Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

SỐNG TRONG MỐI TƯƠNG GIAO CỦA SỰ SỐNG


Một khi tin vào Chúa, chúng ta có sự liên hiệp với Ngài trong sự sống. Sau đó sự sống này đem chúng ta vào trong mối tương giao của sự sống mà trong đó chúng ta phải sống, tương giao với Đức Chúa Trời và chia sẻ mọi sự phong phú của Ngài. Chúng ta nên biết điều này, chú ý đến điều này và thực hành điều này ngay sau khi được cứu.
I. MỐI TƯƠNG GIAO CỦA SỰ SỐNG
1) “... chúng tôi... truyền cho anh em sự sống ấy, tức là sự sống đời đời... hầu cho anh em cũng được tương giao với chúng tôi. Thật, chúng tôi vẫn được tương giao với Cha và với Con Ngài là Giê-su Christ” (1 Giăng 1:2-3).
Một khi tin vào Chúa và nhận lãnh sự sống đời đời, là điều được thuật lại cho chúng ta, sự sống đời đời đem đến cho chúng ta mối tương giao của sự sống, dòng chảy của sự sống, để có thể có sự tương giao, có một dòng chảy giữa chúng ta và Đức Chúa Trời. Mối tương giao này mang chính Đức Chúa Trời và mọi sự phong phú của Ngài vào trong chúng ta để chúng ta dự phần và nhận lãnh.

II. HAI PHƯƠNG DIỆN
TRONG SỰ TƯƠNG GIAO CỦA SỰ SỐNG
1) Có sự tương giao với các sứ đồ và với hội-thánh, mà họ đại diện — “... chúng tôi... truyền cho anh em sự sống ấy, tức là sự sống đời đời... hầu cho anh em cũng được tương giao với chúng tôi [tức các sứ đồ]” (1 Giăng 1:2-3).
Mối tương giao mà chúng ta có nhờ sự sống đời đời của Đức Chúa Trời vào trong chúng ta thì gồm hai phương diện. Về một phương diện, chúng ta có mối tương giao với các sứ đồ và với hội-thánh, mà các sứ đồ là đại diện (1 Côr. 12:28); đó là chúng ta có mối tương giao với mọi người sở hữu sự sống của Đức Chúa Trời. Về phương diện khác, chúng ta có mối tương giao với Đức Chúa Trời và với Chúa. Phương diện tương giao của chúng ta với tất cả những ai có sự sống của Đức Chúa Trời được gọi là mối tương giao của các sứ đồ (Công 2:41-42). Tất cả những ai đã tin vào Chúa để có sự sống của Đức Chúa Trời đều dự phần vào mối tương giao này. Sự sống của Chúa được các sứ đồ thuật lại cho những người tin vào Chúa để họ có thể trở thành hội-thánh, tức Thân Thể của Chúa, và các sứ đồ là đại diện của hội-thánh, mà hội-thánh ấy được hiện hữu nhờ sự sống của Chúa. Như vậy, sự tương giao của sự sống trong hội-thánh được gọi là sự tương giao của các sứ đồ. Khi có sự tương giao với các sứ đồ, chúng ta có sự tương giao với hội-thánh.
2) Có Mối Tương Giao Với Đức Chúa Trời Và Với Chúa Giê-su — “Hầu cho anh em cũng được tương giao với chúng tôi. Thật, chúng tôi vẫn được tương giao với Cha và với Con Ngài là Giê-su Christ” (1 Giăng 1:3).
Phương diện tương giao khác của chúng ta trong sự sống Chúa là sự tương giao của chúng ta với Cha và với Con Ngài là Giê-su Christ. Mối tương giao của sự sống này thuộc về sự sống, là sự sống của Đức Chúa Trời. Sự sống ấy cũng là Con Đức Chúa Trời, là chính Chúa Giê-su. Do đó, sự tương giao của sự sống này làm cho chúng ta có thể có sự tương giao không những với những người sở hữu sự sống của Đức Chúa Trời cách liên kết với nhau mà cũng với Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su. Trong mối tương giao của sự sống này, có một sự tương giao hỗ tương và dòng chảy giữa chúng ta với Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su, và giữa chúng ta với tất cả các tín đồ. Tất cả các cánh này liên kết với nhau dự phần trong Đức Chúa Trời Tam Nhất và trong hội-thánh, là cơ cấu hữu cơ của Ngài, nhờ đó dự phần trong nhau cách hỗ tương.
