Ngày lễ Tạ Ơn của người Hoa Kỳ hàng năm mở ra cho chúng ta một cơ hội để nhìn nhận muôn ơn lành Thượng Đế đã ban cho nhân loại, cho từng người; đồng thời, nhớ đến những ân nhân của mình, những người còn sống cũng như đã chết, những người đã hơn một lần đem lại cho chúng ta nụ cười, ánh mắt thương yêu, hay một sự giúp đỡ dù rất nhỏ nhoi. Tâm lý biết ơn này sẽ giúp chúng ta sống hạnh phúc, hòa hợp với Thượng Đế, với chính mình cũng như với tất cả mọi người chung quanh và làm cho cuộc đời này thêm ý nghĩa, đáng sống.
Để có cái nhìn thế nào là tâm tình biết ơn và cuộc sống chúng ta đang có, đồng thời nhận diện muôn ân huệ mà chúng ta đã và đang lãnh nhận từ Thượng Đế, cách tốt nhất là thử tìm và so sánh mình qua một số những thống kê lượm lặt sau:
- Nếu thu gọn nhân loại trên toàn thế giới xuống một cái làng nhỏ, ta sẽ có cái làng như sau:
57 người châu Á
21 người châu Âu
14 người châu Mỹ (Nam và Bắc Mỹ)
8 người châu Phi
52 phụ nữ và
48 đàn ông
70 người da màu
30 người da trắng
80 người có giới tính bình thường
11 người lưỡng tính
6 người sẽ sở hữu 59% tổng tài sản của làng, và cả 6 người là người Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ
80 người sẽ không có nhà ở tử tế
70 người mù chữ
50 người sẽ không được ăn no
1 người sẽ chết
2 người được sinh ra
1 người có máy tính
1 (chỉ có một người) có trình độ đại học
- Nếu bạn có tài khoản trong ngân hàng, tiền trong ví, và một ít tiền lẻ trong túi, bạn thuộc vào 8% no đủ của toàn thế giới.
- Nếu bạn đọc được những dòng chữ này, bạn sẽ trở nên hạnh phúc gấp 2 lần vì:
Ai đó nghĩ đến bạn
Bạn không nằm trong 2 tỷ người mù chữ
Bạn có máy tính
- Nếu trong tủ lạnh nhà bạn có thức ăn, bạn được ăn mặc tử tế. Bạn có một mái nhà và một cái giường êm ấm, bạn giàu có hơn 75% nhân loại.
- Nếu sáng nay bạn thức dậy khỏe mạnh, vậy là bạn hạnh phúc hơn 1 triệu người, những người không sống được đến tuần sau.
- Nếu bạn chưa bao giờ phải trải qua chiến tranh, hay sự cô độc trong phòng giam của nhà tù. Nếu bạn chưa phải hấp hối vì đói khát, bạn hạnh phúc hơn, may mắn hơn 500 triệu người trên thế giới này.
- Nếu bạn đến nhà thờ, không sợ hãi về một ngày tận thế, hay cái chết, bạn hạnh phúc hơn 3 tỷ người trên thế giới.
Như vậy, nếu có bao giờ chúng ta dành ra ít phút đọc và trầm tĩnh suy nghĩ về những khác biệt qua những con số và hoàn cảnh sống vừa nêu trên, chắc chúng ta không thể nào có thể sống với lối sống và thái độ vô ơn. Hoặc không bao giờ quên nghĩ đến việc phải cám ơn và sống với tâm tình biết ơn. Ngay cả khi chúng ta cho rằng mình đã không may sinh ra trong một gia đình nghèo, lớn lên trong một môi trường nghèo, và hàng ngày phải giao tiếp, vật lộn với cái nghèo của mình, thì việc cảm ơn vẫn là tâm tình và lối sống cần để đem lại cho chúng ta cái nhìn lạc quan về cuộc đời. Vì ngay việc chúng ta có mặt trên trái đất này, cũng như việc chúng ta sống được cho đến giờ phút này đã là một hồng ân lớn lao đến từ Thượng Đế, từ cha mẹ, từ nhiều người. Và do đó, chúng ta phải cám ơn Trời và cám ơn đời.
