nghĩa. Chẳng những thế, lo lắng giáo dục sao cho con nên người lại là cả vấn đề lao tâm khổ não.
Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người, có nam có nữ và qua đó mà có chúng ta. Vậy nên con người có cha và có mẹ, trong việc dạy dỗ nuôi nấng con cái cũng vậy, công cha nghĩa mẹ đông đầy như nhau.
Ơn cha nặng lắm ai ơi,
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.
Trong gia đình có cha lẫn mẹ, nên là con chúng ta phải hiếu kính cả hai, vai trò của người cha cũng quan trọng như chức năng của mẹ trong sự nuôi dạy con cái. Tục ngữ Việt Nam có câu:
Mẹ dạy thì con khéo,
Cha dạy thì con khôn.
Người nào sinh trưởng trong gia đình có được người cha nhân từ và người mẹ hiền đức thì không có phước nào sánh bằng. Trong khi mẹ nuôi dưỡng con trong tình yêu, người cha dạy con trong kỷ luật. Cần sự quân bình giữa tình yêu và kỷ luật để đứa trẻ có thể phát triển thành một con người cân bằng về tâm trí.
Khi con ra đời, con là niềm vui của mẹ. Tình thương của mẹ dịu dàng, đầm ấm. Khi con chập chững biết đi mẹ nhìn không nói, nhưng từ trong sâu thẳm ánh mắt mẹ hiền long lanh dòng lệ vui mừng. Đối với con tình thương của cha luôn giấu kín, và đôi khi tiềm ẩn trong lời nói nghiêm nghị. Mẹ là tình cảm, cha là lý trí. Mẹ mềm lòng, cha phải giữ kỷ cương. Mẹ “chín bỏ làm mười,” cha phải “cầm cân nảy mực.” Tình thương của cha luôn được thể hiện qua sự giáo dục nghiêm khắc, có được sự giáo dục của cha người con mới có đủ điều kiện để trau dồi cho mình một nhân cách vững vàng, hầu có thể đối diện và vượt qua bao sóng gió của cuộc đời.
Truyện kể về một người một hôm phạm lỗi bị cha đánh, ông khóc tức tưởi hơn mọi lần. Được chahỏi: “Lần này cha đánh ít mà sao con khóc nhiều thế?” Ông thưa: “Thưa ba, những lần trước ba đánh con mạnh, con khóc vì đau. Lần này ba đánh con ít, ngọn roi nhẹ tuy ít đau nhưng con biết sức ba đã yếu, nên nghĩ vậy mà con đau lòng.”
Vì vậy mà “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình” như lời Sứ đồ Phao-lô bảo trong Ê-phê-sô 6:1,“vì điều đó là phải lắm.” Hãy tôn kính cả cha lẫn mẹ, vì không biết được bao giờ cha mẹ khuất. Trong Ngày Lễ Cha này, ước mong tất cả chúng ta có thể sống trong “phụ tử tình thâm” nếu không được với người cha xác thịt thì cũng được với Người Cha Thiên Thượng!
Mục Sư Ức Chiến Thắng