Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Chuyện Gia đình




Em đang rất buồn và không biết phải giải quyết chuyện gia đình mình như thế nào. Em viết thư này để kính mong mọi người tư vấn giúp em để em có thể có quyết định đúng đắn.

Em đã kết hôn được hơn ba năm và có một cháu trai hơn hai tuổi. Tuy nhiên vợ chồng em sống không có hạnh phúc, chồng em đã bỏ nhà đi đến nay hơn 4 tháng và hình như không có ý định quay về.


Em xin kể ra đây toàn bộ câu chuyện của gia đình em. Chồng em là một trưởng phòng kinh doanh, còn em thì ở nhà nội trợ và mới chỉ tìm được việc làm 2 tháng nay. Trước đây em nghi ngờ chồng em hay đi với gái làm tiền, vì đôi khi em giặt đồ cho anh ấy em thấy có dính rất nhiều tinh trùng đã khô trên quần nhỏ, gặng hỏi thì anh ta chối bay chối biến, nên hai vợ chồng rất hay cãi nhau, và anh ta cũng đã bỏ nhà đi mấy lần rồi, nhưng em cũng đến và anh ấy làm hòa rồi về lại với em (xin nói thêm là em là con một, nên hai vợ chồng em hiện sống chung với ba mẹ ruột của em, còn anh ấy trước khi lấy em có xây một căn nhà, bây giờ hai em trai chưa vợ của anh ấy đang ở đó, mỗi lần anh ấy bỏ nhà đi là về sống với hai em trai).

Cách đây 4 tháng, em nói dối với anh ấy là em bị bệnh lậu để xem phản ứng anh
ta như thế nào. Và anh ta tỏ ra rất lo sợ, em bảo anh ta đưa nước tiểu cho em đi xét nghiệm thử, anh ta tin và đưa cho em đi xét nghiệm, em làm một giấy kết quả xét nghiệm giả và bảo anh ta là anh ta đã bị mắc bệnh lậu, anh ta xin lỗi em và thừa nhận có đi với cave, rồi anh ta với em đi đến phòng xét nghiệm HIV để kiểm tra, nhưng không sao cả. Bọn em chưa làm lành lại, thì hôm đó nhà em có đám giỗ, mời rất nhiều khách, hôm đó bạn bè anh ta gọi điện rủ đi nhậu nhân ngày lễ, anh ta không ở nhà mà đòi đi nhậu với bạn, em không cho anh ta đi, anh ta đòi đánh em. Mẹ em thấy thế bảo với anh ta là nhà có đám giỗ nên nói anh ta ở nhà, nhưng anh ta bảo là hứa với bạn rồi nên không ở nhà được, vậy là anh ta bỏ đi và không chào ai cả. Anh ta đi đến chiều mới về, và vào phòng ngủ luôn. Sáng hôm sau dậy đi làm cũng không thèm nói với em, tối anh ta không về nhà mà tin cho em là anh ta lên ở với em anh ta mấy ngày vì thấy ngột ngạt. Em không nói lại. 1 tuần sau anh ta gọi điện cho em, 5, 6 cuộc gì đó nhưng em không nghe máy. Anh ta để lại lời nhắn (lời văn rất trống rỗng) là 2 ngày nữa đám giỗ ba anh ta, em có về thì về. Nhưng em không nhắn gì lại cả. Quê anh ta ở Bình Định, còn hiện tại bọn em đang ở Đà Nẵng. Hôm đám giỗ em có về, nhưng về muộn, do em bận việc. Và em đã kể chuyện bọn em cho mẹ anh ta biết. Sau đó 2 ngày anh ta nhắn tin là em về "mắng vốn" anh ta, và anh ta đòi ly hôn, nhưng em không nói gì. Sau đó anh ta cắt tiền lương không đưa cho em và nhắn tin đòi ly hôn. Em cũng im lặng và không nói gì. Hiện tại em đã tìm được việc làm.