III. PHƯƠNG TIỆN CỦA SỰ TƯƠNG GIAO
CỦA SỰ SỐNG — THÁNH LINH
1) “Sự cảm thông [hay sự tương giao] của Thánh Linh” (2 Cô-rin-tô 13:14).
Vì sự sống của Chúa ở trong Thánh Linh và đã vào trong chúng ta qua Thánh Linh để ở trong chúng ta, mối tương giao của chúng ta trong sự sống của Chúa là nhờ Thánh Linh. Vì vậy, sự tương giao này cũng được gọi là sự tương giao của Thánh Linh. Trong sự sống của Chúa, sự tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời và Chúa, và sự tương giao của chúng ta với hội-thánh hay các thánh đồ thì ở trong và nhờ phương tiện là Thánh Linh.
IV. MỘT TÊN GỌI KHÁC CỦA SỰ TƯƠNG GIAO
CỦA SỰ SỐNG — CỨ Ở TRONG CHÚA
1) “Theo như ơn ấy [tức sự xức dầu] đã dạy các con thể nào, thì hãy cứ ở trong Ngài [tức Chúa] thể ấy” (1 Giăng 2:27); “Hãy cứ ở trong Ta [tức Chúa]... Vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được” (Giăng 15:4-5).
Là các nhánh của Chúa, tức cây nho, chúng ta phải cứ ở trong Chúa và không phân rẽ khỏi Ngài. Như vậy, cứ ở trong Chúa là có sự tương giao với Chúa để thực hành mối tương giao của sự sống của Chúa, hấp thụ tất cả sự phong phú của Chúa như các nhánh hấp thụ sự cung ứng từ cây nho.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA MỘT TÍN ĐỒ
ĐỐI VỚI SỰ TƯƠNG GIAO CỦA SỰ SỐNG
1) Cứ bền lòng — “Cứ bền lòng trong sự... tương giao” (Công-vụ 2:42).
Một khi tiếp nhận sự sống của Chúa, chúng ta vào trong mối tương giao của sự sống Ngài. Từ đó về sau, chúng ta nên tiếp tục kiên trì trong mối tương giao của sự sống này.
2) Vâng theo sự dạy dỗ của sự xức dầu — “Theo như ơn ấy [tức sự xức dầu] đã dạy các con thể nào, thì hãy cứ ở trong Ngài [tức Chúa] thể ấy” (1 Giăng 2:27).
Để tiếp tục kiên trì trong sự tương giao của sự sống, chúng ta phải cứ ở trong Chúa như đã được sự xức dầu dạy dỗ, và chúng ta phải vâng theo sự dạy dỗ của sự xức dầu.
3) Bước đi trong sự sáng — “Nhưng nếu chúng ta ăn ở trong sự sáng, như Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta tương giao với nhau” (1 Giăng 1:7).
Sự tương giao của sự sống Chúa đem chúng ta vào trong ánh sáng của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải bước đi trong ánh sáng này để có được sự tương giao với Đức Chúa Trời và Chúa, cùng với tất cả các thánh đồ, và để chúng ta có thể duy trì mối tương giao của sự sống Chúa.
4) Xưng nhận tội lỗi của mình — “Nhưng nếu chúng ta ăn ở trong sự sáng... chúng ta tương giao với nhau, và huyết của Giê-su Con Ngài [tức Đức Chúa Trời] làm sạch mọi tội chúng ta... Còn nếu chúng ta thừa nhận tội mình, thì Ngài [tức Đức Chúa Trời] là thành tín công nghĩa, ắt tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch...” (1 Giăng 1:7-9).
Nếu chúng ta sống trong mối tương giao của sự sống Chúa, ánh sáng của sự sống Chúa bên trong sẽ chỉ cho chúng ta thấy tội lỗi mình trong mối tương giao của sự sống Ngài. Chúng ta sẽ cảm biết tội lỗi mình, xưng ra với Đức Chúa Trời, khi ấy Ngài sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính để chúng ta có thể sống trong mối tương giao của sự sống Ngài cách sâu xa hơn.