Tâm lý biết ơn chính là tâm lý sống hạnh phúc. Người càng biết ơn càng thấy mình hạnh phúc vì tất cả những gì họ lãnh nhận được từ Thượng Đế, từ những người khác đều nhắc nhở họ về cái nguồn gốc hạnh phúc mà mình được có. Họ biết rằng họ được thương yêu, và được mọi người giúp đỡ. Cũng như họ biết họ phải làm gì đối với những người kém may mắn và đang cần sự giúp đỡ của họ.
Biết ơn và vô ơn là hai thái độ sống mà chỉ cần quên đi cái cội nguồn của mình, quên đi con người thật của mình là con người rất dễ rơi vào lối sống vô ơn. Vì thái độ và lối sống vô ơn không gì khác hơn chính là chối bỏ tất cả những gì mình đã và đang lãnh nhận từ Thượng Đế, từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên, từ sự giúp đỡ của anh chị em, những người chung quanh, hay từ xã hội.
Đối với những kẻ vô ơn thì mặc cảm nhận ơn dẫn đến lối sống ích kỷ của họ. Những người vô ơn chính là những người không muốn trao ra, không muốn để mình bị ràng buộc bởi thái độ biết ơn để rồi phải trả ơn. Nhưng càng ích kỷ sống cho riêng mình, những người vô ơn càng trở thành nghèo nàn, cô độc, và dĩ nhiên cuộc sống của họ là một chuỗi những bất hạnh. Họ luôn luôn canh chừng có ai đó đến xin xỏ, hoặc cặp mắt họ phải nhìn thấy những hình ảnh đánh động lương tâm mà họ phải ra tay giúp đỡ. Đối với họ, một đồng giúp đỡ người nghèo khó là một nhát giao cắt tỉa vào cái túi tham và ích kỷ của họ. Họ là những người thực hiện đúng nhất câu: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Và chính vì vậy, họ khổ sở, đau đớn mỗi khi bất đắc dĩ phải cho ai, giúp ai dù chỉ là một đồng, hoặc ngay cả đến một ánh mắt yêu thương, một nụ cười cảm thông. Những người vô ơn, do đó, luôn sống trong tâm lý nghèo nàn, co cụm. Họ không có bạn bè. Không có ai thân thiết. Có chăng chỉ là những kẻ dua nịnh, hoặc ghen tỵ chỉ tìm dịp lợi dụng hay vượt qua mặt họ.
“Còn tiền còn của còn đệ tử
Hết cơm hết gạo hết ông tôi.”
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Ngoài thái độ ích kỷ, người vô ơn còn rơi vào tư tưởng tự tôn và tự đại. Họ sống với ảo tưởng cho rằng tất cả những gì họ đang có là đến từ tài năng, trí tuệ, và sức lao công của họ. Ảo tưởng tự mình mà có ấy cũng dẫn đến thái độ chối bỏ tất cả. Không nhìn nhận sự hiện diện của Thượng Đế trong đời sống của mình, người vô ơn cứ tưởng rằng mình là chủ vũ trụ này, là chủ cuộc đời này, và là chủ của chính mình. Do đó, khi việc gì xảy ra không như ý họ muốn, lập tức họ trở nên cay đắng, giận hờn, và thù ghét tất cả kể cả chính họ. Họ sống trong tâm lý bất an, vì có gì mà đến tự chính mình họ bao giờ. Thêm vào đó, tâm lý tự tôn cũng làm cho họ chối bỏ những đóng góp của mọi người. Người vô ơn không hiểu được câu nói: “Không ai là một hòn đảo”. Chính vì tự cho mình là một hòn đảo giữa biển trần mênh mông, nên đời sống của những ngưòi vô ơn rất cô đơn, lạc lõng...