Sau 4 tháng, hôm chủ nhật em đem con lên với anh ta, anh ta cũng chăm sóc nó, nhưng anh ta cũng không nói gì với em. Sau đó thứ hai em cho con đi nhà trẻ như bình thường, chiều em gọi điện nói anh ta đón con dùm nhưng anh ta không đón và nói là bận đi học (HÌNH NHƯ ANH TA VỪA MỚI ĐĂNG KÝ HỌC THÊM BUỔI TỐI). Sau đó em không đem con lên với anh ta nữa. Anh ta cũng không thèm quan tâm con em học ở trường nào, anh ta biết nó bị ốm nhưng cũng chẳng gọi điện hỏi thăm.


Em không biết giờ phải làm sao. Nhờ mọi người tư vấn giúp em. Em rất mong tin hồi đáp.


Loan
Trả lời:
Cô Loan mến,
Trước hết xin chúc mừng cô đã tìm được việc làm. Giữa mọi khó khăn cần phải vượt qua lúc này, đó là cô hãy can đảm và tỏ ra tự tin hơn để giữ được việc làm của mình, đồng thời bình tĩnh, hiểu biết, và trưởng thành để giải quyết những bất hòa trong đời sống hôn nhân giữa vợ chồng.  
Chuyện gia đình của cô như vậy đã kéo dài từ lâu và xem chừng như một vòng luẩn quẩn mà hầu hết các gia đình đều mắc phải: giận hờn. Van xin. Tha thứ. Tái phạm. Gọi là cái vòng luẩn quẩn vì xem như đó là cái giá cho những hy sinh, chịu đựng của tình yêu. Nhưng ngược lại, nó cũng là lý do mà nhiều kẻ vô tình hay hữu ý cứ vịn vào đó để làm khổ nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần phải khôn ngoan, tế nhị, và mạnh dạn để đối đầu và giải quyết.
Trở lại câu truyện mà cô vừa kể - chỉ là từ phía của cô - thì nét nổi cộm là “tính ghen tương” của cô, tính “trăng hoa” của chồng cô, và một số nguyên nhân phụ thuộc đến từ bên ngoài .  Nhưng lý do nào khiến cho chồng cô trăng hoa và lý do nào làm cho cô trở thành “ghen” như vậy thì là điều mà có lẽ cô nên bình tâm suy nghĩ. Sau đây là mấy ý tưởng hy vọng sẽ soi sáng cho vấn đề của cô:
1.Ghen tương:
Ca dao Việt Nam có câu:  
“Ớt nào là ớt chẳng cay.
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng!”
So sánh tính cay của ớt với tính ghen của người đàn bà, con gái, cha ông mình muốn nói lên cái bản tính, cái cốt lõi của một thực tế. Nói nôm na là: Hễ đã là ớt thì phải cay. Và hễ đã là đàn bà, con gái thì phải biết ghen. Nói như vậy cũng không có nghĩa là đàn ông con trai không biết ghen và không ghen. Muốn biết đàn ông con trai có ghen hay không cứ thử khoác tay một anh chàng nào lượn qua lượn lại trước mắt chồng hay bạn trai của mình giữa phố xá đông người, hoặc ngồi cận kề bên nhau trên một ghế đá công viên nào đó thì biết liền.
Trở lại lý do ghen. Có nhiều lý do đưa đến tình trạng ghen: Vì tự ty mặc cảm. Vì quá yêu. Và vì tâm bệnh.
-Tự ty mặc cảm: Ghen vì tự ty mặc cảmlà loại ghen thường thấy nhất của nhiều phụ nữ. Nó phát xuất từ ý nghĩ, từ mặc cảm cho rằng mình thua kém người khác, không đẹp hoặc không giỏi giang bằng người khác. Tâm thức này nẩy sinh thái độ nghi ngờ, khó chịu, nhạy cảm với mọi giao tiếp, mọi vấn đề liên quan giữa chồng mình với bất cứ người nào. Luôn luôn phập phồng, lo sợ có ai đó cuỗm mất chồng mình. Những hành động theo dõi, dò hỏi, và rình rập này thường kết thúc bằng cãi vã, giận hờn…  