Bốn điều trên là trách nhiệm của chúng ta đối với mối tương giao của sự sống.
VI. KẾT QUẢ MỐI TƯƠNG GIAO CỦA SỰ SỐNG
1) Nhận được ánh sáng của Đức Chúa Trời — “Đức Chúa Trời là sự sáng... Ví bằng chúng ta nói mình được tương giao với Ngài... nếu chúng ta ăn ở trong sự sáng, như Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta tương giao với nhau” (1 Giăng 1:5-7).
Lời này cho thấy khi chúng ta tương giao với Đức Chúa Trời, tức là sự sáng, chúng ta chắc chắn sẽ nhận được sự sáng của Đức Chúa Trời và bước đi trong đó để có được mối tương giao không gián đoạn với nhau.
2) Được tẩy sạch nhờ huyết Chúa — “Nhưng nếu chúng ta ăn ở trong sự sáng, như Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta tương giao với nhau, và huyết của Giê-su Con Ngài làm sạch mọi tội chúng ta” (1 Giăng 1:7).
Khi chúng ta được ánh sáng sự sống của Chúa soi sáng trong mối tương giao của sự sống, và do đó nhận biết tội lỗi mình và xưng ra với Đức Chúa Trời, chúng ta được huyết Chúa tẩy sạch.
3) Có Chúa cứ ở trong chúng ta — “Ai cứ ở trong Ta, và Ta ở trong họ...”(Giăng 15:5).
Khi cứ ở trong Chúa để tương giao với Ngài, chúng ta có Chúa cứ ở trong chúng ta là sự sống mà chúng ta vui hưởng.
4) Kết nhiều quả để tôn vinh Đức Chúa Trời — “Ai cứ ở trong Ta, và Ta ở trong họ, thì nấy kết quả nhiều” (Giăng 15:5); “Cha Ta được tôn vinh, ấy là tại các ngươi kết quả nhiều...” (Giăng 15:8).
Khi cứ ở trong Chúa như những nhánh trong Chúa, là cây nho, và có dòng chảy không gián đoạn với Ngài, chúng ta nhận được sự cung ứng nhựa cây phong phú từ Ngài là cây nho và kết quả nhiều để Cha được tôn vinh.
Bốn điều trên là kết quả việc chúng ta sống trong mối tương giao của sự sống Chúa.
VII. PHÁ VỠ MỐI TƯƠNG GIAO TRONG SỰ SỐNG
1) Mối quan hệ sự sống giữa các tín đồ và Đức Chúa Trời đời đời không bị cắt đứt — “Nó hẳn chẳng hư mất bao giờ, chẳng ai có thể giựt nó khỏi tay Cha Ta”(Giăng 10:28-29).
Mối quan hệ sự sống giữa các tín đồ và Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ bị cắt đứt, vì họ đã nhận lãnh sự sống đời đời từ Đức Chúa Trời, là sự sống khiến cho họ không bao giờ bị diệt vong. Hơn nữa, vì tay của Đức Chúa Trời là toàn năng, không điều gì có thể cướp họ khỏi tay Ngài.
2) Mối tương giao của sự sống giữa các tín đồ và Đức Chúa Trời có thể bị phá vỡ — “Nhưng nếu chúng ta ăn ở trong sự sáng, như Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta tương giao với nhau” (1 Giăng 1:7).
Từ ngữ “nếu” trong câu này cho thấy mối tương giao của sự sống giữa chúng ta và Đức Chúa Trời có thể bị gián đoạn. Nếu bước đi trong ánh sáng của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ sống trong mối tương giao của sự sống của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, vì thường không sống trong ánh sáng của Đức Chúa Trời, thường không vâng lời và phạm tội, nên chúng ta thường mất mối tương giao của sự sống Đức Chúa Trời, do đó làm cho mối tương giao ấy bị gián đoạn.
VIII. PHỤC HỒI MỐI TƯƠNG GIAO CỦA SỰ SỐNG
1) Nhờ xưng nhận tội lỗi — “Nếu chúng ta thừa nhận tội mình, thì Ngài [tức Đức Chúa Trời] là thành tín công nghĩa [hay công chính], ắt tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi sự bất nghĩa [hay bất chính]” (1 Giăng 1:9, 7).