Tóm lại hậu quả tất yếu cho những kẻ vô ơn là cô đơn, nghèo nàn, và bất an. Tâm lý này luôn ám ảnh họ, và vì thế có thể nói họ là những kẻ luôn sống trong bất hạnh.
Ngược lại với thái độ sống tiêu cực của kẻ vô ơn là thái độ tích cực của những người biết ơn. Nó đem lại cho những ai biết ơn một cái nhìn tích cực, lạc quan và hạnh phúc. Họ luôn có lý để vui vẻ, bằng an và thoải mái. Ngay cả trong những lúc gian nan, hoạn nạn, và nghèo khổ người biết ơn vẫn tìm cho mình được ý nghĩa của cuộc sống. Người Việt Nam chúng ta có câu: “Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì chẳng ai bằng mình”. Điều này phù hợp với những con số mà chúng ta vừa trích dẫn ở trên khi so sánh mình với hàng triệu người khác trên thế giới, giầu có, nghèo có, thành công có, thất bại có. Đối với người biết ơn thì chỉ cần một chén nước lã, một củ khoai luộc, hay một chiếc áo cũ cũng đủ làm họ hạnh phúc, không như người vô ơn ngồi trên một núi tiền, ăn uống sơn hào hải vị mà vẫn cứ than nghèo, và vẫn thấy đời mình lạc long, cô đơn.
Trong Thánh Kinh, Luca đã kể lại câu truyện 10 người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành, nhưng chỉ có một người ngoại trở lại tạ ơn Thiên Chúa, và điều này đã khiến Ngài bỡ ngỡ lên tiếng hỏi: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này?” (Luca 17:17-18). Căn cứ vào câu truyện này thì 9/10 trong số những người cùi được ơn chữa lành hôm đó được xếp vào loại vô ơn. Và điều cũng đáng chú ý khác nữa là 9 người ấy lại là những người thuộc dòng dõi Isarel, thân cận với Chúa Giêsu, những người thuộc nằm lòng lề luật biết ơn và họ biết phải đền ơn như thế nào.
Xem đó đủ biết thái độ biết ơn là cần thiết ngay cả đối với Thiên Chúa. Phải chăng Ngài cần đến lời cám ơn khi Ngài là chủ tể càn khôn tạo dựng đất trời và con người, đồng thời ban tràn đầy ơn phúc trên con người? Có! Ngài cần con người bày tỏ lòng biết ơn, vì đây là cách thức con người nhận ra Ngài trong vai trò Tạo Hóa. Việc nhìn nhận này dĩ nhiên không thêm gì cho vinh quang Thượng Đế, nhưng chỉ để giúp cho con người cảm thấy hạnh phúc, bình an hơn mỗi khi đón nhận ơn phúc từ bàn tay rộng rãi của Ngài; và cũng qua đó, xứng đáng hơn với những ơn huệ mà Ngài sẽ tiếp tục ban cho họ. Vì vậy, những người biết ơn luôn luôn tỏ ra hạnh phúc với tất cả những gì họ lãnh nhận, ngược với thái độ vô ơn là luôn luôn phàn nàn, kêu ca và bực tức. Một người mà tôi quen biết đã chia sẻ cảm nghiệm của anh trong thời gian anh đang đi làm, thời gian anh bị thất nghiệp, và sau khi anh tìm lại được việc làm bằng những tâm tình xen kẽ vừa vô ơn, vừa biết ơn như sau:
Theo anh, trong thời gian anh đang có việc làm thì anh luôn bực tức, so sánh, khó chịu với người này, người khác. Không thỏa mãn với những gì mình có, anh cho công việc làm của anh là một bất công đối với anh, và không xứng đáng với tài năng của anh. Chính vì những tư tưởng ấy, anh tìm cách tránh né công việc. Anh đi muộn về sớm. Anh xin nghỉ phép, nghỉ bệnh ngang xương. Đối với anh, một ngày được nghỉ như vậy là một ngày hạnh phúc.