 -Vì quá yêu: Loại ghen này thường thấy nơi lớp người trẻ. Yêu mãnh liệt, yêu cuồng sy, yêu lãng mạn, và yêu một cách dục vọng. Nó phát hiện ở thời gian đầu khi hai người mới quen nhau và yêu nhau. Ở vào thời gian này, vì gắn liền tình cảm với ý nghĩ chiếm đoạt, ích kỷ không muốn chia sẻ với bất cứ ai, nên nhiều cô ghen dữ dội. Những cuộc tranh chấp hoặc giết nhau giữa các tình địch thường thấy trong tình trường ở thời điểm này. Cũng vì lý do ghen, nhiều cô thay vì giữ được chồng, giữ được người yêu lại làm cho chồng hay người yêu hoảng sợ mà bỏ chạy.

-Vì tâm bệnh:
 Đây là một hình thức tâm bệnh. Ghen vượt quá tình cảm và lý trí đi vào tâm tưởng tạo nên hoang tưởng, ảo tưởng, ảo giác. Trong đầu óc luôn luôn tưởng tượng ra những lý do ghen tương mà thực tế không hề xảy ra đối với chồng, hay người yêu. Kết quả là bất cứ một lời nào, hành động nào dù rất vô tình và nhỏ mọn cũng có thể là nguyên nhân cho những cãi vã, những phẫn nộ và giận hờn. Nhiều ông bị vợ nghi ngờ, dò xét, và canh chừng mọi nơi, mọi lúc khiến phải trốn chạy trước những cơn ghen kiểu này. Ghen kiểu này không những làm mất đi ý nghĩa tình yêu, mất đi giá trị của hạnh phúc, mà còn khiến cho người trong cuộc cảm thấy hoang mang, sợ hãi và mất bình an.
Để giữ được cái bản chất của người phụ nữ, thì ghen một chút cho hồng hồng đôi má, cho tăng vẻ mặn mà dễ yêu và thêm sức hấp dẫn là điều nên làm. Nhưng ghen quá thường làm cho người yêu mất tin tưởng, tạo sự nghi ngờ về tính chất yêu thương và thái độ trưởng thành của một người.  
2.Trăng hoa: Nhà thơ Non Côi Sông Vị đã kể ra ba cái thú hay đúng ra là ba cái tật của ông:
“Một trà, một rượu, một đàn bà.
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.”
Nhưng rồi cũng chính ông tự thú:
“Chừa được thứ nào hay thứ nấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà.”
Đây là cái tật chung của mọi người đàn ông con trai.
Nói như vậy không có nghĩa là mọi đàn ông, con trai tất cả đều như thế, nhưng trong thực tế, ít nhiều và dưới hình thức này hay hình thức khác, ít ai cưỡng được những thôi thúc và cám dỗ thầm kín này. Riêng với cái nhìn phân tâm học, thì tình dục là một trong những lý do đưa đến tâm bệnh. Do đó, nó được coi như một nhu cầu và một bản năng rất tự nhiên của con người.
Căn cứ vào những gì cô Loan trình bày, thì chồng cô cũng đang bị quấy nhiễu bởi ba cái lăng nhăng đó. Nhưng câu hỏi ở đây là tại sao? Ai là người đã tạo ra cái nông nỗi ấy?!!!
Nếu trước khi cưới nhau anh không có. Nếu sau khi cưới nhau thời gian đầu anh không có nhưng nay lại có, thì câu hỏi nữa được đặt ra là có phải vì bằng cách này hay cách khác, cô đã không thỏa mãn được cái đòi hỏi chính đáng của chồng cô cũng như cô không làm cho quân bình cái bản năng đó nơi chồng cô hay không? Nếu cô trả lời là “có”. Đời sống tình dục vợ chồng tôi lâu nay thưa thớt, hoặc tôi chỉ hành động vì bất đắc dĩ, thì vấn đề nó nằm ở chỗ đó. Và cái lý do ghen tức cũng tại chỗ đó.
Giải quyết ổn thỏa được điểm then chốt này, cô sẽ không bị nhức đầu vì ghen, và chồng cô cũng chẳng bỏ nhà đi đâu nữa. Theo ông bà đã nói, và cũng phù hợp với những điểm tâm lý ứng dụng:
“Đói thì thèm thịt, thèm xôi.
Hễ no cơm tẻ thì thôi mọi bề.”
Nên lưu ý là nhiều người trở thành “ăn vụng” vì bị “bỏ đói” lâu quá. Nhưng khổ nỗi, sau khi đã ăn vụng một lần rồi, thì nó dễ thành “nghiện”!!!