Tạ ơn Đức Chúa Trời vì mặc dầu mối tương giao sự sống với Ngài có thể bị gián đoạn, nhưng cũng có thể được phục hồi. Nếu chúng ta bằng lòng xưng nhận tội lỗi mình với Đức Chúa Trời theo sự soi sáng của Ngài, Ngài sẽ tha thứ chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi mình. Đó là theo sự thành tín của Ngài dựa trên lời Ngài và theo sự công chính của Ngài vì huyết Chúa để mối tương giao sự sống với Ngài được phục hồi.
IX. MỐI TƯƠNG GIAO CỦA SỰ SỐNG
CẦN ĐƯỢC DUY TRÌ BỞI CẢM NHẬN CỦA SỰ SỐNG
1) Sự sống của Chúa trong chúng ta không những chỉ có sự tương giao của sự sống mà còn có cảm nhận của sự sống. Cảm nhận của sự sống này là dành cho mối tương giao của sự sống. Mối tương giao của sự sống được duy trì trong cảm nhận của sự sống. Khi nào chúng ta không để ý đến cảm nhận của sự sống, mối tương giao của sự sống bị gián đoạn và mất đi, do đó cảm nhận của sự sống trở nên không còn nhạy bén nữa.
2) Nếu chúng ta quan tâm trở lại và vâng phục cảm nhận sự sống không còn nhạy bén này, mối tương giao của sự sống sẽ được phục hồi, thậm chí được làm cho sâu xa hơn, và cảm nhận của sự sống cũng sẽ nhạy bén hơn. Hai điều này — cảm nhận của sự sống và mối tương giao của sự sống — ảnh hưởng lẫn nhau theo một chu kỳ liên tục, làm cho các tín đồ lớn lên trong sự sống.
X. HIỂM HỌA CỦA TÍN ĐỒ KHÔNG SỐNG
TRONG MỐI TƯƠNG GIAO CỦA SỰ SỐNG
1) Mất sự cung ứng và chức năng của sự sống, phải chịu mất mát — “Hễ nhánh nào trong Ta [tức Chúa] không kết quả thì Ngài [tức Đức Chúa Trời] chặt đi” (Giăng 15:2); “Nếu ai chẳng cứ ở trong Ta, thì bị ném ra như nhánh kia, khô héo, rồi người ta lượm lấy, quăng vào lửa mà đốt đi” (Giăng 15:6).
Là nhánh của Chúa, tức cây nho, nếu một người được cứu mà không kết quả, người ấy sẽ bị cắt bỏ. Lý do người ấy không kết quả là vì không cứ ở trong Chúa, trong mối tương giao của sự sống. Như vậy, người ấy bị cắt bỏ, ném ra, khô đi, bị lượm lấy, quăng vào lửa và đốt đi. Nếu chúng ta không cứ ở trong Chúa và sống trong mối tương giao của sự sống Ngài, chúng ta sẽ có hiểm họa bị cắt đứt khỏi Chúa, mất sự cung ứng và chức năng, và do đó phải bị thiệt hại. Tuy nhiên, đó không phải là bị diệt vong, mà là bị thiệt hại, bị phạt (1 Côr. 3:15), vì ở đây, Chúa không nói về những điều kiện để được cứu, mà Ngài đang nói về những điều kiện để kết quả.
2) Sợ hãi và xấu hổ — “Hãy cứ ở trong Ngài [tức Chúa], hầu cho nếu Ngài hiển hiện thì chúng ta được dạn dĩ, không đến đỗi hổ thẹn ở trước mặt Ngài lúc Ngài hiện đến” (1 Giăng 2:28).
Nếu cứ ở trong Chúa và tương giao với Ngài, tự phát chúng ta bước đi trước mặt Chúa và sống trong ý muốn Ngài. Điều này sẽ làm cho chúng ta dạn dĩ và không bị hổ thẹn khi Chúa đến. Nếu không, khi thấy Ngài, chúng ta sẽ sợ hãi và hổ thẹn, và bị phân rẽ khỏi sự hiện diện của Ngài. Hiểm họa ấy cảnh cáo chúng ta rằng chúng ta phải sống trong mối tương giao của sự sống Chúa.

WITNESS LEE