Nhưng rồi tình hình kinh tế khó khăn, anh bị mất việc. Hơn 9 tháng ở nhà, anh thở ngắn, thở dài, bực tức và khó chịu. Anh thấy những ngày nghỉ bất đắc dĩ ấy là những khoảng thời gian vô định. Anh bắt đầu thấy quí cái công việc và thời khắc ở sở. May cho anh, sau thời gian miệt mài tìm việc, anh đã có được một công việc mới. Điều khác biệt ở đây là việc làm mới còn tệ hơn việc làm cũ. Số lương mới thấp hơn số lương cũ. Thời gian làm việc khắt khe hơn, và khoảng cách từ nhà anh đến sở làm mới cũng xa hơn. Thế nhưng anh lại vui vẻ, và hạnh phúc hơn. Cũng vẫn theo anh, cái tâm lý vô ơn và ảo tưởng về cái tôi của anh làm khổ anh. Nay thì anh đã trưởng thành, đã biết người, biết ta nên anh an phận và cảm thấy hạnh phúc. Anh không ngớt cám ơn Trời, cám ơn người vợ hiền luôn sát cánh và khích lệ anh suốt gần một năm anh bị thất nghiệp.
Một khi tự nhận mình là người hành khất của Thượng Đế, họ càng khiêm tốn và sống biết ơn, và từ đó càng làm cho Ngài rộng rãi hơn với những ơn Ngài đã ban tặng: “Kẻ biết ơn sẽ được thêm ơn mới”. Tâm lý sống này rất gần gũi với đời sống thường ngày của con người. Không ai lại tiếp tục cho kẻ vô ơn.
Niềm vui và biết ơn, đem lại cho người biết ơn tư tưởng mình cần phải san sẻ và thông cảm với đồng loại, đặc biệt trước những anh chị em bất hạnh hơn mình. Đây cũng là cách con người bày tỏ lòng biết ơn, vì khi nhận ra mình nghèo nàn và thiếu thốn, họ cũng dễ dàng cảm nhận sự cần thiết và thiếu thốn nơi những người khác. Việt Nam ta có câu: “Lá lành đùm lá rách”.
Khi rộng rãi với anh em mình thì người được hạnh phúc trước hết không phải là kẻ thụ ơn mà là chính người làm ơn. Nó làm cho đời sống bớt cô đơn, và khiến chúng ta sống hạnh phúc, bình an mỗi ngày trong cuộc sống. Người ích kỷ và vô ơn không có cảm tưởng sống này. Do đó, biết ơn còn là cách làm đẹp cho đời, đem lại cho đời sống thêm ý nghĩa và đáng sống hơn.
Lễ Tạ Ơn. Một dịp công khai nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn. Hôm nay, chúng ta hãy ngước mắt nhìn Trời với lời cảm ơn Thượng Đế vì chính Ngài đã đưa chúng ta từ hư vô thành hiện hữu. Đã bao bọc chúng ta bằng muôn ơn lành hồn xác từ khi chúng ta mở mắt chào đời cho đến hôm nay. Hãy nghĩ đến cha mẹ, ông bà để nói với các ngài lời cảm ơn vì công đức sinh thành và dưỡng dục. Hãy cầm lấy tay người vợ, người chồng của mình, nhìn vào đôi mắt ân tình của nhau để khám phá ra món quà quí hóa tuyệt vời mà Thượng Đế đã ban tặng cho chúng ta. Hãy cám ơn đời, cám ơn tất cả những bạn hữu xa gần là những người đã cho chúng ta niềm vui, nụ cười, sự giúp đỡ như những bóng mát trên hành trình cuộc sống. Và sau cùng như một lời cảm ơn chân thành xuất phát từ tâm hồn, chúng ta hãy mở rộng vòng tay, mở rộng con tim trước những thiếu thốn của anh em đồng loại.
Biết ơn. Đó chính là tâm lý sống đem lại hạnh phúc. Hãy sống với tâm lý này mọi ngày trong cuộc sống.
Trần Mỹ Duyệt