3. Những nguyên nhân phụ thuộc:

Ngoài tính ghen tương, thói trăng hoa của hai người mà tôi vừa trình bày, vấn nạn của cô còn giăng mắc vào một số nguyên nhân phục thuộc như:
-Thiếu trung thực trong cách đối xử: Cô đã dùng những phương tiện và chứng từ thiếu trung thực để dò xét và bắt bí chồng. Hành động này là một hành động rất hạ cấp và rất dễ gây hiểu lầm. Kết quả có thể khiến đôi bên trở nên thù ghét nhau, mất tin tưởng nơi nhau. Vậy nếu chồng cô sau này vô tình biết được việc làm của cô, cô nên thành thật, nhẹ nhàng xin lỗi và giải thích sao cho hợp tình, hợp lý. Nếu may mắn chồng cô không biết, thì hãy để lịch sử sang trang, và coi đây như một bài học, không nên áp dụng nữa.
-Thiếu hòa giải và thông cảm: Những cuộc cãi vã chứng tỏ giữa cô và chồng cô thiếu sự hiểu biết, tôn trọng, và tương kính nhau. Vợ chồng không ai nghe nhau, không ai nói được với nhau. Ai cũng muốn dùng cái tôi của mình để đè bẹp cái tôi của người khác. Kết quả không ai biết mình là ai, nói năng như thế nào và đang ở vị trí nào.
Bầu khí “ngột ngạt” như chồng chị nói cũng có thể đến từ không gian mà hằng ngày anh ấy phải va chạm: với cô, với bố mẹ cô. Có bao giờ cô nghĩ đến một người “trưởng phòng” trong tư thế một người “ở rể” trong gia đình cô không? Cô hãy nghĩ đến tự ái của người đàn ông trong trường hợp này.


-Hậu quả kéo dài của giận hờn: Thông thường, vợ chồng không nên giận nhau qua đêm. Trường hợp của vợ chồng cô đã kéo dài tình trạng chiến tranh lạnh này hơn 4 tháng. Mức độ giận hờn càng gia tăng, khả năng làm hòa càng giảm sút. Và do đó, cơ hội mất chồng của cô sẽ ngày một tăng nếu như tình trạng này không được giải quyết ổn thỏa càng sớm, càng tốt.

Tóm lại, dù gì đi nữa, dù là ai đi nữa, ai thắng, ai thua, theo tôi cô nên khiêm tốn giảng hòa. Hãy nhớ rằng: “Cứng đầu không bằng cứng cổ”. Chồng là đầu, vợ là cổ, nhưng cái cổ quay được cái đầu.
Chúc cô sớm tìm lại được sự bình an và đời sống hôn nhân bớt sóng gió. Người này không phải lo giận hờn. Người khác không còn ngày ngày nghĩ kế đi ăn vụng.
Trần Mỹ Duyệt